Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Nàng thơ giấu mặt của Joseph Brodsky

Nàng thơ giấu mặt của Joseph Brodsky

Joseph Aleksandrovich Brodsky (1940-1996) là nhà thơ Nga đoạt giải Nobel Văn học năm 1987. Các tác phẩm chính của ông gồm: Vĩnh biệt, hãy quên, đừng trách cứ gì nhau, (tập thơ, 1957), Khúc bi ca lớn gửi Donne John (tập thơ, 1963), Thơ và trường ca (1965), Trạm dừng trong sa mạc (tập thơ, 1970), Kết thúc thời tốt đẹp. Thơ những năm 1964-71 (tập thơ, 1977), Những khúc bi ca La Mã (tập thơ, 1982), Những bài tứ tuyệt mới gửi Augusta (tập thơ, 19830… Ngoài ra, Joseph Brodsky là tác giả của một số tập tiểu luận, kịch… Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà thơ (24/5/1940 -29/5/2020), xin giới thiêu vài nét về mối tình sâu nặng của ông với nữ họa sĩ Marina Basmanova.
Những ai quan tâm tới nhà thơ Nga Joseph Brodsky, giải thưởng Nobel văn học, dễ nhận thấy ông hay đề tặng thơ cho một người phụ nữ có tên viết tắt là M.B. Có lẽ, xét về số lượng thơ đề tặng một người, không ai sánh kịp Brodsky trong nền thơ ca thế giới. M.B là Marina Basmanova – người yêu Leningrad của Joseph Brodsky, nữ họa sĩ, một trong những nhân vật kỳ lạ và bí ẩn nhất trong số những người quen biết của nhà thơ. Marina không bao giờ trả lời phỏng vấn, không gặp gỡ các nhà báo, không mở cửa cho cả những người quen, không nói chuyện điện thoại với kẻ lạ. Chỉ còn lại một bức ảnh duy nhất của con người bí ẩn này, khiến chúng ta rất khó ta hình dung về nhan sắc của cô. Chúng tôi cảm thấy ở đây có một sự bất công nào đấy: Những người hâm mộ chân chính của nhà thơ vĩ đại cho đến tận ngày hôm nay hầu như không biết gì về người phụ nữ đã đóng một vai trò quan trọng trong số phận của nhà thơ và tạo nguồn cảm hứng cho nhiều dòng thơ tuyệt bút của ông.Để khắc phục sự bất công đó, hai nhà báo Vyacheslav Nedoshivin và Yury Lepsky của tờ “Báo Nga”  đã gặp và phỏng vấn một số bạn bè của Joseph Brodsky hiện đang sống ở Moskva và Petersburg. Vì nhiều lý do, các nhân vật này xin được giấu tên. Tôn trọng nguyện vọng của họ, trong bài viết sau đây, chúng tôi trích dẫn các ý kiến trong ngoặc kép.
Người đẹp im lặng
Marina sinh trưởng trong một gia đình họa sĩ khá nổi tiếng. Bố là Pavel Ivanovich Basmanov, từ những năm 30 của thế kỷ trước, là một trong số những họa sĩ tài năng. Mẹ là Natalya Georgyevna, hoạ sĩ đồ họa. Theo một số nhân chứng, Marina tuy không được học hành một cách bài bản, nhưng cô có năng khiếu hội họa, tiếp thu nhanh các bài học của bố mẹ, thậm chí còn giúp đỡ mẹ trình bày một số cuốn sách.
Ngày 02 tháng 01 năm 1962, sinh viên nhạc viện, nhạc sĩ tương lai Boris Tischenko, giới thiệu Marina với Joseph Brodsky. Tischenko cho biết rằng Marina là người yêu của mình. “Đó là một cô gái có đôi mắt màu xanh lục, vầng trán cao, mái tóc màu hạt dẻ, da mai mái, với những đường gân xanh nổi trên thái dương – Marina trông rất đẹp”. Bạn gái của Brodsky, nữ thi sĩ Lyudmila Shtern, viết rằng Marina trông như người thiếu máu. Một cô gái nhút nhát, không tỏ ra sắc sảo. Đôi khi trong cặp mắt xanh lục của cô thấp thoáng một vẻ ngơ ngác nào đó.
“Cô ta gầy, cao, giọng nói thì thào, không có âm sắc đặc biệt. Đôi khi Brodsky ngồi cạnh Marina, nghe cô ta nói gì đấy, quay sang và âu yếm hỏi: “Chúng mình thì thầm cái gì ở đây nhỉ?”. Một lần Joseph Brodsky cùng cô đến chơi nhà ai đó. Đã muộn, sau 11 giờ đêm. Họ đọc thơ, uống rượu vang Gruzia và ra về lúc 2 giờ đêm. Khi đến, Marina nói “xin chào”; ra về, nói “tạm biệt”. Thế thôi! Suốt cả buổi tối, cô không nói thêm câu nào nữa!”.
Marina mang theo một cuốn sổ và thỉnh thoảng ngồi vẽ cái gì đấy. Ít ai nhìn thấy cô ta vẽ gì trong cuốn sổ đó.
Nữ họa sĩ Marina Basmanova và thi sĩ Joseph Brodsky
Vì Marina hoàn toàn im lặng, còn Joseph thì không bao giờ chia sẻ những gì họ nói với nhau, cho nên rất khó hiểu ở cô có điều gì hấp dẫn Brodsky đến thế. Theo lời kể của nhà thơ Bobyshev, Marina có thể bàn luận rất say mê và thông minh về hội họa. Một số người cho rằng quan điểm của cô chịu ảnh hưởng của họa sĩ nổi tiếng kiêm nhà lý luận mỹ thuật Vladimir Sterlingov, học trò của họa sĩ nổi tiếng Kazimir Malevich, và bạn của bố mình. Người ta thường thấy Marina ở nhạc viện. Dĩ nhiên, cô là người am hiểu âm nhạc, ngay cả trước khi Joseph bắt đầu quan tâm tới các tác phẩm âm nhạc cổ điển.
“Marina có mái tóc dày, thẳng, dài quá vai. Cô không chỉ đẹp mà còn thuộc về kiểu phụ nữ luôn luôn hấp dẫn Brodsky. Ngay cả sau khi chia tay với Marina, bên cạnh ông vẫn là những người phụ nữ kiểu đó. Ví dụ như Veronika Shilts, nữ phiên dịch và chuyên gia ngôn ngữ Nga người Pháp mà ông gắn bó một thời gian khá dài. Vợ ông, Marya Sotstsani – Brodskaya cũng giống Marina Basmanova”.
“Marina và Joseph thích đi dạo chơi, họ thường đến thăm vợ chồng Lyudmila và Viktor Shtern sống gần đó, uống trà, sưởi ấm. Họ mang hoa đến, cười nói vui vẻ. Joseph không bao giờ rời mắt khỏi Marina và say đắm dõi theo từng động tác của cô: khi cô hất mái tóc, khi cầm chén trà, cả khi soi gương…”
Joseph có yêu Marina không? Mọi người đều nói – tất nhiên. Tuy vậy, một  người bạn của nhà thơ cho rằng tình yêu thực sự chỉ bùng cháy khi Brodsky cảm thấy có thể đánh mất cô, khi có một người thứ ba can thiệp vào chuyện tình của họ.
Phản bội
Thật thú vị, tại sao chỉ còn lại một bức ảnh duy nhất của Marina? Tại sao không một ai trong số bạn bè, người quen của Brodsky có thể cho chúng ta xem dù chỉ một bức ảnh của Marina? Phải chăng Brodsky không bao giờ chụp ảnh Marina, phải chăng không sót lại một bức ảnh tình cờ nào cô chụp chung với  bạn bè trong các cuộc gặp gỡ? Sau đây là những câu trả lời.
“Marina rất không thích chụp ảnh, nói chung cô ấy không thích xuất hiện chỗ đông người. Bao giờ cô ấy cũng thích ở trong bóng tối, bao bọc trong màn sương mù. Thậm chí cô ấy còn nghĩ ra một thứ mật mã để mã hóa những ghi chép của mình”.
“Tất nhiên, Joseph có thể chụp ảnh Marina. Về lý thuyết, điều đó hoàn toàn có thể. Hơn nữa, họ thường hay đi dạo với nhau trong thành phố. Mà Joseph lại biết chụp ảnh. Sau khi ra đi, Brodsky để lại khá nhiều phim âm bản chụp những chuyến dạo chơi với Fey Vigzel, cô người yêu mà ông định cưới. Có những âm bản chụp với Fey trong lúc đi chơi ở Pháo đài Petropavlovskaya. Không có âm bản nào ghi lại hình ảnh Brodsky với Marina Basmanova. Có thể, nhà thơ đã hủy bỏ chúng?”.
Brodsky và Marina thường hay đến chơi nhà một người bạn của họ, nhà thơ Dmitry Bobyshev. Nhưng một lần vào cuối năm 63, Marina đến đó một mình. Cô yêu cầu đóng cửa lại. Họ ngồi với nhau rất lâu trong bóng tối. Bobyshev cảm thấy khó xử, bèn mời cô đi chơi ở điện Smolnyi…
Ít lâu sau, Bobyshev nhận được lời mời đến chơi nhà Marina ở phố Nikolskaya. Marina sống trong góc sân khấu phòng khiêu vũ. Ở đấy có bàn làm việc của cô, chiếc giường, tủ, và trên những bức tường trắng là một dòng chữ bí ẩn được mã hóa. Đó là câu châm ngôn của cô. Bobyshev đề nghị cô giải mã dòng chữ. “Tồn tại chứ không phải vật vờ”, – Marina  đọc. Anh ta ghi nhớ các kí hiệu. Và khi về nhà đã dễ dàng giải mã dòng chữ của Marina ghi trên cuốn thơ Pháp mà cô đề tặng anh: “Gửi thi sĩ yêu thích của em. Marina”.
Mấy ngày sau, Marina nói với Bobyshev rằng muốn đón năm mới 1964 với anh. Tất nhiên, anh ta đồng ý và chỉ cho cô cách đi đến biệt thự ở Komarovo, nơi anh ta sống lúc bấy giờ.
50 năm sau,  chúng tôi tìm đến ngôi nhà gỗ hai tầng có mặt tiền hướng về phía vịnh Phần Lan. Tất cả vẫn y nguyên như cũ. Điều gì đã xảy ra ở đây vào đêm mồng 01 tháng giêng năm 1964?
Bobyshev thông báo với các bạn mình rằng Marina – người yêu của Brodsky (trước khi đi Moskva Brodsky nhờ anh chăm sóc hộ) – sẽ đến. Họ cùng đón năm mới với nhau, chờ mãi vẫn không thấy Marina. Cô xuất hiện khi chuông đồng hồ báo hiệu năm mới đã bắt đầu. Hóa ra, Marina bị lỡ tàu…
Marina cùng với Bobyshev cầm nến đi ra mặt vịnh đóng băng. “Chúng tôi dừng lại, tôi ôm hôn nàng, ngửi thấy mùi tuyết trên tóc… Này nhé, trước tiên anh muốn hỏi một câu rất quan trọng… Câu gì? Thế còn Joseph? Anh ấy là bạn của anh… Anh ấy, hình như, từng coi em là người yêu của mình, có thể bây giờ vẫn coi như vậy, và những người khác cũng nghĩ thế”.  – “Anh nói gì vậy? Em không nghĩ như vậy, còn Joseph nghĩ gì là việc của anh ta…”, – Marina đáp.
Họ cầm nến trở về biệt thự và bắt đầu khiêu vũ. Lửa từ ngọn nến của Marina bén vào dải ruy băng, rồi lan sang tấm riđô. Cố ấy nhìn ngọn lửa đắm đuối và nói: “Đẹp quá!”.
Mọi người bắt đầu dập tắt đám cháy mới bùng lên. Nhưng không ai tha thứ cho Bobyshev trong cái đêm giao thừa cùng đón với Marina Basmanova. Ai cũng biết rằng lúc đó Brodsky đang ở Moskva để trốn một vụ bắt bớ, và hành động của Bobyshev được coi là một sự phản bội. Không ai nói gì về Marina. Ngày hôm sau, mọi người yêu cầu Bobyshev mang đồ đạc rời khỏi biệt thự…
Mười ngày sau ở Moskva, tại căn hộ của nhà thơ Evgeny Reyn, Brodsky biết tin bạn mình Dmitry Bobyshev hiện sống với Marina. Ông vay Reyn 20 rúp và mua vé tàu hỏa đi Leningrad. Mọi người can ngăn Brodsky và  nói rằng đến nơi ông sẽ bị bắt ngay, rằng tòa án đã thông qua quyết định xét xử ông về tội “ăn bám”. Brodsky không chịu nghe. Điều khiến ông thực sự quan tâm là giãi bày với Marina.
Rốt cuộc, Brodsky cũng đến Leningrad. Không gặp Marina, ông tìm đến nhà Bobyshev. Họ nói với nhau những lời thậm tệ nhất và cắt đứt quan hệ mãi mãi. Một tuần sau, Brodsky bị bắt ngay trên đường phố. Ba kẻ mặc quân phục giải ông về đồn công an quận Dzerzhinsky.
Tòa án. Phố Khởi nghĩa, nhà số 38
Chúng tôi xuất trình giấy tờ cho viên công an cạnh cổng ra vào và trèo lên gác hai. Ở đấy, chúng tôi gặp người thư ký vẫn còn nhớ “nhà thơ Brodsky bị xét xử ở phòng số 9”. Họ giải thích rằng phòng số 9 vừa mới được sửa chữa, vì vậy hiện nay trông hơi khác. Chiếc ghế bị cáo mà Brodsky đã từng ngồi hiện nay được bao trong lồng sắt. Tất cả những thứ còn lại, họ nói, vẫn không có gì thay đổi. Căn phòng nhỏ nhắn. 50 năm trước, tại phiên toà xét xử “kẻ ăn bám Brodsky”, chỉ một số người được phép vào đây, trong đó có bố mẹ nhà thơ. Thẩm phán là một bà Savelyeva nào đó, công tố viên xã hội tên là Sorokin. Nữ phóng viên Báo Văn Frida Virdorova cũng có mặt ở đây. Chúng tôi xin trích giới thiệu một số đoạn ghi chép của bà:
“Thẩm phán: Anh làm nghề gì? Brodsky: Tôi làm thơ, dịch sách. Tôi tưởng… Thẩm phán: Không được “tôi tưởng”. Hãy đứng cho đàng hoàng! Anh có công việc thường xuyên không? Brodsky: Tôi nghĩ rằng đó là công việc thường xuyên. Thẩm phán: Hãy trả lời cho chính xác! Brodsky: Tôi làm thơ! Tôi nghĩ rằng chúng sẽ được in. Tôi tưởng… Thẩm phán: Chúng tôi không quan tâm “tôi tưởng”. Hãy trả lời tại sao anh không làm việc”. Brodsky: Tôi có làm việc. Tôi làm thơ. Thẩm phán: Thâm niên lao động của anh? Brodsky: Khoảng chừng … Thẩm phán: Chúng tôi không quan tâm “khoảng chừng”! Brodsky: 5 năm. Thẩm phán: Mà nói chung chuyên môn của anh là gì? Brodsky: Nhà thơ. Nhà thơ – dịch giả. Thẩm phán: Thế ai công nhận anh là nhà thơ, ai liệt anh vào hàng ngũ các nhà thơ? Brodsky: Không ai cả. Thế ai liệt tôi vào hàng ngũ loài người? Thẩm phán: Thế anh có học hành gì không? Brodsky: Học cái gì? Thẩm phán: Để trở thành nhà thơ? Anh có tốt nghiệp trường đại học, nơi người ta đào tạo… anh học ở đâu? Brodsky: Tôi không nghĩ rằng điều đó có thể học được. Thẩm phán: Thế thì làm sao? Brodsky: Tôi nghĩ rằng đó là Trời cho…”
Cuộc đối thoại nổi tiếng diễn ra như vậy. Kết quả là Brodsky bị đưa đi làm giám định tâm thần. Một tháng sau, khi việc giám định không phát hiện ra ở ông dấu hiệu bất bình thường nào, phiên tòa tiếp tục. Quả thật, ở một nơi khác.
Brodsky đứng xoay nghiêng người về phía phòng xử án, ông mặc áo bành tô màu thẫm không cài cúc, quần nhung kẻ và áo len màu hung hung nâu. Thái độ bình tĩnh, đường hoàng, thậm chí có vẻ hờ hững. Sau này, khi đã ở New York, ông nói với Lyudmila Shtern: “Vụ án đó không quan trọng bằng chuyện tình của tôi với Marina. Tất cả sức lực tinh thần của tôi dành hết vào việc vượt qua nỗi bất hạnh đó”.
Quyết định của tòa án ghi: “Căn cứ vào Sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô viết Tối cao… trục xuất Brodsky Joseph Aleksandrovich khỏi thành phố Leningad đến một địa phương đã định để cải tạo lao động bắt buộc trong thời hạn 5 năm. Quyết định này phải được thi hành ngay từ ngày 13/2/64, và không được kháng án”.
Địa phương đó là làng Norenskaya thuộc tỉnh Arkhangensk, nơi một lần Marina đã đến thăm Brodsky.
Xét theo những câu thơ của Brodsky, mối tình của họ đã chết vào năm 1989, khi ông viết bài thơ với lời đề tặng “Gửi M.B” quen thuộc (tạm dịch): “Xin đừng nghĩ xấu về anh. Với giọng nói, thân thể, tên tuổi của em/anh chẳng còn gì gắn bó; không ai đánh mất chúng/nhưng để quên đi một cuộc đời – con người cần ít nhất/một cuộc đời nữa. Và anh đã đi qua đoạn đời này”.
Vào thời điểm đó, Joseph Brodsky đã 17 năm không gặp lại Marina Basmanova.
26/7/2020
Trần Hậu
Nguồn: Rg.ru
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Một ngày đi ươi Tìm trái ươi đúng là không dễ dàng gì. Trái chín từ trên cao theo gió bay xuống có khi nằm quanh gốc cây, khi nằm rải rá...