Nguyễn Thị Minh Thái: ‘Thơ
là
thần hộ mệnh của đời tôi’
“Tôi đang bệnh rất nặng
nhưng tôi vẫn ngồi đây và tươi tỉnh. Thơ là cái gì đấy mà mình có thể trú ngụ
được. Nói cách khác, thơ là thần hộ mệnh của đời tôi” - Nữ tiến sĩ chia sẻ.
Tị nạn chiều là tập thơ
riêng đầu tay của PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái. Tác phẩm ra đời
trong một hoàn cảnh đặc biệt: Vì lâm trọng bệnh, tác giả muốn tập hợp những bài
thơ làm rải rác suốt mấy chục năm thành một tập thơ nhằm di dưỡng tinh thần
trong cơn gian khó.
Nguyễn Thị Minh Thái cho biết
bà không có ý làm thơ mà chỉ không thể không ghi lại những cảm xúc của mình
trong tình riêng một cõi. Nhưng đến một đoạn gay cấn của cuộc đời, bỗng nhiên
thơ lại trở thành sự cứu rỗi đối với bà.
“Tôi đang bệnh rất nặng
nhưng tôi vẫn ngồi đây và tươi tỉnh. Thơ là cái gì đấy mà mình có thể trú ngụ
được. Nói cách khác, thơ là thần hộ mệnh của đời tôi” - Nữ tiến sĩ nghệ thuật học
chia sẻ.
Bức ảnh do thi sĩ Phạm Thị
Ngọc Liên chụp được
sử dụng làm ảnh giới thiệu tác phẩm.
Ảnh: Phạm Thị
Ngọc Liên.
|
Tị nạn chiều là bài thơ
số 3, đồng thời cũng được đặt làm tựa đề cho cả tập thơ. Nữ tác giả cho biết bà
viết bài thơ này trong trong khoảng 15-20 phút khi vừa bị lạc đường ở Sài Gòn,
không biết "tị nạn" vào đâu, ngoài buổi chiều đẹp nhưng buồn.
“Khi tôi ở Liên Xô trở về,
tôi vào TP.HCM để lập gia đình lần 2, một cuộc hôn nhân mà tôi mất nhiều thời
gian để chờ đợi nhưng cuối cùng đổ vỡ. Không cứu vãn được, tôi buộc phải tìm
nhà riêng để ở. Tôi không quen đường ở Sài Gòn nên bị lạc. Tôi chui vào một
quán cà phê, không có người nào giúp đỡ. Tôi đã cầm bút và viết ngay bài này” - Nguyễn Thị Minh Thái nói thêm.
Nữ tác giả tuổi Dần khẳng định
tị nạn là tình trạng chung của nhiều người. Nhưng không ai đặt nhan đề bài thơ
là tị nạn như bà. Nguyễn Thị Minh Thái quyết định tị nạn vào thiên nhiên như một
hành động tốt nhất có thể làm để cứu vãn khỏi nỗi cô đơn và cuộc tình tan vỡ.
Góp mặt trong buổi ra mắt của
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Đọc thơ của
Nguyễn Thị Minh Thái, tôi thấy chị ấy yêu như sóng thần, như hỏa hoạn, như động
đất. Không ai yêu đến mức mang áo người tình rang lên để gọi vía người ấy trở về
như chị. Và cũng không ai viết những câu thật đớn đau mà cũng thật hạnh phúc
'Anh đã vò nát em như lá' như Nguyễn Thị Minh Thái.
Hầu hết các bài thơ
trong Tị nạn chiều viết về tình yêu. Chị đã rất trung thực và không
thể không trung thực. Điều ý nghĩa nhất với cuộc đời một người đàn bà là tình
yêu. Chị đã yêu như một người đàn bà chạy băng qua lửa” – tác giả Sự mất
ngủ của lửa nhấn mạnh.
Nam nhà thơ kết lại phần
bình luận của mình rằng nếu chỉ được mang một cuốn sách của Nguyễn Thị Minh
Thái đến một nơi nào đó thì ông sẽ chọn Tị nạn chiều. Còn nhà báoNguyễn Thụy
Kha thẳng thắn cho biết: “Sau tất cả, có lẽ cái cuối cùng mà Nguyễn Thị Minh
Thái để lại là thơ”.
Tập thơ Tị nạn chiều được in
1.500 cuốn,
trong đó 1.000 cuốn được bán làm từ thiện.
Ảnh: Quang Đức.
|
Tị nạn chiều được in với
số lượng 1.500 cuốn. Nguyễn Thị Minh Thái cho biết bà sẽ giữ lại 500 cuốn để tặng
người thân, bạn bè, giới văn - nghệ sĩ. 1.000 cuốn còn lại bà sẽ bán để lấy tiền
làm từ thiện. Nữ tác giả sẽ dành toàn bộ số tiền thu được để nuôi một nữ sinh
viên có hoàn cảnh khó khăn, con gái của liệt sĩ Gạc Ma, đang học tại Đại học
Văn hóa TP.HCM.
“Tôi từng dạy học 9 năm tại
Đại học Văn hóa TP.HCM, tôi thấy mình có nghĩa vụ giúp đỡ em. Hiện tại, em đã học
xong năm nhất, nếu tiền bán sách đủ, tôi sẽ đóng học phí cho em đến hết 4 năm đại
học. Sau này, nếu em mong muốn, tôi sẽ hướng dẫn em học cao học, nghiên cứu
sinh” - Nữ nhà thơ nhấn mạnh.
Sau buổi ra mắt tại Hà Nội,
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái sẽ tổ chức một buổi giới thiệu Tị nạn chiều trong
TP.HCM.
Quang Đức
Nguồn News.zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét