Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Lòng người - Truyện ngắn Nguyễn Thành Tài

Lòng người - Truyện ngắn
Nguyễn Thành Tài

Ở cái làng nhỏ xíu bên hỏm núi, độc nhất thằng Rệu đỗ hết cấp ba. Lúc nhận giấy báo tốt nghiệp, bà Tâm chảy nước mắt. Chạy mãi được vài ký nếp, dăm cân thịt làm mâm thắp nhang khấn ông bà, báo tin với ông Rục.“…Ông sống khôn thác thiêng về chứng giám, tui đã thực hiện xong lời dặn dò trước khi ông đi…”
1. Con đường lượn cong lạng lách trong đám rừng bạch đàn hun đầy bụi bặm. Xe qua lại, chốc chốc kèm theo gió, thốc tung mọi thứ cả lên. Người gồng gánh hối hả xuôi ngược, mặt mũi bịt kín mít, chừa hai con mắt thao tháo. Ngồi sau tay lái, Rệu căng mắt hết cỡ vẫn thấy lù mù phía trước. Ngày làm xong về nhà, quần áo đầu tóc bạc phếch. Lão Mậu cạnh bên, phành phạch cái nón cời, cằn nhằn:“…Chạy chậm dữ mày, kiểu này hít bụt suốt…”.
Nghe ông chủ tỏ vẻ khó chịu, chiếc xe thình lình vào số vọt nhanh tới. Lên dốc. Máy tự dưng lục khục tưng tưng vài chập…chựng lại. Rệu điếng hồn. Chân dậm thắng. Công tắc xe bật tách tách. Động cơ sụt sịt mấy cái xong câm tịt. Máy chết. Lão Mậu mở cửa nhảy ào xuống, chạy xa ra xe, hét toáng: “…Bị làm sao hả thằng ôn dịch…”. Mồ hôi lấm bụi kéo vệt dài trên mặt Rệu. Chân đạp thắng cứng khừ mỏi nhừ, chẳng biết xoay sở thế nào. Nhác thấy ông già đang đứng xớ rớ: “…Lượm gạch chèn bánh lại, lẹ lên xe tụt dốc bây giờ…”. Kịp hoàn hồn, lão Mậu với tay lấy gạch ở thùng xe chèn vào bánh. Rệu leo lên đầu cabin mở nắp. Khói túa lên đen xì khét lẹt. “Sau hả”. “Dạ cháy máy”. “Trời đất, khổ thân tui chưa…tháng này mày liệu hồn tiền lương…”.
Trời trưa chang nắng. Hàng ềnh ra đường chưa đến nơi. Kiểu này, tối hù mới ăn cơm tắm rửa ở nhà. Lão Mậu lẩn quẩn hết nhìn xe lại nhìn con đường như đang bốc hơi mà bụng có lửa. Rệu đang gọi thợ đến kéo xe về trạm.
2. Ở cái làng nhỏ xíu bên hỏm núi, độc nhất thằng Rệu đỗ hết cấp ba. Lúc nhận giấy báo tốt nghiệp, bà Tâm chảy nước mắt. Chạy mãi được vài ký nếp, dăm cân thịt làm mâm thắp nhang khấn ông bà, báo tin với ông Rục.“…Ông sống khôn thác thiêng về chứng giám, tui đã thực hiện xong lời dặn dò trước khi ông đi…”. Thằng Rệu vui ít hôm rồi vác cuốc ra liếp đất xuống dây lang. Thỉnh thoảng, bà Tâm thấy thằng con trai cả thẩn thờ nhìn con đường hun hút dẫn ra đường tàu ngang làng. Có lần bà hỏi, Rệu dấm dứ: “…Con cũng muốn tiếp tục thi đại học, kẹt mấy đứa em, mình u kham sao nổi…”. Mấy đứa em Rệu, đứa làm thuê cho nhà chủ, còn ba đứa theo u lẩn quẩn góc vườn, bờ ruộng kiếm cái ăn, cực lắm. Rệu cất hết sách vở vào tủ, để khỏi phải nhìn thấy.
