Khoảng lặng ngôn từ trong
Theo Jakobson, thơ có đặc trưng là sự
quay trở lại (vertere, versus) nên "câu thơ là sự trở về" (le
"vers est "vers")(1). Chính sự lặp lại, trùng điệp về mặt ngữ
âm, từ vựng, cú pháp, nhịp điệu... khiến thơ có sức vang, lay động người đọc
vào cuộc truy tìm "dòng chảy ngầm". Vì thế, những khoảng trắng
trên không gian in thơ, khoảng lặng của ngôn từ thơ cũng góp phần vào thể hiện
tính nhạc cho thơ.
Khi ý thơ dồn nén, đứt đoạn, nhảy cấp thì bài
thơ càng có nhiều khoảng lặng. Những khoảng lặng vô ngôn như những nốt nhạc
không lời. Ngân ở trong lòng người. Hoàng Vũ Thuật cũng sử dụng những kĩ xảo của
khoảng trống để lạ hoá thơ mình.
1. Những khoảng trắng của "không
gian văn bản" cũng là một biện pháp hữu hiệu trong việc tạo điểm trống
vô ngôn. Nó như một dấu lặng trong âm nhạc. Nhà thơ xuống hàng, bỏ trống một
không gian in thơ. Đặc điểm này cũng là một cách phân chia khổ thơ trong thi ca
xưa nay. Mỗi nhà thơ đều có cách riêng để tạo nên những khoảng trống trên không
gian in văn bản. Với Hoàng Vũ Thuật, ngoài mục đích để phân chia khổ thơ ra,
ông xuống hàng, bỏ trống một khoảng trắng để thể hiện dụng ý nghệ thuật.
Bài thơ "Đối cực" chia
làm 3 khổ. Khổ 1 có 3 câu. Khổ 2 có 2 câu. Khổ 3 trở lại 3 câu. Sự phân chia
các khổ thơ trong thế "lệch đối xứng" (dissymétrique -
Jakobson) tạo nên sức căng cho khổ 2:
Hy
vọng rồi thất vọng
Một sợi dây vô hình
Chăng hai đầu mưa nắng
Trên sợi dây đời ta
Rong rêu bàn tay trắng
Trên sợi dây tim ta
Vơi dần từng giọt sáng
Trong giếng cười bao la
Nếu nhà thơ ghép khổ 2 với khổ 3, bỏ đi một
khoảng trống thì ý nghĩa thơ không thay đổi nhưng độ giãn nở của nó không có, sức
nặng của tư tưởng, của nhạc thơ không còn. Việc nhà thơ để khổ 2 được bao bọc bằng
hai khoảng trắng vừa khẳng định sự trắng tay của cuộc đời, vừa có độ dừng để sự
trắng tay ấy lan toả. Nghĩa là, nhà thơ không cần diễn giải mà để cho các khoảng
trắng ấy phát sinh, lây lan, cộng hưởng với nghĩa của câu chữ. Một sự thất vọng
trước mất mát cuộc đời.
Ở bài "Tháng mười ngày mười
hai", Hoàng Vũ Thuật cũng rất tinh tế trong việc tạo điểm trắng của không
gian văn bản. Sự lặp lại của "một ngày như mọi ngày" trở
nên dai dẳng, triền miên hơn khi nhà thơ tạo khoảng trống giữa khổ 1 và khổ 2.
Khoảng trống giữa giữa khổ 2 và khổ 3, giữa khổ 3 và khổ 4 nhằm chuyển nội dung
đơn thuần. Nhưng khoảng trống giữa khổ 4 và khổ 5 lại là thủ thuật dán ghép.
Nhà thơ chuyển chuyện "một ngày như mọi ngày" sang chuyện
chọn ngày giã từ: "Giả sử nếu phải giã từ/ Tôi chọn ngày này nằm xuống". Khoảng
trắng này vừa là một thủ thuật nhưng cũng vừa tạo được cú hích trong lòng độc
giả. Đang nhẹ nhàng, triền miên, đều đặn của "một ngày như mọi
ngày", ông dừng lại trong nỗi vắng lặng, tê tái. Cái đau buồn, muốn chọn
ngày nằm xuống trước cuộc sống như một làn sóng ngược chiều.
