Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa

Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa
Đêm qua, bất chợt nhận được tin nhắn của một cô bạn cũ đang du học ở nước ngoài với nội dung: “Hà Nội sang thu rồi phải không? Mình ở bên này, đang nghe Thu hát cho người, chạnh lòng thấy nhớ bạn, nhớ mùa thu quê mình da diết…” khiến lòng nghe nao nao, chùng xuống… 
Ca khúc: Thu hát cho người
Nhạc sĩ: Vũ Đức Sao Biển

Ca sĩ: Quang Dũng

Sức cuốn hút của ca khúc này nằm trong giai điệu và ca từ đầy chất thơ, vừa mang nét cổ điển, sang trọng, bàng bạc hương vị của Đường thi nhưng vẫn nồng nàn chất trữ tình của nhạc tiền chiến trong nỗi nhớ khắc khoải, sự hoài niệm của một tâm hồn thuần Việt:
Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa. 
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. 
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ...
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ... 
Ảnh: myopera.com
Những nốt nhạc đầu tiên trầm buồn, xa vắng mênh mông như tiếng thở dài của gió, đưa bước chân ta lặng lẽ tìm về với một miền hoài niệm xưa... Một bức tranh thu buồn với dòng sông cô đơn trải mình trong hoang vắng… Cảnh cũ còn đây, thân quen đấy nhưng cũng đầy lạ lẫm, ngỡ ngàng và xa xót khi vắng bóng người xưa…
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó,
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió.
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ
Nơi “gốc sim già” xưa đó, ta vẫn hoài đợi mong bước chân người một lần trở lại, để sống với những khoảnh khắc thần tiên và trong trẻo của những rung cảm một thời ta đã trao nhau, để hái trao nhau những đóa hoa tình đẫm ướt tương tư và nồng nàn khao khát dệt mộng thuở ban đầu…
Nhưng biết tìm em ở nơi đâu? “Đêm nguyệt cầm” ngân vang tiếng đàn tê tái, lạnh buốt lòng ta… Ta như kẻ mộng du, “gọi em” hoài “trong gió”… Tiếng gọi da diết ấy, nỗi lòng nhớ thương ấy khiến loài hoa linh lan âm thầm nhỏ lệ xót xa… Là hoa khóc hay hồn ta khóc? Là khóc cho chút tình khờ dại trong đời thoáng qua như gió, hay khóc cho những mùa thu cũ đã vình viễn trôi xa, không bao giờ trở lại?
Nhưng dẫu là thế nào đi chăng nữa, ta vẫn mãi chờ, trọn vẹn với một khối tình thủy chung:
Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,
Trong mênh mông chiều sương
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay…
Nỗi đợi chờ đổ đầy lên năm tháng, giăng tràn qua những miền không gian, từ không gian “bao la” trên những “đồi nương” cho đến những khoảng không “mênh mông” nằng nặng nhớ thương mỗi “chiều sương”… Nhưng ta chỉ nhận lại cho mình là một sự hồi âm mang tên cô đơn trong im lặng… Mùa chênh vênh trôi trên bàn tay ta năm ngón. Những ân tình như khói sương, như nước mắt, lọt qua từng kẽ tay gầy rồi vội tan đi theo bóng chiều rơi…
Trong mênh mông chiều sương... 
Ảnh: a1xuandinh.net.vn
Mộng và thực quyện hòa chơi vơi khiến lòng ta thổn thức, vẽ vào không gian bức tranh bàng bạc mang tên nỗi buồn của sự hoài niệm – có sắc thu vàng, có màu sim chín – và có đường nét của một bóng gục đầu trên những cô đơn, ngồi khóc cho năm tháng hồn nhiên trong đời, cho những yêu thương một thời giờ bay xa một tầm tay với…
Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người.
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi.
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người…
Hoa nở để mà tàn, bèo hợp để mà tan, người gần để ly biệt… Thời gian xoay vòng “bềnh bồng trôi” trên những thân phận, những cuộc đời và cứ thích chơi trò đuổi bắt, giăng vào đời mong manh những niềm biệt ly …
Có cuộc chia ly nào lại không dùng dằng, lưu luyến… Có lời tạm biệt nào lại không man mác, bâng khuâng, nhuốm đầy muộn phiền trên đôi môi run run không thốt nên những lời sau cuối… Người đi như gió qua sông, trôi qua ta rất nhẹ, rất ngọt và rất êm trong cái mênh mang của “mùa vàng”. Cái “biêng biếc bóng chiều rơi” giữa một không gian thu vàng gợi đến những bóng chiều cũng nhuốm đầy sự cô liêu và ly biệt trong khúc Tống biệt hành của Thâm Tâm:
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong…
Phải rồi, chiều rơi đầy xuống lòng ta, ngân nga hóa thành những nhạc khúc… Và tự sâu thẳm những nhớ mong da diết, từ sâu thẳm những yêu thương chân thành rất mực, ta sẽ cất lên tiếng hát- hát cho nỗi niềm “hoài mong” trong xa cách dần nguôi ngoai, hát cho những yêu thương xa xôi một lần trôi gần lại. Hát cho thu vàng đừng úa tàn trong ký ức. Và hát cho người với ba tiếng gọi “người yêu ơi” ngậm ngùi, tha thiết:
Thu hát cho người…
Thu hát cho người…
Người yêu ơi!
Thu hát cho người… Ảnh: ngoisao.net
Có ý kiến cho rằng, những sáng tác của Vũ Đức Sao Biển ảnh hưởng “triết lý” tiêu dao trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử (chương Tiêu dao du), mở ra một bờ cõi thần tiên, con người hồn nhiên vượt thoát bụi trần.
Có phải thế chăng mà bức tranh tâm trạng trong “Thu hát cho người” có những sắc màu của cõi mộng giữa sắc thu vàng, với những hình ảnh của “hoàng hạc”, “bến xưa”, “trời mơ”; không gian của “Sáng linh lang”, “đêm nguyệt cầm” cho đến những “Chiều sương” mênh mông… Tất cả tạo nên bức tranh cổ điển, nổi lên trên đó những nốt “nhạc hoài mong” từ một khúc tình của sự biệt ly, cô đơn và nhung nhớ gây nhiều xúc động cho người nghe.
Tháng 9/1968, tôi trở về Quảng Nam, cầm cây guitar lên đồi sim. Xa xa dòng sông Thu Bồn xanh biếc như một dải lụa uốn mình qua những bờ tre, bãi mía, nương dâu xuôi về phương Đông. Tôi đứng giữa hoa sim, giữa mùa thu Quảng Nam một mình âm thầm và lặng lẽ. Trong một cảm xúc vỡ òa, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên thùng đàn và viết (…)
Âm nhạc là thú chơi, quà tặng của cuộc sống dành cho con người. Tình khúc của tôi không ồn ào, sôi động, nó là bức thông điệp của một người gửi đến đám đông những suy tưởng về cuộc sống, tình yêu và sự xa biệt. Tôi viết không có bài nào vui. Cả trăm ca khúc là cả trăm nỗi buồn, mỗi bài một vẻ. Có khi tôi cũng thử viết một vài ca khúc sôi động, nhưng rồi cảm thấy gượng ép quá, không viết nữa. Bây giờ nghiệm lại, tôi chỉ có thể viết theo những lắng đọng từ trong tim dẫn dắt và bật ra thành lời ca, nốt nhạc, thế thôi”…
Vũ Đức Sao Biển
Lương Đình Khoa
Theo http://www.tuanvietnam.net/



1 nhận xét:

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...