Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Mật ánh sáng

Mật ánh sáng

Bà nội nhỏ là đào hát.
Lần đầu tiên gặp nhau trong tiệm nước bên đình, ông nội không cách nào bứt mắt khỏi người lạ. Hai chân rút lên ghế, má tì vào đầu gối, chậm rãi gặm móng tay, da cổ xanh và nhợt nhạt của một người thiếu ngủ lâu ngày. Tiệm nhỏ, khói thuốc thơm quầng quã không tan, phủ lên điệu bộ lười nhác của bà nội nhỏ ít nhiều ma quái. Đàn bà ở Nhơn Thành chẳng ai có cái dáng vẻ vậy, họ tất tả như đã sẵn từ lúc hãy còn là bào thai mẹ đeo lúc lĩu ra đồng.
Sau này khi đón bà nội nhỏ về, suốt ngày bà luôn trễ nãi như mèo. Ông nội mua quế về cho bà gặm thay móng tay, mồ hôi mang theo mùi quế làm người bà lúc nào cũng se cay. Cả xóm hồi đầu trầm trồ làm sao một con đàn bà sống ở cái xứ đồng bãi này lại có thể dậy lúc mặt trời lên quá đọt dừa, ăn nhỏ nhẻ và suốt ngày lừ đừ lử đử. Tuồng như mặt trời làm cho bà phát bệnh, mỗi ngày qua là một cơn mộng du. Nằm võng ngó mưa hay đứng dưới vòm bông giấy không có nghĩa là bà đang thức. Nhóm bếp một lần cũng không, nói chi cơm cấy cơm cày.
Bà nội nhỏ chỉ thật sự thức dậy lúc đêm buông. Ông nội lấy cái đèn măng sông xuống hớn hở châm dầu, bơm cho khí nén chật bung, rồi bùng cháy thành một thứ ánh sáng trắng dạt trôi bóng tối. Ánh sáng này ông nội mua từ cháu cố của hội đồng Quyền với bảy chục giạ lúa cùng một con trâu cày. Ông vẫn tức mình không kịp đổi hai ngọn măng sông còn lại trong mớ gia sản lụn bại theo khói bàn đèn của gã ghiền thuốc phiện kia, trước khi chúng lưu lạc ở một tiệm cầm đồ nào đó ngoài chợ quận. Nỗi tiếc nuối ấy cựa mình khi ông dắt tay bà nội nhỏ đặt chân đến bến sông, cảm thấy hỗ thẹn vì trăng hai mốt không làm cho ngôi nhà và cái xóm Nhơn Thành bớt đi vẻ nghèo nàn tăm tối. Trong một khoảnh khắc nào đó ông nội đã nghĩ nơi này không xứng với người đàn bà mảnh mai đang đi bên cạnh, mặt và lòng tay lạnh dưới trăng. Nhưng bà nội nhỏ vẫn xăm xăm bước, nói mỏi lưng rồi, thèm nằm quá.
Suốt đường về bà không hề hỏi ông đưa bà đi đâu, ông giàu hay nghèo, có bao nhiêu đất. Vợ chồng bầu gánh ôm tiền dong ghe trốn mất ngay khi chưa vãn tuồng. Thời loạn lạc, rã gánh như cơm bữa, nghệ sỹ là bèo trôi đâu tấp đó. Đào kép chửi um lên rồi thấy cũng chỉ mình nghe, quá giang xuồng xã trưởng về ngủ đỡ trong đồn Chẹt, họ phẩy tay “mai tính”. Bà nội nhỏ bị bỏ lại với mấy anh em hậu đài vô danh. Ông nội lại gần người đàn bà mà ba mươi phút trước là con mẹ chủ chứa nhẫn tâm, nói “xuồng tôi đằng kia”. Ông biết tìm bà ở đâu, đơn giản bởi vì chưa bao giờ rời mắt khỏi bà, kể cả lúc bà ngồi vẽ mặt. Cảnh duy nhất trong tuồng Một kiếp phấn hương mà ông nội quan tâm là cảnh bà chủ chứa có cái cười ngọt rợn, đuôi mắt cũng ngọt rợn khi kéo nữ chính vào căn phòng có tên thầu khoán đang chờ. Xuất hiện chừng mười lăm phút, nhưng bà kịp làm cho cả rạp tan nát theo thân phận của cô gái quê kia. Những tình tiết còn lại của vở tuồng ông nội đã thuộc lòng, rằng con mẹ chủ chứa sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Đẩy cô gái rơi vào vòng tay khách làng chơi, thì việc của bà đã xong. Buổi coi hát của ông nội giờ chỉ còn cảnh bà để nguyên bộ đồ diêm dúa đứng ở hậu đài nhìn đắm đuối ra sân khấu. Bà soi gương mặt mình vào chậu nước tẩy trang rất lâu, tuồng như còn nấn ná trước khi từ giã vai diễn. Hình ảnh đó làm ông xúc động, như lúc chiều nhìn thấy bà liếm láp củ khoai luộc nguội ngơ, sợ nó đau. Cho tới lúc hạ màn, bà hát theo tuồng, đôi khi có những đoạn thoại bà còn đi trước họ. Một thằng nhỏ đứng nép bên màn kêu, “má, lại đây nhắc tuồng giùm luôn, ngồi đó ca chi một mình”. Tuổi chỉ đáng em bà, nhưng thằng nhỏ biết cách xưng hô sao cho những cô đào hết thời biết thân biết phận. Nhìn thấy gã đàn ông lẽo đẽo đi theo mình, nhưng bà không chút biểu hiện nào vì vẫn còn loay hoay ở trong vở tuồng sắp vãn.
Lúc đó ông nội chưa tin người đàn bà đó chỉ sống thật sự trước đèn, dù chứng kiến thời khắc sân khấu sáng lên và bà trút bỏ vẻ biếng nhác để cái mầm rạo rực bung nở từ bên trong, biến thành một con người tràn đầy sức sống. Tuồng như cọng tóc cũng nhảy múa. Biết bầu gánh trốn, bà nội nhỏ vẫn tỉnh tươi thu dọn phục trang bạn diễn bỏ tứa trong sân, cho đến khi ngọn đèn cuối cùng của sân khấu tắt ngấm nhấn chìm bà trong thứ bóng tối lờ lợ của trăng già.
Bước xuống ghe của người đàn ông xa lạ, bà nội nhỏ quấn tấm vải viết tên đào kép quảng cáo trước rạp để đỡ ngấm sương. Trên đó không có tên bà, dù chỉ là vài ba chữ nhỏ, dù năm bảy năm trước đây cô Tư Phượng của gánh Mai Hoa Trang còn làm mưa làm gió ở những đêm hội kỳ yên miền Hạ. Giờ bà ngồi mũi ghe của ông nội, đầu lút trong tấm vải phai màu, rời rã như cái đèn cầy sắp cạn đến đáy, tắt queo.
Nhưng ông nội biết cách làm bà cháy lên, với mớ ánh sáng bà được uống, đêm đêm. Tỉnh thức, hít thở, sống động. Chuyện cô vợ nhỏ diễn tuồng dưới đèn măng sông mỗi tối làm tiếng tăm ông nội vang xa, hơn cả hồi ông thừa kế sáu mươi ba công ruộng. Hai cái đèn uống dầu kinh khủng, đó là chưa nói lưới măng sông bên trong – thứ quan trọng nhất của cây đèn – cũng rất đắt tiền. Nhưng từ bà nội nhỏ về, nhà không đêm nào không sáng. Dân cốt cựu ở Nhơn Thành vẫn còn nhớ quãng đó cứ chạng vạng là bà già con nít rủ nhau tới nhà ông nội coi đào Tư Phượng hát cải lương. Hồi đầu bà ca diễn một mình, sau có thêm mấy nhỏ trong xóm thay nhau làm tiểu đồng, tì nữ. Như thiêu thân, chạng vạng là cả xóm lao đến nhà ông nội bởi thứ ánh sáng không thể cưỡng lại nổi của những màn ca diễn xốn xang. “Xóm Nhơn Thành mình chưa bao giờ sáng giống như vậy”, một người già lim dim nhớ. Cái ánh sáng không phải từ đôi đèn, mà còn từ người đàn bà xa lạ, không quá khứ tấp vào xóm nhỏ này, mỗi đêm thắp lại thân phận của những người đàn bà khác. Họ đổ bóng lên nhau, một Lan vùi chôn xác bướm khô với ảo tưởng có thể quên được tình nhân, một Thoại Khanh lận đận tìm chồng, một Thị Kính ngồi trong chùa ru con thiên hạ, một Thị Minh nấu bữa cơm cuối cùng cho chồng và con trai trước khi nhảy xuống sông trầm mình. Tiếng hát của bà cực mảnh và cong, nhưng an lòng người nghe bởi cảm giác nó dai không có gì có thể bứt đứt. “Hai nấm mồ song song/ để xuân hạ thu đông/ dẫu mưa nắng dãi dầu/ cùng hứng chịu chung đôi”, chỉ mấy câu kiểu vậy thôi mà những chéo khăn, vai áo của đàn bà Nhơn Thành đã thấm bao nhiêu nước mắt.
Lúc đó bà nội đang cất lên cái vó ròng ròng nước.
“Cô Tư Phượng đây từ giờ sống với tôi”, câu nói một khuya của ông nội ngay thềm cửa đã đẩy bà nội ra chòi vó cất chới ngoài sông. Từ chối cái ánh sáng mà vợ nhỏ của chồng tự cháy để ban phát cho người Nhơn Thành, bà nội giữ riêng hai ngọn đèn chong đỏ lói quét cái tóc khói đen ngòm. Một treo đầu vó để dẫn dụ cá tôm (đâu phải chỉ con người mới đam mê ánh sáng), đèn kia bà vặn nhỏ lửa, đặt trong chòi. Khói đèn ám đến đường chỉ thêu uyên ương trên gối. Tháng mười gió trở ngọn, đòng đưa tiếng hát của bà nội nhỏ ra sông, bà nội múc nước xối vào lòng nước, át đi thứ âm thanh vọng từ bờ. Tuyệt không lên nhà vào buổi tối, bà nội khiến kẻ có mặt trong những đêm hát phải sống trong cảm giác bứt rứt bởi đã đứng về phía cô đào tỏa nắng dưới đèn. Họ thấy mình đang phản bội người đàn bà hiền hậu đang cất vó dưới sông kia.
Tàu sắt Mỹ cứ vài ba bữa đi tuần ngang qua vó sông, năm ký tép đất bà nội đổi được lít dầu trắng. Bữa nào bắt được con Sầu Ngư trên chục ký bà đòi năm bảy lít. Lần được thưởng hơn hai chục lít bà đã cất cái vó nặng khủng khiếp, gãy cả bốn gọng, nằm co trong lưới là một xác lính Mỹ say rượu té sông. Mớ dầu đó bà mang lên nhà, nuôi sáng hai ngọn đèn măng sông của ông nội. Ngày vô bếp nấu hai buổi cơm canh, thời gian còn lại trong ngày bà nội cắp nón ra ngoài rẫy. Lỡ vô tình đụng mặt bà nội nhỏ ngoài hè, bà nội chỉ gật đầu cười, hỏi “mạnh giỏi, cô?” như gặp một người xa xứ lâu về. Không tỏ ra hằn học với người đàn bà riêng của chồng, bà nội cũng chẳng khóc.
Nhà có nhiều người khóc lắm rồi, bà nội nói, mỗi khi có ai hỏi đận đó bà có tủi thân không. Hơn một lần ông nội ra chòi vó, nước mắt ràn rụa. Chập tối ông say rượu, tự nguyện làm cái chuông kêu leng keng lúc chàng Điệp gọi người yêu đang lánh đời trong chùa. Bà nội nhỏ tức thời ra bộ cắt đứt dây chuông. Ông tiếp tục leng keng, bà nội nhỏ bỏ tuồng, đi vô buồng một nước. Sáu tháng sau khi rời gánh hát, bà nội nhỏ vẫn diễn cho ra diễn, không phút nào trửng giỡn dưới đèn. Nhưng giống như dân Nhơn Thành bắt đầu coi cô đào là một người hàng xóm, ông nội cũng lẫn lộn người vợ mở nút áo mình lúc nửa đêm với những cô nàng bà nội nhỏ hóa thân.
- Trước sau gì cổ cũng bỏ đi thôi.
Ông nội trệu trạo than cùng bà vợ lớn. Ngồi cạnh ông, bà im lặng, lâu lâu rướn người cất lên một vó đầy sao, bà không kể hai lần thấy người ta khóc khi ghe hát ngang qua kêu ô - pạt - lưa dậy động hai bờ “Tối nay đoàn Sóng Giang hát Kiếp nào có yêu nhau, bớ bà con cô bác!”. Cơn mộng du của cô đào hát tưởng không có gì xuyên thấu, kể cả lửa hôm cháy nhà xuồng, nhưng chỉ tiếng rao mà đâm thủng tới tim.
Cái ngày vắng bóng người thương ông nội đã lường trước, nhưng hôm bà nội nhỏ bỏ đi rồi, ông vẫn buồn sát chiếu. Bà nội bưng cái đèn hột vịt đỏ lòm đi vào gian buồng mà gần hai trăm đêm rồi bà không ghé qua, bưng theo chén cháo trắng với ít tép rang. Ông nội vẫn gác tay trên trán, không thèm mở mắt. Bà nội soi muỗi trên vách mùng, kêu “ăn lấy sức chờ, biết đâu người ta quay về”. Rồi bà lẹt quẹt lê dép ra. Bằng cách nào đó, bà nội đã nuôi ngọn đèn nhỏ của riêng mình bền dai bởi chỉ cần đi quá nhanh, hay thở quá mạnh cũng làm chúng tắt phụt giữa chừng.
Một ngày khô ráo giữa mùa mưa năm sau, tàu đò chạy từ Ngã Bảy về gởi cho ông nội một em bé chừng ba tháng tuổi. Gói trong mớ tã là thơ của bà nội nhỏ, ghi rằng bà chưa kịp đặt cái tên tử tế cho nó, lúc sinh ra tới giờ bà gọi nó là chó con. Nhìn đứa trẻ ngo ngoe giữa đống khăn, một ý nghĩ lạnh tanh xuất hiện trong đầu ông nội, “chắc gì là con mình”. Chỉ bà nội ôm đứa nhỏ vào lòng, cho nó bú bầu sữa căng ướt của mình, tin như đinh đóng cột, nói “mặt mũi thằng nhỏ sáng trưng vầy, sao không phải?”.
Một buổi tối của hai sáu năm sau, bà nội quyết định nói ra trong hai thằng nhỏ đu đưa trên bầu vú mình khi đó, có một đứa không phải con của ông nội.
Nguyễn Ngọc Tư
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...