Kết quả một cuộc nghiên cứu mới được công bố
vào cuối năm 2004 của các nhà sử học Anh và Mỹ cho thấy, chính trí tuệ chứ
không phải sắc đẹp đã khiến Nữ hoàng Cleopatre của Ai Cập trở nên nổi tiếng.
Để ca tụng sắc đẹp của Nữ hoàng Cleopatre, đại
văn hào, triết gia người Pháp vào thế kỷ XVII Blaise Pascal đã có câu ám chỉ nổi
tiếng: “Bộ mặt của thế giới chắc đã thay đổi nếu cái mũi của Cleopatre chỉ ngắn
lại một chút”. Còn đại văn hào người Anh William Shakespeare đã viết: “Tuổi tác
không làm tàn úa sắc đẹp của bà, còn thời gian hình như đã ngưng đọng trước sự
duyên dáng của bà”. Riêng danh họa người Italy vào thế kỷ XX Giovanni Guercino
trong tác phẩm Cleopatre, một nhân vật bi thảm đã vẽ Nữ hoàng đẹp tựa một thiên
thần. Sắc đẹp của bà được truyền tụng đến tận thế kỷ XX trong các bộ phim sử
thi về cuộc đời của bà, các nhà làm phim đều chọn những nữ diễn viên có sắc đẹp
mê hồn để sắm vai. Vào năm 1946, nữ diễn viên Vivien Leigh (từng xuất hiện
trong Cuốn theo chiều gió) đã được đạo diễn giao đóng vai Nữ hoàng trong phim
César và Cleopatre. 17 năm sau, đến lượt nữ diễn viên Elisabeth Taylor xuất hiện
trong vai Cleopatre.
Vậy thì phải chăng Nữ hoàng Cleopatre nổi tiếng
nhờ vào sắc đẹp? Hay sắc đẹp của bà chỉ được đời sau tô vẽ thêm khiến bà trở
nên nổi tiếng? Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu trên các sử liệu như các đồng
tiền cổ bằng đồng khắc hình Nữ hoàng Cleopatre (được đúc từ năm 51 đến năm 30
TCN), các bức tượng hay tranh vẽ cũng như các truyền thuyết viết về người phụ nữ
Ai Cập cổ nổi tiếng này, các nhà sử học làm việc tại Viện Bảo tàng Chicago của
Mỹ và Viện Bảo tàng Hoàng gia tại thủ đô London của Anh đã đúc kết kết quả
nghiên cứu qua một cuốn sách có đề tựa Nữ hoàng Cleopatre của Ai Cập: Từ lịch sử
đến huyền thoại, trong đó đưa ra đánh giá: Chính trí tuệ chứ không phải là sắc
đẹp đã tạo nên sự nổi tiếng của Nữ hoàng. Nhà sử học người Anh Susan Walker,
làm việc tại Viện Bảo tàng Hoàng gia London, nhận định: “Cuộc đời của Nữ hoàng
Cleopatre lấp lánh hào quang của trí thông minh và cách xử thế khôn ngoan.
Chính điều này đã biến cuộc đời ngắn ngủi của bà trở thành huyền thoại”.
Thực ra Cleopatre là tên của 7 nữ hoàng trị
vì Ai Cập từ năm 41 TCN mà nổi bật nhất là Nữ hoàng Cleopatre VII. Bà sinh năm
69 TCN và lên ngôi nữ hoàng vào năm 51 TCN, lúc đó bà vừa 17 tuổi. Để tạo thanh
thế, Nữ hoàng đã không ngần ngại thay đổi hầu như toàn bộ quan cận thần của triều
đại cũ bằng những người mà bà có thể tin tưởng vào sự trung thành của họ. Để tự
mình trao đổi, trò chuyện với sứ thần nước ngoài mà không cần phiên dịch, Nữ
hoàng Cleopatre đã tự học thêm ngôn ngữ nhiều quốc gia. Sử sách còn ghi nhận bà
nói thông thạo đến bốn thứ tiếng khác nhau. Nhưng bà cũng cai trị đất nước một
cách chuyên quyền và thẳng thắn, biết xa lánh những kẻ nịnh bợ, trừng phạt nặng
bất cứ ai, kể cả người thân có hành vi phản bội lại mình. Chỉ vài năm sau khi
lên ngôi, bà đã ra lệnh hành quyết một người em trai về tội phản bội. Chính vì
những hành động thẳng tay này mà nhiều người cho rằng Nữ hoàng Cleopatre là một
phụ nữ hung dữ và tàn bạo, được thể hiện qua hình khắc của bà trên các đồng tiền
cổ bằng đồng được tìm thấy tại thành phố Alexandria của Ai Cập vào năm 1978.
Khi tướng quân Julius César dẫn đại quân La
Mã xâm chiếm Ai Cập vào năm 48 TCN, thủ thuật dùng sắc đẹp để quyến rũ viên tướng
La Mã nổi tiếng này của Nữ hoàng Cleopatre đã giúp cho thành Alexandria không
lâm vào cảnh loạn lạc. Để ly gián nội bộ quân La Mã, bà đã biết dùng sắc đẹp để
chinh phục Marc Antony, một người bà con và cũng là tướng dưới quyền của César.
Đến năm 44 TCN, sau khi César bị giết chết ngay tại Nghị viện La Mã ở Roma, Nữ
hoàng Cleopatre quyết định làm đám cưới với Marc Antony rồi xúi chồng chống lại
Hoàng đế La Mã lúc đó là Octavie với ý đồ khôi phục lại độc lập cho Ai Cập. Thế
nhưng, sau khi bại trận trong trận thủy chiến tại Actin vào năm 31 TCN, Marc
Antony rút lui về cố thủ tại thành Alexandria rồi tự tử vào năm 30 TCN. Để tránh
trở thành tù nhân của Octavie, Nữ hoàng Cleopatre cũng tự vẫn không lâu sau đó
bằng nọc của rắn độc.
Sau khi chiếm được thành Alexandria, Hoàng đế
Octavie đã bôi bác Nữ hoàng Cleopatre trong lòng dân chúng Ai Cập và cả người
dân La Mã khi cho rằng bà là một gái điếm không hơn không kém, đã dùng sắc đẹp
quyến rũ hai viên tướng La Mã để mưu đồ quyền lợi riêng cho bản thân. Hoàng đế
Octavie còn ra lệnh phá bỏ phần mũi trên các bức tượng mang khuôn mặt của Nữ
hoàng Cleopatre như là cách để phế bỏ sắc đẹp chết người của bà.
Trong phần cuối của cuốn sách Nữ hoàng
Cleopatre của Ai Cập: Từ lịch sử đến huyền thoại, các nhà sử học đã kết luận Nữ
hoàng không phải là hạng đàn bà chỉ biết dùng sắc đẹp để quyến rũ các viên tướng
La Mã như trong các bộ phim của Hollywood mà là một phụ nữ thông minh xuất
chúng, một chính trị gia khôn ngoan hết lòng vì dân tộc của mình.
Có thể, hơn 2.000 năm sau khi Nữ hoàng
Cleopatre qua đời, giờ đây chúng ta mới biết đâu là sự thật về con người của
bà?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét