Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

Ngày xuân ngao du với Bùi Chuồn Chuồn thi sĩ

Ngày xuân ngao du
với Bùi Chuồn Chuồn thi sĩ

Bùi chuồn chuồn là tên gọi mới thi sĩ Bùi Giáng tự đặt cho mình trong “Ngày tháng ngao du” chứ chả phải tôi đặt điều cho thêm giai thoại về ông. Những đôi cánh mỏng chuồn chuồn của Bùi thi sĩ từ đây bay theo một thể điệu siêu lý khác thường. Nó không thuần nhiên nhiếp dẫn cái đẹp của vạn hữu, mà hòa quyện vào máu huyết thi sĩ, con chuồn chuồn mang hồn sứ điệp truyền nhân thi sĩ họ Bùi…
Con chuồn chuồn đầu tiên bay đậu vào trí nhớ ấu thơ của tôi không phải là con chuồn chuồn…dự báo thời tiết bay đầy trên đồng bãi quê nhà: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng bay vừa thì râm, mà là con chuồn chuồn của Bùi Giáng thi sĩ. Và, dường như cũng chưa hẳn là những cánh chuồn chuồn đa tình bay ra từ cõi thơ “Mưa Nguồn” lung linh huyền thoại của ông. Mà là cả một xứ sở đầy đất chật bãi chuồn chuồn bay ra từ “Ngày Tháng Ngao Du” của Bùi Thi sĩ.
Trong thế giới thơ, cho đến cả giảng luận, phê bình, dịch thuật, triết học…đồ sộ có đến hơn 60 đầu sách của Bùi Giáng, ta có thể bắt gặp lác đác nơi sách này hoặc sách kia hình ảnh con chuồn chuồn quen thuộc. Nhưng tôi dám cả quyết rằng: không một tác phẩm nào của Bùi tiên sinh có mật độ con chuồn chuồn đậm đặc như trong ”Ngày Tháng Ngao Du”.
Cố nhiên Bùi Giáng không phải là nhà côn trùng học, ấu trùng học, hay sinh vật học để phân tích ra các loại chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt…Bùi Giáng cũng không hề là một nhà sư thuyết pháp, mượn hình ảnh con chuồn chuồn để diễn dịch cái pháp môn vô ngại, bỡn cợt mà không phải bỡn cợt, nghiêm trang  mà vui vẻ hài đồng. Bùi Giáng cũng không ở vào cái vị thế của nhà phê bình này hay nhà văn kia để lý luận cho ra hình ảnh con chuồn chuồn hàm chứa những mật ngôn mật ngữ, hoặc là cách ví von theo ý Bùi thi sĩ thường đùa ”vui thôi mà” để suy diễn ra, rằng Trung Niên thi sĩ đùa với chữ này, bỡn với chữ kia, cợt nhả với chữ nọ, một cuộc  rong chơi hàm ý giễu với đời.
Thú thật, đọc “Ngày Tháng Ngao Du” của Bùi Giáng bao nhiêu lần là bấy nhiêu lượt tôi trở thành thằng bé con ngu ngơ, chả biết gì, cho dù Bùi tiên sinh có hạ hồi tái bút: “Ngày tháng ngao du đi bước ngu dao nghiêm mật phiêu bồng trong toàn thể phiêu bồng của nó. Không thể tách rời một bài nào ra, để công kích hay tán dương theo lối hồ đồ bác học…”. Nghe thế tôi lại càng không biết gì hơn. Cho đến một lần nào đó, những trang viết bay bổng về ” Con chuồn chuồn” của Bùi thi sĩ bỗng phiêu nhiên ngao du huyền nhiệm lượn lờ vào mắt tôi, ăn sâu vào trí nhớ khó mà tẩy xóa cho hết những đường bay lãng đãng nhiệm màu:
”Bay lơ lửng quanh quanh, ấy là con chuồn chuồn/ Bay mà cũng như không bay, ấy là con chuồn chuồn/ khiến người ta nhớ nhung mà chẳng rõ nhớ nhung cái gì, ấy là con chuồn chuồn/ … Xa vắng thơ ngây hơn cả mây bay hạt lánh, ấy là con chuồn chuồn/ Không hề biết tới Đoạn Trường Tân Thanh, ấy là con chuồn chuồn/ … Mười phương quốc độ đi vào một lỗ chân lông, ấy là con chuồn chuồn/… Không nhớ nhung ai cả, ấy là con chuồn chuồn/ Suốt đêm không ngủ, ấy là con chuồn chuồn/ Ngủ suốt ngày, ấy là con chuồn chuồn/ Suốt đời không hiểu cõi đời, ấy là con chuồn chuồn/… Đến một lúc nào đọc thơ Nguyễn Du, chỉ thấy toàn thiên nhiên phong cảnh, ấy là con chuồn chuồn/ Làm thơ hay hơn ông Nguyễn Du, ấy là con chuồn chuồn/ Làm thơ dở hơn ông Nguyễn Du, ấy là con chuồn chuồn/ Chẳng còn biết sao gọi là hay, sao gọi là dở, ấy là con chuồn chuồn/ Dở tức là hay, hay tức là dở, ấy là con chuồn chuồn/ Hữu tức thị vô, vô tức thị hữu, hữu thị bất- hữu- đích- hữu, vô thị phi – vô- đích- vô, ấy là con chuồn chuồn/ Có tức thị không, không tức thị có, có tức là có – chẳng- có, không tức là không – chẳng – không, ấy là con chuồn chuồn…”.
Vậy đấy, thiên thu vạn ức “Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” đã được Bùi Giáng khắc họa – điểm tô lên hình hài con chuồn chuồn của ông. Như thế hãy còn chưa đủ hả dạ, ông còn mở ra một trường bút dằng dặc khác. Nhưng, những đôi cánh mỏng chuồn chuồn của Bùi thi sĩ  từ đây bay theo một thể điệu khác, nó không thuần nhiên nhiếp dẫn cái đẹp của vạn hữu, mà hòa quyện vào máu huyết thi sĩ, con chuồn chuồn mang hồn sứ điệp truyền nhân họ Bùi ( hẳn là họ với Bùi Giáng). Hay nói cách khác, trong thị lực siêu nhiên của Bùi Giáng, giờ đây từng phận mỏng cánh chuồn chuồn được ông hóa thành thi sĩ mang tên họ Bùi Chuồn Chuồn, bay lượn xiển dương ý thơ của mình.
”Bùi Chuồn Chuồn trụ vô ngại xứ, kỳ tâm tịch tĩnh, do như hư không nhi bao hàm vạn tượng, hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần. Bùi Chuồn Chuồn sinh ra giữa cỏ cây ly kỳ, rong chơi suốt mọi đồi sim cồn lá ruộng đồng bình sinh gay cấn, thong dong làm thơ viết văn vô ngại, ca tụng mỗi một Cô Em Mọi mà thật ra tán tụng mọi mọi cô em trần gian tráng lệ mịn màng, chiêm bao ngợi ca tha thiết…Bùi Chuồn Chuồn xòe cánh bay quanh hiên hè phố chợ Sài Gòn, sẵn sàng dừng chân đáp xuống nhấm nháp rượu trà lai rai…Bùi Chuồn Chuồn ra vào nhà Nguyễn Du như vườn nhà của mình…Bùi Chuồn Chuồn chia xẻ đích đáng tâm tình nữ nhi của Bà Huyện Thanh Quan, giúp bà thoát khỏi cái nhìn tàn phế của con quốc quốc khuôn khổ, của con gia gia vô hồn. Bùi Chuồn Chuồn lượn quanh hình hài tròn trịa của những nàng Mông Rô, y như bay trên đồi sim trái chín…Bùi Chuồn Chuồn mỗi khi buồn bực thiên hạ, muốn chửi, thì thay vì chửi, lại làm thơ gay cấn đầu thai trên vó ngựa gởi về cho núi đá mưa ngàn, để mặc cho thiên hạ hiểu lầm mình mà chẳng thiết tha chi chuyện đính chính. Thì có lẽ như bây giờ lần nữa/ Một bài ca sẽ chuyển điệu khôn hàn/ Lời gay cấn đầu thai trên vó ngựa/ Hồn Hóa sinh về núi đá mưa ngàn. (Bùi Giáng)”.
Trích dẫn một ít hoa gấm trong “Ngao Du Ngày Tháng” cũng là để ta hiểu thêm về những con chuồn chuồn bay rợp trời thơ của Bùi thi sĩ. Có vẻ như không mấy ai lưu tâm đến cái tên họ Bùi Chuồn Chuồn kia. Hỏa ra như Bùi Giáng tự viết về mình: “Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dong phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao…” (Thi ca tư tưởng, Bùi Giáng. Tr 102-103).
Vâng, bấy nhiêu cuộc lữ mang tên con chuồn chuồn đã bay đi giáp vòng mệnh số từ đâu hơn hai mươi năm trước. Bây giờ mùa đông trên những ngõ xưa cố quận, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn khắp trời thanh vắng, như sinh thời Bùi Giáng thi sĩ từng mô tả theo tiết điệu mùa màng vẫn tuần hoàn bay về. Bùi Chuồn Chuồn ơi Bùi Chuồn Chuồn! Thi sĩ đã kịp ký gởi vào vô tận, hay là khoảnh khắc ngẫu nhiên lỡ tay thả cho thơ bay trên cánh mỏng chuồn chuồn. Để từ đó giữa trường thanh âm bất tận tôi lại nghe ra từ cõi thơ huyền nhiệm Bùi thi sĩ – cái bến đỗ cho châu chấu chuồn chuồn bay về bất sá cả thời gian.
10/3/2023
Nguyễn Nhã Tiên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...