Hay trong "Trời ban", các
khoảng trống in văn bản trở thành mạch ngầm nối kết ý nghĩa bài thơ. Bài có 6
khổ, mỗi khổ chỉ có hai câu lặp đi lặp lại cùng một kiểu cú pháp "Trời
ban... cho...":
Trời
ban mặt đất cho dòng sông
Trời ban dòng sông cho mặt đất
Trời ban cánh rừng cho tiếng chim
Trời ban tiếng chim cho cánh rừng...
Các hình ảnh trong thơ tương hỗ, đắp đổi cho nhau suốt cả bài thơ. Những khoảng
trống giữa các hình ảnh thơ làm cho sự việc "Trời ban... cho..." là
vô tận. Những khoảng trống trên văn bản ấy có thể là những cuộc luân phiên của
các hình ảnh khác mà người đọc có thể liên tưởng. Bài thơ dẫn dụ người đọc kiếm
tìm, lấp đầy khoảng trống trong vòng quay của sự lặp lại cú pháp. Vạn vật đắp đổi.
Sự đắp đổi vô tận.
Những bài thơ như "Sa Pa",
"Cổ tích Hội An", "Di sản", "Viết dưới tượng
Êxênin", "Về"... đầy khoảng trắng nghệ thuật. Khoảng trắng
trên "không gian văn bản" vừa tạo được một thứ nhạc riêng vừa hỗ
trợ cho ý nghĩa thơ, cất cánh cho thơ.
2. Những con chữ của chữ không bao giờ trùng
khít. Chúng tạo ra những khe hở để phát nghĩa, nghĩa tiềm ẩn, nghĩa vô thức. Do
vậy, những khoảng trắng của sự "va đập" ngôn ngữ cũng là một
giai điệu riêng cho thơ HoàngVũ Thuật.
Biểu hiện của những khoảng trắng của sự "va
đập" ngôn ngữlà có nhiều khoảng lặng bên sau con chữ, do vậy, chúng
ta không chỉ hiểu nghĩa trực tiếp ngay trên bề mặt câu chữ mà còn phải thẩm thấu
nghĩa ngoài văn bản. Những con chữ "va đập" nhau tạo nên
cái khoảng lặng vô ngôn, cái bỏ ngỏ của thơ. Nó đem đến cho thơ những "cái
nhạt" (F. Jullien) vô giá. Những cái nhạt này làm cho thơ Hoàng Vũ
Thuật thêm cô đọng, hàm ngôn.
Robbe-Grillet cho rằng: "Viết là bắc
một cây cầu nối liền mình và mình, nhưng đôi khi thay vì kết nối hai bờ của một
vực thẳm, nó lại nới rộng thêm khoảng cách, vì giữa mình với mình không có sự
trùng khít. Luôn có một khoảng cách, và chính trong khoảng cách này xuất hiện
những gì cần được viết ra. Viết là công việc của người thợ thêu, chắp vá, đan dệt
một quan hệ vĩnh viễn dang dở" (2). Để nắm được khoảng lặng ấy, người
đọc phải giải mã công việc của nhà thơ như việc giải mã những đường chỉ chắp nối
của người thợ thêu.
Để xây dựng hình tượng "Người đàn
bà ngồi bên cửa sổ", Hoàng Vũ Thuật dựng nên những cuộc "va
đập" ngôn từ rất khéo léo: "Ngày giờ nối nhau bền bĩ/ Người
đàn bà ngồi bên cửa sổ lâu rồi/ Đóng khung thành bức tranh thế kỷ/ Đôi mắt chừng
ngóng đợi một người". Sự trôi chảy của thời gian được đối sánh với
hình ảnh, tư thế bất động của người đàn bà. Cụm từ "bền bĩ" va
chạm, tương phản với các cụm từ "lâu rồi", "đóng
khung", "thế kỷ" đã phác hoạ hình ảnh người đàn bà với nỗi
niềm đong đầy. Những nỗi niềm đó được lộ thiên khi ông xoáy sâu vào "đôi
mắt chừng ngóng đợi một người". Ba câu thơ đầu phác hoạ cái thần thì
câu cuối phác hoạ cái hồn. Sự lựa chọn, hôn phối giữa các từ ngữ đã giúp nhà
thơ đúc nên hình ảnh người đàn bà đầy ám ảnh mà không cần nhiều lời. Người đàn
bà cô đơn, khắc khoải trong sự chờ đợi vô vọng. Bằng sự "va đập" các
con chữ, những câu thơ trong bài "Trái tim ngốc nghếch" cũng
đòi hỏi ở người đọc sự lao động nhiệt tình. Ở bài thơ này, chúng ta thấy sự phối
kết các từ ngữ rất đơn giản, có vẻ nhạt nhẽo. Chỉ là vấn đề độc thoại của nhân
vật trữ tình trước cuộc sống "lầm lũi", "vô nghĩa": "Ta
gom tháng ngày lầm lũi/ Đốt lên một ngọn nến thừa". Nhưng chính cái
nhạt, cái chán chường ấy lại tạo nên nghĩa nằm ngoại biên văn bản. Những từ ngữ
nằm trong hệ thống bài thơ: "thừa", "chẳng thấy",
"mất", "nỗi buồn", "vô nghĩa", "vô
nghĩa" gia tăng sự chán chường, vô nghĩa nhưng đồng thời nó mở ra một
cách cửa mới: bản lĩnh của nhà thơ trước cuộc sống khi khẳng định một cách trực
tiếp "Chao ôi lời lời vô nghĩa/ Tim ta ngốc nghếch từ xưa". Đó
là tố chất cần có của người nghệ sỹ.
Chúng ta thử tìm khoảng lặng vô ngôn, cái nhạt
trong bài thơ "Ba trăm sáu lăm ngày" của Hoàng Vũ thuật:
365 ngày, ngày nào anh cũng quên
Cuốn sách lẫn vào tủ áo
Hộp diêm lẫn vào chậu hoa
365 ngày, ngày nào anh cũng nhớ
Mùa mưa nhớ qua mùa nắng
Mùa sáng nhớ mùa mù đen
365 ngày, ngày nào anh cũng muộn
Lật đật như con lật đật
Khuy áo cài chéo lên nhau
365 ngày, ngày nào anh cũng nhầm
Bước lộn cổng rào người khác
Tìm mãi nhà người quen
365 ngày, ngày nào anh cũng nợ
Hồ như nhân vật trữ tình rất "đễnh
đoảng", lúc nào cũng: "quên", "nhớ",
"muộn", "nhầm", "nợ". Mỗi khổ thơ là một chứng
bệnh. Các chứng bệnh ấy vây quanh, hội tụ tạo nên một hình tượng người "lơ
ngơ". Nếu hiểu như vậy thì chưa thể hiểu cái thế giới bên kia của
ngôn từ. Người ấy "quên" nhưng "quên" những
thứ rất thanh tao: "Cuốn sách lẫn vào tủ áo/ Hộp diêm lẫn vào chậu
hoa". "Nhớ" thì da diết: "Mùa mưa nhớ qua mùa nắng/
Mùa sáng nhớ mùa mù đen". "Muộn" mà rất ý thức: "Lật
đật như con lật đật/ Khuy áo cài chéo lên nhau". "Nhầm"
cũng rất đáng nhầm: "Bước lộn cổng rào người khác/ Tìm mãi nhà người
quen". Đến khi hạ bút "nợ" thì ông không lý giải
nợ gì. Lại một sự kiệm lời. Như vậy, hình tượng người "lơ ngơ" ở
đây không hề lơ ngơ chút nào. Đó là một người nặng lòng với cuộc sống, cảm thấy
bơ vơ, lạc loài giữa cuộc sống, chưa tìm được sự đồng cảm như chính nhà thơ đã
từng khao khát: "ta đi tới cõi đích thực vô giá/ mà không mưu đồ, mà
không nuối tiếc mà không xót xa" (tình yêu). Đó cũng là một người
luôn cảm thấy nhức nhối, lo lắng khi còn nợ cuộc sống, nợ nhân tình... mà chưa
thể trả hết.
