Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Nỗi khắc khoải kiếm tìm bản thể trong truyện của Nguyên Minh

Nỗi khắc khoải kiếm tìm bản thể
trong truyện của Nguyên Minh

Nguyên Minh như một chứng nhân sinh động cho một thế hệ cầm bút từ trước 1975 ở Miền Nam: lãng tử, tinh tế,tài hoa, nội lực thăm thẳm, dấn thân cùng văn chương chỉ bởi coi văn chương như hơi thở để duy trì sự sống. Song, trên hết đó là sự hội tụ lấp lánh những giá trị nhân cách của người làm văn chương, một đời lặng lẽ, âm thầm, cô đơn sáng tạo và dâng tặng cuộc đời những tinh túy chắt ra từ con chữ – đó chính là khối kim cương tinh thần mà Nguyên Minh và những bạn văn thuộc thế hệ cầm bút của ông đã đóng góp vào “dòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc.
1. Trong Màu tím hoa mua1 Nguyên Minh tâm sự: “Tôi vẫn mang cảm xúc hoài niệm xót xa một thời đã qua từ không gian này sang một không gian khác…Tôi như nhịp cầu nối giữa hai tạp chí văn học trước và sau 1975 giữa Ý thức và Quán Văn”. Nguyên Minh ví mình như “nhịp cầu nối” liền mạch dòng chảy giữa “Ý thức” và “Quán Văn” (hai tạp chí đều do ông “đóng vai chủ biên”), có thể coi đây là sự xác quyết nhân vị của một Nhà văn chân chính, suốt đời “sống chết với văn chương chữ nghĩa như một cái nghiệp mà mình phải trả”2. Cho đến nay nghiệp văn chương của Nguyên Minh đã trải qua nhiều đoạn trường, với biết bao cung bậc buồn, vui… Định mệnh thôi thúc ông cầm bút như con người cần phải hít thở khí trời để sống. Sáng tác của Nguyên Minh đa số là tự truyện. Những tự truyện của Nhà văn như tấm gương phản chiếu chính hành trình Sống và Viết của ông qua cả hai giai đoạn trước và sau 1975: Đám tang Đa Đa (Ý Thức xuất bản, Sài Gòn, 1971, Nxb. Hội Nhà văn tái bản, năm 2019); Căn nhà hoang (Ý Thức xuất bản, Sài Gòn, 1975); Tưởng chừng đã quên (Thư ấn quán –HK-2006, Nxb. Thanh niên, 2007); Ngôi nhà số 11, (Nxb. Thanh niên, 2009); Màu tím hoa mua (Nxb. Thanh niên, 2014); Dòng sông trong trí nhớ (Nxb. Hội Nhà văn, 2018)… Đọc Nguyên Minh, có thể dễ dàng nhận thấy chân dung tinh thần của nhà văn hiện lên khá chân thực: nhà văn luôn sống với những kỷ niệm về một thời trai trẻ khắc khoải bao nhung nhớ, yêu thương với những người thân yêu, có cả khổ đau, tuyệt vọng và hạnh phúc, hy vọng… để rồi từ đó âm thầm, lặng lẽ, cô đơn sống và viết. Và đây cũng là một trong những nội dung tiềm ẩn nhiều giá trị nhân văn cần được khám phá khi đọc văn chương của Nguyên Minh.
2. Có thể nói, ấn tượng lưu lại trong lòng bạn đọc sâu sắc nhất qua các thiên truyện của Nguyên Minh là sự hoài niệm của ông với quá khứ. Nhân vật “tôi” đã dành nhiều tình cảm cho người mẹ bao dung, người cha khắc nghiệt, cô bạn láng giềng thời thơ ấu, những người bạn cùng say mê văn chương thời thanh xuân…Nhưng đặc biệt hơn cả là sự trở đi trở lại như những giấc mơ đẹp nhưng mang nỗi buồn day dứt khôn nguôi về một tình yêu đầu đời dang dở, và hình ảnh của một “tôi” cô đơn, lặng lẽ Sống và Viết trong dòng đời mải miết trôi về phương vô định. Điều này cho thấy “con người bên trong con người” nhân vật “tôi” – tác giả không hề đơn giản – đó là con người mang nội tâm phức tạp, luôn được đặt trong rất nhiều hoàn cảnh, tình huống, sự lựa chọn, là con người “nếm trải” nhiều cung bậc cuộc sống…
Thường, ai cũng có một mối tình đầu, một sự mất mát nào đó của tình yêu, và thời gian trôi đi, vết thương đau có lẽ cũng lành dần, bớt đi nhức nhối. Nhưng với nhân vật “tôi” thì có lẽ không như vậy. Nhiều truyện trong tập Màu tím hoa mua (Bức tranh, Chốn xưa, Đêm Noel trong đời tôi, Bèo trôi giữa dòng, Sông Seine và tôi…) chúng ta bắt gặp “tôi” luôn luôn trong trạng thái không giấu nổi xúc động mỗi khi bắt gặp ở đâu đó, ai đó, cái gì đó… có chút gợi nhớ về kỷ niệm với “người tình xưa”. Một bản đàn, một câu chuyện, một tấm khăn quàng, một căn gác nhỏ, một màu hoa tím, một âm thanh dẫu chỉ mơ hồ …đều khiến “tôi”  hoài niệm người yêu nhỏ bé của mình. Hình ảnh ánh mắt người yêu xa vời vợi luôn ám ảnh, luôn bám riết tâm tư nhân vật người kể chuyện. Phải chăng sự trở đi trở lại của một bóng hồng trong nhiều tác phẩm của Nguyên Minh như một cái cớ để người kể chuyện muốn chia sẻ với bạn đọc về một điều gì bí ẩn của tiềm thức?!
Có lúc người yêu trở về trong mộng mà ngỡ như thật: “Tôi đang ngủ, chập chờn trong giấc mơ, tiếng hát trầm trầm đâu đó vang vọng, tiếng đàn đệm ghi ta êm ái, cùng ai đó gọi tên tôi. Rất khẽ. Như thầm thì. Hình như trời đang mưa. Từng giọt, từng giọt rơi ướt mi người con gái mang tên T. mà tôi đã yêu đang run rẩy đứng trước cửa nhà tôi đã đóng kín. Tôi như kẻ mộng du, lần theo cầu thang bước xuống, ngang qua những hàng ghế trống tiến đến để mở cửa đón T vào”3; Có khi hình ảnh nàng lại tràn ngập trong âm thanh, ánh sáng: “Những buổi, nằm lắng tai nghe xem có tiếng guốc ai đó đang bước nhẹ lên cầu thang gỗ như hôm nào cũng dưới cơn mưa này em đến thăm tôi. Đôi môi em ngượng ngùng khi thốt lên tiếng gọi khẽ với tôi bằng anh thay thế tiếng “chú” trong những ngày đầu mới quen”4; Trăng vẫn sáng…ánh trăng chiếu vào đôi mắt ngây thơ của người con gái làm tôi mang mặc cảm mình là kẻ có tội khi kéo nàng vào cuộc tình lãng tử của tôi. Tôi hẹn T sau năm năm chúng tôi sẽ vợ chồng. T gật đầu chấp thuận. Nhưng một cơn gió thổi làm tóc nàng bung ra, T.nắm chặt tay tôi, nói rất khẽ: “Em sợ tình mình…” Tôi không muốn nghe tiếp, sợ như một điềm gở (…) chúng tôi chia nhau, mỗi người một ngả. Tôi bỏ cái thị xã bé nhỏ này, vào Sài Gòn làm báo. T. Cũng bỏ thị xã này đi xa…”5; Và, nhiều khi phải tinh tế lắm mới lắng nghe trong muôn vàn âm thanh những chuyển động của bước chân người yêu dấu: “…Trong cuộc tình của tôi với T, những cơn mưa và những bước chân nhẹ nhàng của người yêu cũng hòa lẫn nhau tạo thành những âm thanh buồn bã…”6 … “Đôi mắt người nữ ấy chiếu thẳng vào tôi. Nàng như hóa thân thành người tình năm xưa từ một khung trời xa lắc bỗng hiện về, đang bước tới, từng bước chân nhẹ nhàng, từ từ ngồi xuống đối diện với tôi. Và còn em. Cuộc tình đã lỡ…”7.
