Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Kẻ mất bóng - Truyện ngắn của Đào Bá Đoàn

Kẻ mất bóng - Truyện ngắn
của Đào Bá Đoàn

Hắn rời công sở vào một giờ bất thường.
Trước đó hắn cứ loay hoay mãi bên cái bàn bề bộn giấy tờ. Lần đầu tiên tôi lúng túng không biết phải sắp xếp sao cho đúng. Lần đầu tiên tôi cầm lên rồi lại đặt xuống không biết bao lần chỉ một cái công văn vỏn vẹn vài dòng. Lần đầu tiên tôi mở ra và đóng vào đến ba bốn bận cái cặp da bóng loáng mà không biết phải lấy ra đầu, rốt cuộc cứ mỗi phút lại thêm vài động tác lố bịch.
Bất lực, hắn ngồi phịch xuống chiếc ghế xoay thở dốc.
Hắn nhắm vào mở ra hàng chục lần với cái miệng ngáp ngáp có một vết nhớt nhỏ xíu ở bên mép phải.
Tôi chịu bó tay không thể diễn tả ngay cả trong ý nghĩ sự kì quặc cuồng dại từ cái vô ảnh đến cái hiện hình. Hét lên. Hãy hét lên. Thì may ra… Khích lệ thế nhưng không dám, kể cả phác hoạ hay mô phỏng bằng một kí hiệu đơn giản.
Hắn liền đứng thốc dậy, vồ lấy cái cặp rồi lao ra khỏi phòng quên cả việc phải khoá thật kĩ cửa như mọi khi.
Và lúc đó 12 giờ trưa.
Một mùa hè.
Nóng bỏng.
Động tác đầu tiên là hắn nhảy cẫng lên ở ngay ngoài hành lang y thể đột ngột giẫm phải một con rắn.
Không hề ý thức, tôi đưa tay nới nút cà-vạt màu xanh. Không phải khó thở, mà có cảm giác như bị tắc đâu ở đó. Tôi còn làm thêm một cử động nữa là cố lật phía trong cái cà-vạt ra ngoài. Rỗng ở đâu đó. Nhưng lại đặc quánh ở chỗ nào đó. Tôi bước xuống bậc thứ nhất.
Hắn sụt chân suýt nữa thì sấp mặt. Hiện nét kinh hoàng dị mọ. Nhưng hắn bước tiếp. Nhanh hơn. Gấp hơn. Hai. Ba. Bốn. Xuống một cái sân bê-tông bốc khói.
Tôi thấy mình như rơi vào một cái chảo lửa khổng lồ. Da mặt như rộp lên. Xây xẩm. Loạng choạng. Thiêu đốt. Mất phương hướng.
Mất đến vài phút hắn không định vị được lối đi. Mắt hắn nhắm tịt. Cơ mặt xệch xoạc rồi nhăn nhúm. Tay trái huơ lên. Miệng há ra đớp không khí. Đôi chân run rẩy. Chiếc cà-vạt lật về mặt phải. Tôi cố chống trả một ngoại lực khủng khiếp đang tấn công tới tấp. Các cơ bắp tăng ra đau nhức. Độ nóng ngấm sâu khiến ngũ tạng giãy giụa. Sự thực tôi đã định ngồi thụp xuống hoặc nằm vật ra. Nhưng từ đâu đó có một tiếng kêu. Nằm xuống bây giờ là chết. Tôi lập tức lắc đầu thật mạnh, hò dô ý thức trở về. Mãi rồi cũng được một chút xíu. Thế cũng đủ trong tình huống này. Tôi quẫy mạnh một cái kêu đánh “rắc”, bước lên một bước cả quyết. Tay vung cật lực lấy đà. Bước thứ hai lại vận dụng cái cặp nặng trích tạo lực cộng hưởng. Bước thứ ba. Thấy thuận tôi liên tiếp lợi dụng. Thứ năm. Thứ mười… Tôi đi như khom, hắn làm cái công việc cởi giày. Bắt đầu là chân trái. Rồi chân phải. Sau đó đến tất. Cả cái cà-vạt mà hắn vô cùng tự hào. Hắn vứt chúng ở giữa cổng công sở rồi cúi xuống xách chiếc cặp nặng trĩu, chân trần bước xuống lòng đường. Không thể hiểu được, kể từ khi cởi hết giày tất, tôi thấy một mùi thối từ hai bàn chân bốc lên rõ hơn. Nhưng tôi khoái cái mùi này. Nó còn cho tôi thêm niềm tự tin để tôi dấn  bước như một tráng sĩ chập chững vào cuộc sinh tử. Bất giác, hắn cười ngây ngô. Nhưng thế, trông hắn như đang hạnh phúc. Tôi quyết định sẽ vung tay nhẹ hơn, cũng giảm dần độ tăng của bước. Con đường rợp bóng cây. Rõ là hắn đang tận hưởng. Sự thực tôi quên mất cái ý nghĩ “tráng sĩ” vừa rồi. Giội xuống tư duy tôi, tiếng ve, bỗng mềm mại, và hứng thú, một chút gió nếm náp ở phần da. Hắn dừng lại đột ngột, có ý nghe ngóng. Tiếng ve tắt lịm. Hắn nghe ngóng. Tiếng ve lập tức rộ lên rồi tắt lịm. Hắn cau có. Cho rằng sự bất thường, điềm gở, tôi buồn…
Một giờ không phải cao điểm. Tôi nghĩ. Hắn lại bước đi. Cây xanh đường phố phải gần trăm tuổi mới xoè đủ tán che cả lòng đường. Hắn có vẻ bứt rứt. Lá vàng lá xanh, cũng bất thường. Tôi tiếc. Là cái cây xà cừ trút lá vào mùa hè. Vẩn vơ thế thôi. Có lẽ bởi ý tưởng qui luật thời tiết không hợp. Mùa rực lại cứ gợi một ý sầu.
Hắn bỗng nhiên lơ đãng. Thưng thửng mà đi. Mắt dài dại. Ngước ngắm. Liếc chậm. Người qua lại thưa. Xe nhanh. Đi bộ chậm. Tiếng rao hàng mệt. “Phơ.ớ…”, “phớ đê…ê…ê…”.
Tôi thảng. Như tiếng gọi của một cá thể vừa xa lạ vừa quyến rũ, gợi luyến lại cả gợi bực.
Hắn bỗng gọi bẳn. “Phớ!”
Người bán dừng lại. Tôi cộc: “Một bát!”
Khói bốc. Khói của lạnh. Hắn ăn. Những thìa “phớ” thấm vào tôi từ môi đến sâu dạ dày. Người phớ hạ nón kê dép ngồi quạt. Hắn nhai miếng phớ mềm nhũn chỉ cần nuốt cũng được. Ve nữa đi. Cho vui tai. Cho đỡ buồn. Đỡ nhớ. Ngày xưa ông cụ tôi thường dẫn đi ăn phớ ở bên hồ Gươm. Thế ạ, ngày bác còn nhỏ? Hắn gật đầu. Khi ấy có như bây giờ? Đặc hơn. Không có khói. Chỉ tiếng rao! Tiếng rao thì vẫn vậy… Chuyện! Tính của nghề mà bác!? Ừ, cũng mùa hè… Tôi nhớ ngày xưa lắm. Vâng! Bác là người hạnh phúc…
Hắn ăn bốn bát. Ăn xong đưa tay lên lau miệng nhìn chị hàng phớ mỉm cười. Chị phớ cũng mỉm cười rồi em đi bác ạ. Tôi e ngại một điều gì. Như con sâu ở đâu đó, đâu đó, à đúng rồi, con sâu bò phải một cành cộc cây phượng xoã sát mặt hồ. Ông cụ thì đã ra người thiên cổ… Hắn buồn chẳng muốn bước. Cái quần đã xộc. Cái áo đã xệch. Đôi chân đã bám bụi đường. Tôi nhìn vào rỗng. Hắn có vẻ phân vân giữa đi hay đứng yên. Rồi hắn bước. Đầu cúi, mắt nhìn đường. Suy tư. Tay đút túi quần. Tay sách cặp. Thỉnh thoảng chân trần đá một lá rơi.
Tôi nhớ hồi còn bé ngồi trong lớp học cạnh cửa sổ nhìn ra sân trường có hàng xà cừ vuông góc, to lớn, vẫn thường thẫm dầm về mùa đông và đổ lá mùa hè. Lên cấp ba trường chuyên vẫn giữ nguyên cái thú này, nhìn ngắm lộc non, ngày nọ ngày kia, ngạc nhiên sửng sốt về khả năng sinh sản của loài xà cừ, chỉ qua một đêm mà nhú búp, búp xoè tím tái, đêm nữa, lá non tơ, đêm nữa thì đã có màu xanh, đã biết khe khẽ cười với gió, mỉm môi với nắng và trầm ngâm với chiều.
Hắn ngửng lên. Một cây đang trút lá. Hắn ngửng lên. Miệng hơi há. Mắt căng ra. Hắn ngửng lên. Như có kinh hãi xen trong ngạc nhiên ấp úng và bất lực. Một chiếc lá rơi chạm nhẹ sau lưng cũng làm hắn giật mình. Ngơ ngác. Rồi lập tức bước nhanh như trốn một sự truy đuổi nào. Cứ mỗi phút, mỗi lần quay lại đằng sau. Thỉnh thoảng ngước lên rồi cúi nhanh. Thỉnh thoảng quay ngang. Thỉnh thoảng như chạy gằn. Điệu bộ lúc lon ton, lúc thư nhàn, khi lam lũ. Tôi giật mình đã tự khơi chuyện. Cáu, đã để sống lại mơ. Trẻ con hoá hình hài tâm trí. Nhưng bất lực với một vẫy gọi và thúc đẩy nào đó rất hoang dã, mãnh liệt lại cũng không kém phần thơ dịu mềm. Một sảng khoái buồn.
Đến một ngã tư, cũng là kết thúc con đường rợp mát, hắn dừng lại ngập ngừng. Ngập ngừng rồi quyết. Một bước cầu may.
Tôi như rơi hẫng vào cái xoáy nước. Đầu óc quay cuồng. Suýt đâm vào chiếc xe roẹt qua.
Khựng lại. Nhắm tịt mắt ở tư thế cột điện. Trán hắn toá mồ hôi. Há miệng hớp một hớp không khí.
Dưới hai bàn chân tôi thấy một cảm giác bỏng rẫy. Xe ôm hỏi tôi đi đâu? Im lặng. Mở hai mắt phăm phăm bước chẳng kể xe pháo dày đặc. Vài tay lái loạng choạng chửi thề.
Hắn đi xuyên qua một con phố nhỏ nhiều cây ít người rồi ngồi thụp xuống một gánh cháo trai vỉa hè. Chị hàng cháo xởi lởi. Hắn lặng lẽ ăn. Không chuyện. Không cười.
Mùa hè năm ấy về chơi quê ngoại. Em con cậu mò đầy rổ trai mợ nấu cháo rau răm thơm phức. Cả nhà xì xoạp húp no ễnh bụng. Bố khen ngon. Mẹ khen ngon. Mợ cười bảo cho thằng cu ở lại mùa hè cháo trai thoải mái lại chả béo hơn về phố thịt gà cá gỡ. Thích quá reo hò. Hôm sau bố mẹ bắt đi. Từ đó cháo trai ở quê chưa một lần ăn lại.
Ngon không bác? Hắn mỉm cười gật đầu. Chìa bát lấy thêm. Bốn bát phớ. Hai bát cháo. Hắn ngạc nhiên hôm nay tự dưng ăn khoẻ.
Cháo trai phố khác cháo trai quê. Khác hương vị. Khác cả kiểu ăn. Tôi không nhớ đã bao lâu mới lại ăn. Chỉ bỗng nhiên, chỉ bỗng nhiên thấy thèm. Ăn no bụng vẫn thèm.
Bỏ chị hàng cháo tôi đi dửng. Đi đâu? Mọi hôm, tôi vẫn ăn nhanh rồi nghỉ lại công sở. Tan giờ chiều mới về nhà vì nhà ở xa công sở những gần hai chục cây số. Hôm nay thì khác. Hôm nay mệt mỏi căng thẳng khủng khiếp. Cứ có gì nơi sâu xa thúc đẩy đấm đá doạ nạt. Tôi đến nẫu như tương…
đi chân đất). Hắn bỏ qua tất cả những đôi mắt, những ánh nhìn ngạc nhiên giễu cợt, những tiếng cười ré của người quán cóc, quán xanh. Cứ như thể hắn-chính hắn đang mơ.
Điều gì dẫn hắn tới cái hồ mới được tu sửa này thì chỉ có hắn mới biết. Nước hồ khá sạch (so với những hồ khác trong thành phố), nhưng cây ven bờ mới trồng, xoè tán hẹp. Liễu. Bằng lăng. Bóng chưa đủ che kín cả ghế đá. Hắn ngồi lên một cái ghế có nhiều nắng nhất. Cả người hướng ra hồ làm như thể đi hóng mát vào một đêm trăng.
Tôi nghĩ. Về cái dị thường của buổi trưa này. Về tôi. Khởi nguyên những năng lượng-mới- sống-sụp đổ-mọc tua tủa kì quái hoạt mê. Khoảng rỗng lớn như biển cả. Âm xa sự dồn đuổi. Tiếng mẹ hời. Sự ma mị của tiền. Tiếng gọi em. Sức hút của quyền lực. Sự chống trả quyết liệt cô đơn. Sự xâm thực khủng khiếp của dửng dưng.
Người đi xe ngó.
Người đi bộ nhìn.
Người già nhòm.
Trẻ dòm.
Ê ê…
Hắn tảng lờ như không. Y hệt đã thành tượng nơi ghế đá. Mặt hồ lấp loá sóng lăn tăn cho biết gió nhẹ. Nắng xối. Bỏng. Hắn túa mồ hôi. Áo ướt đầm đìa. Hắn cười ngô nghê thảng hoặc.
Gọi mãi không lên bóng hình của kỉ niệm. Em ở đâu. Xa quá mất rồi. Mộng vàng biết vỡ vẫn nuôi. Nhưng cả mộng cũng mờ. Tôi thấy co thắt trong bụng. Trách được gì? Không trách được gì. Em không thể chọn sự vụng dại khờ khạo nhu mì. Em đi. Em không một lần đoái lại. Bây giờ chỉ còn răng khểnh thấp thoáng cợt đùa. Mắt môi ra sao-đi đâu?  Tôi khát ngày tháng có tiếng cười thuỷ tinh. Cũng biến tấu thành những bản đàn dang dở độc dương cầm rồi ra là đàn đá. Coong!… Như búa gõ vào đầu. Tan hết cả. Từ tiếng ve màu phượng. Hết rồi. Mệt mỏi. Cái thứ tình chỉ có bóng có dáng. Dù nhạt vẫn cản. Vẫn ám. Thoi thóp trong những nhục cảm đàn ông. Muốn thù. Nhưng thù ai? Muốn trả hận. Hận nào? Khốn nạn! Tôi đây-cái thân tôi đây thật khốn nạn! Thật giẻ rách!
Hai vệt nước kéo dài từ mí xuống dưới cằm rồi nhỏ long tong xuống ngực. Có phải mồ hôi của hắn rịn ra? Nhưng hắn có một sức khoẻ phi thường. Cứ ngồi nguyên một tư thế không nhúc nhích. Mặc cho gió giả chết. Mặc cho nắng đang cố ăn mòn tất cả, kể từ không khí. Hắn sống, trong cái quánh đanh của hắn, những khùng điên hiện thể xem ra rất giống một cái đẹp trái khoáy, hiếm hoi và không kém phần thách đố, bạo liệt. Thì kia! Nơi xa hắn độ vài chục mét có một lão già đầu tóc trắng phau ăn mặc lem nhem đã hạ giá và mau mải vẽ. Tuồng như hôm nay hắn sẽ (quyết) bỏ giờ làm công sở. Hắn như đang sống trong một đời sống khác hẳn-khác với chính hắn và khác xa đồng loại. Cái sở hiện bất thường này có khả năng làm choáng váng bất cứ thứ gì có liên quan hoặc bất đồ có liên quan. Lão già khùng, hắn khùng, hay phần đông con người khùng, cuộc đời khùng? Tôi nào biết cái ranh giới của vô cảm và nhạy thức, ánh sáng và bóng tối nơi hoang sơ của biết và không biết. Tôi đã đánh mất một cái hữu, một cái thực, trong làn chảy miên miết làn màn nhờ nhợ những cái vọng, cái vang, cái âm thầm và biến tấu. Nhà này. Xe này. Công việc. Tiền. Rượu. Phụ nữ. Chảo đã quấy lên men con cú hắt hơi gọi bầy trong tiếng mèo hoang khản giọng. Tìm về. Hay ra đi. Dòng nào? Buổi nào? Thời nào. Đã trôi. Đã trôi. Không kiểm soát được nữa. Đã trôi. Về một hướng tưởng. Hướng ấy thế nào? Làm sao tôi biết. Dòng sông đã nứt đôi. Kẽ đá đã liền. Tôi hoang rồi. Chứ đâu như mèo đã đánh mất bản năng bắt chuột. Tiếng đạp ngựa hí bầy. Tôi chứ ai. Tìm nguồn ý nghĩa? Làm ăn. Ăn. Làm việc. Ngủ. Khí trời. Hương thơm. Không đúng. Tôi chạy. Kiệt hơi vẫn chạy trong miền cỏ úa và tiếng gãy lắc rắc. Bùng lên rồi một tiếng nổ kinh hoàng. Rốt cuộc rồi lão già xong việc bỏ đi có vẻ hài lòng chẳng thèm cám ơn hắn một lời. Hắn chả động lòng. Vẫn im lặng. Thi gan với gió gió đã phải nổi. Với nắng nắng đã phải mềm. Hắn tiêu thời gian trong nỗi trầm cảm tệ hại. Thời gian buồn rũ rượi trong con mắt của ai khác. Hắn phạm vào nó như một ngày hè như giã từ nếp cũ, hoặc sự bất mãn gân guốc huỷ diệt. Hắn đọa mình bằng cái trong suốt của nhận biết. Hay hắn bốc đồng? Hay hắn làm cao? Hắn yếu đuối? Hoặc giả, hắn ngốc? Tôi có sạn. Đó không chỉ còn là ý tưởng. Tự cảm. Một năng lực sẵn có không hề riêng biệt. Nhưng thính nhạy quá mức. Tôi thấy hốt trước những sức nặng của vật tượng trong thời gian trơ lì không đổi. Chiếc áo khoác mĩ miều với màu sắc thay đổi và chiếc cặp nhiệt độ lên xuống tuần hoàn. Là trò ác, trò man rợ, khốn nạn, trò xỏ lá xúc xiểm triền miên không hạn định. Hắn bỏ đi. Khi mà mặt hồ chuyển sang sắc hồng nhạt. Chợt, nhảy cẫng lên như thượng đồng. Ô kìa! Cái bóng của tôi! Sao lúc có lúc không, lúc đậm lúc nhạt, lúc dài thượt, lúc lại ngắn tũn như quả bóng? Hắn cứ cẫng lên. Còn hơn thượng đồng. Hắn cẫng như vì Thượng đế mà cẫng cho có việc. Trong cái run rẩy nhão nhoét của hình thể thực. Hắn buông cặp. Cứ sững sờ không biết tiến hay lui.
Và thế là…
Ngày tắt.
Tắc-xi lao đến. Chộp lấy hắn. Mang hắn đi. Vắng biết bao nhiêu khi hắn làm khuyết một quần thể do Thượng đế tạo thành. Hẫng cái mơ màng lạ lùng của một thời buổi ưa thông tin sốt dẻo. Chỉ còn tiếng tít tít nhắn tin qua mạng sóng vô hình nhằng nhịt đang thi nhau chuyển động, bóp chặt lấy mọi cái đầu.
Tôi bật lên, cứ bật lên như chiếc ghế xe có gắn lò xo ở giữa. Tay lái bật cười. Nhưng khi thấy tôi trừng mắt thì chuyển sang khùng khục sau đó đánh trống lảng bằng câu nịnh bợ về đâu hả sếp. Mày phải biết chứ? Ơ hay! Tao không nói nữa. Mày biết! Mày chắc biết! Tao thấy mà! Thôi được! Em chiều sếp!
Xe càng nhanh hắn càng có vẻ khoái. Nhưng tan tầm rồi, ít đoạn nhanh được lắm, nên chủ yếu là hắn cau mắt làm tay lái cũng phải sợ tái mét. Bỗng nhiên, để lấy lại tự tin mà lái cho an toàn, hắn quát, ông khùng bỏ mẹ! Hắn khùng lên. Ông giết đấy! Im bặt. Tay lái biết gặp kẻ rắn mặt không dám nhờn. Lặng thinh phục vụ. Hắn khư khư ôm cặp vào bụng, ưỡn ngực ra như muốn nhận một mũi thương thật nhọn
Tôi thù ấn tượng. Thời gian có màu chẳng hạn. Tôi chỉ muốn băm vằm cho nó nát thành triệu mảnh. Thằng lái này để ria con khiến tôi đoán nó ưa bạo lực, nhưng chỉ ưa nửa chừng. Một quả đấm là bẹp. Tôi chìa một bàn chân trần về phía nó khoe rối rít. Chân tao thối đấy! Tôi biết. Tôi gây sự. Mày tởm ông đi. Không dám. Đồ hèn! Hèn đấy. Cứ tiền. Tiền thôi. Hắn như quả bóng xẹp hơi bỗng dưng nằm vật ra ghế. Mãi đến khi tay lái tắc-xi dừng xe trước một ngôi nhà tuyên bố nhà ông đấy-xuống đi-tính tiền thì hắn bật dậy gào ừ đúng rồi mày giỏi tao thưởng cho mày một nắm tiền. Tay lái run sợ hãi nhét vội tiền vào túi quần rồi quay xe chuồn thẳng. Hắn mở khoá đủng đỉnh bước vào…
Nhà tôi đây. Có ra dáng một biệt thự không nào. Thời thượng nhé. Thời thượng. Từ kiểu dáng. Nước sơn. Không gian. Tự hào lắm chứ. Nhưng mà, mồ hôi cả đấy.
Chó vẫy đuôi đón chủ vào trong. Chó tím. Bằng cách nào hắn có chó tím? Chỉ một con bé bắng nắm đấm. Hắn vuốt tóc. Con chó rõ ràng thích ngửi chân hắn. Vừa đi, hắn cười. Chó sủa một tiếng: oặc! Hắn quẳng cặp xuống sàn, lao vào phòng bên ôm một hình nộm cao su trên chiếc giường diêm dúa cầu kì. Sau đó mười phút, cả hắn, cả chó, cả hình nộm, cùng nhau vào phòng tắm đóng chặt cửa lại.
Mùa nực.
Hắn tắm nước nóng.
Tôi xả nước vào cái bồn sứ rộng chứa được hai người. Nước bốc khói. Tôi trút bỏ hết rồi ôm hình nộm nhảy vào.
Hắn rên lên một tiếng. Nằm bất động ôm ghì hình nộm. Con chó dưới sàn cứ: oặc oặc… oặc… Rồi hắn vày vò. Hắn làm nổi sóng trong bồn. Nước trào ra làm ướt hết con cho khiến nó kêu: oắc… Thay cho rên là thở. Thở dốc. Rồi gầm gừ… Nửa tiếng sau lại thấy hắn nằm bất động ôm chặt hình nộm. Chó sủa: oắc… oặc… oặc…
Thời gian ghì tôi cắm đầu cắm mặt. Cái gì cũng vội. Cũng căng ra. Căng đến hết cỡ. Học đường. Công sở. Mùa tàn tạ quanh năm. Đói ăn. Bẩn tắm. Lạnh mặc. Những giấc ngủ đào sâu chôn chặt. Thỉnh thoảng bị đẩy lên. Bị hất xuống. La hét. Giãy giụa. Bầm tím hết cả thơ, mộng. Bầm tím nhu cầu. Có vết sẹo. Thỉnh thoảng nhức. Cười cứ ngoác. Hoặc miệng ngậm chặt. Gào giọng bụng khiến bị đại tràng, thượng vị. Đi giày liên tục, chân bợt bạt bốc mùi khẳm, mãi thấy nó là thơm, tự hào, thú vị. Nhà rộng mà tiếng chỉ của ti-vi, của đài, của đồ vật va vào nhau, của con chó nhỏ. Mỗi khi tự hát lại rùng mình lạnh sống lưng. Lù lù một khổng lồ đe thụi. Trăng soi sân thượng. Trăng đẫm hiên nhà. Trà-thuốc- vùi vào thẳm. Đẹp của đau. Của giãy giụa. Rồi của kiên cường. Của thuần phục, với khát, thèm… Cũng có khi tu trăng ừng ực. Hoặc tu bóng đen một cách điên cuồng. Sằng sặc. Tưởng. Nhễ nhại đùi non. Mênh mông bờ bãi. Ngô lúa bời bời. Tưởng. Riềng. Tỏi. Quằn quại dục. Quay tít. Vọng thét… Con chó oặc oặc hoặc oắc oặc làm thực tại hoá, thảm hoá thân phận. Nhà rộng. Khí chất đàn ông. Tiền. Quyền. Ước muốn. Đàn bà. Chết đi. Chết đi. Cái ấu thơ. Cái ngây thơ. Mùa. Thời. Sự. Lạc. Miền. Cộng. Chung. Tiếng…
Hắn nhào xuống đất. Hắn soi mặt mình. Nhưng hắn giật thót. Gương làm sao? Mờ khói? Không phải! Tôi lau đi lau lại nhìn rõ là nó trong suốt mà không hề có tôi trong đó. Không kịp mặc gì, vứt hình nộm lình phình trong bồn tắm, mặc con chó tím, hắn lao ra ngoài. Hắn soi vào chiếc gương lớn ở phòng khách. Vẫn không thấy tôi.. Hắn lao vào buồng soi gương nhỏ. Không có tôi. Lao lên gác. Lên gác nữa. Không thấy. Không thấy. Ồ… Thế tôi đi đâu mất rồi? Tôi đâu mà không có gương nào chứa bóng dáng tôi cả? Tôi đâu? Tôi đâu? Tôi?… Là ai?… Có là tôi không?…  Hắn lồng lên lộn xuống. Điên cuồng soi gương đập gương. Chân tay tứa máu. Cứ thét vào bụng câu hỏi. Tôi đâu. Gương hết. Hắn chạy xộc vào phòng ngủ của hắn. Lịm đi sau một tiếng “hức”…., mà chính xác hơn là tiếng “hộc… ” cộc lốc.
Im lặng.
Đêm hôm nay đêm tĩnh. Trời hôm nay trời chẳng có mây.
Trăng xối.
Hắn tỉnh lại vào lúc trăng xối mạnh nhất, lọt qua kẽ hở một cửa sổ, đọng ở giữa người hắn.
Hắn vùng dậy. Mở tung cửa sổ. Trăng tràn vào gớm hơn thác lũ khiến hắn bạt vía vội nhảy lùi lại. Vẫn nhồng nhỗng như thế, hắn nảy ra sáng kiến soi mình dưới ánh sáng của trăng xem có thấy bóng hay không? Hắn kinh ngạc không thấy gì cả.  Cẫng lên. Cẫng mãi chẳng ăn thua. Hắn lại thét vào bụng. Tôi đâu? Tôi đâu hả trời?…
Tự hỏi. Hay là trong ngày chật chội trăng không soi bóng? Hắn lập tức chạy thốc lên sân thượng. Vẫn không thấy. Chỉ có trăng với trăng thôi. Hắn thực sự sợ hãi. Tưởng mọi vật đều thế. Nhưng không. Những góc tường có bóng. Dây điện có bóng. Ngoài kia, cây đang soi bóng. Có. Có tất. Chỉ mình hắn là không. Thậm chí con chó tím chỉ bằng nắm tay nhảy theo chủ lên đây cũng có bóng. Nó vươn cổ sủa. Động tác sủa cũng có bóng. Thế còn tôi? Bóng của tôi đâu?…
Chợt lại nghĩ ra, hắn chạy xuống bồn tắm tầng một ôm thốc hình nộm cao su lên sân thượng. Hình nộm cũng có bóng. Mà hơn thế, bóng còn rõ hơn thật. Chân như chân. Tay như tay. Ngực như ngực. Chỗ hõm như chỗ hõm. Bỗng nhiên hắn thất kinh. Cái bóng của hình nộm cử động. Rồi múa may uốn lượn. Cười. Hắn buông vội, lùi ra mép tường, hắn đánh rơi sự thất kinh. Hai tay hắn tì vào tường.
Người hắn vươn ra. Hắn gào, lần này thì hắn gào thật to vào không gian mênh mông. Trời ơi. Bóng của tôi đâu?…
Cứ như vậy, hắn chuyển dần sang rú, sau thì hú. Điệu bộ mỗi lúc một giống với chó. Giống sói tru trăng. Tiếng trầm. Tiếng vang. Tiếng chói. Dịu dần. Lá cây rung tít. Liên tiếp. Liên tiếp. Liên tiếp cho đến khi mất giọng và kiệt sức, hắn gục xuống, bò lại chỗ hình nộm, ôm chặt lấy nó. Trước khi thiếp đi, hắn còn ý thức, sáng mai mình sẽ kiểm chứng lần nữa với mặt trời.
Cả một đêm con chó tím bé bỏng không kêu. Mải miết, nó nếm náp thân chủ rồi hình nộm trong ánh trăng xối xả quắc lên một màu sắc dị thường.
Bình minh.
Gió khác.
Màu khác.
Đỏ rực như màu cà chua chín.
Hắn tỉnh. Lồm cồm bò dậy bám tường hướng trọn phương đông mong ngóng mặt trời.
Tí một ít một sót ruột. To bằng cái nong cái nia dần sàng nồi niêu khay đĩa. Màu đỏ dần tũa đi thay bằng màu vàng mát. Hắn hé một nụ hi vọng lựa người quay về phía tường tìm bóng. Không thấy. Lại cẫng lên. Hét. Tôi đâu? Nhưng đã mất giọng. Vẫn hét. Tôi đâu? Cẫng. Cẫng. Rồi cuồng. Hắn chồm về phía tường. Đấm túi bụi. Tay be bét máu. Vẫn cứ đấm. Rồi đá. Đấm. Đá. Cho đến mệt, hắn quay lại ôm lấy hình nộm và soi. Trời. Không thể tin được! Hình nộm có bóng. Còn hắn thì không. Tay hình nộm cử động. Chân hình nộm khẽ đưa. Ngực hình nộm ưỡn dần, tròn xoe và nhọn đầu. Hõm hình nộm ngoác ra… Hắn không chịu nổi nữa. Vứt phịch hình nộm xuống, nhoài về phía dây thép. Bẻ mãi. Bẻ mãi. Dây thép đứt. Hắn chia hai đoạn. Buộc cổ hình nộm lên trước. Bóng hình nộm đung đưa, giãy giụa. Hắn cười sằng sặc. Rồi lập tức treo luôn cổ mình. Hắn chết ngay sau đó. Vừa lúc mặt trời khẽ rùng một cái thay sắc nắng-không gian hanh hanh vàng vàng pha sắc trắng. Nắng bắt đầu rát, và nắng soi rõ hai cơ thể nhồng nhỗng - một là hắn, một là hình nộm - thành hai cái bóng rõ rệt, theo gió đung đưa, in trên tường lầu…
28/9/2021
Đào Bá Đoàn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn tỉnh lẻ

Nhà văn tỉnh lẻ Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, đi...