Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Ký ức củ mài

Ký ức củ mài

Củ mài còn có tên chữ là hoài sơn. Đây là loại cây có thân dây leo, thường mọc và phát triển ở vùng đồi núi như Hố Tro, Cồn Chòi, Hố Chuối… Bây giờ, củ mài đã trở thành món ăn kí ức của tôi. Tôi phải đi thật xa, họa hoằn lắm mới gặp được gốc mài. Những vùng đồi núi nguyên sơ, gắn bó với tuổi thơ của tôi và lũ bạn ngày nào, giờ đã biến thành rừng keo, rừng tràm hay rừng cây khai thác gỗ. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu tạp bút Kí ức củ mài của Hoàng Xuân.
Tiết Thanh minh tháng ba, cũng là ngày giỗ đầu mạ tôi. Chiều, vợ chồng tôi phóng xe từ thị xã lên, gần đúng lúc vào lễ tiên thường. Ở quê, có các em lo lắng chu đáo nên chúng tôi cũng không bận bịu chuyện giỗ chạp lắm. Trong mâm cỗ bưng lên bàn thờ mạ, ngoài đầy đủ các món xưa và nay, tôi vô cùng bất ngờ, khi nhìn thấy một đĩa củ khoai mài. Như hiểu được ý anh mình, chú em hơi chùng giọng: “Em cúng cho mạ đĩa khoai mài mà em đã mua được từ nơi khác về! Lúc còn sống, mạ hay nói về khoai mài lắm. Có bữa, mạ ăn không được cơm nhưng lại bảo thèm củ khoai mài. Hôm sau, em phải lên rừng, tìm mãi mới có”.
Tôi đứng nhìn di ảnh mạ, bao kí ức ùa về, khiến nén hương cũng rưng rưng khói. Mạ ơi! Con hiểu rồi, khoai mài với đời mạ không phải là kỷ niệm như chúng con mà là ân nhân. Mạ từng nói, thời mạ nếu không có củ mài thì không lớn lên được. Thậm chí có lúc, mạ không thể nuôi chúng con lớn lên… Mạ kể rằng, năm 1979 khi sinh tôi ra, là năm đói kém nhất thời bao cấp. Lúc bấy giờ không đào đâu ra gạo. Mạ tôi ăn mãi mì hột và sắn nên dẫn đến thắt sữa. Cả làng đua nhau vào rừng đào củ mài, nên thành khan hiếm. Người thân phải nhường khoai mài cho mạ ăn, bởi khoai mài có nhiều dưỡng chất. Nhờ đó mà tôi tránh được còi cọc. Ngày ấy, lũ trẻ không những đào được để ăn mà còn có khả năng dư thừa để bán. Mỗi củ mài “của một đồng, công một nén” và đã giúp không ít gia đình cứu đói trong những ngày giáp hạt, có tiền mua sách vở, nộp học phí, giúp nhiều đứa trẻ có cơ hội được đến trường.
Quê tôi, mảnh đất Thuận Hoan thuộc xã Đồng Hoá núi đá chập chùng. Những tên đất, tên làng nghe đã thấy nghèo như Hố Tro, Hố Chuối, Cồn Chòi, Cồn Ran, Cồn Đá, Lẻ Ngạnh,… Những địa danh đã gắn liền với nhiều kỉ niệm tuổi ấu thơ của bao thế hệ. Hôm nay, nhắc đến những cái tên ấy, khóe mắt của mỗi người lại trào dâng bao cảm xúc. Không chỉ là ngày xưa, mà thế hệ 7x chúng tôi cũng còn phải vừa chăn bò, vừa tìm đào củ mài để chống đói. Những đứa có tên tuổi trong làng đào củ mài phải kể đến là Cu Mắt, Vinh lùn, Tình khoeng hay Đông dép tông…
Củ mài còn có tên chữ là hoài sơn. Đây là loại cây có thân dây leo, thường mọc và phát triển ở vùng đồi núi như Hố Tro, Cồn Chòi, Hố Chuối… Lá củ mài có hình trái tim, to bằng lá trầu, màu xanh, mọc so le hoặc mọc đối nhau dọc theo thân leo. Hai mặt của lá nhẵn, khi về già lá chuyển màu vàng rồi rụng khỏi thân, thân cũng đổ đốt rồi chết dần… Một cây mài trưởng thành có phần dây leo cao đến vài chục mét. Thân leo có màu đỏ hồng, chúng dựa vào cây to và diện bao phủ khá rộng, đất càng tốt thì phát triển càng mạnh, nếu không tinh ý thì rất khó tìm. Về phần củ, chúng bám sâu vào trong đất hàng mét, củ kéo dài. Gốc càng to thì khả năng củ sẽ càng lớn. Nếu gặp tổ mối thì củ rất to, lũ trẻ đi đào mà gặp trường hợp như thế này thì thật là sung sướng, phải thốt lên rằng “của trời cho”.
Vỏ củ có màu xám nâu, bên trong có màu trắng. Củ mài tự nhiên thường đạt độ lớn vào khoảng từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, đây cũng là thời kì mùa mưa, lũ và lạnh ẩm của miền khí hậu Đông Trường Sơn. Tháng hai, tháng ba là thời điểm củ có chất lượng dinh dưỡng tốt nhất và độ lớn của củ to nhất. Củ luộc ăn rất thơm với nhiều tinh bột, nấu cháo cũng rất ngon, là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, người ta còn biết đây là loại dược liệu, một vị thuốc quý. Củ mài cũng chỉ sống vòng đời trong một năm, khi lá và thân rụi, củ cũng rụi theo, thối dần, chỉ còn cái gốc có chùm rễ sát trên mặt đất là vẫn sống. Từ cái gốc đó, cây sẽ lại mọc lên, củ sẽ đâm ra tiếp tục một vòng đời mới. Củ mài năm sau sinh ra cứ theo cái lỗ củ của năm trước đã mục đi mà đâm thẳng xuống, sử dụng dinh dưỡng từ chính củ mục đó mà phát triển, củ năm sau lúc nào cũng lớn hơn năm trước.
Những năm học dưới trường làng của thập niên 90 thế kỉ trước, buổi chiều hay ngày nghỉ tôi thường đi chăn bò theo chúng bạn trong xóm và vào rừng đào củ mài. Vùng nào nhiều cây mài, vùng nào đất dễ đào, củ to, chúng tôi đều thuộc như lòng bàn tay. Dụng cụ phải có rựa, xà beng, cuốc, choòng và một cái bát nhựa hoặc vật sắt để múc đất. Quá trình đào phải hết sức cẩn thận, không được đụng đến củ vì củ mài rất mềm, dễ bị dập nát. Lúc đưa củ lên cũng hết sức nhẹ nhàng, không cẩn thận dễ bị gãy. Người đi đào củ mài, nếu ú ớ, có khi đào đến hoa cả mắt mà gặp phải đá tảng ở phía dưới là “xôi hỏng bỏng không”. Hay đào trúng củ nu thì thật dở cười dở khóc.
