Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Đọc văn từ đời văn của Ngô Thảo

Đọc văn từ đời văn của Ngô Thảo

“Nghiêng trong bóng chiều” do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành là một trong ba cuốn sách của nhà phê bình văn học Ngô Thảo tính ra trong năm 2020, đánh dấu cột mốc tuổi đời tám phần mười thế kỷ. Hai cuốn tiếp nữa là “Bốn nhà văn nhà số 4” đăng ký in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn và “Lặng lẽ đời văn” ở Nhà xuất bản Văn học…
Ông Ngô Thảo là người nổi tiếng trong văn giới thủ đô và cả nước bởi sự quảng giao yêu thương chăm sóc bạn hữu đồng nghiệp. Nhiều người, trong đó có tôi, hay gọi đùa ông là “chị Thảo” vì cái tính chăm chút lo toan cho mọi người, và cả vì đôi khi ông cũng nổi cơn rầy la giận dỗi người này người kia rất chi là… phụ nữ. Tôi nhớ đã nghe một đồng nghiệp cùng thế hệ ông nói ra lời ước muốn được chết sau ông Thảo để còn được ông lo cho mình tang ma chu đáo. Dẫu sau này hai ông có bất hoà thì cái ước muốn rất đời đó vẫn là có thật. Nói thế để nói Ngô Thảo sống trong đời sống là một người tình nghĩa.
Ông từng là lính trước khi bước vào nghiệp phê bình văn chương ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Rời áo lính ông chuyển sang sân khấu, có đến ba khoá liền làm Phó Tổng thư ký của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Giờ ông đã sang tuổi 80 sống vui an nhàn cùng gia đình và hầu như không ngày nào là không tụ hội với các đàn em nam thanh nữ tú viết báo, viết văn ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, ở bất kỳ nơi nào ông đến.
Ngô Thảo viết phê bình văn chương bằng vốn sống đời lính pháo binh thời chiến, bằng kiến thức một thời khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, bằng những học hỏi ở các nhà văn lớn được tiếp xúc thời ở nhà số 4 Lý Nam Đế (tạp chí Văn nghệ Quân đội) và bằng những chiêm nghiệm suy nghĩ của một người con Vĩnh Linh (Quảng Trị) vốn mê văn sách từ nhỏ. Ông chủ yếu viết về văn chương cách mạng và kháng chiến, đặc biệt tập trung vào đội ngũ những nhà văn mặc áo lính. Cuốn sách phê bình đầu tay của ông ra năm 1978 có tên là “Từ cuộc đời chiến sĩ”.
Tập sách “Nghiêng trong bóng chiều” của Ngô Thảo
Cuốn “Nghiêng trong bóng chiều” tiếp tục mạch viết chính này của ông. Trong 27 bài của cuốn sách thì già nửa là những bài Ngô Thảo viết chung về hành trình đội ngũ nhà văn đi qua hai cuộc chiến tranh và viết riêng về một số khuôn mặt nổi bật tạo nên diện mạo nền văn học mới. Ông điểm danh các thế hệ tác giả qua các giai đoạn từ 1945 đến 1975 đã cùng nhau làm ra gia tài văn chương những năm cách mạng và kháng chiến. Gia tài đó theo ông là có giá trị đặc biệt quý báu, ghi lại những trang sử chưa và không bao giờ lặp lại của đất nước nên cần phải được giữ gìn cẩn thận và phát huy tiếp tục.
Ông ca ngợi và đề cao những nhà văn đã hy sinh anh dũng ở tư cách người lính trong chiến tranh. Từ đó ông nêu lên vấn đề chỗ đứng của nhà văn: “Cao hơn cả trang viết, đó chính là sự xác định vị trí người cầm bút, vị trí nhà văn trong cuộc đấu tranh giành độc lập – thống nhất cho đất nước, cho dân tộc. Nhờ đó mà văn học và nhà văn Việt Nam đã từng có một vị trí vinh dự trong lòng dân tộc và đất nước. Phải chăng đó cũng là điều nhắc nhở những người cầm bút hôm nay khi văn học và nhà văn đang mất dần vị trí hàng đầu trong công cuộc xây dựng nên văn hoá dân tộc hiện đại” (tr. 76).
Khi viết về thời kỳ văn học đã qua này, Ngô Thảo cũng biết nó có những hạn chế, những bó buộc do hoàn cảnh lịch sử quy định, nhưng theo ông “Là sản phẩm tinh thần của một thời kỳ lịch sử nhất định, mọi đánh giá về nhà văn và tác phẩm không nên tách rời những điều kiện hạn chế mà thời nào, nước nào cũng có” (tr. 10). Vì thế cái giá trị vẻ vang của nó trong sự nghiệp vẻ vang chung của cách mạng được ông khẳng định mạnh mẽ và khẳng định nhiều lần.
Nhưng cũng chính ông, ngay sau 1975, trong cuộc thảo luận về tính hiện thực của một số tác phẩm viết về chiến tranh sau chiến tranh đã trích dẫn câu ngạn ngữ Nga “Một nửa cái bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không phải là sự thật” để nói về tính hiện thực của những cái viết trong thời chiến. Và vì câu trích đó ông đã phải chịu ít nhiều phiền lụy. Đó là một thái độ công bằng, sòng phẳng cần phải có ở người làm phê bình văn học.
Cho nên khi thấy thời kỳ đổi mới đã khôi phục vị trí cho nhiều tác giả và tác phẩm giàu lòng yêu nước, thương dân sống ở đô thị miền Nam trước đây và cả đang ở nước ngoài hiện nay, ông vui mừng. Bởi vì, ông viết, “Kho tàng văn học hiện đại của nước nhà giàu có lên nhờ sự cởi mở trong quan niệm về văn học dân tộc. Tâm huyết, tài năng, tình cảm gói trong những trang sách vẫn mách bảo cho người sống hôm nay và mai sau những bài học về làm người, về sử dụng cuộc đời sao cho hữu ích, cho có danh gì với núi sông!” (tr. 27). Một cái nhìn như thế vừa là văn chương vừa là chính trị, có thể góp phần thoả đáng cho cả đôi bên.
Bổ sung cho những bài viết chung, Ngô Thảo có những bài viết riêng về các nhà văn, nhà thơ thời chiến trận: Văn Phác, Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Chu Cẩm Phong (Trần Tiến), Dương Thị Xuân Quý, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Hồng Duệ… Những bài viết in báo đó thường khi là tưởng nhớ các văn nhân khi họ vừa nằm xuống hoặc trong một dịp kỷ niệm, cũng có khi là nhân một cuốn sách của họ in ra. Đó là những nét phác về thân thế và sự nghiệp của những người ông yêu mến, kính trọng và có quan hệ văn hữu gần gũi.
Khi viết về Phạm Ngọc Cảnh ông liên hệ tới Thu Bồn và coi họ tự mỗi người là một cánh rừng nguyên sinh: “Chẳng phải cây nào cũng quý, hoa nào cũng lạ, nhưng với ai chịu tìm, thì mỗi nghệ sĩ – chiến sĩ như thế đã mang tới cho văn học nước nhà một cánh rừng sum suê với sắc diện riêng khó lẫn, với những loại gỗ quý hiếm không phải thời nào cũng có” (tr. 133). Hình ảnh “rừng nguyên sinh” này ông dùng để gọi thế hệ nhà văn trưởng thành từ thời chống Pháp với con số hàng chục, còn thế hệ xuất hiện thời chống Mỹ là “rừng trồng” lên đến hàng trăm. Dùng cách so sánh độc đáo đó, nhà phê bình gợi được cho người đọc ấn tượng về sự đông đúc đội ngũ của văn học cách mạng kháng chiến suốt 30 năm. Với sự ra đi của Phạm Ngọc Cảnh (1934 – 2015), Ngô Thảo cho rằng những cánh rừng nguyên sinh như thế đã vĩnh viễn khép lại – “rừng xưa đã khép” như tên một bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh mà ông lấy làm tên bài viết.
Ngô Thảo viết phê bình nặng về phần đời hơn phần văn: “Vì tôi quan niệm trong hoàn cảnh, điều kiện của họ, họ làm được như thế là quá quý rồi. Tôi trân trọng và quan trọng đời văn, chứ không chỉ nâng niu, trân trọng tác phẩm của họ” (trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, 8/7/2020). Đọc ông vì thế bạn sẽ được biết và biết cụ thể, tỉ mỉ đường đời của người cầm bút, ví như Nguyễn Thi là “một số phận mang đậm dấu ấn một giai đoạn lịch sử” (tr. 77) hay như toàn bộ tiểu sử của Văn Phác “chỗ gửi gắm niềm tin cậy của một thế hệ văn nghệ sĩ” (tr. 53). Ông sẽ kể bạn nghe cái hôm Thu Bồn mất ra sao và Nguyễn Chí Trung đã lo đám tang cho bạn văn thế nào. Ông sẽ kể bạn biết vì sao nhà văn hoá dân gian Ninh Viết Giao “ngài xứ Thanh nên danh xứ Nghệ” (tr. 140). Dù là viết về những nhà văn thời tiền chiến như Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp, hay kể về những người trẻ so với mình mà sớm ra đi như Hoàng Hồng Cẩm, Mai Linh, các bài của Ngô Thảo đều dành phần nhiều nói về cuộc sống và công việc họ đã làm, lấy đời họ mà soi vào cái viết cái vẽ của họ. Một nét chân dung Hoàng Hồng Cẩm thế này là người viết đã bắt được cái thần hồn của một con người, một hoạ sĩ: “Thích uống rượu, nhưng Cẩm uống không nhiều, có khi chỉ là mượn rượu quậy để giải toả một tâm trạng trống vắng, một sự không hoàn toàn bằng lòng với công việc và với bao nhiêu biến hoá khôn lường của nhân tình thế thái xung quanh. Tâm hồn trẻ thơ, mong manh, dễ bị rạn vỡ khi va đập với đời sống vốn không phải bao giờ cũng thuận chiều” (tr. 203). Ngô Thảo nhớ Hoàng Hồng Cẩm trong khung cảnh sân 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nơi gần một thế kỷ qua đã chứng kiến “bao bão táp phong ba của tình đời và tình người”, càng làm bật lên nguyên vẹn sự “hồn hậu và hiền hòa” của người hoạ sĩ đã sớm ra đi ở tuổi mới ngoài 50. Bài viết ngắn này hay ở chỗ nó như một bức tranh thu nhỏ đời sống văn nghệ ở một ngôi nhà nổi tiếng trong một con người lặng khuất.
Ngô Thảo cũng đã phác hoạ cả cuộc đời mình trong lời đầu sách nhan đề “Người em của thi ca”. Năm chữ này là trong câu nhà thơ Hoàng Cầm ghi vào sổ tay tặng ông: “Người em của thi ca/ Dẫu thế nào chẳng tiếc/ Nếu cần chi viện những oan khiên“. Đây là một lời khen tặng trân trọng và yêu thương. Bạn hãy đọc lời đầu này trước khi vào sách để biết hành trình đời và văn của nhà phê bình văn chương Ngô Thảo. Và biết vì sao ông chọn chủ đề cho các bài trong tập sách này theo tinh thần quý trọng tác động của những tác phẩm kịp thời trong chiến tranh đến tinh thần và tình cảm của công chúng rộng rãi. Nói như một câu thơ Chế Lan Viên “người đọc người thương nhau“.
“Nghiêng trong bóng chiều” là một trong ba cuốn sách ông Ngô Thảo tính ra trong năm 2020, đánh dấu cột mốc tuổi đời tám phần mười thế kỷ. Hai cuốn tiếp nữa là “Bốn nhà văn nhà số 4” đăng ký in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn và “Lặng lẽ đời văn” ở Nhà xuất bản Văn học. Chúng ta cùng chờ đọc.
Mộc Châu, 22,7/2020
Phạm Xuân Nguyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...