Nhân vật “tôi” – tác giả cứ chân thành kể chuyện tình của mình như vốn có, không dấu diếm, không e dè, kiểu cách làm màu… có cảm giác theo sự mách bảo, chỉ dẫn của cảm hứng, “tôi” luôn chìm vào trong tiềm thức để hồn nhiên bộc bạch những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất trong tâm hồn. Tại sao bao năm tháng đi qua, “tôi” vẫn luôn ám ảnh, xao xuyến, day dứt, đau buồn về một tình yêu và một bóng hình một người con gái mà từ lâu đã “mỗi người mỗi phương trời cách biệt”? Phải chăng quay về với cội nguồn, đào sâu vào bản thể hồn mình là một ứng xử nghệ thuật nhất quán trong các tự truyện của Nguyên Minh, và điều này tạo nên lực hấp dẫn, dẫn dụ bạn đọc đồng hành cùng tác giả. Trong câu chuyện tình yêu dở dang của “tôi” có chút gì của chính chúng ta – bạn đọc?! Trong âm u sâu thẳm của ký ức, tự phân thân mình để mơ tưởng, để đối thoại với người yêu, để cố gắng níu giữ tất cả những kỷ niệm êm đềm, hạnh phúc và đau khổ… không muốn một sự mất mát, chia lìa nào… phải chăng con người ấy đang khát thèm một hơi ấm tình người – một chỗ dựa tinh thần trong mênh mang cõi đời buồn nhiều hơn vui, bạc bẽo nhiều hơn sự chung tình? Nhiều giấc mơ tình ái trở đi trở lại hỗn loạn trong tâm tưởng đã hé lộ cho chúng ta thấy nhân vật “tôi” như luôn sống ở những phút giây tận cùng của trạng thái cô đơn trong một thế giới đầy bi kịch, bất trắc và biến ảo khôn lường. Hình bóng người yêu thoắt ẩn, thoắt hiện hư hư thực thực là minh chứng chứng tỏ thế giới xung quanh “tôi” đang bị bao phủ bởi ảo giác. Đó là một thế giới ảo – cuộc đời là một tấn “tuồng ảo hóa” đầy phi lý; hạnh phúc vừa có đó, “em” vừa tồn tại đó nhưng cũng có thể tất cả sẽ tan biến vào hư không?! Tất cả đều nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Và “tôi” nhiều khi ngẩn ngơ, bất lực bởi chính mình: “Tôi đã lỗi hẹn bao nhiêu lần, tôi đã bỏ nàng đứng chơ vơ giữa trời mưa. Tôi không nhớ nổi hình dáng nàng…”8. Những thảng thốt giấc mơ của nhân vật “tôi” phần nào cho thấy sự dằn vặt, hoang mang, lo âu trong thế giới tinh thần của tác giả khi đối diện với thế giới vô thường.
Song, từ những khắc khoải với bao nhung nhớ yêu thương, có lẽ trên hết và sâu thẳm nhất trong tiềm thức nhân vật “tôi” – tác giả Nguyên Minh chính là tiếng “gào thét” của tâm hồn một con người mang nhiều nỗi ưu tư và giàu lòng trắc ẩn, một con người tự trọng, luôn mong muốn đi tìm bản thể của chính mình, để hiểu mình là ai trên cõi đời này. Khi một con người luôn khát vọng truy tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai? Thì cũng đồng thời đó là con người có ý thức  hướng đến những giá trị tích cực của đời sống.Tình yêu thánh thiện đầu đời tan vỡ, đối với “tôi”  đó là sự mất mát quá lớn, nó tạo nên “cú sốc” tâm lý mạnh, để lại một vết thương lòng không thể nào bù lấp dẫu năm tháng phủ sương mờ…Đúng như sự khẳng định của các nhà phân tâm học, yếu tố vô thức có vai trò rất quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật, nó là những dự phóng tạo nên sự thăng hoa trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Quy luật trên với Nguyên Minh cũng không là ngoại lệ, những “ẩn ức”, ám ảnh, những tình cảm dồn nén luôn tiềm ẩn một xung năng vô thức mạnh mẽ trong ông: “Tôi viết trong cơn mê đồng bóng. Cuộc đời đã cho tôi biết bao điều khổ đau cũng như hạnh phúc cận kề. Tôi đón nhận cả hai và tôi xin cảm ơn đời. Tôi đã trải nghiệm qua cuộc sống. Tôi viết ra như trả nợ người. Tôi viết ra như trả nợ đời. Thế thôi”9. Và, một khi nhà văn đã an nhiên lựa chọn cầm bút như một định mệnh để “trả nợ người” thì khi đó nhà văn đã thuộc về thế giới của thiên thần với tâm hồn trong sáng, thánh thiện. Nguyên Minh đã ung dung với cuộc chơi văn chương chữ nghĩa trong tâm thế của một lãng tử đam mê văn chương, coi văn chương như là một nhu cầu tự thân, thiết yếu của sự sống. Chính vì lẽ đó nên đọc Nguyên Minh, chúng ta còn nhận thấy nhân vật “tôi” luôn sống trong thế giới của riêng mình, một thế giới không có sự can thiệp của “đám đông” – một sự cô đơn để sáng tạo và để khẳng định nhân vị của người cầm bút, “cô đơn của thân phận không ai có thể sẻ chia” (Nguyên Sa).
