Blaise Pascal là một triết gia, nhà vật lý học
và một thiên tài về toán học. Nhưng đối với các tín hữu Kitô giáo, ông được
kính phục trên hết cả là do cuốn sách Pensées (Tư tưởng) của ông. Đó là những
tư tưởng rời trong một tác phẩm biện hộ cho Kitô giáo xuất bản sau khi ông qua
đời.
Khi còn nhỏ tuổi ông đã nao nức vì những khám phá mới mẻ trong lãnh vực khoa học.
Năm lên 12 ông tự mình khám phá ra 32 định đề đầu tiên của hình học Euclid, và
lúc 16 tuổi ông đã viết một luận án về các tiết diện hình nón.
Lúc đó gia đình ông di chuyển từ Clermont trong vùng Auvergne về miền Rouen,
nơi đang chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Jansen, là một phong trào thần bí nghiêm
nhặt thịnh hành trong giới trí thức Pháp thời đó. Chủ thuyết này của Cornelius
Jansen dạy rằng không có ân sủng đặc biệt của Chúa - mà ân sủng này chỉ dành
cho một số người được tuyển chọn thôi - thì ta không thể thực thi được giới răn
của Ngài. Bởi vì hoạt động của ân sủng này không thể chống cưỡng lại được, nên
con người là nạn nhân của thuyết quyết định, hay tiền định. Chủ nghĩa bi quan về
thần học này đề cao sự khổ hạnh và khắt khe về luân lý, lôi kéo con người đi tới
cách hành đạo nghiêm khắc của giáo hội thời sơ khai.
Đó là lần “tòng giáo đầu tiên” của Blaise Pascal. Nhưng khi em ông là
Jacqueline gia nhập tu viện phái Jansen Port-Royal tại Paris, ông lại chống đối
quyết định đó của cô em gái. Tự nguyện từ bỏ thế tục và sự thán phục của những
người cùng lứa tuổi, Pascal tiếp tục theo đuổi các thí nghiệm khoa học và được
hưởng địa vị ưu tú trong xã hội Paris.
Lần “trở lại đạo thực thụ” của ông xảy ra ngày 21 tháng 11 năm 1654. Ông
đang cầu nguyện một mình trong căn phòng dưới ánh sáng leo lét của một ngọn nến,
bỗng dưng cả phòng tràn ngập ánh lửa. Không phải là ánh sáng mà là lửa, như bụi
gai bừng cháy, làm tâm hồn và thần trí ông sợ hãi, đó là lời Pascal kể lại sau
này. Ông thấy Chúa dưới hình thức một ngọn lửa thiêu đốt ông rất đỗi ngọt ngào.
Thị kiến này lâu hai tiếng đồng hồ, cả thời gian đó Pascal đầm đìa nước mắt hỉ
hoan. Khi thị kiến chấm dứt, ông lấy một mảnh giấy da và nồng nhiệt ghi lại sự
việc trong đêm xuất thần ấy. Đây là lời mở đầu: “Lửa. Thiên Chúa của Abraham,
Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob, và không phải là của các triết gia
và các nhà khoa học. Chắc chắn như vậy. Chắc chắn như vậy. Cảm nghiệm được Niềm
Vui và An Bình. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô... Hoan hỉ, Hoan hỉ, Hoan hỉ. Những
Giọt lệ Hỉ hoan.” Rồi ông đem bản “tưởng niệm” này khâu vào lớp vải lót phía
bên trong áo, gìn giữ mãi cho tới khi ông qua đời.
Từ năm 1655 ông thường lui tới viếng thăm Port-Royal-des-Champs trong vùng
thung lũng Chevreuse, nơi đó những người theo phái Jansen và những cảm tình
viên có được chỗ riêng tư để suy niệm. Nhằm ủng hộ nền luân lý Jansen khắc khổ,
Pascal luận chiến với các đối thủ của phái này là các tu sĩ dòng Tên, tranh cãi
với họ trong 18 Bức Thư viết cho một người tỉnh lẻ (Lettres écrites à un
Provincial) được xuất bản vô danh trong khoảng từ 1656 đến 1657.
Năm 1656, một biến cố khác trong đời sống tôn giáo của Pascal đã đưa ông từ
thái độ luận chiến sang thái độ biện giải. Em họ ông là Marguerire Perier bị nhọt
trong một con mắt đã được chữa lành như một phép lạ bằng cách chạm vào một
thánh tích của cuộc thương khó, đó là cây gai từ vòng mão gai. Rất đỗi xúc động,
Pascal quyết định đem hết quãng đời còn lại của mình để tạo tác những lời biện
giải bênh vực cho Kitô giáo, chủ ý nhằm vào sự thờ ơ lạnh nhạt của các
libertins (kẻ tự do tư tưởng) là những người tuy không cảm thức các lý luận theo
triết học nhưng có thể thuyết phục được bằng cách trình bày các sự kiện, sự hiện
thực của các lời tiên tri, và dùng lời kêu gọi đi thẳng vào tâm hồn.
Ngay tại đây Pascal cũng lý luận như một nhà toán học, đem cả quân bài
chủ ra để đánh cuộc: “Mất một đồng tiền vàng là điều không quan trọng lắm, vậy
mà người ta tận dụng mọi phương cách để đi tìm lại thứ của cải trần gian đó. Thế
thì người ta nghĩ sao về sự mất mát tài sản quý giá nhất của mình là linh hồn bất
tử.” Nói cách khác, hợp lý là người ta vẫn có lợi khi hành động như có Chúa thật,
vì với hạnh phúc trên thiên đường và những hình phạt bất tận trong hỏa ngục, họ
có xác xuất toán học tuyệt đối, dù nhỏ bé tới đâu chăng nữa, vẫn nặng cân hơn
những thuận lợi tương xứng ở cõi đời này.
Nhưng tập sách Pensées ngày nay còn được đọc không phải vì tính cách biện
giải cho tôn giáo, mà vì kỹ thuật sáng sủa và trên hết cả, là một lời chứng từ
cảm động của Pascal về kinh nghiệm bản thân và các nhận thức đúng đắn về tâm lý
(“Con người chỉ là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết suy tưởng”). Ông
không sống lâu hơn để xuất bản công trình vĩ đại của ông, nhưng ông để lại hàng
ngàn những ghi chú nguệch ngoạc tản mạn trên những miếng giấy không theo một
trình tự nào, sau này được các bạn hữu thâu lượm và xếp đặt lại để đem ra xuất
bản năm 1670, tám năm sau khi ông mất.
Những lời viết của Pascal đặt toàn bộ trọng tâm vào con người của Đức
Kitô là đấng Cứu độ, và trong ông là nỗi ám ảnh vì tình trạng bi thảm của nhân
loại bị đặt giữa cao cả và khốn cùng. (“Chúng ta là gì trong vũ trụ này? Là hư
không so với vô cùng, nhưng lại là tất cả so với hư không, chúng ta đứng giữa
hư không và tất cả”.) Niềm thao thức của Pascal là điều hiển nhiên ai cũng nhận
thấy - “le silence éternel de ces espaces infinis m’effraie ( sự im lặng không
cùng của không gian vô tận này làm tôi khiếp sợ)”.
Chỉ có đức tin mới giải thoát ông khỏi tình trạng bi thương đó, vì sự hiện hữu
của con người được tóm lược bằng một chọn lựa rất quan trọng, quyết định đi
theo hoặc chống lại Thượng đế. Một sự lựa chọn xuất phát từ trái tim chứ không
phải từ khối óc, vì “le coeur a ses raisons que la raison ne connait point
(trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được”). Thiên Chúa của Pascal
không phải là Thiên Chúa của triết học hay khoa học, nhưng “un Dieu sensible au
coeur (một Thiên Chúa cảm nghiệm được từ cõi lòng).”
Nguyên tác của Alain
Woodrow.
Phóng viên về tôn giáo suốt
20 năm, nhật báo Pháp Le Monde.
Ghi chú của người dịch:
Một bài kinh của Pascal
Xin giữ Ý chí con
Lạy Chúa, từ nay trở đi xin đừng để con ước ao
sức khỏe hay mạng sống trừ việc con dùng sức khỏe và mạng sống đó để phụng sự
Chúa, với Chúa và trong Chúa. Chỉ mình Chúa biết điều gì tốt đẹp cho con, vì vậy
xin Ngài thực hiện những gì Ngài thấy tốt đẹp nhất, dù Ngài ban cho con hoặc cất
khỏi con. Xin giữ ý chí con cho phù hợp ý Chúa. Nhờ sự tuân phục khiêm tốn và
hoàn toàn cũng như lòng cậy trông, xin cho con nhận được những sự quan phòng đời
đời của Chúa, và xin cho con cũng tôn kính như vậy tất cả những gì Chúa để xảy
đến cho con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét