Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Vang bóng một thời - Nguyễn Tuân

Vang bóng một thời - Nguyễn Tuân
Trong nền Văn Học Việt Nam, Nguyễn Tuân (1910-1987) được mệnh danh là người viết tùy bút xuất sắc nhất. Tác phẩm đầu tay “Vang bóng một thời” của ông do nhà in Tân Dân Hà Nội xuất bản năm 1940, vừa phát hành đã được giới văn nghệ sĩ và người đọc hết sức tán thưởng, khen ngợi. Tác giả ngay lập tức trở thành nhà văn nổi tiếng, “Vang bóng một thời” được trao tặng giải thưởng Gia Long, kiêu hãnh đứng ngang hàng với “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng, “Đôi Bạn” của Nhất Linh. Từ năm 1940 cho đến nay “Vang Bóng Một Thời” đã tái bản nhiều lần, và vẫn được công chúng thân ái đón nhận. Là cây bút tài hoa bậc nhất của văn đàn Việt Nam từ năm 1938 đến năm 1987 và là người có kiến thức uyên bác, Nguyễn Tuân không chỉ sính văn chương, am tường hội họa, âm nhạc, điêu khắc, mà còn hiểu biết rất rõ hoàn cảnh chính trị, thời cuộc thuở ấy. Ông thích lãng du giang hồ, từng bị chính phủ bảo hộ Pháp bắt giam, vì dám đi Bangkok dù không có giấy thông hành. Cá tính của ông thật đặc biệt, không giống bất cứ ai, có vẻ “hách xì xằng,” ngạo mạn, bất cần đời; nhưng thực sự Nguyễn Tuân là người nhân ái, độ lượng, hết sức cảm thông với mọi người, vì ông hiểu rõ nguồn cơn bối rối của mỗi một cảnh đời.
Mặc dù đầu đề là tập truyện, nhưng “Vang Bóng Một Thời” được xem như thiên tùy bút tuyệt vời của Nguyễn Tuân. Toàn bộ tác phẩm gồm mười hai đoản văn, xếp theo thứ tự: “Chém Treo Ngành (Bữa Rượu Máu), Những Chiếc Ấm Đất, Thả Thơ, Đánh Thơ, Ngôi Mả Cũ, Chữ Người Tử Tù, Ném Bút Chì, Chén Trà Trong Sương Sớm, Một Cảnh Thu Muộn, Báo Oán (Khoa Thi Cuối Cùng), Trên Đỉnh Non Tản.” Ngòi bút tài hoa và văn tài lỗi lạc của Nguyễn Tuân đã  mô tả chi tiết những cảnh đời rất thực, những cảnh đời hư ảo, những chữ tình thanh cao, những oán khí cuồng nộ. Mỗi một đoản văn là một tâm cảnh, một ván cờ bày trắng bông đào, một thế sự du du nại lão hà [*] khiến người đọc cảm động chung chia nước mắt ngậm ngùi, chung chia một tiếng cười vui với từng nhân vật.
“Chén Trà Trong Sương Sớm” như bức tranh nghệ thuật, bàng bạc nét đẹp của hồn dân tộc, mời gọi người đọc tham dự nghi thức uống trà tuy thanh đạm nhưng vô cùng thành kính của cụ Ấm: “Trời rét như cắt. Không kể tiểu hàn, không kể cả đến đại hàn, buổi sớm mùa đông nào cụ Ấm cũng dậy từ lúc còn tối đất… La liệt trên chiếc cói cạp điều đã sờn cạnh, cụ Ấm đã bày lên đấy khay trà, ống nhổ, ấm đồng và hỏa lò đất. Cái điếu bát vẽ Mai Hạc kêu vang lên một hồi rất giòn, rất đều. Khói thuốc lào đặc sánh lại bao trùm lấy ánh sáng yếu ớt của một ngọn đèn dầu. Rồi làn khói loãng dần biến ra màu nhờ nhờ như làn hơi nước sủi. Sau màn khói, ẩn hiện một ông già chống nạnh bên gối xếp, cặp mắt lim dim như một nhà sư nhập định. Vẻ nghiêm trang lặng thinh của ông già, muốn làm ngừng cả áng khói trắng hiếu động đang trôi trong không khí gian nhà gạch. Ba gian nhà, chỉ có một người thức.”
Khung cảnh liêu trai chí dị của trường thi trong “Báo Oán,” khiến người đọc tưởng như nhìn thấy linh hồn của người phụ nữ tài sắc nổi tiếng một thời, trở về đòi món nợ tiền kiếp, khi người lính bắc ống loa hô trong đoạn:“- ‘Báo oán giả tiên nhập. Báo ân giả thứ nhập. Sĩ tử thứ thứ nh…ập.’
Có lẽ đoạn khấn này là khoản chú trọng nhất của lễ tam sinh và đã được quỷ và thần chứng giám. Người lính tuần mặc áo nẹp đỏ vừa được lệnh đổ chén rượu cúng xuống tàn lửa đống vàng đang hoá dở, thì những đầu ngọn cỏ may im lìm nơi bãi trường thi đều rung lên một nhịp và theo một chiều. Người ta, hồi nãy sống một cơn mơ giữa khoảng ban ngày u uất, bây giờ trông thấy một cơn mơ đang tàn dần. Một thứ gió u hiển thổi thốc mãi vào bãi trường, nghe lào xào như có tiếng người chen chúc và chạy vào choán chỗ. Những cây nến cháy vạt ngọn bỗng tắt phụt hết. Không gì xa vắng bằng cái động đậy trong đìu hiu của muôn loài…Tiếng loa đồng xoáy sâu vào màn mưa lạnh. Ông Đầu Xứ Anh nghe tiếng hô, mặt nhợt nhạt, luôn luôn nhìn trộm em…”  Hai anh em ông Đầu Xứ nổi tiếng hay chữ nhất vùng Sơn Nam hạ, đành ngậm ngùi ca thán thi không ăn ớt thế mà cay [2], khi nàng hầu của cha họ thề báo oán.
Ngoài “Vang Bóng Một Thời,”  nhà văn sinh trưởng ở xã Nhân Mục, thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, còn có những tác phẩm nổi tiếng khác, như: “Ngọn Đèn Dầu Lạc -1939,” “Chiếc Lư Đồng Mắt Cua -1941,” “Tàn Đèn Dầu Lạc – 1941,” “Một Chuyến Đi – 1938,” “Tùy Bút -1941,”…v.v…Cho dẫu viết dưới chủ đề nào, tác phẩm của Nguyễn Tuân vẫn đẹp như tranh vẽ, vẫn đầy chất thơ, chẳng khác gì cuộc đời phiêu lãng rất nghệ sĩ của ông. Những buổi chiều máu lửa chém treo ngành; những hình ảnh hư thực gợi giấc mơ hoài cổ theo giòng suy tưởng về cái ấm đất, về chén trà trong sương sớm; cảnh nước nhược non bồng trên đỉnh non Tản, không khí ma quái trong báo oán; thú chơi thư pháp tao nhã đã khiến viên quan cai ngục khiêm tốn kiên nhẫn, xin cho được chữ người tử tù… Nguyễn Tuân thinh lặng làm sống dậy một giai đoạn nhiều biến động trong lịch sử, để công chúng tự đọc, tự suy nghĩ, tự nhận xét, tự phê bình về một thời vang bóng.
[*]. “Thuật Hoài.” Của Đặng Dung.
[1]. “Mai Mà Tớ Hỏng.” Của Trần Tế Xương.
 Hoàng Nhất Phương 
Theo http://baotreonline.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...