Nhà thơ "tiết kiệm ngôn từ tối đa đến
chừng nào đủ chấp nhận được, khi ấy, nghĩa hàm ngôn, nghĩa khái niệm sẽ hiện
lên một cách thâm thuý và đa dạng, tuỳ vốn văn hoá nghệ thuật, tuỳ trạng thái,
thị hiếu của người tiếp nhận"(3). Để lấp đầy khoảng trống, khoảng lặng
trong văn bản, người đọc cần lĩnh hội được cái thế giới bên ngoài văn bản.
Trong thơ Hoàng Vũ Thuật, hình ảnh làng quê hiện ra rất rõ nét. Đó là một miền
quê mà "Cát vẫn nghìn năm về phía trước/ Cọng rơm vàng óng mượt tới
muôn sau", "Cánh cò làng quê bay vòng quanh Cửu Đỉnh". Làng
quê của "Những cụ Tổng, mõ Lòi, bác Khoá/ Nghe âm âm cổ tích xa vời" diễn
ra một cuộc sống bình dị, thân thương: khi "tiếng gáy nối liền nhà liền
ngõ", "tiếng mõ gọi bao xóm làng thao thức" thì "bờ
giếng tờ mờ sương sớm/ tiếng gàu vội vã trời khuya" để "những
đôi quang ra chợ vội vã chiếm một góc ngồi". Đó cũng là nơi chôn dấu
nhiều kỉ niệm trong tâm khảm nhà thơ: lúc cùng "lũ trẻ đuổi nhau dọc
bờ đê khản tiếng/ Lại chui ra từ đám khói đốt đồng", lúc thì "tôi
cùng bọn trẻ rong rong / Mơ theo ngọn khói bay vòng trời cao", lúc lại nhớ
quay quắt "chum nước gáo dừa mẹ về lui cơn khát". Và sâu lắng
trong tình thương mẹ: "Vẫn chiếc áo cũ sờn dầu dãi / Khoác lên người
vệt nắng chiều thưa / Không quay lại mẹ ra đi mãi / Mặt đất xưa trơ trọi mái
nhà xưa"... Điều này cho thấy Hoàng Vũ Thuật rất nặng lòng với quê
hương, với mẹ. Chính tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ cũng đã chất chứa những khoảng
lặng. Tìm khoảng lặng trong thơ ông, người đọc cũng phải nắm bắt được cái tâm
tư ấy để thấy những cung nhạc lòng ẩn sau ngôn từ.
Bản chất của thơ là kiệm lời, vì vậy, việc tạo
độ nén cho thơ là cần thiết với người làm thơ. Còn độc giả, việc giải nén thơ
là cách tìm đến những phần chìm đằng sau lớp sóng ngôn từ mà bản thân bề mặt
văn bản thơ chưa nói hết. Với việc tạo ra "cái nhạt", thơ của
Hoàng Vũ Thuật chứa "cái nét mơ hồ, thoáng đôi chút linh giác vô thức,
sự ngụ ý triết lý trừu tượng đằng sau những cảm nhận cụ thể đã làm nên cái
sương khói khiến người đọc lắng đọng, muốn tìm tòi suy cảm sau những buồn vui vội
vã" (4).
1. Đỗ Lai Thuý (biên soạn), Nghệ thuật
như là thủ pháp, NXB Hội nhà văn, 2001, tr 197.
2. Bùi Văn Nam Sơn, Văn chương trong viễn
tượng hậu-siêu hình học, http:/evan.vnexpress.net/, 8/8/2009.
3. Hồ Thế Hà, Những khoảnh khắc đồng hiện,
NXB Văn học, Hà Nội, 2007, tr 24.
4.YếnNhi, HoàngVũ Thuật, mộtchặngđườngthơ, http://www.van
chuongviet.org/ (9/10/2009).
Đồng Hới, 20.9.2010
eva flight
vé máy bay đi boston mỹ
hãng hàng không korean air vietnam
vé máy bay đi mỹ giá rẻ nhất
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Du Lich Tu Tuc
Kien Thuc Du Lich