Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Mùa xuân trẩy hội chùa Hương

Mùa xuân trẩy hội chùa Hương
Người xưa có câu “Xuân du phương thảo địa” (Mùa xuân đến nơi đất có hoa cỏ đẹp). Hoặc quan niệm “tháng giêng là tháng ăn chơi…” nên vào mùa xuân các tao nhân mặc khách thường lui tới những nơi có danh thắng đẹp để thưởng ngoạn. Có lẽ từ quan niệm ấy mà trên khắp nước ta mùa xuân là mùa tập trung nhiều nhất các lễ hội. Một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc thu hút đông đảo du khách là lễ hội chùa Hương.
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Nam, chùa Hương trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội diễn ra từ mùng 6 tháng giêng và thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba: Theo truyền thuyết thì ở vùng “linh sơn phúc địa này” vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện tục gọi là chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã vào tu hành 9 năm, đắc đạo thành Phật đi cứu độ chúng sinh (ngày Phật đản là ngày 19 tháng Hai hàng năm theo Lịch Âm). Bởi vậy mà hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.
Ảnh du khách đi thuyền tới lễ chùa Hương
Lễ hội chùa Hương chia thành 2 phần riêng biệt: Lễ và Hội. Tuy nhiên, phần Lễ thực hiện rất đơn giản, nghiêng về chất “thiền”. Lễ dâng hương sẽ được thực hiện ở Chùa Trong gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Phần Hội chùa Hương tạo hứng thú cho du khách bởi đến đây con người được hòa nhập vào núi non sông nước được vãn cảnh chùa chiền, leo núi chơi hang, chơi động.
Không giống bất cứ chùa nào, chùa Hương là sự tập hợp nhiều động, nhiều chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp vừa thiên nhiên vừa nhân tạo gồm núi, đồi, hang, động, suối rừng, chùa tháp… mà đẹp nhất là động Hương Tích trở thành kỳ quan của đất nước. Đến với lễ hội chùa Hương những ngày đầu xuân du khách ngoài việc tìm đến chốn tâm linh thì đây còn là nơi để cảm nhận cái thú ngồi thuyền chiêm ngưỡng bầu trời, cảnh bụt, ngắm nhìn non nước Hương Sơn. Xuất phát từ suối Yến thơ mộng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sắc xuân trong làn nước trong xanh hài hòa với sắc hồng của những bông hoa súng lãng đãng trong sương sớm mùa xuân. Cảnh sắc nên thơ như miền cổ tích của Hương Sơn từ lâu đã đi vào ca dao.
Một vùng non nước bao la
Rằng đây Lạc quốc hay là Đào nguyên
Hương Sơn là chốn non tiên
Bồng lai mà thấy ở miền trần gian.

Ảnh: Suối Yến rực rỡ vào mùa xuân
Dọc theo dòng suối Yến thơ mộng, trước khi đến với chùa Hương, du khách sẽ đi qua đền Trình và chùa Thiên Trù. Hai ngôi chùa có không gian khá nhỏ và là một nhánh của chùa Hương. Sau khi dâng lễ ở Đền Trình, đò sẽ đưa du khách đi qua cầu Hội và các ngọn núi với tên gọi lạ lẫm như: núi Đổi Chèo, núi Voi Phục, núi Mâm Xôi, núi Con Gà, núi ông Sư, bà Vãi… Những quần thể núi non này tạo ra những hình dáng kỳ thú, mỗi ngọn núi đều gắn với câu chuyện linh thiêng trong tâm linh người Việt về danh thắng chùa Hương.
Ảnh một ngôi đền trong quần thể di tích chùa Hương
Tiếp tục hành trình là đến chùa Thiên Trù. Ngôi chùa này toạ lạc trên thềm núi Lão, được xây dựng từ đời Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Theo một số sử ký còn lưu lại có chuyện kể rằng trong một chuyến tuần thú phương Nam lần thứ hai, Vua Lê Thánh Tông cùng tướng sĩ qua vùng núi Hương Sơn nghỉ lại ở thung lũng núi Lão và cho quân lính thổi cơm ăn. Trong lúc thưởng ngoại cảnh sắc thiên nhiên, Vua xem thiên văn thấy vùng này ở vào vị trí của sao Thiên Trù (nghĩa là “Bếp trời”: một chòm sao chủ về ăn uống) nên nhân đấy nhà Vua đặt tên cho thung lũng này là Thiên Trù.
Vượt qua chùa Thiên Trù là đến động Hương Tích. Đây đuợc coi là trung tâm của khu thắng cảnh chùa Hương, và là đích dừng chân của du khách khi đến chùa Hương. Mọi người thường nói: hễ ai đi chùa Hường mà chưa vào động Hương Tích thì coi như chưa đi đến nơi.
Chùa Hương nằm trong động Hương Tích được mệnh danh là Nam sơn đệ nhất động (động đẹp nhất trời Nam). Ngoài vãn cảnh chùa, du khách cũng có thể thăm quan động Hương Tích hùng vĩ được tạo thành từ muôn vàn hình dạng khác nhau của các phiến đá, thạch nhũ… Trong khuôn viên chùa có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và các tượng khác như tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ…
Ảnh: Chùa Hương thu hút hàng ngàn khách du lịch
Trẩy hội chùa Hương đầu năm đã trở thành một nét trong văn hóa người Việt:
Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Hương.
Bài: Mộc Lan
Ảnh: Cao anh Tuấn, Tam Nguyễn

Theo http://www.daikynguyenvn.com/


1 nhận xét:

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...