Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Tuổi thơ vọng mãi yêu thương vui buồn

Tuổi thơ vọng mãi
yêu thương vui buồn

Truyện dài thiếu nhi “Tiếng vọng ngày xanh” của nhà văn Huỳnh Văn Quốc được trao Giải thưởng NXB Kim Đồng năm 2001. Nhưng mãi đến nay tôi mới biết và được đọc nhờ trang Vanvn.vn giới thiệu liên tiếp 4 kỳ gần đây. Tôi chờ đăng tải để đọc trong niềm háo hức, thích thú và xúc động trước những trang văn đẹp đến nao lòng. Hình ảnh gia đình, làng quê và ký ức tuổi thơ cứ lần lượt hiện ra với đủ cung bậc: chan chứa yêu thương, vui buồn cơ cực, khát vọng vươn lên…
“Tiếng vọng ngày xanh” có tính chất tự truyện, được kể bởi nhân vật chính là cậu bé Quyết trong bối cảnh quê hương sau ngày giải phóng 1975. Một đứa trẻ tầm 6 tuổi rất hồn nhiên, hoạt bát, siêng năng, thích khám phá nên thường vặn vẹo người lớn bằng nhiều câu hỏi. Ngày đầu tiên Quyết được cho ra đồng là vào mùa cắt lúa. Cậu ta ôm lúa lên bờ giúp gia đình khiến tôi liên tưởng đến cu Tý trong tác phẩm “Ngày công đầu tiên của cu Tý” của Bùi Hiển. Gắn bó với cánh đồng, chùa làng, vườn hoang, phân trường nhỏ, ngõ quê…, tuổi thơ của Quyết và những người bạn là các trò chơi dân gian vui nhộn, bắt cá đồng, tìm hái trái cây trong vườn vắng.
Tuy tuổi nhỏ nhưng đã biết nghĩ đến bảo vệ thiên nhiên môi trường là rất đáng quý: “mong sớm sớm chiều chiều những con cu lửa, những bầy dồng dộc, những đàn cò… lại tin cậy về với khu vườn này cất lên tiếng hót để tuổi thơ chúng tôi được chắp thêm đôi cánh tuyệt vời của thiên nhiên, của ước mơ bay bổng”. Đất nước hòa bình thống nhất, được sống giữa làng quê yên ả, sống trong gia đình nền nếp đầy ắp yêu thương, những mạch nguồn ấy đã dưỡng nuôi, tưới mát mầm non thiện lành và đánh thức bao ước mơ tươi sáng của Quyết.
Tôi có ấn tượng đặc biệt với người cha trong truyện, bởi thông thường cha rất nghiêm khắc, mẹ thì hiền và dễ tính hơn. Ở đây ngược lại, mẹ thì khắt khe dù rất thương con, còn cha lại rất hiền từ. Mẹ thường gợi chuyện nhưng cha mới lí giải tận tường, vì cha là người hay chữ. Chưa bao giờ cha nói nặng lời, lúc nào cũng từ tốn, nhẹ nhàng khuyên con những bài học sâu sắc: “hễ một người làm điều xấu là cả loài người phải chịu chung. Do vậy nếu con làm một điều xấu thì cả nhà, rồi cả làng phải xấu hổ theo đó, rồi phải chịu khổ chung do việc làm xấu của con gây ra. Con biết ghét cô gái lười trong câu chuyện mẹ kể thì nhớ đừng làm điều gì xấu để mọi người tức giận”.
Tác phẩm “Tiếng vọng ngày xanh” của Huỳnh Văn Quốc
Bạn đọc xúc động đến nghẹn ngào trước những lời căn dặn của người cha: “Lỡ cha không khỏi bệnh, con lớn lên chắc sẽ vất vả nhiều, không được thuận lợi như bạn đồng lứa. Ngược lại còn bị mọi người ăn hà ăn hiếp, không ai bênh vực, con sẽ khó sống ở đời. Nhưng dù gì đi nữa vẫn phải cố mà sống cho tốt. Thua bạc thua tiền chớ đừng thua ý chí, phải vươn lên như mụt măng”. Rồi như hiểu rõ bệnh tình của mình, ông dặn tiếp đứa con trai út: “Lớn lên chắc con sẽ vất vả thiếu thốn. Nhưng dù gì cũng phải học, có chữ dù đói rách cũng không ai dám coi khinh… Nếu con ham học, ham sách vở, tuy không còn cha nhưng vẫn như thấy cha luôn ở bên mình vậy. Con nhớ lời cha không?”.
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang” khi cha không còn, cảnh nhà hiu quạnh, khó khăn buồn tủi khiến cho đứa trẻ chới với giữa dòng đời. Nếu khóc được thì nỗi buồn sẽ vơi dịu, đằng này nước mắt lặn vào trong nên niềm đau còn âm ỉ mãi. Từ đó, vốn tâm hồn đa cảm, thấm thía phận mồ côi, Quyết càng trở nên lặng lẽ, thâm trầm, ít thổ lộ nhưng cháy bỏng khát vọng vươn lên.
Gia đình có tầm quan trọng cực kì lớn đối với mỗi người. May mắn thay, nơi ấy còn người mẹ vất vả nhưng coi trọng sự học, cô Ba nhân hậu, các anh chị hết lòng yêu thương em đã phần nào xoa dịu nỗi đau và tiếp thêm động lực cho cậu bé. Thời gian trôi qua, Quyết sớm biết đỡ đần cho gia đình, từ nấu cơm, trông cháu, đi làm công điểm hợp tác xã, đan đát, kể cả chặt tre là việc rất khó. Tuổi thơ của Quyết còn mãi đong đầy bên khu vườn kí ức, hiên nhà cũ xưa, chim muông rau trái, những sinh hoạt cộng đồng. Chắc chắn khi đặt tên Quyết, bậc sinh thành mong muốn con mình phải đủ ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt lên như mụt măng vậy!
Có hai chi tiết khiến tôi đặc biệt chú ý là: người mẹ lễ phép đến kính cẩn với thầy giáo khi gửi con trong buổi học đầu tiên “Dạ xin cảm ơn thầy! Xin gửi cháu lại cho thầy dạy dỗ, xin phép thầy tôi về” và người anh Hai lấy hai cuốn bánh tráng từ trong bọc giấy để “tiếp tế” cho em đỡ đói buổi trưa, chờ thi suất chiều trong ngày thi chuyển cấp. Mẹ nghèo nhưng trọng thầy quý chữ, anh Hai đã có gia đình nhưng chẳng bỏ rơi em. Giáo dục, đôi khi chỉ cần một hành động nhỏ mà đẹp cũng đủ lay động dài lâu!
Ngày ấy, thi lên cấp 3 rất ngặt. Từ tâm trạng “an tâm” đến “đâm lo” rồi mừng vui, nhưng lập tức “nghĩ đến những đứa khác”. Bạn bè rớt nhiều, trong lòng Quyết “cảm thấy một nỗi buồn man mác” bởi từ đây “tan đàn xẻ nghé”, chứng tỏ ở độ tuổi 15 Quyết đã biết quan tâm, thấu cảm, giàu lòng trắc ẩn, sống không chỉ riêng mình. Diễn biến nội tâm nhân vật phong phú, phức tạp nhưng rất hợp lí với nhận thức và tính cách của Quyết. Giã từ tuổi nhỏ nhưng vẫn còn đó bao dư âm vang vọng của buồn vui, yêu thương, mơ ước…
Suốt thời gian dài, mảng văn học thiếu nhi ở Phú Yên cũng như cả nước trầm lắng vì nhiều lí do khác nhau. Gần đây đã có sự chuyển biến và được quan tâm nhiều hơn, đó là tín hiệu đáng mừng. Văn học không chỉ giúp các em nhận thức, khám phá cuộc sống xung quanh mà còn bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ, giúp các em trở thành những người tốt, sống tử tế, có trách nhiệm hơn. Nhưng viết cho thiếu nhi chưa bao giờ là dễ, bởi phải viết bằng ngôn ngữ và xúc cảm của trẻ, mọi gắng gượng cho tròn vai đều ít để lại dấu ấn.
Nói như thế để thấy “Tiếng vọng ngày xanh” của nhà văn Huỳnh Văn Quốc là một sự đóng góp lớn, rất đáng trân trọng. Sau hơn 20 năm ra đời, tác phẩm vẫn cuốn hút bạn đọc nhiều lứa tuổi, bởi ở đấy có không gian làng quê gần gũi, thời gian được kể theo trình tự trước sau, cốt truyện chặt chẽ, ngôn ngữ trong sáng, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ dân gian, miêu tả thế giới tự nhiên sinh động, khắc họa diễn biến tâm trạng nhân vật phù hợp. Một đứa trẻ chưa thể hiểu biết mọi điều, do đó Huỳnh Văn Quốc rất khéo khi chọn điểm nhìn trần thuật là bình đẳng với thế giới được miêu tả, nên có được sự chân thành đáng quý. Ngoài ra, theo tôi, giá trị rất lớn của “Tiếng vọng ngày xanh” là tính giáo dục của nó. Nhiều thông điệp được chuyển tải bằng những hình ảnh, chi tiết, câu chuyện nhẹ nhàng mà sâu sắc, giàu ý nghĩa nhân văn.
Huỳnh Văn Quốc là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Phú Yên. Vốn là cây bút đa năng, sáng tác cả thơ lẫn văn xuôi, gia tài văn học của riêng anh hiện gồm 3 tập thơ: Vòng tay mẹ (1995), Hát với luống cày (2006), Nhớ sông (2022) và 2 tập văn xuôi: Tiếng vọng ngày xanh (2001), Người mẫu trần gian (2003). Riêng mảng văn học thiếu nhi, truyện dài “Tiếng vọng ngày xanh” đã thật sự chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc, giúp độc giả đồng cảm và trở về với ký ức ngày xanh đầy ắp những yêu thương, vui buồn, mơ ước của tác giả!.
4/7/2023
Phan Huy Thùy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giấc Mơ Chưa Trọn Chiếc xe thả mình theo con dốc. Như chiếc lá lẻ loi lửng lờ nương theo gió. Đường xuống núi, có khúc cong, tuyết bám t...