Lâu
nay, ít người để ý xem Hàn Mặc Tử sinh nhằm ngày mấy tháng mấy tính theo âm lịch.
Ai cũng biết Hàn Mặc Tử sinh ngày 22.9.1912. Nhờ cái máy điện thoại đời mới của
anh bạn, tôi mới biết ngày sinh nhật ấy tính sang âm lịch nhằm ngày 12.8 năm
Nhâm Tý.
Vậy là Hàn Mặc Tử, tác giả của bài thơ văn xuôi nổi tiếng, một kiệt tác của thơ
văn xuôi Việt Nam, bài Chơi giữa mùa trăng - đã sinh ra giữa mùa trăng. Lại là
mùa trăng Trung thu, thời điểm trăng sáng nhất, đẹp nhất trong năm. Từ nhiều
năm, tôi để ý, không phải trăng rằm mà trăng mười hai mới là vầng trăng huyền ảo
nhất. Có lẽ vì nó chưa tới độ viên mãn, nó khao khát, nó đắm đuối. "Trăng
mười hai vẫn là trăng đẹp nhất, như mình đã nhận thấy từ nhiều năm nay. Con lộ
đá nhỏ. Rừng cây thưa in thẫm bóng. Tiếng một loài chim kêu trăng. Những đống
un trâu bò tỏa những làn khói mỏng mơ hồ như sương. Thoang thoảng mùi cỏ
cháy" (Trích nhật ký chiến trường 1974 - miền Đông Nam Bộ).
Người ta nói, với những người bị bệnh phong, ánh trăng có những tác động sinh học
cực kỳ khó tả lên thân thể và đầu óc họ. Có thể như thế. Nhưng Hàn Mặc Tử đã viết
Chơi giữa mùa trăng từ trước khi ông phát hiện mình mắc bệnh phong kia mà! Tôi
nghĩ, chính cái ánh trăng mười hai trong ngày chào đời của ông đã ám ảnh vào cuộc
đời và nhất là vào thơ của Hàn thi sĩ sau này. Và cũng phải nói thêm, chính cái
ánh trăng trên bãi biển Quy Nhơn, nơi núi và biển ôm ấp nhau, gối đầu nhau, cái
ánh trăng vừa hoang lạnh đến tê dại, vừa rừng rực một ngọn lửa không nóng nhưng
thiêu đốt tận tâm hồn, mới là tác nhân giúp Hàn thi sĩ có những bài thơ trăng,
những câu thơ trăng kỳ lạ vào bậc nhất không chỉ trong thơ Việt Nam.
"Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo,
thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều
miếng nhạc say say gió xé rách lả tả..." (Chơi giữa mùa trăng).
Nếu những bậc rong chơi hời hợt trong thi ca vẫn gọi cái hành trình làm thơ của
mình là "một cuộc chơi" thì với Hàn Mặc Tử, "cuộc chơi" ấy
là cuộc chơi vãi máu: "Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy - Sáng dậy điên cuồng
mửa máu ra" (bài Say trăng - say trăng chứ không phải say rượu hay say
bia). Người có thể uống ánh trăng, nuốt ánh trăng mà "say xỉn" như thế,
hẳn không phải là người thường, không thể đo thơ người ấy bằng những thước đo
thường. "Người ta gọi thơ ông là thơ điên. Thật ra cái giọng điên chỉ có ở
giai đoạn sau, giai đoạn đầu thơ ông trong trẻo lắm" (Vũ Quần Phương). Tôi
lại nghĩ khác. Nếu người ta gọi cái trạng thái không bình thường của người làm
thơ khi cầm bút viết ra thơ, cái trạng thái đã theo suốt cuộc đời làm thơ của
Hàn Mặc Tử, là điên, thì thơ Hàn Mặc Tử "điên toàn triệt", điên từ đầu
chí cuối. Còn nếu người ta gọi những dòng thơ bất thường viết ra trong trạng
thái không bình thường của Hàn là những dòng thơ của sự tỉnh ngộ, thì thơ Hàn Mặc
Tử "tỉnh toàn triệt". Cũng như vậy, nếu người ta biết tâm hồn nhà thơ
ấy trong trẻo đến bậc nào, thánh thiện đến bậc nào, thì người ta sẽ đọc được
ngay trong những bài thơ gọi là "điên" nhất của Hàn Mặc Tử, một sự
"trong trẻo toàn triệt".
Thơ Hàn Mặc Tử tỉnh táo đến tận cùng, mà ai cũng biết, đi tới tận cùng tỉnh táo
người ta sẽ gặp điên loạn. Nếu theo cái thước ấy mà đo, thì bất cứ thơ của ai,
miễn là thơ "thứ thiệt", đều có thể rất điên và cũng đều rất tỉnh. Và
dẫu thơ ấy sục vào tận những hang cùng ngõ hẻm của vô thức, vào chỗ tối tăm bùn
lầy nước đọng của hạ ý thức, thì khi thành thơ, thơ ấy vẫn vô cùng trong trẻo.
Bởi thơ từ xưa tới giờ luôn là kinh cầu nguyện của tâm hồn con người, nơi con
người có thể sám hối, có thể khắc khoải, có thể khao khát và công khai bày tỏ
những khát khao thầm kín nhất, nơi bất cứ một ánh nhìn nào cũng đều được
"trong trẻo hóa", đều thăng hoa, hướng thượng: "Ống quần vo xắn
lên đầu gối/Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình" có phải là một câu thơ
"sex"? Nhưng tôi đố ai đọc câu thơ ấy mà lại nghĩ đến điều dung tục,
mặc dù câu thơ đầy cảm giác xác thịt. Đó có lẽ là bí quyết của thơ, bí mật của
loại hình nghệ thuật vào loại lâu đời nhất của nhân loại này.
Thơ luôn là thánh đường dành cho một người, cho từng người một. "Trăng nằm
sõng soài trên cành liễu/Đợi gió đông về để lả lơi". Đã bao giờ anh thấy
trăng "nằm" trong tư thế bất thường như thế chưa? Hàn thi sĩ đã thấy,
và cái nhìn bất thường ấy đã tạo ra câu thơ bất thường. Thơ Hàn Mặc Tử là thơ
đi tới tận cùng, trong niềm tin, trong khao khát, trong tuyệt vọng. Chính bệnh
phong là hòn đá, chứ không phải giọt nước, làm tràn cái "ly thơ" ấy.
Chỉ sống trên cõi đời được 28 năm, chỉ thực sự làm thơ khoảng mười năm, nhưng
đó là mười năm dồn nén để trào thơ, theo kiểu những đĩa nén vi tính bây giờ có
thể dung chứa gấp trăm lần một đĩa thường, mười năm thơ của Hàn đủ cho hậu thế
đọc thơ ông suốt trăm năm và lâu hơn nữa.
"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?", là một
câu thơ trăng đẹp nhưng cũng có người khác làm được, nhưng "Cả miệng ta
trăng là trăng" thì chẳng biết có ai làm được không, ngoài Hàn thi sĩ? Và
đây nữa: "Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai" thì lạ quá! Lạ không chỉ
vì đây là câu thơ siêu thực, lạ vì nó siêu thực một cách rất... hiện thực. Đừng
tưởng siêu thực là phản hiện thực, là chối bỏ hiện thực. Siêu thực là hiện thực
ở dạng "đĩa nén", hiện thực ở mức lạ thường. Có điều, những bài thơ
cuối đời của Hàn Mặc Tử, càng siêu thực thì càng đau đớn, một nỗi đau sờ thấy
được, cảm thấy được, đau cùng được. Và càng siêu thực thì lại càng tin tưởng,
tin tưởng trong tuyệt vọng. Đó là thơ của vô vàn những nghịch lý mà con người
hiểu được, cảm được, chia sẻ được. Một người bị bệnh phong, cô đơn đến tột
cùng, đau đớn đến tột cùng, sự sống chỉ còn tính bằng ngày bằng tháng, đã làm
thơ chỉ cho mình, dù trước đó ông đã là nhà thơ nổi tiếng. Không ai muốn có bi
kịch như thế, phải sống trong bi kịch như thế để làm thơ hay, có thơ để đời hay
hy vọng vào sự bất tử sau khi mình chết. Nhưng khi đã lâm vào hoàn cảnh ấy rồi,
nhất là khi đã được thiên phú để làm thi sĩ, Hàn Mặc Tử không còn lựa chọn nào
khác ngoài việc cho "xuất", cho "thoát" ra khỏi người mình
những bài thơ tuyệt tác, những câu thơ tuyệt vọng, những miếng thơ tuyệt vời đẫm
máu.
"Ai đi lẳng lặng trên làn nướcVới lại ai ngồi khít cạnh tôi?
Mà sao ngậm kín thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi"
(Cô liêu)
Có ai từng cô liêu như thế chưa, cô liêu đến mức phân thân, đến mức thấy cái
"double ego", cái bản ngã thứ hai của mình đi lại, ngồi sát bên mình,
miệng ngậm đầy... thơ? Với Hàn Mặc Tử, thơ với trăng mang tính chất kép, là một
hóa hai, là hai trong một, không chỉ trăng tác động đến thơ ông, mà dường như
chính thơ ông cũng tác động rất nhiều đến trăng, khiến trăng đột nhiên lạ đi, kỳ
ảo hơn, ma quái hơn nhưng cũng gần với con người hơn, biết chia sẻ, biết đồng cảm
hơn.
Sinh giữa mùa trăng, "Chơi giữa mùa trăng", thơ giữa mùa trăng, và
đây mới là điều kỳ dị, kỳ dị đến ghê người, là khi chết, Hàn cũng chết giữa mùa
trăng. Hàn Mặc Tử qua đời ngày 11.11.1940, nếu tính sang âm lịch, trời ơi, bạn
có tin không, ông mất đúng vào ngày 12 tháng 10 năm Canh Thìn. Sinh vào đêm
trăng mười hai tháng Trung thu, và mất vào đêm trăng mười hai tháng mười, tháng
mưa sùi sụt ở Quy Nhơn. Phải đó là một Karma (nghiệp theo tiếng Phạn) - trăng
12 kỳ lạ với nhà thơ có số phận không bình thường Hàn Mặc Tử? Có thể trước giây
phút cuối cùng nhắm mắt, Hàn thi sĩ còn chợt thấy, bất ngờ hiện qua mây đen,
qua màn mưa một vầng trăng chưa tròn, cái vầng trăng mười hai đầy khao khát...
Phúc Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét