Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

Nhà thơ Thanh Thảo: Vụt sáng cùng con ngựa thơ bất kham của mình

Nhà thơ Thanh Thảo: Vụt sáng cùng
con ngựa thơ bất kham của mình

Thanh Thảo là một trong những nhà thơ xuất sắc dù xuất hiện hơi muộn so với các nhà thơ cùng thế hệ (khoảng đầu thập niên 70 của thế kỷ trư­ớc). Nhưng bù lại, nó tạo nên một luồng không khí mới, nói như nhà thơ Chế Lan Viên, đây là một vẻ đẹp mới mẻ của thi ca thời chống Mỹ. Dễ có tới hơn mấy chục năm rồi, kể từ khi cái chùm thơ gần như đầu tiên ấy được in trên tạp chí Tác Phẩm Mới được nhà thơ “đại tướng” Chế Lan Viên nồng nhiệt giới thiệu, nói như cách nói của nhà thơ Xuân Diệu, đó là một niềm vinh dự tự hào không phải người làm thơ nào thời ấy cũng có, với một khoảnh khắc may mắn đầy kiêu hãnh.
Thanh Thảo và Nguyễn Trung Đức thân nhau, thân đến mức chỉ cần bạn chê thơ hoặc chê một nét gì đó của Thanh Thảo, lập tức bạn trở thành “chấy rận” trong mắt Trung Đức ngay! Kể như  thế cũng khiếp thật và cũng đáng yêu thật! Trong khi đó với Thanh Thảo, cái anh nhà thơ lúc nào cũng tếu táo đùa giỡn, coi trời bằng vung, bán giời không văn tự, gọi Rùa bằng Cụ, gọi Cóc bằng Ông, gọi Trâu bằng Ngài, thích trêu chọc, giễu cợt, phiền nhiễu, quấy quả bạn bè, nhất là những bạn bè làm quan chức. Ông có cảm hứng khi đem cái nghiêm trọng ra vung tí mẹt giữa chợ giời, đem cái trọng vọng ở chỗ này ra chỗ kia làm trò giải trí, nhưng bạn cũng chớ đùa, bạn hãy chê Trung Đức một tí xíu trước mặt Thanh Thảo thử coi! Tôi hình dung ra gương mặt vốn rất sáng của ông tối sầm lại, goằm xuống ngay! Ôi thôi, chúng ta hãy coi đó là điều giản dị và bình thường, nhưng quả tình đối với người lạ ắt hẳn cũng sẽ là đặc biệt, dẫu như bạn thấy đấy, trên đầu chúng tôi hai thứ tóc cả một lũ rồi. Hơn thế, anh Đức đã về giời mấy năm nay chứ có còn bé bỏng gì nữa cho cam!
Nhà thơ Thanh Thảo tên thật Hồ Thành Công, hiện sinh sống tại Quảng Ngãi
Lại nói về trường ca Thanh Thảo. Đọc Khối vuông ru – bích ta nhận ra chân dung ông rõ nhất bởi cái chất ngông ngạo thông thái và cả hồn nhiên gần gũi ấm áp của cá tính Thanh Thảo. Nó được tích tụ trong cấu tứ và cả trong cách diễn đạt liên tục mới mẻ. Ông là người ham bạn, ham thơ, nhưng bề ngoài ít ai thấy ông biểu hiện tình cảm với cái sự “ham” ấy của mình. Thậm chí không mấy khi ông thuộc hết những bài thơ mới làm. Ông thua kém các bạn đồng nghiệp ở cái khoản đọc thơ liên miên hết bài này sang bài khác trong tiệc rượu, bàn thơ. Ông không có năng khiêu phô trương đọc thơ, nói chuyện thơ như một vài nhà thơ “thầy cúng” chuyên nghiệp. Nhưng Thanh Thảo lại rất có khiếu “gầy” những cuộc vui bởi chính ông là người rất ham vui. Trong tất cả những câu chuyện giữa chiếu thơ bàn rượu quy tụ bạn bè, dù trong Nam hay ngoài Bắc, ở đâu ông cũng là tâm điểm gây cười. Lối sống thiên về cảm tính lại nhạy bén trước những biến thiên của đời sống xã hội và cả của con người cá nhân, dù nhiều năm sống ở tỉnh lẻ, ở nơi khuất nẻo, trái đường, nhưng ông  đâu có nhuốm mùi tỉnh lẻ ngu ngơ trước những thông tin mới nhất của thời cuộc. Đặc tính nhạy cảm trời cho và máu chịu chơi, chịu sống với bè bạn hết mình khiến ông đến đâu cũng được bạn bè ngưỡng mộ và chiều chuộng.
Thơ ông đằm dần theo thời gian, nhưng lại thỉnh thoảng làm ta giật mình vì những bứt phá. Từ Một người lính nói về thế hệ mình đến Thử nói về hạnh phúc như tuyên ngôn của cả thế hệ trong hai thời điểm khác nhau của cuộc sống. Từ Trẻ em ở Sơn Mỹ trữ tình và bi thương đến Hà Nội nhìn từ phía tôi mang tâm trạng của người thấy Hà Nội không còn là Hà Nội thanh lịch mà giờ đây Hà Nội trở nên đầy trắc trở. Rồi Đêm trên cát xuất thần ngẫu cảm… Thanh Thảo là một nhà thơ không bao giờ chịu ngồi yên “trên lưng con ngụa thơ bất kham” của mình. Ông luôn luôn tự làm mới mình bằng chính cuộc sống của ông giữa nhân dân và những chuyến đi xa về gần cùng bầu bạn và thơ. Trong lao động nghệ thuật của thi sĩ, không phải lúc nào cũng bình lặng, cũng xuôi chèo mát mái. Nhưng chuyện ấy chưa phải là đáng sợ, cái đáng sợ nhất, ấy là sự lặp lại chính mình. Đúng thế, nếu không muốn lặp lại ắt phải biết mình đang đứng ở đâu và muốn vượt qua “nó” anh ta cũng phải thế nào! Đối với Thanh Thảo, và có lẽ không chỉ riêng Thanh Thảo, đó là tâm trạng chung của những người lao động sáng tạo chân chính mỗi khi hoàn tất một công việc và đến với một công việc mới, đó là sự bị hẫng hụt. Thanh Thảo gọi tâm trạng của ông hồi viết xong Khối ruông ru-bích là sự rỗng cảm giác. Nó đã đẩy ông đến chỗ tưởng như chẳng còn gì để làm nữa. Ông trở thành một con người khác. Bên ngoài ông như kẻ bán trời chỉ còn cái xác, cái vỏ, kẻ “lưu lạc” trên quê hương mình. Những cuộc tụ tập bạn bè, nhậu nhẹt vỡ trời, đọc thơ thâu đêm, tán thưởng nhau thâu đêm triền miên hàng năm trời không bù đắp được khoảng trống bên trong tính cách ngang tàng của kẻ “không còn gì” ấy. Tôi cứ bị ám ảnh mãi bài thơ Ôi KaLa của ông sau một đêm chúng tôi uống ở cổ viện Chàm Đà Nẵng:
…ôi kala! kala!
ta ngước nhìn vực thẳm
dưới chân mây lộn nhào
ta âm thầm lau bụi
tháng năm dường chiêm bao
 
ôi kala! kala!
ta là kẻ bán trời
mua niềm vui nhỏ giọt…
Kala là một loại tượng mặt nạ cổ Chàm. Đó không phải là một hiện vật quý hiếm, tuy nhiên cực kỳ biểu cảm và đẹp đến mê hồn. Theo cách lập luận của chúng tôi hồi ấy, đối với khối lượng tượng cổ Chàm khổng lồ ở Đà Nẵng mà chúng tôi được biết, và cả theo cách “biết” của chúng tôi do nhà dân tộc học, “nhà” Chàm học Trần Phương Kỳ giới thiệu. Nó còn được lưu giữ nhiều trên khắp các miền Chàm Trung bộ. Thực tình khi ấy chúng tôi (tôi và nhà văn Thái Bá Lợi, nhà thơ Ngô Thế Oanh) bị tính cách mạnh của Thanh Thảo cuốn theo không chỉ trong đời sống hàng ngày mà cả trong quan niệm sáng tác. Thanh Thảo là người mê thơ văn và cuộc đời Cao Bá Quát cũng như mê tâm hồn cao khiết từng trải đầy tâm trạng trước thời cuộc bất trắc của một tính cách phóng túng ngang tàng, một trang tài tử nho gia nhiều khát vọng yêu nước thương nòi.
“trên đất nước trận bão đen tàn lụi
bầy châu chấu từ đâu về che kín mặt trời…”
Cao Bá Quát trắng đêm cùng những tâm tư quằn quại.
“Những giọt nước mắt
 tắt nhanh trên cát …”
và để đi đến:
“Ta sẽ trở lại
dù phải húc đầu vào đá
để mở cưả…”
Thuở còn là tân binh của trại sáng tác Khu Năm, tôi cũng nhiều lần được ngồi uống với Thanh Thảo, Thu Bồn, Thái Bá Lợi, Ngô Thế Oanh. Đôi lúc vui chuyện ngà ngà, bốc lên, chúng tôi hùa theo ông nâng cốc với vầng trăng trên sân thượng sau khi ông và Thu Bồn cùng hét vang đòi tắt điện, đòi trả thiên nhiên về với thiên nhiên. Chuyện nhỏ ba mươi giây! Tắt điện thì điện tắt. Ngay lập tức chính chúng tôi cũng bị ngập chìm vào không gian mê hoặc của thơ Cao Bá Quát, của phong cách Cao Bá Quát. Thanh Thảo là người có sức cuốn hút bạn bè vào mê lộ tình cảm của mình, mặc dù ông rất kém cái khoản đọc thơ quảng trường, rất yếu diễn thuyết trước đám đông như một vài nhà thơ chuyên nói chuyện thơ bằng đôi ba bài có sẵn như thầy cúng. Thanh Thảo cũng không phải là kẻ có lối sống lập dị buông tuồng, bất cần đời, nhưng ông sống hết mình với người thân với bạn bè trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh. Chưa bao giờ tôi thấy Thanh Thảo bi quan trước một hoàn cảnh nào, kể cả khi ông bị lâm nạn gẫy chân. Kể cả sau khi sáng tác xong trường ca Khối vuông ru-bích có tính chất đột phá vào chính thể loại sở trường của ông. Sự cách tân cả về cấu trúc lẫn đổi mới tư duy sáng tạo khiến ông lâm vào tình trạng “chẳng con gì để viết!”.
Tư chất thông minh và bản tính khôi hài hóm hỉnh của ông đã dìu ông ra khỏi trạng thái rỗng của một người mẹ mới qua cơn vượt cạn  vừa thỏa thuê sảng khoái thái quá lại vừa như hẫng hụt kinh hoàng. Nó dìu ông, hay nói đúng hơn, nó đã bốc ông ra khỏi chính sự kiệt sức và cơn ngộ nhận tài năng để đem ông trở lại với đời thường của người lao động tìm tòi đích thực đầy khốc liệt. Có lần cùng nhà thơ đàn anh Tế Hanh về quê, trong một cuộc đàm đạo, hai ông nói với nhau về cuộc đời và thơ văn Cao Bá Quát. Thanh Thảo buột thốt lên: Tôi phải viết một cái gì đó về Cao Bá Quát! Đó chỉ là một câu bỗng dưng, nhưng chính đó là khoảnh khắc chín mồi cho bài thơ dài Đêm trên cát sau đó của ông. Ông là nhà thơ không khoan nhượng với cái cũ, dù đôi khi có những cái mới, mới chỉ là manh nha, thậm chí mới chỉ là tín hiệu mong manh, ông cũng hết lòng ủng hộ. Thanh Thảo là người có năng lực tự phù phép lôi cuốn chính bản thân mình ra khỏi những cơn mê để rồi tái tạo nó, dựng nó lên thành điểm tựa cho những cảm xúc sáng tác đầy ngẫu hứng. Tài năng, thông minh không phải là tất cả. Ông biết và ông chế ngự được nó tự nhiên, cũng tự nhiên như ông huy động được cảm hứng khích lệ những cơn bột phát xuất thần không hẹn không tìm kiếm không cố gắng phấn đấu, không mời mọc lôi kéo nhưng khi nó tới thì quyết vồ bằng được, không buông tha, không một li nhân nhượng. Xét cho cùng, những điều đó, tất cả đều thuộc về tấm lòng của người lao động. Mọi sự phát sáng đều bắt nguồn từ đó, tuy nhiên không có tài năng thì làm sao phát sáng! Vì thế tôi gọi Đêm trên cát là một kệt tác của phong cách thơ vụt sáng không phải chỉ có ở Thanh Thảo, nhưng Thanh Thảo đã vụt sáng.
27/2/2023
Trung Trung Đỉnh
Nguồn: Báo Văn Nghệ 2.2023
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...