Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Tình người, tình đời trong "Trần gian muôn nỗi" của Văn Giá

Tình người, tình đời trong
"Trần gian muôn nỗi" của Văn Giá

Với 307 trang sách, 68 mẩu chuyện về Người, về Đời… trong “Trần gian muôn nỗi” (*) mà Văn Giá đã trải nghiệm hoặc chứng kiến là những khuôn mặt của kỷ niệm, dù xa xôi hay gần gũi nhưng tạo cho tác giả nguồn cảm hứng thật phong phú. Năm tháng qua đi, mọi thứ rồi bị phai mờ theo lớp bụi thời gian, nhưng tình cảm của Văn Giá đối với thế giới con người, cuộc đời còn lưu dấu mãi. Qua cách thể hiện của tác giả, ta thấy một ngọn lửa ấm áp tình người, tình đời bùng cháy, ánh sáng từ ngọn lửa ấm áp ấy có khi từ quá khứ, có khi lại lấp lánh buổi đương thời. Dù cũ hay mới đó vẫn là tình cảm vô cùng trong sáng, rất đỗi thiêng liêng!
Hãy bắt đầu với mẩu chuyện “Tết những năm bom đạn”, qua một vài nét chấm phá, không có dụng ý dựng lại chân dung, nhưng hình ảnh ông nội hiện lên thật gần gũi, thân thương. Tuổi thơ của Văn Giá hầu như đã gắn với kỷ niệm về ông – nơi bình yên và ấm áp. Có lẽ vì vậy mà anh đã viết về ông dù chỉ một phần của mẩu chuyện nhưng giàu cảm xúc và chân thành, thật ngọt ngào trong trái tim non trẻ!
Ôi, cái thời chiến tranh! Người ở chiến trường, đứng trước mũi tên hòn đạn, người ở hậu phương lo âu, thấp thỏm mong chờ lá thư nơi ấy gửi về. “Còn nhớ, tôi là đứa duy nhất bao giờ cũng được ông tôi chọn để đọc thư của anh cả cho cả nhà nghe. Ông tôi bảo tôi là cái thằng đọc dõng dạc nhất, nghe rõ nhất. Mỗi lần như vậy mặt tôi nở ra hãnh diện.” (tr.26) Không nói ra, nhưng ông tự hào về người cháu lắm! Đoạn tác giả Văn Giá tả cảnh ông nội đổ nhầm đầu ma-dút vào mấy cân giò ngày tết, trong thời buổi khó khăn “thôi chết rồi. Dầu ma-dút rồi…” (tr.26) giọng ông thất thanh, thảng thốt làm cả nhà hốt hoảng, nghe bùi ngùi, xót xa, thương ông biết nhường nào! Khi chiến tranh kết thúc, anh cả “trở về trong niềm vui háo hức” (tr.27) thì ông nội không còn nữa. “Cụ đã cố gắng sống nhưng vẫn không thể chờ được thằng cháu trai kịp trở về. Có lẽ đó là niềm tiếc nuối duy nhất trước khi ông tôi khép mắt.” Một cái tết sum vầy, mọi người bồi hồi “nhớ về ông nội theo cách của mình” (tr.27). Đối với Văn Giá, ông nội không những có ảnh hưởng sâu sắc mà còn là người anh vô cùng kính trọng. Dù ông đã đi xa, nhưng mỗi khi chạm đến, hình ảnh ông lại hiện về!
Nhà văn Văn Giá nghĩ về con người, cuộc đời ra sao thì văn anh cũng như thế. Cách viết và quan niệm văn chương của anh đã chi phối, làm nên sự thành công của đời văn. Anh khẳng định một điều: Văn chương hấp dẫn, cuốn hút người đọc không  phải là thứ văn chương dài dòng hoa mỹ. Dưới ngòi bút của anh cùng cách nhìn sâu sắc, đa chiều nên những sự việc, sự kiện rất bình thường dù được viết với dung lượng dồn nén vẫn khiến độc giả chất chứa trong lòng.
