Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Nhận diện một giọng thơ qua tác phẩm "Biên bản thặng dư" của Phùng Hiệu

Nhận diện một giọng thơ qua tác phẩm
"Biên bản thặng dư" của Phùng Hiệu

Đành rằng nghệ thuật dụng ngôn là thứ chẳng thể thiếu vắng trong thơ, nhưng “Biên bản thặng dư” đã chỉ ra cho mọi người thấy một điều rằng trái tim và sự sẻ chia của người với người mới là thứ trân quý nhất…
Tập thơ “Biên bản thặng dư” của Phùng Hiệu gồm 41 bài, do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2019. Trước và sau khi tác phẩm được Hội Nhà văn TPHCM trao tặng thưởng, đã có khá nhiều bài viết về tập thơ này, đáng kể nhất là các bài “Sự thật của nhà thơ”của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, và “Phùng Hiệu – Niềm riêng rét cong từng ngọn lửa tàn” của nhà thơ – nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, và những bài khác.
Nguyễn Quang Thiều cho rằng “Mọi sự thật diễn ra trên thế gian này là sự thật dành cho thơ ca, nuôi dưỡng thi ca và xác lập tư cách nhà thơ. Nhưng sự thật lớn hơn thế là sự thật trong trái tim nhà thơ trước đồng loại. Và nhà thơ Phùng Hiệu đã mở ra sự thật ấy”. Lê Thiếu Nhơn thì bày tỏ “Thơ có nhiều cách để dự phần và để tồn tại. Dắt thơ lặn lội qua tăm tối cõi người, để thơ được bật sáng, cũng là một cách thú vị. Và Phùng Hiệu đã chọn lựa cách ấy, để bày tỏ sự thao thức của nhà thơ!” Thiết nghĩ, xác quyết của hai nhà thơ “có máu mặt” trong làng văn đương đại về tác phẩm “Biên bản thặng dư” như vậy là đã đủ đầy, trong bài viết này, tôi chỉ thêm một chút, gọi là rau dưa mà thôi.
Thành thật mà nói với nhau rằng hiện tại văn chương nói chung và thơ nói riêng đang mất giá trong lòng bạn đọc. Vẻ như xã hội vật chất càng tiện nghi bao nhiêu thì đời sống tinh thần càng hoang vu bấy nhiêu. Có lẽ chẳng phải ở ta, mà trên thế giới cũng vậy. Lối sống coi cá nhân là trung tâm vũ trụ đã khiến người ta ích kỷ, nhỏ mọn, văn chương chữ nghĩa trở nên phù phiếm. Sự đồng cảm, sẻ chia về thân phận con người vắng bóng trong thơ. Hơn nữa lại có quá nhiều phương tiện cho người ta giải trí. Vẻ như sách in ra chỉ để tặng, chứ chẳng bán được bởi chẳng ai mua. Thậm chí sách được tặng cũng chẳng đọc. Mạo muội tôi nghĩ lười đọc nhất là các nhà văn. Hình ảnh người viết bật màn hình điện thoại đọc thơ do mình sáng tác đã trở nên hết sức gần gũi thân thuộc. Người sinh ra chúng còn chẳng nhớ, trách sao bạn đọc thờ ơ với thơ của chúng mình. Trong một bối cảnh như vậy, Phùng Hiệu đã tìm ra cho mình một lối đi riêng. Hiệu không sa đà vào những tình cảm sướt mướt ủy mị mà hướng ngòi bút vào giới cần lao. Tôi cho rằng chưa có tập thơ nào mà những mảnh đời bình dị xuất hiện dày đặc như trong “Biên bản thặng dư”. Trong một khoảng thời gian đủ dài, những cuộc đời ấy gần như vắng bóng trong thơ. Đó là chị thợ may, người bán vé số, cô gái bán hoa, người quét rác, người lao động trên công trường, người đàn bà góa ở công ty cao su, người lượm ve chai, chị công nhân quét rác… Cái chất thơ-phóng sự cứ bàng bạc trải theo con chữ: Kẽ hở bình minh, Nghịch lý viên gạch, Giấc mơ hiện thực, Sự giao cảm của tưởng thức, Quy hoạch tự do, Em vẫn lớn lên, Ném đá, Phía sau bức tường giải tỏa, Biên bản thặng dư, Sự mất tích của người công nhân, Sa thải một giấc mơ, Phía sau ánh đèn lừa dối… Phùng Hiệu không gào thét, cũng chẳng điệu đàng, vẻ như thấy sao viết vậy, nghĩ sao viết vậy, nhưng rốt lại chính cái lối viết chẳng màu mè ấy lại tạo cho “Biên bản thặng dư” cái duyên riêng, chẳng lẫn vào thơ người khác. Cái duyên ấy, tôi nghĩ chính là ở sự sẻ chia một cách rất tự nhiên, rất tự thân, giữa người với người. “Trong khu rừng già cỗi cơn đau/những tán lá cao su ngủ quên trên mái nhà tạm bợ/nơi vách tường bằng đất/ rét cong từng ngọn lửa tàn” (Tiếng nấc trong khu rừng cao su); “Đêm giao thừa khói bếp lạnh như đông/nhìn lũ trẻ mơ về nhau chiếc áo/nơi chái bếp xuân về dăm ký gạo/với dưa cà cơm mắm đợi mùa sang” (Tết của người công nhân góa phụ); “Đêm giao thừa em hát khúc tha phương/giữa cuộc đời/chông gai/bí mật!” (Sau lưng tiếng kẻng công trường); “Bỗng một hôm/em nhận ra mình đứng nơi góc phố/cung đường ngã giá về đêm” (Phía sau ánh đèn lừa dối). Thiết nghĩ một khi thơ được viết bằng trái tim, lời lẽ có thể thế này thế kia nhưng luôn khiến ta xúc động.
Tập thơ “Biên bản thặng dư” của Phùng Hiệu
Tình thương mến và sự sẻ chia của người với người là chủ đạo trong tác phẩm của Phùng Hiệu, nhưng “Biên bản thặng dư” không chỉ có vậy. Ở một số bài, tính luận đề về cái hậu ngôn từ, về cái thiện, cái ác, tình yêu quê hương, được khắc họa khá sinh động trong thơ Phùng Hiệu: “Những con chữ nhảy múa trên cánh đồng ngôn ngữ/cho cảm xúc tuôn, cho lãng mạn trào/ta mới biết cuộc đời còn có tình yêu và câu thơ sót lại” (Nhấp phím); “…Đừng hỏi tại sao/có những vần thơ được rót từ đáy cốc/khi nhìn vào chiếc ly/tôi thấy cả sông ngòi và đại dương trong đó/chảy miên man hình tượng ngôn từ…chợt một ngày tôi nhận ra tôi/từng lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa/tôi nghe được tiếng hát của mưa/tiếng cười của nắng/tiếng nói của cỏ cây/tiếng rên của mây/tiếng buồn của đất/tiếng núi đồi hoa cỏ yêu nhau!/tôi nghĩ thế giới này có thể sẽ mất đi/nhưng còn lại vần thơ nhân cách” (Ngôn ngữ lên ngôi). Những vần thơ này giống như tuyên ngôn về thơ của Phùng Hiệu. Khi đọc mấy dòng này, tôi mường tượng ra chàng thi sĩ đang tự lục vấn mình, rốt cuộc thì trên cánh đồng ngôn ngữ cái gì sẽ còn lại, và chàng ta “à” lên sung sướng khi phát hiện ra thứ còn lại sau rốt ấy chính là “vần thơ nhân cách”. Nói thế, tức là tác giả đã có hẳn một triết lý sống, một triết lý sáng tạo, nó phải vì con người và cho con người. Tôi thích câu thơ kiểu “tiếng núi đồi hoa cỏ yêu nhau” hơn là “vần thơ nhân cách”, bởi không chỉ mắt mà hầu như mọi giác quan đều cảm nhận được cái sự hoa cỏ yêu này. Chúng ngả vào nhau, rối vào với nhau, và tôn nhau lên. Tình yêu quê hương, niềm tin vào cuộc sống và sự thiện lương của con người được Phùng Hiệu biểu đạt khá đẹp trong Sự lãng mạn và cái ác, Em vẫn lớn lên, Dấu chân Bình Lộc, Biên bản chủ quyền, Di nguyện. Đọc mấy bài thơ này thấy trong lòng lạc quan lắm. Tôi xin nói thêm một chút về Di nguyện. Ngoài đời, được biết Phùng Hiệu đã hiến thân cho khoa học. Trong thơ, Phùng Hiệu biểu đạt tâm tư tình cảm của hành động này bằng bài thơ Di nguyện. “Nếu tôi chết xác thân này dâng hiến/đừng chôn tôi hoang phí một nấm mồ/trong di ảnh khắc hai từ di nguyện/để linh hồn luôn hát khúc hư vô” (Di nguyện). Trong cõi nhân sinh, hát khúc hư vô là hát “có mà không, không mà có” (Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb VH-TT, 1988). Lời lẽ bài thơ giản dị, như một khúc tâm tình, một lời nhắn nhủ. Đọc Di nguyện, thấy rõ Phùng Hiệu ở cuộc đời thực và Phùng Hiệu trong thơ là một, rất xúc động, thấm thía.
Đành rằng nghệ thuật dụng ngôn là thứ chẳng thể thiếu vắng trong thơ, nhưng “Biên bản thặng dư” đã chỉ ra cho mọi người thấy một điều rằng trái tim và sự sẻ chia của người với người mới là thứ trân quý nhất. Khi sự đồng cảm cất lên, thì chính là lúc người ta cảm thấy mình được an ủi nhất. Tôi nghĩ Hội Nhà văn TPHCM đã rất công tâm khi tặng cho tác phẩm của Phùng Hiệu giải thưởng thường niên của Hội, mở ra một lối nhìn, một lối cảm thụ thi ca mà có những khoảng thời gian dường như bị quên lãng.
6/6/2019
Cao Chiến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...