3. Lão Mậu lò đò xuất hiện trước nhà Rệu vào buổi chiều mưa. Áo quần ướt nhẹp, be bét đất. Bà Tâm hồi hộp, lật đật mời khách vào trong. Lão Mậu liếc mấy anh em Rệu đang quanh mâm cơm lọ mọ vài cọng rau rồi ngước lên bàn thờ giữa nhà. Rệu nhìn cặp mắt cú vọ của lão. Cặp mắt ấy được gắn trên gương mặt dài thường thượt. Chạy dọc theo hai mang tai xuống cằm nguyên bộ râu xồm xoằm rất bặm tợn. Hình ảnh lão Mậu lần đầu tiên gặp mặt, đập vào mắt Rệu không mấy thiện cảm. Nghe nói, người có cặp mắt xếch nguợc lên mang tai rất xảo quyệt, gian tham. Lão cho bà Tâm hay, qua bạn bè nghe thằng em kết nghĩa hồi gian khổ làm ăn phương xa chết đột ngột, bận chưa về được. Nhân có việc qua đây, lão ráng tìm vào thắp nén nhang cho chú ấy. Hồi ông Rục còn sống là tay mặt tay trái của lão trong làm ăn. Thời gian sau, cha Rệu về quê với cái túi vải đựng vài bộ quần áo nát nhừ dơ hẩy và trong người bệnh tật. Lão Mậu đứng bất động nhìn thẳng vào tấm ảnh mờ mờ lầm rầm hồi lâu. Thấy nhà cửa mẹ con Rệu, ý định tạt ngang rồi đi ngay của lão biến mất. Nán lại vài hôm, chẳng biết lão nói với bà Tâm điều chi. Suốt mấy buổi chiều, Rệu bỏ ra liếp lang ngồi miết đến mặt trời xuống đỏ au mới về.
Khi tạm biệt bà Tâm ra đi, thằng Rệu theo lão luôn từ đó. Bà Tâm cùng ba đứa nhỏ đứng nhìn hai dáng người khuất sau rặng cây, ngược đường tàu về ga xép. Tiếng còi hụ vang trong màn sương tờ mờ tản sáng dày đặc muốn xóa nhòa mọi thứ xung quanh.
4. Mụ chủ quán nham nhỡ khoe mấy cái răng bịt vàng, má nấng thịt rung rung:
– Hai bác cháu dùng gì nào…?
Lão Mậu ghé mắt vào tủ kính nhũn mỡ mấy đùi cầy tơ vàng ươm chép miệng: – …Một luộc, một cháy cạnh…cho chai trắng luôn.
– … Cô làm cháu bát xáo…- Rệu lí nhí, mắt dí xuống bàn. Mất toi chục nghìn tháng này. Tiện tằn lắm, tích cóp từng đồng tới tháng gởi về nhà. Ở quê, ngày cơm hai bữa đủ no để Rệu quần nhau với nắng gió đất sỏi. Vào đây, được lão Mậu cho học lái xe, ngồi sau vô lăng, hàng quán đi qua Rệu chẳng dám nhìn. Nó quá xa xỉ so với cái làng nhỏ xíu có u và mấy đứa em. Nhiều lần định nhịn đói, đánh xe về nhà lục cơm nguội lúc ăn sáng dư, thấy lão Mậu bước vào quán, đành đi theo.
Lương tháng này, hụt phân nữa. Tiền mấy tháng trước cũng hụt đi chút ít. Rệu không dám hỏi, đoán chừng lão Mậu trừ vào tiền ăn ở quán, nhưng Rệu đâu dám phung phí. Lần này, Rệu tính nhẩm mình sài bao nhiêu đến cuối tháng nhận lương sẽ liệu bề. Dầu sao, lão cũng thương cha mình thì lão mới nhận mình theo làm. Rệu thấy khó chịu trong người. Lão Mậu làm như chẳng chú tâm đến thái độ của Rệu, thấy đứng tần ngần liền hỏi:
– Chuyện gì đó, sao không lo bốc hàng lên xe đi?
Rệu ấp úng: – Dạ bác cho con hỏi…tiền tháng này của cháu sao lại…
Mặt hếch lên trời, lão Mậu chậm rãi: – Tao trừ tiền mày vào ăn uống mấy lần ở quán…trừ tiền tài xế chưa biết bảo quản xe…
Rệu nhăn mặt: -Dạ cháu gọi ít…với lại cháu…đâu ăn nhiều…còn xe…
-…Ai biểu mày không ăn thì ráng mà chịu, tao mà đi đôi co tính toán với mày miếng ăn hả…xe chạy phải bảo quản…tao đã nói trước rồi…
Đi toi công sức tằng tịu kiếm tiền gởi về cho u. Rệu ức lắm, định nghỉ làm. Nhưng lạ nước, lạ cái, thôi việc ở đây biết kiếm chổ nào. Tưởng người ta tốt, nào ngờ, biết vậy hồi trước chả dại theo. Ở nhà bám lấy mảnh đất dù đói, mà u con thương yêu nhau. Tại u cứ thúc, mà Rệu cũng thấy thương u. Nhiều bận Rệu tính bỏ về nhưng nghĩ lại, cắn răng ráng chịu. Không ai tốt với ai mà chẳng có điều kiện hoặc thâm ý cả. Rệu rút ra được một câu lận lưng sau những tháng ngày long đong quê người.
5. Sáng dạy sớm, Rệu nấu cơm nhiều. Hai người ăn xong, còn dư gói lại, làm muối vừng, đem theo đến trưa. Lão Mậu ngó thấy lặng thinh. Vào quán, lão kêu món, chậm rãi ăn uống tự nhiên. Rệu giở gói cơm chấm muối vừng ráng nuốt. Dù sao, vẫn dễ chịu hơn. Bận trước, đổ hàng xuống kho xong, vào quán đợi chiều mát, Rệu với lão mới đánh xe về. Mấy ngày rồi, Rệu ngoài xe, ăn xong lăn ra ngủ chờ lão. Có lẽ Rệu làm lão Mậu chướng mắt nên lão vẫy vào bảo:“ -…Mày không ăn thì đánh xe về trước, chiều tao về…”.
Trưa nắng nung người. Con đường chứa bụi mù trời thêm dài ngoằng, rối tung trước mắt. Người gánh gồng hối hả tìm nơi ngồi thở hồng hộc, ngại đi. Rệu mím môi ôm tay lái về đến nhà, người mệt lử, mồ hôi tháo ướt lưng.
6. Một chiều về đến nhà, lão Mậu kêu Rệu lại:“ -…Hàng tháng mày cần bao nhiêu tiền…?”.
Rệu ngờ ngợ, không biết lão bày trò gì nữa đây, nuốt nước bọt, lấp lửng:
– Dạ, vừa đủ thôi ạ…
– Vậy từ khi làm đến giờ tao trả tiền cho mày vậy ổn chưa…
– Dạ…tạm ổn.
– Sao tạm ổn…–lão Mậu cao giọng–…tao hỏi mày, mấy tháng nay đánh xe về buổi trưa…mày làm gì…?
Rệu chưa hiểu điều lão Mậu muốn nói, mặt nghệch ra: -Dạ con đánh xe về nhà…
– Mắt mũi mày có thấy người ta đi đầy đường không hả…?
– Dạ có…
– Tao kêu mày đánh xe về…tao có không cho mày chở theo người về đâu….?
Từ hôm đó, khi trưa đánh xe về nhà, Rệu kiếm cũng được kha khá…
Lão chèn ép nhiều, bây giờ làm phúc để đức cho con cháu. Mà lão lớn tuổi rồi sao chẳng thấy vợ con đâu cả. Lúc vào đây, Rệu loáng thoáng nghe người ta nói lão Mậu có cô vợ cực kỳ đẹp. Nghề lái xe nay đây mai đó, cô vợ nằm nhà một mình ngày càng hây hẩy. Kết cục cô ả đã bỏ lão theo thằng chủ vựa nọ. Lão hận đàn bà và lao vào làm ăn điên dại. Từ đó, cặp mắt cú vọ càng dữ tợn hơn khi nhìn ai, mà nhất là phụ nữ đẹp. Lão im thin thít, chẳng giao tiếp với bên ngoài. Sáng chở hàng đến trưa, ghé vào quán cầy tơ mụ béo, chiều về lăn vào ngủ. Rệu tưởng lão mê mụ béo, nhưng không, lão chỉ khoái món cầy tơ nhâm nhi với nếp than. Vài bận, lão xỉn về đêm ngủ lảm nhảm gọi tên vợ mình trong mơ. Có người hỏi Rệu ở đâu, quan hệ thế nào với lão, tưởng như con trai mới được lão vừa tìm về. Đáng kiếp lão…
7. Rệu xin lão Mậu về quê giỗ cha. Lão ngớ người hồi lâu rồi bỏ đi. Lúc ngồi trên xe lão mới nhìn Rệu:“…Sáng mai mày về…”. Rệu gật đầu, trông lão lạ lắm. Trưa, lão về cùng Rệu, không ghé quán nhậu rồi chiều về như mọi khi. Đến nhà, lão lũi đâu mất, tối mịt mới về, ngồi thừ bàn làm việc tới khuya. Chắc lão lại có tính toán chuyện chi nữa đây. Dù sao thì Rệu cũng phải về giỗ cha.
Mờ sáng, khi gà le te ngoài sân, Rệu giật mình thức đã thấy lão Mậu ngồi đó bên bàn. Cả đêm lão chẳng ngủ, nhìn hai con mắt lờ đờ của lão thì biết. Đồ đạt gói ghém xong hết, đến lúc Rệu định ra ga chợt lão đứng phắt dậy, mở tủ móc ra hai bọc giấy đặt trên bàn:
-“…Tao gởi về cho u mày làm vài mâm, nói với u mày tao về không được” –Lão Mậu đẩy về phía Rệu gói nhỏ, chừa lại gói giấy to buột chặt kỹ lưỡng:
-“…Còn đây, phần dành dụm của mày trong thời gian làm việc ở đây…cầm lấy về quê…”- Lão ngập ngừng – “…đừng quay lại đây nữa”.
Rệu choáng người. Tay cầm hai gói tiền, đầu nhún nhảy bao suy nghĩ lộn xộn. Trong đó, loáng thoáng nhận ra mình đã bị đuổi việc bằng cọc tiền to kia.
– Dạ con đâu có làm sai…sao bác lại đuổi…
Giọng lão chậm rãi bình thường: “…-Tao không muốn mày làm ở đây nữa…về quê đi rồi…”
-“ Nhưng mà…tiền này” -Rệu định trả lại lão.
Lão Mậu ngắt lời: “…-Tiền này của mày từ chuyện ăn uống mấy bận trước tao trừ ra…tiền xe hư nữa…tao muốn cho mày thấy cuộc sống không suông sẽ bao giờ…cho thấy dại khờ của mày và tinh quái của người ta…sống khờ quá sẽ chết mà ranh lõi quá sẽ chẳng xong với đời…”
Ngực đập thình thình, miệng Rệu cứng đờ, đắng nghét. Bên tai vẫn còn nghe giọng ồm ồm của lão Mậu. Vậy mà hồi nào giờ, Rệu nghĩ lão…
“…Số tiền này, tao cho thêm đủ mày học bốn năm ăn học…về quê ráng mà thi đỗ vào đại học để có việc làm chắc chắn…ở đây không phải là chổ lập nghiệp…đời tao, đời cha mày cực khổ quá đủ…”. Lão Mậu im bặt, chằm chằm ra cửa.
Rệu nhìn lão Mậu. Bất giác, đôi tay Rệu choàng qua cổ lão siết mạnh. Mùi mồ hôi chua lè, mùi xăng hăng hắc, mùi nắng khét lẹt lẫn vào nhau. Lão Mậu vỗ vai Rệu nhè nhẹ: “…giỗ cha mày lần sau tao về, lúc đó con phải nói với bác rằng con đang học đại học…”.
Lần đầu tiên, Rệu nghe lão Mậu gọi “con” xưng “bác”. Suy nghĩ dội về cùng đôi mắt cú vọ, Rệu cảm thấy cay cay mũi, hai mắt nhòe đi. Lão Mậu nhìn thằng cháu sụt sịt vội nhăn mặt: “…con trai phải cứng rắn lên để người ta khỏi ăn hiếp…”.
Rồi như hiểu được chuyện, lão tủm tỉm: “…Chắc mày ghét bác lắm, mà từ ngày con vợ nó bỏ tao đi đến giờ, tao như thế đấy, đừng giận bác làm gì…bác  có lỗi với ba mày nhiều…biết chú ấy bệnh bỏ về quê mà không lo tiền chạy thuốc để phải yểu mệnh…bác phải chuộc lỗi…mày đi đi, ráng thực hiện ước mơ…như thế mới xứng đáng làm thằng đàn ông giữa đời…”.
Lão Mậu đưa Rệu lên ga. Cũng cái buổi sáng mờ sương dày đặc của sáng hôm nào như muốn che kín mọi thứ xung quanh. Tàu từ từ trôi đi. Còi rít lên hồi dài, bánh sắt nghiến mạnh trên đường ray lao về phía màn sương chưa tan. Lão Mậu dõi theo con tàu đến khi nó chỉ còn vệt mờ và mất hẳn. Lão lầm lũi rảo bước. Tự dưng lão thấy mình cô độc giữa sân ga nhộn nhịp. Cặp mắt cú vọ chăm chú xuống từng bước chân đang đi về cửa ra vào.
4/7/2023
Nguyễn Thành Tài
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhất tự vi sư, bán tự vi sư Thời tôi còn bé, chiều nào tôi cũng sang nhà ông bà ngoại chơi. Ông tôi thường nhịp cây chổi lông gà lên quy...