Cũng như nhiều nhà văn Miền Nam trước 1975, Nguyên Minh sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh đất nước, quê hương ở trong một thời kỳ lịch sử nhiều biến động, mỗi cá nhân trải nghiệm những đau thương, mất mát, chia lìa bởi chiến tranh. Trước thời cuộc nhiễu nhương, tràn ngập điều phi lý, nhà văn đã chọn cách ứng xử của riêng mình, dùng văn chương để “trả nợ đời…trả nợ người” – “trả nợ” đối với Nguyên Minh là để được giãi bày tình cảm, chia sẻ những nỗi niềm cảm thông, thương yêu tha thiết với cuộc đời, với con người. Có lẽ vậy nên phủ khắp các thiên truyện của Nguyên Minh như Dĩ vãng ôm đầy, Căn nhà hoang, Chuyến xe khắc nghiệt, Miền hoang vu, Bàn tay… mang nỗi hoang mang, cô đơn của con người chịu tổn thương tinh thần nặng nề do áp lực chiến tranh. “Tôi” – nhân vật tự truyện của ông cũng là hiện thân chính cuộc đời ông, phần lớn đắm chìm trong hoài niệm buồn bã về một thời  đầy ám ảnh  “biết bao điều đau khổ, ê chề”10. Dù là những câu chuyện kể trong thời hậu chiến thì lắng lại vẫn âm u hoài niệm về một không gian “trong tận cùng ký ức của tôi, hình như ngày xưa em đã một lần mặc áo tím hoa mua đến thăm tôi một chiều mưa lê thê (….) nhìn ngọn đồi phía xa, tôi bàng hoàng tìm dấu tích…đồi vắng cũng bị thời gian cùng chiến tranh đã biến thành cát bụi”11.
Đọc Nguyên Minh, có thể nhận thấy rất rõ nhân vật “Tôi” – Nguyên Minh luôn hóa thân, trộn mình vào những trạng thái cảm xúc của người khác, đặt mình ở những tình huống trớ trêu của số phận để thấu hiểu đến tận cùng những tấn bi kịch của con người: “Trời đọa đày tôi sao, cả hai đứa đều chết, mà anh em ruột thịt bắn giết lẫn nhau (…) Hai anh em Hữu đều là bạn tao, tên Hòa theo bên kia, Hữu ở nhà nuôi cha đi dân vệ để được ở trong xóm làng. Một cuộc tấn công quận lỵ, sau một đêm kinh hoàng, buổi mai xác chết đôi bên nằm đầy trong sân quận. Hai xác chết mà mọi người trong xóm làng rúng động đó là anh em Hòa Hữu, hai tay nắm chặt lấy nhau, hai tay còn lại cầm súng và hai lưỡi lê cắm vào bụng nhau, bốn mắt mở to trừng trừng, ông già nhận được xác con vuốt mắt cho lũ con nhắm khép lại. Khi hai đứa nhận được nhau thì đã trễ phải không?”12.
Trong cái nhìn của “tôi” cuộc đời cũng giống một Chuyến xe khắc nghiệt và trên chuyến xe là hình ảnh con người tơi tả, ngẩn ngơ:  “Mỗi buổi chiều tắt nắng một lão già, áo quần rách tả tơi, tóc bạc phếch, vai mang cái đòn gánh, mỗi đầu treo lủng lẳng thân cây chuối mục, chân bước xiêu vẹo, còn hai bẹ chuối đập vào sau lưng, đập vào trước ngực, và lão kể lể, khi cười khi khóc: “Ngủ yên đi con, ngủ yên đi hai con, sao cứ đụng cha hoài vậy, ái đau, để cha cõng thằng Hòa đã chứ, rồi mới đến lượt thằng Hữu, tụi bay không chịu hả, làm gì cũng cùng cả hai, đúng là anh em sinh đôi, thôi thì để cha cõng hai đứa một lượt. Hai thằng con cười đùa thích thú chưa… Lão đứng sựng, nét mặt thay đổi quá đột ngột, đang cười đó lại khóc sướt mướt…”13.
Hình ảnh người cha lang thang phát điên phát dại vì những đứa con thân yêu chết vô nghĩa được tái hiện rõ đến từng chi tiết nhỏ,  như một thước phim quay chậm, cảnh đời đau thương,  người cha bước đi thập thõm, “xiêu vẹo” trong mỗi buổi chiều chạng vạng hoàng hôn, lời ông “kể lể”, dỗ dành những cậu con trai chỉ còn trong hoài niệm, trong tưởng tượng …tất cả như cắt cứa trái tim bạn đọc. Phải là người trải đời với tận cùng nỗi đau, phải là người yêu thương người như yêu thương chính mình mới “trả nợ đời” được những dòng như thế.
Sau cuộc chiến con người còn lại điều gì? Câu hỏi day dứt khiến nhân loại chưa bao giờ yên ổn. Đọc Nguyên Minh, chúng ta hiểu thấm thía hơn: chiến tranh và sự hủy diệt tàn bạo của nó là không gì đo đếm. Qua chiến tranh, cái còn lại với con người là một đống hoang tàn, đổ nát. Con người phải đối diện với nỗi tuyệt vọng, sự mất mát về tuổi trẻ, tình yêu, thân xác,  đặc biệt là sự đứt gãy, tổn thương không gì có thể bù lấp về tinh thần. Gặp trong tác phẩm của Nguyên Minh là con người mất phương hướng, thảng thốt: “Thà một mình tôi trong căn nhà không người, không một đồ vật còn hơn bao quanh tôi những người thân quyến của tôi: cha tôi, mẹ tôi, anh tôi, em tôi, nhưng tất cả đều xa lạ với tôi. Hai mươi năm trời tôi sống như vậy. Tôi sống mà như đã chết rồi đối với người thân. Tôi đưa tay sờ lên mắt, lên tai, lên mũi, lên tóc tôi. Thân thể tôi đây. Tôi đưa tay che miệng và la lên: Hoàng ơi! Hoàng ơi! Những tiếng vọng lại và nhỏ dần chạy từ phòng này sang phòng khác, thành một điệp khúc. Hoàng ơi! Hoàng ơi!”14; Có lúc con người  phân thân, tự lòng mình vang lên những câu hỏi giằng xé:  “Ôi hai mươi bảy năm trôi qua tôi đã sống, đã yêu đã ghét, đã ước mơ và đã thất vọng ê chề, hai mươi bảy năm qua bao khuôn mặt người thân khắc sâu trong tim giờ đã chết đã đi xa. Còn lại ai?”.15
Còn gì khốn khổ hơn khi ngôi nhà, nơi lẽ ra cho ta hơi ấm tình thân mỗi ngày để tiếp sức cho ta sống bị biến thành “nhà hoang”,  ta lạc lõng, cô đơn, vật vờ trong chính ngôi nhà của mình; Còn gì bất hạnh hơn khi người ta triền miên trong trạng thái “sống mà như chết”,  bị xa lạ đối với chính mình và những người thân yêu của mình. Thế giới quay đảo, loạn lạc này còn có ý nghĩa gì đây khi “tôi” còn không tin vào sự hiện diện của chính mình?! “Tôi” tồn tại hay không tồn tại?  Hoàn cảnh chiến tranh đã đẩy số phận con người đến tận cùng của sự bi đát, nỗi đau thương. Trước mắt “tôi” chỉ còn một thế giới đổ nát, hoang lạnh;  tương lai chỉ là một bầu trời xám xịt, mờ sương của một “miền hoang vu” ngập tràn hư ảnh… Sự hoang mang, bế tắc “chơ vơ ngã xuống vực sâu” của “tôi” phải chăng cũng là trạng thái tinh thần của cả một thế hệ thanh niên đi qua cuộc chiến hãi hùng?! Hãy lắng lòng, chia sẻ và cảm thông, bạn đọc sẽ nhận thấy vọng lên từ sâu thẳm câu chữ của Nguyên Minh là tinh thần phản đối chiến tranh, là khát vọng hòa bình tha thiết, là những triết luận nhân sinh sâu sắc về ý nghĩa xung quanh khái niệm “sống” và “chết” của một đời người.   Nguyên Minh cũng như nhiều nhà văn, nhà thơ miền Nam trước 1975 cùng thế hệ đều khắc khoải chung một giấc mơ: “Đêm nay, mọi người sẽ trải qua một giấc mộng đẹp? giấc mơ thiếu bóng dáng khuôn mặt chiến tranh, hận thù. Tôi cầu mong như vậy”16. Giấc mơ khao khát hướng về “Cánh đồng rộng mênh mông. Khung trời bao la. Những dòng sông nước trong. Những ngọn đồi xanh cỏ mọc…”17 – đó là những giấc mơ vượt ra khỏi đường biên hạn hẹp của một đời sống cá nhân, đó chính là một mạch ngầm tư tưởng mang giá trị mỹ cảm sâu sắc xuyên suốt hành trình sống và viết của Nguyên Minh, là khởi nguồn để nhà văn  không gục ngã, không khuất phục,  “thoát khỏi nỗi cô đơn đã từng nhấn chìm mình trong bao nhiêu năm”, để dũng cảm, bền bỉ, “thủy chung” một tình yêu với văn chương, lựa chọn sáng tạo văn chương như để trả nợ đời, trả nợ người. Trên cả đau buồn, sự tuyệt vọng và nỗi cô đơn tưởng chừng giết chết con người là tình yêu thương, lòng vị tha, bao dung và thái độ sống tích cực: tất cả cho Con Người và vì Con Người. Và đó, phải chăng cũng chính là thông điệp mang ý nghĩa nhân bản, nhân văn nhất mà những trang văn của Nguyên Minh muốn trao gửi cùng bạn đọc?!