Mẹ! Khi nhắc tới Người là nhớ tới sự chở che, cưu mang, đùm bọc, bao dung, độ lượng. Trong “Trần gian muôn nỗi” của Văn Giá, hình ảnh người mẹ (mà anh gọi là U) được khắc họa hết sức sinh động, không bao giờ phai mờ; mỗi bước chân anh đi, mỗi sự va vấp hay trưởng thành đều có bóng mẹ soi đường, chỉ lối. Ở cái buổi đói quay, đói quắt, lại lũ lụt mất mùa, nhà có chục miệng ăn “nhìn nồi cơm, chỉ thấy lơ thơ vài hạt gạo” (tr.10), thế mà mấy anh chị em Văn Giá đều được đi học hết cấp 2, mấy người hết cấp 3, không ai bỏ học giữa chừng. Người mẹ Văn Giá như một “siêu nhân” giữa đời thường, chỉ có hai bàn tay mà bà có thể “thiên biến vạn hóa” nuôi sống cả một gia đình lớn. Cái khó chồng lên cái khổ khi “bố đi đánh bạc mất hết gói tiền mà u dành dụm, trong nhà không còn gì” (tr.10). Tai họa ập đến, Văn Giá định bỏ học để giúp u, nhưng nhất định bà không nghe: “Con phải đi học tiếp. Nếu bố mày không nuôi được mày ăn học thì u sẽ nuôi. Dù u có chết đói cũng sẽ nuôi được chúng mày. Không được bỏ con nhé.” (tr.11) Mẹ là người đầu tiên thắp lên trong anh ngọn lửa niềm tin và hy vọng. Mẹ cũng là người đã từng nhen nhóm, thổi vào và đốt cháy trái tim anh bằng tình thương và lòng nhân ái bao la, chẳng thế mà khi trưởng thành, mỗi việc anh làm, mỗi trang anh viết đều thấm đẫm tình người. Bao mẩu chuyện được Văn Giá khắc họa tự nhiên nhưng lại thấm sâu về thân phận và tấm lòng của mẹ, về cuộc sống đời thường trong những hoàn cảnh hiện thực mà lại không tầm thường chút nào. Dưới góc độ quan sát tinh tế, đa chiều, tác giả đã soi thấu những miền cảm xúc làm vỡ òa ra trong lòng độc giả về tình nhân ái, nhân cách sống cao đẹp của mẹ. Anh đã thổi hồn mình và tình thương của mẹ vào những mẩu chuyện đầy tính nhân văn như: “U cho đi học”, “U đi mua áo cho con”, “Củ ráy, nước vôi trong”, “Hàm dưới cá trê” và xuyên suốt “Trần gian muôn nỗi” ở đâu cũng lấp lánh ánh sáng của lòng nhân ái bao la của Mẹ.
Bìa sách “Trần gian muôn nỗi” của Văn Giá
Cả tập sách như một bản tình ca về tình mẫu tử, tình bà cháu, tình mẹ chồng nàng dâu – lời nhắn gửi với đời: nếu ở phúc đức thì mẹ chồng vẫn được con dâu coi trọng, kính yêu như mẹ đẻ. Chẳng thế mà mỗi lần nhắc đến mẹ chồng, nàng dâu bao giờ cũng nước mắt lưng tròng: “Vợ mình nước mắt đỏ hoe… Nói đến đây mắt vợ lại đỏ hoe.” (“U cho tiền” tr.50-52). Và biết bao điều Văn Giá viết về người U của mình nơi thôn dã, sống chân chất, chu đáo, tinh tế, đàng hoàng và có điểm nhìn thoảng đãng, sâu xa… Xin nhường lại, để bạn đọc được thưởng thức, thừa hưởng khoảng trời xanh trong lòng mẹ!
Gia đình là chốn bình yên nhất đón ta trở về sau mỗi ngày vất vả mưu sinh. Người vợ là ngọn lửa ấm nồng giữ gìn, vun đắp cho hạnh phúc, cho tổ ấm. Một “đứa nhà quê vụng thối vụng nát” (tr.11) vừa nghèo, vừa “đoảng tính” như Văn Giá mà “vớ được” người vợ Hà Thành đẹp người, đẹp nết quả là phúc “trời ban”. Tác giả là người tế nhị, kín đáo, kiềm lời, không nhiều chữ khi nói về vợ mình. Người vợ chỉ xuất hiện qua điểm nhìn của mẹ chồng, bố chồng, hàng xóm… hay thấp thoáng trong từng trang sách, nhưng hình ảnh chị hiện lên thật đẹp. Cái đẹp của người con gái Hà Nội đảm đang, tháo vát. Cái đẹp của người hiểu biết, chu đáo, lo toan, thảo hiền, ứng xử giỏi. “Này, chị nói cho cậu biết nhé, cậu thật là có phúc mới có được người vợ như nó đấy nhé. Ai đời, một mình lo toan cho bảy cụ ăn uống, đi chùa, đi phố… mà mặt mày vẫn tươi như hoa ấy. Chứ cậu mà thế í à, chả gắt hơn mắm tôm” (tr.34). Người vợ ấy lấy chồng nghèo, ở nhà quê nhưng lại yêu tha thiết quê chồng, yêu thương, quý trọng hết thảy người nhà chồng, chắc hẳn người vợ ấy hiểu và yêu chồng sâu nặng! Còn hạnh phúc gì bằng, ơi nhân vật tôi, tác giả Văn Giá!
Viết về những người thầy, người bạn, Văn Giá đã quan sát, phát hiện, nghiên cứu công phu, đầy đặn, những câu chữ của anh viết ra trở nên có hồn và sâu sắc vô cùng. Điều quan trọng là văn của Văn Giá đưa con người đến với nhau bằng tình yêu thương, từ tấm lòng. Những trang viết của anh có cái nhìn xuyên thấu cuộc sống thực tại, được chắt lọc qua lăng kính chủ quan, nhưng hết sức nhân văn của một nhà báo, nhà văn, nhà giáo, nhà phê bình từng trải, giàu chất suy tưởng và đầy lòng bao dung.
Viết về những người thầy của mình, Văn Giá không đi chệch khỏi quan niệm tốt đẹp hàng ngàn đời nay của dân tộc – “tôn sư trọng đạo”, thể hiện tình cảm và lòng biết ơn vô hạn của trò đối với thầy. Đó là thứ tình cảm chân thật và thanh khiết, không bất cứ mảy may trục lợi nào. Chính nhân cách cao quý và tài năng của những người thầy đã để lại trong trò Văn Giá những cảm xúc chân thành, và lòng biết ơn sâu sắc. “Đánh chén cùng cụ Mạnh” (tr.207-208) kể về việc cụ Mạnh cùng phu nhân và một số người trong đó có tác giả được mời đi “đánh chén” (từ của cụ Mạnh). Câu chuyện loanh quanh thế nào mà trở về GS. Hoàng Ngọc Hiến, bạn thân cụ Mạnh. Cả hai mẩu chuyện cụ Mạnh kể đều liên quan đến vợ GS. Hoàng Ngọc Hiến. Khi nhắc đến chồng, “bà ấy cứ xỉa tay lên trời, tố cáo Hiến, mắng Hiến thế này nọ. Mà lại mắng Hiến ngu mới lạ.” (tr.207) Cụ Mạnh kể cứ tỉnh bơ, nhưng trong thẳm sâu, bạn đọc thấy sự hóm hỉnh và nụ cười nhân bản của cụ, bởi cụ hiểu sâu xa tính cách của người “miệng xà tâm Phật.” Lời bình của cụ thật hóm và ngược đời: “Nói xấu chồng cũng là một cách yêu chồng… theo kiểu bà ấy.” (tr.208) Có hiểu thầy tường tận đến độ nào mới nắm bắt được những nét thần tình như vậy!
“Thầy Trung về Hà Nội” (tr.214-221) – thật ấm lòng! “Người Việt mình thích chữ “về”, nghe thân thương biết bao” (tr.214). Nó chứa đựng ý niệm sâu sắc ẩn chìm nhưng lại rất tình người. Dưới ngòi bút của Văn Giá, một nhân cách nhà giáo Lưu Đức Trung hiện lên thật sáng đẹp, tạo ấn tượng sâu đậm để lại trong lòng bạn đọc và bao thế hệ học trò. Thầy Trung “về” chuyến này trông bề ngoài có vẻ bình thản, nhưng bình thản trong cái tất bật bởi phải xếp lịch khi “đám” học trò ai cũng muốn được đón thầy, gặp thầy. Thầy lúc nào cũng ân cần tinh tế, với ai cũng ứng xử chu đáo. Nét hiền hậu, thân thiện được tỏa ra từ mọi cử chỉ, lời nói mà bất kỳ sinh viên nào được học thầy cũng đều nhận thấy. “Thầy được cái lòng thảo. Ngày đang còn dạy sinh viên, đứa nào xa nhà xa cửa, ốm đau, học hành lúc khoan lúc nhặt, ra trường chưa xin đươc việc… thầy đều bận lòng, thương xót, cưu mang.” (tr.216). Nó đã trở thành nếp sống của thầy không sao khác được! Lòng thơm thảo của thầy đã khiến thầy bị “án oan”, chẳng hiểu tại cô sinh viên “vô duyên đoảng tính” hay tại lòng thầy quá mênh mông, nhân ái (?). Những người thầy Văn Giá nói đến, như thầy Nguyễn Hoàng Tuyên, thầy Phùng Văn Tửu… đều là những vị đạo cao đức trọng. Có lẽ căn cốt của thầy giáo ngữ văn là ở tình người, lòng nhân hậu, đó cũng là nền tảng nhân văn, là cội nguồn năng lượng sống của các thầy trong thời buổi khó khăn của kinh tế bao cấp, để các thầy tồn tại và dấn thân vào con đường giảng dạy, nghiên cứu khoa học! “Dạy văn dạy nghĩa dạy tình/ dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta” (GS Lê Trí Viễn). “Muốn được vậy thì người dạy phải đọc, phải nghiền ngẫm, phải chứng thực từ cuộc sống, rồi từ đấy mới đủ khả năng truyền cho học trò cái kỳ diệu của văn chương” (Vu Gia).
Con người ta không ai có thể sống thiếu tình bạn. Người bạn tốt giống như những “thiên thần có cánh” cùng ta chia sẻ vui buồn… trong cuộc sống. Trong đời Văn Giá có thể quen biết rất nhiều người, nhưng để có những người bạn như Trần Hòa Bình, Chu Văn Sơn chắc hẳn không nhiều! Những người bạn của Văn Giá sống chân thành, gần gũi, nhân hậu, thực tài, yêu quý cái đẹp và họ rất hiểu nhau. Khi đã hiểu nhau thì linh hồn sẽ sưởi ấm cho nhau! Nếu không hiểu Chu Văn Sơn thì làm sao anh viết về Chu Văn Sơn có hồn như vậy, mặc dù Văn Giá thừa nhận “Mỗi phận người là một bí ẩn của vũ trụ. Mỗi một người nghệ sĩ càng là một bí ẩn được nhân lên, bởi không chỉ bí ẩn ở con người tiểu sử mà còn bí ẩn ở những tác phẩm của họ đẻ ra. Đương nhiên, Chu Văn Sơn là một bí ẩn như vậy, một bí ẩn có khả năng vẫy gọi, đối thoại và đồng điệu.” (tr.249) Nhờ sự “vẫy gọi, đối thoại và đồng điệu” đó mà Văn Giá đã viết về kẻ sĩ Chu Văn Sơn sâu sắc lạ!
Viết về Trần Hòa Bình, ngòi bút Văn Giá thâm sâu, cảm kích, thấu hiểu và hình như hòa lẫn chút xót xa, ngậm ngùi: “Cả cuộc đời của chàng thi sĩ này là những chuyến khởi hành. Đi. Chơi. Và viết.” (tr.230), không chịu ngồi, đi liên bất chi hồi, cứ hở ra là đi, khoáng đạt như con người ấy, làm sao chịu ngồi chỗ để làm luận án tiến sĩ (?). Bây giờ ngồi ngẫm lại, Trần không làm tiến sĩ không phải không làm được, mà là Trần đếch cần làm thôi” (tr.230) Theo Văn Giá: “Trần Hòa Bình là người chịu đựng sự quấy quả của người khác phải nói đến mức… phi thường. Mà lúc nào anh cũng tươi như không.” (tr.232) Nơi ở chật chội, đói, thiếu thốn đủ bề mà lúc nào cũng đón tiếp bạn gần, bạn xa, khán giả hâm mộ tìm đến, và cả cái “lũ” học trò tứ xứ… Hãy hình dung Văn Giá khi anh cùng thi sĩ họ Trần uống rượu và được thi sĩ tặng thơ: “Tôi nghe hứng lấy từng lời. Tay cầm chén rượu run run, sánh cả xuống đất. Đã lâu lắm rồi tôi mới run lên như thế. Ôi, ông anh. Ông anh nói hộ bao điều mà tôi không nói được” (tr.235). Khoan hãy nói con người được tặng thơ tinh tế và nhạy cảm mà hãy xem sức mạnh và sự cảm hóa của  thơ hay tác  động đến con người kỳ diệu thế nào, nó “khiến vết thương lòng mau khép miệng”. (tr.235) Dù viết về ai, viết về cái gì Văn Giá đều ý thức được sứ mệnh của ngòi bút là sửa sang cuộc sống, nâng cuộc đời lên…  Ở cái tuổi của Văn Giá, khi đã trải qua và chiêm nghiệm cuộc đời, cảm nhận được sự ấm áp, lạnh lùng của tình người đi qua năm tháng, anh hiểu ra rằng: có vài người bạn tri kỷ còn hơn cả ngàn vạn con người nhưng chỉ dừng lại mức độ xã giao!
Từ lao động nghệ thuật công phu, Văn Giá đã quan sát, chiêm nghiệm, bóc tách, cắt lát những mảng nhỏ hiện thực của cuộc sống bề bộn để đem vào trang sách, để cùng yêu thương, trân trọng, hạnh phúc… Những tình tiết, chi tiết, con người trong các mẩu chuyện của anh cứ lấp lánh, sống động, cựa quậy như hiện thực vốn có. Tình yêu thương con người, cuộc đời ở anh tỏa ra một hương tình bát ngát, dệt nên những lời văn đẹp, hấp dẫn. Câu chuyện xảy ra dù ở đâu, nông thôn hay thị thành thì hồn cốt của nó vẫn là vùng đất quen thuộc, thấm đẫm tình người! Văn anh mộc mạc, giản dị, tưng tửng nhưng giàu sức sống, và rất đời! Nếu không trải nghiệm đủ cuộc đời thì không thể tạo nên sức nóng cho lời, cho văn, cho đời sâu đến vậy!
Chú thích:
(*) Trần gian muôn nỗi (Viết ngắn) của nhà văn Văn Giá do Công ty sách Sống và NXB Văn học phát hành, 2019.
Hà Nội, 24/10/2019
Nguyễn Thị Trường Giang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Mắt trong” và hành trình Nghĩ, Tìm, Lặng Bùi Việt Phương là tác giả sinh ra ở miền núi nhưng phần lớn thời gian công tác và làm việc ở ...