Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Về nghĩa của thành ngữ - Tục ngữ sông nước tiếng Việt

Về nghĩa của thành ngữ
Tục ngữ sông nước tiếng Việt

Vận dụng nguyên lý: khái quát là cụ thể, dựa vào ẩn dụ ý niệm, hoán dụ ý niệm, kiến thức quy ước, đặc biệt là ngữ nghĩa nghiệm thân, bài viết khảo sát cơ cấu nghĩa của thành ngữ – tục ngữ sông nước tiếng Việt. Kết quả cho thấy, nghĩa của thành ngữ – tục ngữ không hoàn toàn võ đoán, phần lớn các trường hợp có thể diễn giải được cách kiến tạo ý niệm biểu trưng căn cứ vào nghĩa nguyên thủy của các thành tố trong tổ hợp.
1. Dẫn nhập
Thành ngữ – tục ngữ không chỉ là một đợn vị thuần ngôn ngữ mà còn là một đơn vị thể hiện các cách ý niệm hoá văn hoá, chứa nhiều kinh nghiệm của cộng đồng diễn ngôn. Đây là các đơn vị không hoàn toàn võ đoán, căn cứ vào nghĩa của các thành tố có thể hiểu nghĩa biểu trưng của chúng thông qua nhiều cách khác nhau. Trong đó, theo tri nhận luận, đáng chú ý là các thành tố: ẩn dụ ý niệm, hoán dụ ý niệm, tri thức quy ước và bao trùm lên tất cả là ngữ nghĩa nghiệm thân. Chẳng hạn, với Nước đổ lá môn (khoai), Nước đổ đầu vịt, ta thấy chúng thuộc loại cùng xuất hiện trải nghiệm. Nói rõ hơn, kinh nghiệm cho thấy, nước không thấm được lá môn, không thấm được đầu vịt, đây là những trải nghiệm trực tiếp, từ đó dùng đặc điểm này để biểu đạt ý nghĩa, sự không có tác dụng của lời khuyên, lời dạy bảo, lời khuyến cáo vì đối tượng tiếp nhận không nghe. Hay, Nước khe đè nước suối, ở đây cả nước khe và nước suối đều thay cho con người, trong đó nhiều nước khe mới hợp thành nước suối, vị thế nước khe là thấp hơn nước suối, tức là những trải nghiệm gián tiếp, dựa vào các đặc điểm này để nêu lên một nghịch lý ở đời, là khái quát từ tương đồng trải nghiệm. Hoặc nếu tách khỏi tình huống giao tiếp, thật khó biết nghĩa của Đắt trà hơn rẻ nước là gì, nhưng nếu liên hệ với khung ngữ nghĩa  phổ biến: Đắt x còn hơn rẻ y, kiểu như Đắt cá hơn rẻ thịt thì chúng ta có thể nắm được nội dung của nó. Hay trong tiếng Trung, ta có thể giải thích đươc tại sao các thành ngữ, Ngư thuỷ chi hoan, Sơn ôn thuỷ nhuyễn, Thuỷ tính dương hoa lại liên quan đến phái nữ, là nhờ vào ẩn dụ: Phụ nữ là nước (R. Chen, 2012). Tình hình cũng tương tự trong tiếng Anh, All hands on deck (tất cả tay đã đặt trên boong tàu, Mọi người đã sẵn sàng hành động), để hiểu được đơn vị này ta phải liên hệ đến các hoán dụ ý niệm, Tay thay cho người, Tay thay cho hành động.
Như vậy, từ những thành ngữ – tục ngữ có chung miền ý niệm  nguồn, nếu ta đệ quy được thành nguyên lý diễn giải, nội dung của nguyên lý càng khái quát thì việc nhận hiểu các đơn vị này càng dễ dàng.
Bài viết này dựa vào nguyên tắc phóng chiếu: Khái quát là cụ thể (Generic is specific) để xem xét cơ cấu nghiã của một số thành ngữ – tục ngữ sông nước trong tiếng Việt.
2. Cá và Nước
Cá nước (chim trời) trước hết, diễn đạt ý nghĩa là của tự nhiên, không là sở hữu của riêng ai, thứ đến, còn biểu đạt ý nghĩa gắn bó mật thiết với nhau, Như cá với nước, Như cá gặp nước. Do đó, Cá gặp nước khác nào như rồng gặp mây.Trong tiếng Việt, mối quan hệ cá – nước còn bị chi phối bởi ẩn dụ: Yếu tố duy trì sự sống là nước, bởi vì, Cá sống vì nước hay Cá sống về nước, Người sống vì gạo, cá bạo vì nước, Cá lên khỏi nước cá khô(làm thân con gái loã lồ ai khen). Ngoài ra, nước còn là môi trường chi phối bản chất của của cá: Con thì mạ, cá thì nước, nước- cá phải tương hợp, chớ nên: Cá kình cá nghê sao chịu vũng nước vừa bằng chân trâu. Tuy có nói đến Duyên cá nước, Cá nước duyên may, Cá nước sum vầy, Cá nước duyên ưa… nhưng tục ngữ thành ngữ tiếng Việt chỉ dùng để chỉ một quan hệ gắn bó, tương thích bất kỳ chứ không nhất thiết phải là quan hệ tình cảm nam nữ,nghĩa là chúng bị chi phối bởi cách nghĩ: Thuận lợi trong quan hệ liên nhân là mối quan hệ giữa cá và nước. Điều này khác với tiếng Trung, quan hệ cá nước là quan hệ tình yêu, mà nước là nữ, cá là nam theo quy luật âm dương (theo R. Chen, 2012, bđd).
3. Nước sông, nước đồng, nước giếng
Quan hệ của các tổ hợp định danh ở tiểu mục này có tính chất sở thuộc và cũng là quan hệ giữa vật chứa và vật được chứa.Bản thân vật chất có thể tự thân được coi là vật chứa, nghĩa là ở đây, nước là một vật chứa, các thực thể chứa đựng nó cũng là vật chứa.Trong trường hợp này, nói như G.Lakoff và M.Johnson (2003), sông, đồng, giếng… là vật thể chứa đựng, nước là chất liệu chứa đựng.Trong tiếng Việt, chất liệu chứa đựng lệ thuộc vào vật thể chứa đựng về nhiều phương diện, khi đem so sánh các vật thể chứa đựng với nhau chúng ta mới xác lập được thang giá trị, nhất là khi phóng chiếu các đặc điểm của nước lên con người và xã hội, cũng là những hình thái của vật chứa theo tri nhận luận. Cách hình dung này sẽ chi phối đến cách kiến tạo nghĩa của các thành ngữ – tục ngữ sông nước.
Khi ai đó nói rằng, Có nước sông, nước đồng mới nhảy, ta có thể hiểu, nhờ vào thế lực, danh gia, tiền tài, của cải của cha mẹ mà con cái mới vùng vẫy, hay nhờ ai đó có quyền lực, cấp trên đỡ đầu, chống lưng thì hạ cấp mới dám ngang tàng phách lối. Sở dĩ có thể hiểu thế là vì, kinh nghiệm cho thấy, khi nước sông thật lớn thì mới tràn vào đồng. Và nước sông thì nhiều hơn nước đồng, nước đồng lệ thuộc vào nước sông. Quan hệ nước sông/ nước đồng là gắn bó mật thiết nhưng theo hệ tôn ti lớn /nhỏ. Do vậy, cần phân biệt cả chất liệu chứa đựng, lẫn vật thể chứa đựng, chứ đừng: Nước sông đổ lẫn nước ngòi.Và vì, đã khuôn định trong một ranh giới nhân tạo như thế cho nên, Ao có bờ, sông có bến. Có thể khái quát:Tính thích nghi của con người là mối quan hệ giữa nước và vật thể chứa nó.
4. Nước ăn
Nước có một vai trò quan trọng để nuôi sống con người. Cách thức ăn uống thể hiện tính cách của con người, Uống nước không chừa cặn, là phê phán ai đó, chỉ biết có mình, còn Ngồi trên miệng giếng mà khát nước lại là một nghịch cảnh; không biết tính toán, lo xa, lo gần, dân gian lại bảo, Khát nước mới đào giếng. Bình thường thì Khôn ăn cái, dại ăn nước, nhưng không quá câu nệ: Khôn ngoan tâm tính tại lòng, lọ là uống nước giữa dòng mới khôn.
Có mối quan hệ nhân quả giữa ăn và uống, dân gian bảo, Ăn mặn khát nước, đó là trường hợp quan hệ xảy ra trong một con người, một hệ thống. Điều oái ăm có khi nhân là một đằng, quả lại một nẻo, Kẻ ăn mắm người khát nước là thế. Và mở rộng ra, có khi nhân quả lại cách nhau cả thế hệ, Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Câu tục ngữ sau, phải hiểu thật uyển chuyển, không phải là duyên nghiệp, đó chỉ là một lời cảnh báo của dân gian, chết không phải là hết, việc làm của thế hệ ta sẽ còn ảnh hưởng đến con cháu đời sau.
5. Nước trong, nước đục
Người Trung Quốc đã khái quát,Tam sơn, lục thuỷ, nhất phân điền. Điều đó cho thấy vai trò của nước trong tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội. Vì là một đối tượng thường xuyên tương tác nên người Việt đã huy động cả năm giác quan để trải nghiệm với nước. Hãy quan sát, thị giác: (nước) trong, đục, vàng, đen, lăn tăn, cuồn cuộn, xúc giác: nóng, lạnh, mát, mềm ấm, trơn, ướt, thính giác: róc rách, rào rào, ầm ầm, vị giác: ngọt, lợ, mặn, chè hai và khứu giác:tanh, hôi, thối.Trong đó, khá nhiều thuộc tính thuộc bản thể nước được mở rộng nghĩa. Tại đây, chỉ bàn đến hai phẩm chất thường xuất hiện trong thành ngữ – tục ngữ: trong và đục.
Trước hết, ta biết đến tính chất đục/ trong trong bài ca dao nổi tiếng Con cò mà đi đi ăn đêm… như một lựa chọn: Chết trong hơn sống đục, và như vậy, đục thuộc thang độ âm tính và trong thì ngược lại. Có thể kể, Trâu chậm uống nước đục,Đục nước béo cò, Nước đục thả câu, Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục, lại vần than rơm… tuy nhiên, đục/ trong còn tuỳ thuộc vào môi trường,tuỳ thuộc vào gốc gác, dòng dõi: Nước suối có bao giờ đục, Nước tại nguồn có bao giờ đục, Mạch trong nước chảy ra trong, Nước trong còn ở nguồn sanh, nhưng hễ Nguồn đục thì dòng cũng đục hoặc nghiêm trọng hơn: Đục từ đầu sông đục xuống hay Đục từ đầu sông trở xuống.
Còn trong thì Nước trong ai chẳng rửa chân, trong có thể là bản chất tự nhiên: Nước trong thấy đáy, Tiếc thay cái giếng nước trong, để cho bèo tấm, bèo ong lọt vào, nhưng cũng có thể bản chất nhân tạo, có thể cải tạo, thay đổi như trường hợp, Nước đã lóng phèn, Chớ chê em xấu em đen, em như nước đục lóng phèn lại trong, hay: Xin đừng bắc bậc làm cao, phèn chua em đánh nước nào cũng trong, Nhưng ở đời trong quá, nhiều khi cũng không tốt: Nước trong cá chẳng ăn mồi, Nước trong không cá, hẹp dạ không bạn (so với: Sâu ao béo cá, độc dạ hư mình). Với dân gian, đục/ trong cần phân biệt rõ ràng, chớ nên: Làm chi dở đục dở trong, lờ đờ nước hến cho lòng tương tư.Và đục/ trong cũng năm bảy đường, Nước trong mà giếng hôi phèn, dẫu rằng em đẹp nhưng hèn mẹ cha, có khi lại rơi vào nghịch cảnh: Lỡ làng nước đục, bụi trong. Và dòng đời cũng như dòng nước, Nước có khi trong khi đục, người có kẻ tục kẻ thanh, Người có lúc vinh lúc nhục, nước có lúc đục lúc trong.
Rõ ràng, tuy đậm nhạt có khác nhau nhưng những phân tích bên trên được soi sang từ nguyên lý: Bản chất(hành vi, chu kỳ) của con người là trạng thái đục/trong của nước.
6. Nước và ứng xử của con người
Hoạt động của con người trên sông nước thường xuất hiện theo hai dạng: xuôi theo con nước, xuôi theo dòng chảy và ngược nước, ngược dòng chảy. Từ đây xuất hiện các nghiã biểu trưng tương ứng, xuôi dòng là thức thời, thì thuận lợi, thuận theo lẽ thường, ngược dòng là khó khăn, đi ngược lại với lề thói xã hội, đôi khi phải hứng chịu búa rìu của dư luận. Do vậy, Nước chảy xuôi, bè kéo ngược là tình trạng không tốt.