3. Cả một đời trăn trở, đau đáu, bền bỉ với văn chương, Nguyên Minh từ trước những năm 1975 đã được nhiều bạn văn biết đến với vai trò là người tổ chức biên tập, xuất bản, truyền bá văn chương nhưng ông cũng được nhiều bạn đọc biết đến với vai trò sáng tác văn chương. Trên văn đàn dân tộc suốt mấy chục năm qua, những người dấn thân với văn chương cùng một nỗi đam mê “máu lửa” như Nguyên Minh quả là ít ỏi, đáng trân quý vô cùng! Mỗi lần nhớ đến Nguyên Minh, tôi lại hình dung ra căn gác nhỏ ở một con phố khuất nẻo giữa Sài Gòn, nhớ dáng người nhỏ thó của ông lui cui giữa muôn vàn trang bản thảo của bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước gửi về, nhớ giọng nói thật hiền và nụ cười ấm áp… đọc những trang viết của Nguyên Minh tôi như lạc vào miền đất lạ với bao miên man suy ngẫm về một nhà văn đã lặng lẽ sống và sáng tạo văn chương qua những tao đoạn lịch sử nhiều biến động của dân tộc. Nguyên Minh như một chứng nhân sinh động cho một thế hệ cầm bút từ trước 1975 ở Miền Nam: lãng tử, tinh tế,tài hoa, nội lực thăm thẳm, dấn thân cùng văn chương chỉ bởi coi văn chương như hơi thở để duy trì sự sống. Song, trên hết đó là sự hội tụ lấp lánh những giá trị nhân cách của người làm văn chương, một đời lặng lẽ, âm thầm, cô đơn sáng tạo và dâng tặng cuộc đời những tinh túy chắt ra từ con chữ – đó chính là khối kim cương tinh thần mà Nguyên Minh và những bạn văn thuộc thế hệ cầm bút của ông đã đóng góp vào “dòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc. Xin mượn câu văn của Nguyên Minh để kết lại bài viết này như một sự chia sẻ với những khắc khoải yêu thương tưởng chừng chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim ông: “tôi phải viết ra những gì tôi ấp ủ trong lòng từ bao nhiêu năm của cuộc đời tôi về những người đã đi qua đời tôi như một nón nợ cần phải trả. Nếu không, như có một vật gì nặng nề đè lên trái tim tôi làm tôi ngạt thở.Và tôi sẽ chết”18.
Chú thích:
1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,17. Nguyên Minh, Màu tím hoa mua Nxb. Thanh niên, HN..2014. tr.227,69,62,126,130,60,198,198,200,206,209,199.
12,13,16. Nguyên Minh, Chuyến xe khắc nghiệt – Căn nhà hoang, Ý Thức xb, TP HCM. 2005, tr.81,84,81.
14.15. Nguyên Minh, Những Khuôn mặt tình , Bàn tay, Căn nhà hoang, Ý thức xb, TP.HCM. 2005, tr.50,17.
17,18. Nguyên Minh, Ông bạn già, Màu tím hoa mua, Nxb. Thanh niên 2014, tr.199,31.
15/9/2020
Cao Thị Hồng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...