Ý tưởng về một vườn thơ Việt
Nhà thơ, nhà báo Hồ
Ngọc Sơn là tác giả bài thơ "Tình em" nổi tiếng. Ông nguyên
là một cán bộ cao cấp trong quân đội, hiện đã nghỉ hưu và dành toàn
bộ thời gian của mình cho ý tưởng về một Vườn thơ Việt. Đề xuất
cũng như bản dự án của ông đã được gửi xin ý kiến nhiều cơ quan: Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch Hà Nội…
Văn nghệ xin giới thiệu
bài viết của ông, mong nhận được ý kiến trao đổi từ các nhà thơ,
những người yêu thơ trong cả nước. V.N
Ý tưởng về một Vườn thơ
Việt ấp ủ trong tôi đã từ lâu, vì thơ ca nước ta có không biết cơ man
nào là những bài hay, có thể chọn lọc khắc vào văn bia cho người
đời chiêm ngưỡng những giá trị tinh thần - văn hóa cao đẹp của dân
tộc ta. Do vậy, tôi hằng mong có một Vườn thơ Việt được kiến tạo ở
trung tâm Thủ đô, tại công viên Bách Thảo hay nơi nào đó nằm trong một
quần thể tham quan, du lịch đặc trưng về văn hóa - lịch sử, thì vẻ
đẹp thiêng liêng của Hà Nội ngàn năm văn hiến sẽ giàu thêm ý nghĩa
biết bao!.
Cảm nhận vẻ đẹp trước
tiên đến với tôi là niềm vinh hạnh, tự hào thơ ca Việt Nam không những
sánh ngang tầm thế giới, mà còn có tác phẩm, tác giả xuất sắc,
nổi bật. Ba nhà thơ vĩ đại Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh đã
được UNESCO tôn vinh "Danh nhân văn hóa thế giới". Cung oán ngâm
khúc, thơ Hồ Xuân Hương… Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Trần
Đăng Khoa… đã được nước ngoài dịch thuật, giới thiệu và mến mộ. Bài
ca chim D'rao" của Thu Bồn được tặng giải thưởng Á - Phí. Không
chỉ nhân dân ta, nhân dân Nhật Bản và Việt kiều khắp năm châu rất yêu
thích ca từ bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân được Giáp Văn Thạch
phổ nhạc.
Theo phân kỳ lịch sử,
Vườn thơ Việt có thể hình thành 5 khu: Khu thơ dân gian và thơ cổ; Khu
Thơ Mới; Khu thơ kháng chiến chống Pháp; Khu thơ chống Mỹ; Khu thơ thời
đổi mới, hội nhập quốc tế.
Nét tiêu biểu đặc sắc
riêng của thơ ca nước ta là rất giàu chất nhân văn cao đẹp, chất triết
lý nhẹ nhàng, sâu lắng, chất thẩm mỹ nghệ thuật đa dạng cả về nhạc
điệu, màu sắc, hình tượng. Nó thể hiện trong tình yêu lứa đôi rất
đằm thắm, dung dị, tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, nồng nàn,
tình người với bao dung, đầm ấm, ân nghĩa sâu nặng với công lao của
các bậc sinh thành, Bác Hồ và những ai hy sinh quên mình vì cộng
đồng, tình người luôn hòa quyện mật thiết với thiên nhiên…
Chính những giá trị tinh
thần, văn hóa hết sức tốt đẹp này làm cho những bài thơ hay thấm sâu
và cảm hóa tâm hồn người suốt cả cuộc đời, tạo nên phương châm giáo
dục và hành động biết sống tử tế, lương thiện, sống cống hiến, cao
thương; biết yêu cái đẹp và làm đẹp cho đời.
Ví như tôi đã 81 tuổi,
vẫn không quên nhiều vần thơ hay, nuôi dưỡng mình có được những suy
nghĩ, tình cảm lớn do thơ ca mang lại. Trong phạm vi hạn hẹp của một
bài báo, chỉ xin được nêu lên những nét điển hình của Vườn thơ Việt.
- Thơ ca dân gian có vô
vàn những bài giữ nguyên giá trị thời sự cho muôn đời, như "Trong
đầm gì đẹp bằng sen/… Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn";
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương
nhau cùng"; "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành
hòn núi cao"…
Về thơ cổ, hai bài thơ
của Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt là lời thề chiến đấu thiêng
liêng, tuyên ngôn độc lập khẳng định lãnh thổ, chủ quyền của nước ta:
"Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng/
Ba kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này";
"Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như
hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".
Các bậc tiền bối của
nước ta rất hay thơ. Vua Lê Thánh Tông gắn liền tên tuổi với ngọn núi
Bài Thơ ở vịnh Hạ Long. Cụ Nguyễn Công Trứ với những lời bất hủ:
Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông".
Thơ Đoàn Thị Điểm đẹp lạ thường: "Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa
in gối chiếc, nửa soi dặm trường". Bà Hồ Xuân Hương, bà Huyện
Thanh Quan, cụ Nguyễn Khuyến, cụ Nguyễn Đình Chiểu… đều có tuyệt tác
để lại cho đời. Đặc biệt Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có
3254 câu thơ nhưng hồn cố của nó chỉ cô đúc trong 3 câu, nhất là 3 chữ
"T": "Chữ Tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/… Chữ Tài
liền với chữ Tai một vần/… Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài".
Chỉ nói riêng khu vực thơ
dân gian và thơ cổ, đứng trước những văn bia tôi trích dẫn chắc chắn
khách tham quan, du lịch sẽ suy ngẫm để sống tốt hơn, tình người,
tình đời sẽ đẹp hơn.
Chữ La tinh trở thành
quốc ngữ và phong trào Thơ Mới ra đời, thơ ca nước ta có một bước
tiến vượt bậc. Nhiều nhà thơ gắn liền tên tuổi với bài thơ hoặc
được mệnh danh riêng, tiêu biểu như Tản Đà với Thề non nước, Anh Thơ với
Bức tranh quê, Vũ Đình Liên với Ông đồ, Lưu Trọng Lư với Tiếng thu v.v…
Chế Lan Viên được coi là nhà thơ triết lý, Xuân Diệu, "Vua"
thi sĩ của tình yêu, Nguyễn Bính, thi sĩ của đồng quê, Tế Hanh, nhà
thơ của con sông quê hương, Trần Đăng Khoa, "Thần đồng" thơ…
Nhiều vần thơ hay được
người yêu thơ nhớ mãi: "Cái thuở ban
đầu lưu luyến ấy/
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên". "Nào đâu những đêm vàng bên bờ
suối/ Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan… (Thế Lữ). "Bến My Lăng
nằm không, thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi, ông lái chẳng buôn câu/
Trăng thì vàng rơi đầy trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn
râu"… (Yến Lan). "Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo
chồng bỏ cuộc chơi…". "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có
chở trăng về kịp tối nay" (Hàn Mặc Tử).
Kế thừa và phát huy tinh
hoa của trào lưu Thơ Mới, dòng thơ hiện thưc thổi một luồng gió mới
rất giàu chất lạc quan, lãng mạn cách mạng, ngày càng có thêm nhiều
bài thơ hay và nhiều nhà thơ nổi tiếng.
Như chúng ta đã biết,
Bác Hồ và Tố Hữu đã làm thơ trước năm 1945 nhiều năm, nhưng mãi đến
kháng chiến chống Pháp mới in thành tập. Bác Hồ là một tâm hồn thơ
lớn, hiếm thấy ở các vị nguyên thủ quốc gia: "Rằm xuân lồng
lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn
bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền". Tố Hữu
luôn mang lại cho người yêu thơ ấn tượng sâu đậm, độc đáo khó quên:
"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương
lai". "Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch
chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi
những lối mòn".
Trong kháng chiến chống
Pháp, chống Mỹ và sau năm 1975, không chỉ xuất hiện nhiều nhà thơ
chuyên nghiệp nổi tiếng, nhắc đến tác giả là nhớ ngay tác phẩm và
nhắc đến tên bài thơ là nhớ ngay tác giả, còn thu hút nhiều người
làm thơ không chuyên được đông đảo người yêu thơ mến mộ. Điển hình như
nhắc đến Hồng Nguyên, Chính Hữu, Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Trần
Hữu Thung, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Vũ Cao, Phùng Quán,
Minh Huệ… Thanh Hải, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Nguyễn
Duy, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Quần Phương, Viễn Phương, Hoài Vũ, Giang Nam,
Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Lò Ngân Sủn, Bế Kiến Quốc, Cầm Vĩnh Ui,
Lê Anh Xuân, Thanh Tùng… những cặp đôi bạn đời Xuân Quỳnh - Lưu Quang
Vũ, Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường; Phan Thị Thanh Nhàn, Lê
Thị Mây, Thúy Bắc… là nhớ ngay bài thơ hay của họ.
Người yêu thơ cũng dành
những tình cảm tốt đẹp cho những bài thơ hay của các tác giả không
chuyên, hoặc làm thơ không nhiều và một số nhà thơ sáng tác sau năm
1986 như Bóng cây kơ-nia của Ngọc Anh, Tình em của Hồ Ngọc Sơn, Tháng
Ba Tây Nguyên của Thân Như thơ, Hà Nội phố của Phan Vũ, Những phút xao
lòng của Thuận Hữu, Người đàn bà thứ hai của Phan Thị Vĩnh Hà,
Trăng khuyết của Phi Tuyết Ba, Quê hương của Đỗ Trung Quân…
Tôi tin rằng Vườn thơ
Việt được kiến tạo sẽm mang lại cho khách tham quan, du lịch những giá
trị văn hóa - lịch sử cao đẹp rất bền lâu - Nó sẽ trở thành một
bảo tàng sống, một trường học lớn giáo dưỡng con người những suy
nghĩ, tình cảm lớn để sống chân, thiện, mỹ. Thơ ca Việt Nam sẽ đến
với đông đảo quần chúng. Các cụ già, người đứng tuổi, các bạn trẻ
sẽ đến Vườn thơ Việt để đàm luận văn chương, suy ngẫm về mình và
nhân tình thế thái. Các ông bố, bà mẹ sẽ đưa con mình tới đây để răn
dạy những điều hay, lẽ phải. Các thầy cô giáo đưa các em học sinh
của mình đến đây để tạo ra những lớp học giảng văn sinh động ngoài
trời. Không chỉ nhân dân ta mà cả người nước ngoài sẽ cảm nhận dân
tộc Việt Nam là một "Dân tộc thơ", một dân tộc đánh giặc và
làm thơ, làm thơ để đánh giặc và thắng giặc; một dân tộc có một
nền văn hóa - lịch sử - thi ca giàu chất nhân văn lạc quan lãng mạn
đến như vậy, nhất định sẽ chiến thắng và có tương lai tươi sáng. Tôi
cũng tin tưởng rằng các thế hệ người Việt Nam ngàn đời sau sẽ cảm
ơn thế hệ người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã giúp họ hiểu biết
dân tộc ta đã sống, chiến đấu và làm thơ như thế nào mỗi khi họ
đứng suy tư trước những văn bia ở Vườn thơ Việt.
Tôi chân thành xin ý kiến
bạn đọc, các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, các nhà văn, nhà
thơ, người yêu thơ trong nước ta và trong kiều bào ta ở nước ngoài
đóng góp ý kiến và cả những bài thơ hay để Vườn thơ Việt trở thành
hiện thực tốt đẹp và cao quý của nền văn hóa - lịch sử - thi ca
Việt Nam.
Xuân năm 2012
Hồ Ngọc Sơn
Nguồn: Văn nghệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét