Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

Thơ Halmosi Sándor: Bóng núi đổ xuống lưng lạc đà

Thơ Halmosi Sándor: Bóng núi
đổ xuống lưng lạc đà

Thơ Halmosi Sándor rất khó đọc. Đọc một lần khó nắm bắt được thông điệp và vẻ đẹp thi ca mà tác giả đưa ra. Bởi thơ ông là một lối thơ duy lý, thi ảnh chồng lên thi ảnh, ý chồng lên ý, trong cơn thăng hoa của “cảm xúc trào lên”, bởi những “day dứt bủa vây” đã “cài bẫy” (không phải đánh đố) sự thưởng thức của người đọc. Nhưng khi đã mở được cái kíp nổ “quả pháo hoa thơ” kia, vô hiệu hóa nó, thì ta thở phào nhẹ nhõm, thưởng thức sự khám phá của mình và sự sáng tạo của nhà thơ.
Lần đầu tiên tôi đọc tập thơ của một tác giả nước ngoài trọn vẹn và kỹ càng – Đó là đọc tập Xương của nắng của Halmosi Sándor, nhà thơ người Hungary. Đây là một tác giả mới toanh đối với tôi, vì trước đó tôi chưa đọc bài thơ, tập thơ nào của ông, dù ông đã có một tập thơ in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2020. Và tập thơ này của ông như một bóng núi đổ xuống tấm lưng lạc đà của tôi trên con đường khám phá cái đẹp của ngôn từ, hình ảnh, khám phá vẻ đẹp của tư tưởng thơ… qua một tập thơ đến từ Hungary. Tôi đã khó nhọc nắm bắt và cắt nghĩa từng thi ảnh, từng ý tưởng, từng bài thơ và gộp lại cả tập thơ để nói lên cảm nhận của mình về tập thơ có cái tên rất “đánh đố”.
Quả thật thơ của Halmosi Sándor rất khó đọc. Nó càng khó đọc hơn khi phải chuyển ngữ, nghĩa là đã qua sự thẩm dịch của người dịch. Mà dịch thơ thì vô cùng khó khăn nan giải. Đặc biệt là thơ của Halmosi Sándor – một loại thơ phải nghĩ rồi mới cảm, từ cảm phải nghĩ tiếp mới mong tiếp nhận được.
Tôi thật sự “choáng” khi đọc bài thơ đầu tiên – Bài thay lời giới thiệu, mà dịch giả Phan Anh Sơn đã viết theo phong cách tác giả Halmosi Sándor để miêu tả một tuyên ngôn về thơ của Halmosi Sándor, theo đúng giọng điệu thơ ông:
Nếu bỏ đi tất cả cái vẻ ngoài hào nhoáng của ngôn từ và vần điệu
Phần còn lại có còn thơ?
Có còn làm cho ta rung động?
Có!
Ta rung động bởi những cảm xúc trào lên không che đậy
Bởi những ý thơ bung ra không theo mạch theo đường
Bởi những day dứt của nhà thơ bủa vây không cho ta chạy trốn
Bởi đọc lại mỗi lần thêm ý mới mở ra
Bởi tác giả chính là thơ, sống trong thơ, thở trong thơ
Nên tất cả những điều viết ra đều là thơ mà không cần vần điệu.
Tuyên ngôn về thơ của ông: 1- Sự rung động của thơ: không bắt nguồn từ  vẻ hào nhoáng bên ngoài của ngôn từ và vần điệu; 2 – Thơ là ý nghĩ, là chuỗi ý nghĩ bung ra, trào lên trong lòng, bởi những day dứt của nhà thơ trước cái mới, và cái mới này vây bủa không cho độc giả chạy trốn; 3 – Nhà thơ là một bài thơ, là nguồn thơ, nên những gì ông ta viết ra “đều là thơ ”; 4 – Thơ không đơn nghĩa, mà phải đa nghĩa, người đọc phải đọc nhiều, mỗi lần đọc là mỗi lần khám phá ra cái hay, cái đẹp của bài thơ.
Quả là rất tự tin khi có thể đưa ra tuyên ngôn về thơ một cách dứt khoát, mang đầy màu sắc chủ quan như thế. Điều này rất dễ dị ứng đối với hầu hết độc giả, những nhà thơ, những nhà phê bình Việt Nam. Bởi vì người Việt, theo thói quen, thưởng thức một lối thơ duy tình, ưa vần điệu du dương và ý nghĩa nổi trên mặt giấy. Liệu tập thơ Xương của nắng có cuốn hút độc giả Việt Nam hay không, bởi một tuyên ngôn thơ quá xa lạ, quá “nghịch nhĩ” đối với đa số người thưởng thức thơ Việt Nam?
Thơ Halmosi Sándor rất khó đọc. Đọc một lần khó nắm bắt được thông điệp và vẻ đẹp thi ca mà tác giả đưa ra. Bởi thơ ông là một lối thơ duy lý, thi ảnh chồng lên thi ảnh, ý chồng lên ý, trong cơn thăng hoa của “cảm xúc trào lên”, bởi những “day dứt bủa vây” đã “cài bẫy” (không phải đánh đố) sự thưởng thức của người đọc. Nhưng khi đã mở được cái kíp nổ “quả pháo hoa thơ” kia, vô hiệu hóa nó, thì ta thở phào nhẹ nhõm, thưởng thức sự khám phá của mình và sự sáng tạo của nhà thơ.
Chúng ta thử đọc bài thơ được lấy làm tên tập thơ để minh chứng cho điều này. Khi mới đọc đầu đề của bài thơ tôi đã ngỡ ngàng, bởi hình ảnh “xương của nắng”. Sao nắng lại có xương nhỉ? Vô lý quá! Vì thế, có người khi mới đọc qua tiêu đề bài thơ vài dòng đầu đã buông bỏ, và cho rằng, đây là một loại “thơ thẩn”. Nhưng không, hãy đọc bài thơ một lần, nhắm mắt lại tưởng tượng và suy nghĩ. Đọc lại bài thơ lần hai, lần ba, thậm chí tiếp tục đọc và nhâm nhi, phân tích từng thi ảnh, từng ý và chuỗi ý tưởng nhà thơ đưa ra trong cuộn chỉ thơ tưởng là rối rắm, để tìm ra mối chỉ và rút ra mối chỉ ánh sáng dẫn lối khám phá. Và ta phát hiện trên sợi chỉ kia từng vệt nắng tư tưởng, từng vệt nắng nghệ thuật thơ lung linh, làm thăng hoa cảm xúc và cảm nhận.
Đây là bài thơ Xương của nắng:
Ngày đầu tiên tất cả còn lấp lánh, còn nhìn thấy rõ
Và thế là họ nhận ra cái dằm đầu tiên trong mắt anh, họ lấy ra, cái dằm bằng gỗ Họ nghĩ thế là ổn rồi, rồi trời tối, rồi rạng đông, ngày thứ hai.
Xung quanh bắt đầu mục nát, chỉ còn các thanh xà ngang to đã được ngâm tẩm kỹ mới chưa bị. Một cái bóng mờ hắt lên tất cả, tiếng đàn vĩ cầm vang lên rè rè. Và họ nhận ra cái dằm thứ hai trong mắt anh, họ lấy ra, cái dằm bằng kim loại. Họ nghĩ thế là ổn rồi, rồi trời tối, rồi rạng đông, ngày thứ ba.
Và gió rít lên tiếng đồng tiếng thép, và anh đã thở nặng nề hơn khi họ lấy ra cái dằm thứ ba, cái dằm gánh đỡ buồng phổi và các sợi dây thần kinh của tất cả các loài hữu tình và cây cỏ, làm anh rất đau. Họ chỉ cười nghĩ thế là ổn rồi, rồi trời tối, rồi rạng đông, ngày thứ tư.
Và xung quanh bắt đầu sầm tối lại, mưa buồn giăng giăng khi họ lấy ra cái dằm thứ tư, tức là cái chấm sáng nhỏ tí ti kia, cái mà họ nghĩ là cái dằm. Và họ nghĩ thế là ổn rồi, rồi trời tối, rồi rạng đông, ngày thứ năm.
Cái lạnh rùng mình chạy khắp trên cánh đồng, nhưng không ai kiếm tìm những người đã ngã xuống, những ngôi mộ chung nằm im dưới sức nặng khổng lồ, nhưng bàn tay thứ năm không hề run rẩy khi lấy ra cái gì đó, cái mà họ nghĩ là cái dằm thứ năm. Và họ nghĩ thế là ổn rồi, rồi trời tối, rồi rạng đông, ngày thứ sáu.
Khi mà họ không tìm thấy cái dằm cuối cùng, không tìm thấy dù dùng cả kính lúp soi đi soi lại. Trời đã chạng vạng rồi họ nhìn thấy cái gì đó, lấp lánh lên ấm áp, và trong họ nảy lên một nghi ngờ, là các cái dằm kia cũng rất giống thế này. Nhưng họ vẫn lấy ra, lấy ra theo đúng quy trình của nó. Bởi vì cái gì đã được viết ra thì sẽ thành sự thực. Vì tất cả những gì được viết ra đều sẽ thành sự thực. Và họ vui mừng vì công việc đã được hoàn thành tốt, họ vui mừng nghĩ rằng mình không bao giờ có thể nhầm lẫn, họ ngả người ra phía sau thư giãn và quyết định rằng ngày hôm sau, ngày thứ bảy họ sẽ chỉ nghỉ ngơi và ăn mừng. Rồi trời tối.
Bài thơ dựng lên một cuộc phẫu thuật để nhằm lấy ra những dị tật, những nguồn bệnh trong cơ thể con người. Bằng lối cấu tứ lặp lại và tịnh tiến thời gian, tác giả đã dựng lên cuộc phẫu thuật mang tính hiện thực đa chiều: Ngày thứ nhất: Họ lấy đi “cái dằm trong mắt” của cơ thể người, mặc dù con mắt của người còn ‘lấp lánh, còn nhìn thấy rõ”. Và họ tìm ra “bệnh”, đó là “cái dằm bằng gỗ”. Ngày thứ hai: Mắt người bệnh không còn nhìn thấy rõ nữa, mắt chỉ còn nhìn được “cái bóng mờ”. Và các nhà phẫu thuật cố tìm, và họ tìm ra “cái dằm kim loại”, mặc dù hôm qua họ cho là trong mắt người bệnh không còn cái dằm nào nữa. Họ nghĩ “thế là ổn”. Ngày thứ ba: Người bệnh bắt đầu kiệt sức, họ lấy ra cái dằm trong buồng phổi, cái dằm “đã gánh đỡ buồng phổi và các sợi dây thần kinh”. Ngày thứ tư: Lúc này vây quanh “người bệnh” một màu sẫm tối, mưa buồn giăng mắc”, trong khi các nhà phẫu thuật lấy cái dằm thứ tư trong cái cười vô cảm. Mà cái dằm này là cái “chấm sáng nhỏ tí ti”. Ngày thứ năm: Người bệnh lúc này đã kiệt sức, cái lạnh đã ngấm vào cơ thể, bắt đầu nhìn thấy “hình bóng những ngôi mộ”. Các nhà phẫu thuật tìm mãi, tìm mãi, và họ cố tìm ra “Cái gì đó, cái mà họ nghĩ là cái dằm”. Ngày thứ sáu: Các nhà phẫu thuật không tìm thấy cái dằm cuối cùng, dù phải “mang kính lúp soi đi soi lại”. Và rồi họ cũng tìm thấy cái gì đó “lấp lánh, ấm áp” để họ lấy ra. Và họ nghi ngờ “những cái dằm kia cũng giống thế này”. Xong việc, họ tự vui vẻ với thành quả đã đạt được và nghĩ: “Tất cả những gì viết ra đều trở thành sự thực!”. Họ vui mừng hưởng thành quả của mình vì họ nghĩ họ không bao giờ nhầm lẫn!”.
Bài thơ được cấu tứ theo cấp độ tăng dần của hiện thực qua tay bay của nhà thơ xây cất từng viên gạch ngôn ngữ cho công trình thơ của mình. Thời gian: ngày 1 đến ngày 6. Cái dằm được lấy ra từ cái dằm vô tri “bằng gỗ”, rồi bằng “kim loại”, đến những cái dằm lấp lánh ánh sáng trí tuệ, lấp lánh ánh sáng tư tưởng: “cái dằm gánh đỡ buồng phổi”, cái dằm “chấm sáng nhỏ tí ti”, rồi cái dằm vô hình, cái dằm “lấp lánh sáng lên ấm áp”. Từng thang bậc của cảm xúc, tư tưởng lộ dần, ta nắm bắt được chúng. Cuộc phẫu thuật lấy những cái dằm chỉ là cái cớ, cái nhà thơ mượn nó để nói một điều khác lớn lao vượt ra ngoài nghĩa đen. Đó là sự tàn nhẫn tước bỏ đi những gì đẹp đẽ quý giá của con người, cuộc sống trong sự kém hiểu biết, vô cảm… của những người “cầm cân nảy mực”, của thể chế… Tư tưởng bài thơ này đưa ra, có thể áp dụng vào trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống. Ta thử ví dụ: Bài thơ, tập thơ nằm trong “lưỡi dao” của các nhà phê bình. Họ bóc tách, vứt bỏ, chà đạp không thương tiếc lên câu chữ, hình ảnh của bài thơ. Dù sau khi bóc tách, vứt bỏ, chà đạp… họ vỡ lẽ ra, những cái mình vứt đi đó là “ánh sáng lấp lánh”, nhưng họ vẫn “vui mừng vì công việc đã hoàn thành”, và họ “không bao giờ nhầm lẫn được”. Hay vận vào một cuộc phê bình, ta cũng có kết quả đó. Cao hơn là một thể chế khi đánh đổ một thể chế khác. Cơ thể chính trị của thể chế cũ sẽ bị tước bỏ vứt đi “những ánh sáng lấp lánh” mà nó vốn có. Thật tàn nhẫn! Bài thơ vì thế rất đa nghĩa!
Thông điệp bài thơ, và làm chủ đề cho cả tập thơ là: Những thứ quý giá, đẹp đẽ là ánh sáng lấp lánh, ẩn sâu trong con người. Phải tìm hiểu, khám phá để tìm ra, thấy được giá trị, sức lan tỏa của nó đối với cuộc sống để mà nâng niu, trân trọng. Đừng chà đạp, vứt bỏ nó bởi bất kỳ nhân danh nào!
Với lối tư duy duy lý, vận dụng một thể thơ tự do mềm mại bằng cách tạo câu ngắn dài khác nhau, ngắt dòng uyển chuyển, sử dụng hình ảnh mới lạ, độc đáo, làm cho câu thơ, bài thơ mang một nhịp tâm hồn riêng biệt, Halmosi Sándor đã thuyết phục người đọc khi lấy hiện thực cuộc sống và những gì ẩn chứa phía sâu xa của cảm thức để làm nền cho ý tưởng và tư tưởng của mình thăng hoa.
Im lặng trước sự thật là một hành động đáng lên án, Nhà thơ đã dùng một hình ảnh thật đắc địa để diễn tả nó:
Sự im lặng bị xiên vào cọc nhọn.
(Bạn là tôi)
Ngay cả cái “vết sẹo đã lành” của chỗ trống trang thơ cũng phát sáng trong ta một cảm nhận về việc bồi đắp cho vẻ đẹp tâm hồn: Cần phải biết cái đẹp ẩn giấu trong bạn, trong tôi, cần phải phát hiện ra vết sẹo đã lành và làm cho những thứ xấu xa không bám víu vào con người:
Trong thơ luôn có một chỗ trống
Trong sáng thế một vệt hồng tươi rói
Vết sẹo đã lành
Bạn đã thấy tôi khóc
Còn tôi thấy bạn hì hụi tối ngày thổi bụi bay đi để không bám víu tâm hồn
(Một phân tử)
Halmosi Sándor luôn nhắc đến vai trò của thơ và của nhà thơ bằng những hình ảnh suy gợi của “Người biết nói tiếng thơ thì lặng im nghe bằng cả tấm lòng”
Cái thiếu muôn đời co giật nơi dạ dày và cổ họng. Đốt xương cột sống nhói đau. Sự im lặng ngàn cân sau câu nói cuối cùng, thơ đấy. Giãy chết. Sự tàn nhẫn tạo lập của suy nghĩ. Cái thiếu vắng của ngôn từ. Và rồi vẫn nói, vẫn còn cứ nói.
(Đỉnh núi Dobogoko)
Bài thơ Cần phải say tới mức cuồng điên là một bài thơ duy lý mà chỉ đọc một lần khó nắm bắt được thông điệp của nhà thơ:
Cần phải say mê tới mức cuồng điên thì chúng ta mới luôn luôn dám liều mình nhảy ra ngoài, phải say mê và cuồng điên. Phần xác càng không dám thì phần hồn càng muốn hơn. Những sợi gân đứt rách cuối cùng đã không còn níu giữ, không còn kéo giật lại nữa. Cú bước ra huyền bí, nguồn sống đập nhịp nhàng không thành tiếng, dừng. Những mùi hương lạ lẫm. Chuyển cảnh. Đồ vật rơi xuống đập vào nền đất mà không có tiếng kêu. Phim câm. Giẫy giụa, ánh đèn flash. Khoảng dừng bất tận. Rồi quay trở lại vào thân xác, lại câu chữ, lại giả vờ như nói chuyện. Ồn ào. Trống rỗng.
Dùng thủ thuật điện ảnh với trường đoạn, chuyển cảnh và ánh sáng tắt/ mở bất ngờ, ông đã đưa ta nhập vào  mê cung say để xem cảnh nhân vật thoát xác tìm tự do, tìm ánh sáng tư tưởng, tạo lập nên giá trị của chính mình. Nhà thơ khi sáng tác cũng phải vậy. Phải “say tới mức cuồng điên” mới thấy và làm nên cái “huyền bí, nguồn sống đập nhịp nhàng không thành tiếng. Những mùi hương lạ lẫm” là loại thơ mà người thưởng thức cần đến, chứ không phải những loại “ồn ào, trống rỗng”. Đó là một phương châm sống mà nhà thơ thông điệp với người đọc.
Trách nhiệm của nhà thơ trước cuộc đời là trách nhiệm của người “truyền đạo”. Nhà thơ phải có những bài thơ chắt ra từ máu thịt mình, đem tới cho người đọc để họ nhận chân cuộc sống, để họ sống tốt hơn lên; niềm vui, lạc quan luôn tràn ngập tâm hồn. Halmosi Sándor đã làm rất tốt trọng trách của nhà thơ trước cuộc đời, trước nhân dân mình:
Hãy biến cuộc đời thành lời cầu nguyện
Đừng biến lời cầu nguyện thành ra cuộc đời
Thể xác nhẹ hơn mỗi khi buổi tối
Tinh thần nhẹ hơn mỗi lúc rạng đông.
Niềm vui có ý nghĩa gì nếu dễ để mất vui
Thế giới có ý nghĩa gì nếu dễ dàng chiếm được?
(Kịch nói Hy Lạp)
Halmosi Sándor đã dùng lối thơ duy lý bằng các triết lý được đúc rút trong cuộc sống để tạo dựng bài thơ, nên bài thơ có một sức nặng trí tuệ. Ta hãy đọc một bài thơ về “quá trình trở thành một con người khác” với những triết lý và thi ảnh đẹp:
Ta vấp ngã bởi vì ta tin tưởng
Ta đứng lên bởi vì ta đã mất lòng tin
Bây giờ ta đứng đây trong mùa xuân ngây ngất
Phủi bụi đi, tắm rửa cho ta sạch sẽ
Hóng mát, phơi khô trong gió
(Các chặng đường)
Halmosi Sándor đưa ra một cách “bảo dưỡng tâm hồn” thật đáng trân trọng:
Chúng ta cũng vậy, cần phải học cách bảo dưỡng tâm hồn mình, cần giữ cho sự nhạy cảm của mình luôn sẵn sàng, không né tránh điều gì cả, cứ để cho những sự xấu xa bẩn thỉu như bùn đỏ chảy qua các xóm các làng trong cơn lũ, cứ để cho chúng chảy qua tâm hồn bạn. Chúng sẽ làm cho bạn trở nên sạch sẽ hơn.
Nhiều lần, nhiều lần nữa.
(Thế này làm sao mà không điên được)
Hai nhà thơ Halmosi Sándor, Attila F. Balázs từ Hungary giao lưu với nhà thơ Phan Hoàng và các bạn thơ Sài Gòn ngày 8.2.2023
Ta gặp trong thơ Halmosi Sándor nhiều câu thơ mang tính triết luận sâu sắc về cuộc sống nhân sinh:
Nếu ta bỏ đội hình, ta sẽ bị chúng nó săn lùng từng người một. Nếu ta muốn không bị hại, ta cần tản ra phá bỏ đội hình.
Vòng tròn ma quỷ.
(Nếu chúng ta bỏ đội hình)
Điều tôi không chịu nổi không phải là cái đẹp, mà là những gì bên dưới. Khi đó tôi còn chưa biết rằng cái đẹp là vỏ bọc ở trên cùng.
(Diệu tango Argentina)
Bức tượng biết gì về đá lúc trời mưa?
Thế giới biết gì về Chúa Trời khi lạnh giá?
(Biết gì)
Những điều chúng ta không nói ra, các thiên sứ sẽ gom vào, ghi chép lại.
Những điều ngay cả các thiên sứ cũng không lưu truyền tiếp nữa, sẽ là các cột trụ gánh trời.
(Bên lề)
Nhà thơ cũng dựng lên một hiện thực của cách sống mới, cách viết mới. Nhà thơ chịu trách nhiệm với việc làm của mình và đau nỗi đau của con người:
Chủ nghĩa tượng trưng đã hết thời rồi.
Con người bước vào một liên minh mới với các khái niệm và sự vật, sẵn sàng bỏ qua tất cả sự hoa mỹ và mánh lới để nói về chúng đúng theo các quy luật và trọng lượng của vấn đề. Chịu trách nhiệm khi làm xây xước thực tế. Đau xé mình theo tờ giấy bị xé đi. Mỗi người đúng thật là chính mình.
Cánh cửa xuống hầm nhà mở rộng.
Cây sồi và mặt bàn ướt đẫm sương mai.
Con người sống bon chen mệt mỏi trên trái đất, chỉ mong có một cuộc sống đẹp đẽ. Họ mơ đến một bầu trời hạnh phúc. Nhà thơ đã dựng nên một bầu trời đó trong bụng máy bay – Một bầu trời mơ, một bầu trời để vươn tới. Nhưng liệu có là hiện thực?
Đang là ngày hội.
Bầu trời Omszk giống như bầu trời trên bất cứ chiếc bình cổ làm bằng sứ nào bên Trung Quốc
Ở trên này mọi thứ được điều hành bằng tình thương yêu của Chúa
Như thể bạn là người theo Đạo
Như thể các người khác cũng là người theo Đạo
Các hành khách ngoan đạo ngủ yên trong bụng máy bay, nghỉ cho tan đi cái mệt mỏi vì chen lấn nhau trên mặt đất
Con mắt của các tiếp viên nhìn thấy hết tất thảy
(Bầu trời Omszk)
Đề cao cái “tôi” trong thơ, ý thức trách nhiệm người cầm bút luôn thôi thúc nhà thơ bởi những trở trăn, luôn phải gối lên những chiếc gai hiện thực để tìm cái mới, nếu không tìm thấy thì theo đuổi đến cùng để sáng tạo:
Cái tôi trải nghiệm chỉ trải nghiệm thôi, không nhớ lại. Cái tôi kể chuyện nhớ lại cả những chuyện chưa bao giờ xảy ra. Các thiên sứ miễn tội cho. Nhưng Thơ không cho phép.
(Phân loại)
Chúng ta là những nhà thơ, có phải không?
Còn ai khác ngoài chúng ta dùng những chiếc vương miện quấn từ gai thay cho gối?
(Những cái gai)
Em sẽ ra đi. Tìm kiếm điều em muốn
Thứ em tìm được sẽ không làm em vui lòng
Thứ không tìm thấy sẽ làm em đeo đuổi
(Em nói đi, những con ngựa thành Troa đã mang gì vào đó)
Halmosi Sándor quan niệm thơ làm tác nhân để cứu rỗi tâm hồn con người. Nếu trái đất còn, vạn vật còn, thì còn thơ:
Nếu tiếp tục như thế này, bạn sẽ rồi chán ngấy việc đọc thơ. Bạn sẽ chỉ sống bằng nước, bằng bánh mì và thịt mỡ hun khói. Đấy là nếu như loài lợn còn tồn tại được cho đến ngày ấy, để có cuộc vật lộn tay đôi giữa người và vật. Và nếu như lúc đó vẫn còn có thơ – giải phẫu không thuốc tê trên người sống
(Giải phẫu không thuốc tê trên người sống)
Tư duy thơ theo lối duy lý xuyên suốt cả tập thơ Xương của nắng. Với lối tư duy này, Halmosi Sándor bắt người đọc phải dừng lại trên từng chữ, từng câu thơ, khám phá từng hình ảnh thơ, cách cấu trúc bài thơ để tìm thông điệp ông đưa ra. Nhà thơ đã dùng thủ pháp nghệ thuật của điện ảnh bằng những chuyển cảnh bất ngờ, táo bạo, tạo ra “những khoảng đen” của không gian, thời gian trong bài thơ, làm người đọc chìm vào không gian của hình ảnh 3D và âm thanh nổi của ngôn từ phát ra để truyền đạt tư tưởng, tình cảm của mình. Để chắt lọc ra tinh túy thơ của Halmosi Sándor, vì thế vừa hấp dẫn vừa khó nhọc. Khó nhọc vì phải “đánh vật” với ngôn từ, hình ảnh thơ không dễ nắm bắt; hấp dẫn vì cái vỏ âm thanh cuồn cuộn những suy tưởng vang lên và điệp trùng bất tận, mở ra một ánh sáng mơ hồ, một mạch nước và những ánh chớp của tư tưởng. Đó là ánh chớp của sự vươn tới cái đẹp, gìn giữ cái đẹp, trau dồi cái đẹp, khát khao và khai phóng tự do, mà ở đó con người như thơ, những thực thể thơ với vẻ đẹp cao thượng của nó!
Ngôn ngữ thơ của Halmosi Sándor là một thứ đèn chùm của ngôn ngữ nhiều màu sắc: lấp lánh, êm dịu và không ít khi chói gắt. Mặc dù phải thông qua bản dịch thơ, nhưng chúng ta dễ cảm nhận điều này bởi nghĩa chữ và hình ảnh lúc trần trụi mộc mạc đầy bụi đất lam lũ từ cuộc sống, hay những hình ảnh với lối ví von thông qua tầng suy cảm của lý trí, thậm chí có lúc không ngần ngại dùng những từ ngữ, hình ảnh “nghịch nhĩ”:
–  Mỗi người đúng thật là chính mình.
Cánh cửa xuống hầm nhà mở rộng.
Cây sồi và mặt bàn ướt đẫm sương mai.
– Bây giờ ta đứng đây trong mùa xuân ngây ngất
– Phủi bụi đi, tắm rửa cho ta sạch sẽ
Hóng mát, phơi khô trong gió
(Các chặng đường)
– Cái thiếu muôn đời co giật nơi dạ dày và cổ họng. Đốt xương cột sống nhói đau. Sự im lặng ngàn cân sau câu nói cuối cùng, thơ đấy. Giãy chết. Sự tàn nhẫn tạo lập của suy nghĩ. Cái thiếu vắng của ngôn từ. Và rồi vẫn nói, vẫn còn cứ nói.
(Đỉnh núi Dobogoko)
– Sự im lặng bị xiên vào cọc nhọn.
(Bạn là tôi)
Tôi rất thích cái điệu buông trong thơ Halmosi Sándor khi tạo nhịp tâm hồn cho đoạn thơ, bài thơ. Cái điệu buông này như một chỗ xuống giọng của âm vực khác, làm mềm câu thơ văn xuôi, làm cho nhịp đọc của ta có khi dừng lại hay chìm xuống theo cảm xúc và ý tưởng mà nhà thơ tạo dựng. Đó là câu thơ ngắn, kết ở cuối đoạn thơ, bài thơ:
– Trong thơ luôn có một chỗ trống
Trong sáng thế một vệt hồng tươi rói
Vết sẹo đã lành
– Nếu ta bỏ đội hình, ta sẽ bị chúng nó săn lùng từng người một. Nếu ta muốn không bị hại, ta cần tản ra phá bỏ đội hình.
Vòng tròn ma quỷ
Tôi cũng thích cái điệu nhấn trong thơ Halmosi Sándor khi muốn tạo không khí cho câu thơ, đưa ra phán quyết của mình trước một vấn đề nào đó. Những lúc này cái sự “lên gân”, “ức hiếp” của câu chữ làm những băn khoăn, suy nghĩ của người đọc cuốn theo vấn đề ông đưa ra:
– Cái tôi trải nghiệm chỉ trải nghiệm thôi, không nhớ lại. Cái tôi kể chuyện nhớ lại cả những chuyện chưa bao giờ xảy ra. Các thiên sứ miễn tội cho. Nhưng Thơ không cho phép.
(Phân loại)
Tập thơ Xương của nắng được chia làm 4 phần: Mạnh mẽ, Xương của nắng, Cổ thư, Bầu trời Omszk với lời đề từ: Đây là thánh lễ/ Buổi hiến tế cuối cùng của Pilinszky – thi hào kiệt xuất của Hungary. Mỗi phần thơ với nội dung đề cập một chủ đề, nhưng nằm trong một cột sống của cơ thể sống, có phần hồn, phần xác của một con người riêng biệt hay là một cơ thể xã hội. Một cơ thể mạnh mẽ, ẩn chứa những tinh túy của cuộc sống với ánh sáng xương của nắng; một tâm hồn cô đơn trong các tầng mức chìm lắng hoặc độc cô tỏa sáng; một khát khao tự do, khát khao sống vì cái đẹp, tận hiến cho cái đẹp trong bầu trời Omszk được gói gọi trong tập thơ nhẹ về trọng lượng, nhưng có sức nặng của trí tuệ và tư tưởng. Với lời đề từ lấy từ thơ của Pilinszky – Một nhà thơ vĩ đại Hungary thế kỷ XX, thông qua tư tưởng Pilinszky: Sự kết hợp giữa đức tin Công giáo La Mã và sự bất mãn về trí tuệ, câu đề từ như một xác tín cho tập thơ, rằng, Halmosi Sándor đang truyền đạo từ những bài thơ của mình trong một thánh lễ có tên Xương của nắng. Những ánh sáng đẹp đẽ lấp lánh trong cơ thể phát sáng bởi một đức tin: Những gì tốt đẹp sẽ được nâng niu, gìn giữ, bồi đắp và thăng hoa trên một ý chí độc sáng của tự do.
Thơ là Chúa Trời! Halmosi Sándor đã chứng minh bằng tập thơ Xương của nắng. Tập thơ tuy mỏng, nhưng tôi đã chịu sức nặng lý trí và tư tưởng của nó như một con lạc đà thồ những bồ chữ trên lưng qua sa mạc. Và tôi đưa bồ chữ đó đến với bạn đọc với những cảm nhận chủ quan nhất của mình.
Tôi thở phào và ngâm mấy câu thơ của Halmosi Sándor được dịch giả Phan Anh Sơn dịch thật tuyệt vời:
Tiếng lạo xạo của ở đây và bây giờ
Tiếng rú rít điếc tai sau tĩnh lặng yên bình
Thế giới này sẽ đổi thay bởi vì Cái đẹp
hay vì tia nắng trong mắt em
hay là phần còn lại của tia nắng đó…
Hà Nội, 9/2/2022
Trần Quang Đạo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...