Với sông nước, nhiều khi phải chủ động, chứ không nên Nước tới chân mới nhảy, hay Cắm sào đợi nước, hay, Lội nước còn sợ ướt chân mà phải Xuống sông mới bắt được cá, phải Dò sông mới biết cạn sâu .
Có khi dân gian dùng nước như cái cớ để nói về cách ứng xử của con người.
Như bát nước đầy, là đối xử với nhau rất tốt, nhưng một khi Hất đổ bát nước đi thì Nước đổ sao hốt được bởi vì Nước đổ bốc chẳng đầy thưng. Ăn giỗ đi trước, lội nước đi sau là một kinh nghiệm nhưng đừng Nước giữa dòng chê trong chê đục, Vũng trâu đầm hì hục khen ngon. Ở vào hoàn cảnh, Còn nước còn tát là không đầu hàng số phận. Ai Gánh nước về nguồn, cũng như Nước gáo tắm voi là việc làm không phù hợp.
7. Nước và quy luật của tự nhiên
Nước kết hợp với non như Non xanh nước biếc, Non nước hữu tình thường dùng để chỉ vẻ đẹp của tự nhiên.Và cũng giống như một số hiện tượng tự nhiên khác, sông nước có quy luật riêng của nó.Nước chảy chỗ trũng, Tức nước vỡ bờ, Mưa dầm thấm đất, Trăm sông đổ ra bể, Cây có cội nước có nguồn… cũng như, Nước lên rồi nước lại ròng, Giữ nước thì phải be bờ, Hết cái thì đến nước, Nước cạn thì bèo xuống đất…Từ những trường hợp cụ thể này, có thể diễn giải ngữ nghĩa theo hướng khái quát, nhất là những sự tình liên quan đến con người và xã hội, miễn sao có sự tương đồng ánh xạ chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi sông nước. Và do quá quen thuộc với môi trường sông nước cho nên dân gian đã gán cho nước nhiều thuộc tính không cùng hướng nghĩa: Nước chảy đá mòn, Nước chảy đâu đâu cũng tới, sắc như nước… mềm như nước, yếu như nước, Nhạt như nước, nhạt như nước lã, Mềm như lạt, mát như nước, Nhiều như nước, Ngựa xe như nước.
8. Môi trường nước và con người
Ngôn ngữ sông nước vốn là ngôn ngữ của đời sống hàng ngày, khen ai làm ăn giỏi, dân gian bảo, Tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin. Thuận lợi, hanh thông thì bảo, Như buồm gặp gió, Biển lặng sóng êm, còn hoàn cảnh ngược lại thì Sông sâu sóng cả, Sóng to gió lớn. Nhìn chung, môi trường sông nước, dù biểu đạt thuận lợi hay khó khăn, đều có thể trở thành sơ đồ hình ảnh ánh xạ lên phạm vi hoàn cảnh của con người. Chẳng hạn, Chân ướt chân ráo biểu đạt việc gắn bó với môi trường chưa lâu, cho nên, Lạ nước lạ cái cũng là chuyện bình thường, còn một khi đã Quen nước quen cái thì Nước lớn đò đầy, hay Đương con nước lớn đò đầy, Nước dẫy sống dồi, cũng không có gì là đáng ngại.
9. Kết luận
Trong phạm vi đang quan sát, dễ thấy ngữ nghĩa của tục ngữ- thành ngữ không hoàn toàn võ đoán, phần lớn các trường hợp có thể diễn giải được cách kiến tạo ý niệm có tính chất biểu trưng, thông qua nghĩa nguyên thủy của các thành tố của tổ hợp. Nhưng nếu mở rộng, hẳn tình hình không như thế, nhất là đối với tục ngữ, một đơn vị ẩn chứa nhiều kinh nghiệm gắn liền với dấu ấn văn hoá, vốn được đúc kết từ rất nhiều thế hệ của cộng đồng diễn ngôn. Một số nhà ngôn ngữ học phương Tây quan tâm đến tục ngữ- thành ngữ cũng phải thừa nhận, diễn giải, phân tích các đơn vị này, mức độ khó/ dễ là rất khác nhau, chẳng hạn như trong tiếng Anh, có sự khác biệt rất lớn trong nghĩa câu chữ và nghĩa biểu trưng như: kick the bucket = Đá cái xô = chết. Do vậy, cần tiếp tục khảo sát với một khối lượng ngữ liệu lớn hơn, để có thể rút ra những kết luận thuyết phục hơn.
Cần Thơ, 18/10/2020
Trịnh Sâm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...