Đào khoai mài đã có những giai thoại trở thành kỉ niệm không bao giờ quên. Chúng tôi thường chia tốp để đi đào, thằng Tình thì hay đi đào với con Nghĩa. Có hôm thằng Tình đang đào, gặp phải khối đá, củ khoai không chui xuống sâu được, đành khoanh tròn lại mấy vòng theo kẽ hở của khối đá. Thế là con Nghĩa hò hét râm ran và liền đặt cho nó cái tên TÌNH KHOENG. Thằng Khoeng cứ thế hì hục đào củ mài với con Nghĩa và cái tên cũng ngày càng được nhiều người biết đến. Thế rồi, học xong lớp 12, thằng Tình khoeng có giấy khám nghĩa vụ quân sự và hắn đã trúng tuyển, mặc dù hắn đã thi đỗ trung cấp ngành xây dựng ở Đà Nẵng. Trước khi lên đường làm nghĩa vụ quân sự theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hắn quyết tâm “đãi” anh em một bữa khoai mài, và rồi hắn cũng thực hiện được. Bữa tiệc khoai mài có đủ anh em hội chăn bò, trước khi vào khai tiệc, hắn làm cho cả tụi vô cùng bất ngờ. Hắn rón rén đến bên con Nghĩa tặng một bông hoa mài. Nhiều năm đi đào củ mài, nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới được thấy hoa mài, hoa có 5 cánh với màu hoa tim tím, đưa lại gần mũi ngửi mới thấy thoang thoảng hương thơm rất nhẹ. Bông hoa mài trên tay Nghĩa làm cho cả hội “ái dà” một tiếng rõ dài. Nghĩa thầm cảm ơn Tình và sẽ vẫn tiếp nối đào củ mài cùng chúng bạn, đồng thời tiếp tục học cấp 3.
Tình lên đường làm nhiệm vụ trong một ngày sụt sùi mưa nắng. Nghĩa ở nhà thi đỗ vào lớp 10. Ban chỉ huy quân sự huyện nhà làm một buổi lễ tuyển quân nhẹ nhàng nhưng chất chứa đầy tình cảm lưu luyến. Thế rồi một năm huấn luyện trong quân ngũ đã qua, con Nghĩa nhận được tin thằng Tình khoeng trong một lần đi đào hào cùng đồng đội, không may bị trúng quả bom bi và bị cụt mất 1 tay trái, tay còn lại chỉ còn 3 ngón. Một cơ thể không còn nguyên vẹn của hắn đã làm bao người nhói đau, và Nghĩa cũng không ngoại lệ. Hết nghĩa vụ trở về quê hương một thời gian, Tình và Nghĩa đã kết duyên vợ chồng và cùng nhau chăn nuôi bò, làm vườn, thỉnh thoảng đến mùa khoai mài lại lên rừng, kiếm củ mài tiếp đãi bạn bè phương xa tới.
Bây giờ, củ mài đã trở thành món ăn đặc sản. Quê tôi, vẫn những tên đất, tên làng ấy, những kỉ niệm vui, buồn cứ ùa về trong kí ức. Tôi bỗng thấy nhớ rừng, nhớ mùi vị củ mài thân quen và những kỉ niệm tuổi ấu thơ. Nhưng những gốc khoai mài ấy nay còn rất ít? Và phải đi thật xa, họa hoằn lắm mới gặp được gốc mài thuở nọ. Thật khó để lũ trẻ chúng tôi được “tái hiện” giấc mơ. Những vùng đồi núi nguyên sơ, gắn bó với lũ trẻ ngày nào, giờ đã biến thành rừng keo, rừng tràm hay rừng cây khai thác gỗ.
Thằng Khoeng, con Nghĩa, anh Cu Mắt khoai mài và những người bạn chăn bò cùng trang lứa, tất cả đều lớn lên từ cái làng quê ấy và đều học hành thành đạt, mỗi đứa một việc làm, một cuộc sống và phương trời riêng. Mỗi năm có ngày lễ hay tết đến, xuân về tất cả lại có cơ hội tụ họp trên quê hương với thằng Tình, con Nghĩa. Chỉ có điều, màu hoa khoai mài và mùi hương củ mài chỉ còn lại trong tiềm thức. Những câu chuyện xa xưa bên bát nước chè xanh dưới mái hiên nhà Tình – Nghĩa xen lẫn những cơn mưa chợt đến chợt đi, rồi nhòa vào kí ức, kí ức củ khoai mài.
Trên ban thờ vẫn nghi ngút khói hương, mạ hưởng xong, xin cho chúng con chút lộc khoai mài, lộc yêu thương mạ nhé!.
8/7/2023
Hoàng Xuân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cô hàng xóm năm xưa Mấy tuần nay thời tiết thay đổi thất thường. Nắng vừa leo khỏi ngọn cây được vài hôm, thì băng tuyết lại phủ kín các...