Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Trường hợp ra đời của tạp chí Nam Phong

Trường hợp ra đời của 
tạp chí Nam Phong
“Nam Phong có vai trò quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam, nó cũng đã gây một ảnh hưởng rất sâu xa trong giới trí thức Việt Nam trước kia”. Thế nhưng nhận định về mục đích ra đời, về tên gọi và việc đóng cửa của tạp chí văn học này, hiện vẫn có tình trạng mỗi người một phách, một phán đoán riêng, có chỗ suy diễn tùy tiện, thiếu căn cứ. Để góp một chút tư liệu cho các bạn đọc quan tâm, chúng tôi xin giới thiệu một bài viết trên Báo chí tập san bộ 3 năm 1972 của Huỳnh Văn Tòng. Trước khi công bố bài báo này, tác giả Huỳnh Văn Tòng đã đệ trình luận án tiến sĩ của ông về Lịch sử báo chí Việt Nam tại Đại học Văn khoa và Khoa học nhân văn ở Paris (Sorbone) năm 1971.
Một lần nữa nói về tạp chí Nam Phong, có lẽ nhiều người cho là khơi lại một đề tài quá cũ. Người ta đã tốn hao rất nhiều giấy mực để bàn về tạp chí này. Từ những cuộc bút chiến xảy ra trong năm 1924, 1925 giữa các “học phiệt” trong nhóm Phạm Quỳnh, và các ông Nghè Ngô Đức Kế, Phan Khôi… trên nhiều báo như Nam Phong, Hữu Thanh, Phụ nữ tân văn… cho đến cuộc tranh luận về “Vụ án Phạm Quỳnh” của hai giáo sư Nguyễn Văn Trung và Thanh Lãng xảy ra năm 1962 ở Sài Gòn.
Bởi vậy khi viết bài này tác giả không dám tự so mình ngang hàng với các bậc đàn anh mà tiếp tục tranh luận về đề tài trên. Mục đích đề cập đến trường hợp ra đời của tạp chí Nam Phong là muốn góp phần nhỏ mọn vào việc soi sáng phần nào trên khía cạnh lịch sử và văn học nước nhà, vì như chúng ta đều biết, tạp chí Nam Phong đã đóng góp một vai trò quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Nó cũng đã gây ảnh hưởng rất sâu xa trong giới trí thức Việt Nam trước kia và cả ngày nay nữa. Bằng chứng cụ thể nhất là văn chương của tạp chí này đã được đem giảng dạy trong chương trình Trung học và Phạm Quỳnh đã được xem như là một “ông tổ của nền văn học nước nhà”.
Tại sao tạp chí Nam Phong ra đời?Vì lý do gì?Và do ai chủ xướng?
Có trả lời được những câu hỏi trên chúng ta mới có thể biết được cái sứ mạng của nó, mục đích của nó và cuối cùng giá trị của nó trong lịch sử văn học Việt Nam.
Ở Pháp, trong những năm tìm kiếm tư liệu cho dự án Tiến sĩ về Lịch sử báo chí Việt Nam, tác giả may mắn tìm được vài tài liệu của Pháp nói đến tờ Nam Phong. Căn cứ vào những tài liệu này, ta có thể hiểu được lý do tại sao tạp chí này ra đời, do ai chủ xướng và với mục đích gì. Tất cả những tài liệu này đều là tài liệu mật, trên có ghi “Secret et Confidentiel”, những bản báo cáo và tường trình của viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương gởi cho Tổng trưởng Bộ Thuộc địa Pháp ở Paris. Đó là những tài liệu chắc chắn và đáng tin cậy.
Căn cứ vào những tài liệu trên thì người chủ xướng ra tờ Nam Phong là viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương lúc ấy là ông Albert Sarraut và người điều khiển trực tiếp tờ báo là Louis Marty, Trưởng phòng Chánh trị và An ninh của Chính phủ Đông Pháp.
“Một tờ báo!Một cây viết!Quả là một sức mạnh phi thường”[1]. Đó là lời nói của Albert Sarraut trong một bài diễn văn khai mạc buổi họp của Nghiệp đoàn Báo chí thuộc địa tại Sài Gòn ngày 8.9.1917. Là một người rất thông minh, quỷ quyệt và có tài mỵ dân, A.Sarraut (trước khi bước vào con đường chính trị ông ta đã là một nhà báo) đã từng là biên tập viên thường trực cho tờ La Dépêche du Midi ở tỉnh Toulouse. Do đó, biết lợi dụng báo chí cho mục tiêu chính trị quả không còn ai hơn viên Toàn quyền này. Có lẽ trong những viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, ông này là một nhà chính trị khôn khéo nhất và có tài mỵ dân giỏi đến nỗi một số trí thức Việt Nam lúc bấy giờ đã tin tưởng một cách thành thật về cái “sứ mạng cao cả của đại Pháp ở Đông Dương”. Ở đây, tác giả không muốn nói nhiều về Albert Sarraut mà chỉ muốn trả lời câu hỏi tại sao Albert Sarraut cho ra đời tạp chí Nam Phong. Chính điều này mới quan trọng vì nó cho biết cái dụng ý của người Pháp trong việc xuất bản tờ tạp chí lớn nhất và quan trọng nhất ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.
Có hai nguyên nhân khiến Albert Sarraut cho ra đời tạp chí Nam Phong:
- Nguyên nhân gần: đánh bại ảnh hưởng của Đức ở Đông Dương
- Nguyên nhân xa: tách rời các giới sĩ phu Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa Tàu và “Pháp hóa” giới trí thức này để dễ bề thống trị lâu dài.
1. Nguyên nhân gần: ảnh hưởng của Đức ở Đông Dương
Trong các sách vở và những tài liệu về lịch sử Việt Nam ít khi thấy nói đến ảnh hưởng của Đức ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một điều có thực và nó đã xảy ra trước và trong lúc chiến tranh Âu châu 1914 - 1918. Có những tờ báo Pháp lúc ấy đã nói đến việc Pháp sắp sửa nhượng Đông Dương cho Đức như tờ Les Annales Conloniales (ở Pháp), tờ Humanité Indochinoise, Opinion (ở Việt Nam).
Có hai loại ảnh hưởng Đức ở Việt Nam: ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng gián tiếp.
a.Ảnh hưởng gián tiếp: Chính sách ảnh hưởng gián tiếp này của Đức ở Đông Dương đã làm cho Albert Sarraut lo lắng nhiều nhất. Đó là một lối ảnh hưởng qua sự trung gian của các sách báo Trung Hoa lúc bấy giờ tràn sang Việt Nam, phần lớn là các sách báo do các nhà cải cách Trung Hoa viết như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu...v.v… Trong những sách báo này, các tác giả thường hay ca tụng nền văn minh Đức và chê bai người Pháp. Chính điều này đã làm cho Albert Sarraut lo sợ các giới sĩ phu Việt Nam lúc bấy giờ sẽ chịu ảnh hưởng của các loại sách báo trên mà đâm ra chống Pháp.
Trong bản báo cáo của Albert Sarraut gởi cho Tổng trưởng Bộ thuộc địa Pháp (sau ngày ấn hành tờ Nam Phong) ngày 15.9.1917 có viết: “Trước ngày tuyên chiến (19.4.1918), nhu cầu tạo nên một dư luận quần chúng bản xứ nhờ vào một chính sách tuyên truyền có phương pháp và thường xuyên của kẻ địch (ám chỉ Đức) đã gây ra từ nhiều năm nay một sự tiến hành rất quan trọng ở Viễn Đông và chính sách tuyên truyền lừa phỉnh của chúng đã được phổ biến một cách sâu rộng trong các giới trí thức An Nam qua sự trung gian của chữ Hán… Những hoạt động lâu dài này của kẻ thù đã thành công trong việc chống lại chúng ta trong các giới Á châu và nó đã tạo ra khuynh hướng thân Đức.”
Qua những nhận xét trên, Albert Sarraut muốn nói đến những sách vở bấy giờ do các nhà cải cách Trung Hoa viết có tính cách ca tụng Đức và chê bai người Pháp. Trong các loại sách trên, ta ít khi thấy những loại nói đến nền văn minh Pháp. Trái lại, có những nhà xuất bản đã cho phát hành rất nhiều sách đủ loại, dịch từ các sách Đức hoặc Anh. Theo dư luận thông thường nhất của những tác giả các loại sách này thì nước Pháp là một quốc gia cổ kính, có một quá khứ xa xăm xán lạn nhưng nền văn minh Pháp đã đứng lại từ sau cuộc Cách mạng 1789 và từ đó quốc gia này không ngừng sa sút và suy đồi. Các loại sách này không bao giờ nói đến những phát minh khoa học hay phát triển kinh tế của Pháp vào thế kỉ 19, trong khi đó thì các tác giả trên lại ca tụng người Đức và coi người Đức như những người đầu tiên đã phát minh ra khoa học và làm cho nhân loại tiến bộ.
Một trong những tác phẩm quan trọng và được biết đến nhiều nhất trong giới sĩ phu Việt Nam bấy giờ là những tác phẩm của Khang Hữu Vi, trong ấy ông kể lại cuộc du hành của ông qua các nước Âu châu năm 1900. Ông viết tất cả 11 quyển nói về một nước mà ông có dịp đi qua.
Đọc qua những tác phẩm của Khang Hữu Vi, Albert Sarraut phải tức giận và hằn học, ông ta không ngần ngại gán cho Khang Hữu Vi là “một tên mật vụ rất đắc lực của Đức ở Trung Hoa”. Ông ta nói: “Những điều mà Khang Hữu Vi nói về Pháp chỉ là những lời chỉ trích và vu không thậm tệ mà từ 18 năm nay chưa thấy ai viết ở Trung Hoa. Chính cái tên Khang Hữu Vi này đã liên kết với tướng Trung Hoa Tchang Hiun trong việc muốn phục hưng chế độ quân chủ tại Bắc Kinh ngày 1.7.1916 vừa qua. Và này nay ai cũng đều biết là cái dự định phục hưng ấy đã được Đức khuyến khích giúp đỡ tài chính”
Để hiểu rõ hơn về thái độ thân Đức và chống Pháp của Khang Hữu Vi, xin trích ra đây một đoạn trong tác phẩm của ông nói về Pháp:
“…Pari không được sạch sẽ như Berlin và New York.
“Từ Are de Triomphe đến Viện bảo tàng Louvre chỉ là một nơi du hý và ăn uống… Đàn ông và đàn bà ăn chơi phè phỡn suốt ngày đêm.
“Nguồn lợi của thành phố Pari chỉ thu hoạch được nhờ những nơi du hý và các nhà chứa… Số phụ nữ làm nghề mãi dâm, theo con số chính thức có đến 15.000 người chưa kể những người khác chưa biết đến. Đàn bà con gái ăn mặc đẹp, họ là những bà hoàng của châu Âu.
“Ngoài những bảo tàng viện và tháp Eiffel, ở Pari không có gì đáng ngắm cả… Người Pari rất xảo quyệt và dối trá. Khoa học và nghệ thuật Pháp rất thấp kém so với khoa học và nghệ thuật Đức và Anh.
“Chính trị Pháp rất thấp và thối nát.
“Người Pháp rất thích xa hoa, làm biếng và khó có thể làm cho nước họ trở thành một cường quốc.
“Các nhà trí thức thì hay tranh luận một cách vô ích về vấn đề triết học…. Người dân thì thích vui đùa chè chén và chưng diện quần áo tốt. Họ ham xem hát, lười biếng, ham se sua; với những đặc tính nầy, họ không thể nào làm cho quốc gia họ trở nên một cường quốc được. Họ đã thiết lập nền cộng hòa nhưng hoàn toàn quên hẳn ý nghĩa bình đẳng...; họ thường hay bấu víu lấy cái thời vàng son ngày trước, mỗi người mỗi ý, nhiều Đảng chính trị đối lập… Bởi vậy cho nên từ 100 năm nay, nhiều cuộc cách mạng đã xảy ra… Và bao nhiêu xương máu đã đổ ra một cách vô ích. Họ rất dễ vui mà cũng rất dễ giận. Đó là đặc tính của những người dã man. Người Pháp rất thích say sưa rượu chè. Tôi đã thấy người Âu châu và người Mỹ say rượu như thế nào rồi. Ban đêm họ nằm dài trên đường, làm ồn ào cả thành phố; về đến nhà, họ chửi bới đánh đập vợ con có khi đến chết…. Thợ thuyền kiếm được bao nhiêu tiền đều đem đi uống rượu hết, chính điều này đã đưa đến sự xa xỉ và sát nhân…
“Canh nông của Pháp cũng thấp kém so với Anh. Nước Pháp không thể so sánh được với Anh và Đức.
“Chính vì lí do trên mà nước Pháp không thể tiến bộ được….”[2]
Sự du nhập ảnh hưởng của Đức vào Việt Nam qua sách vở Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong các giới sĩ phu của ta lúc bấy giờ. Vì muốn hiểu biết các nước Âu châu các nhà trí thức Việt Nam bây giờ không có tài liệu nào ngoài những tác phẩm của Khang Hữu Vi; đó là những tài liệu độc nhất viết bằng chữ Hán mà họ có thể đọc được. Và ảnh hưởng của những quyển sách trên có một tầm quan trọng, mà theo A.Sarraut, là sự phát hiện những phong trào chống Pháp trên toàn quốc bấy giờ mà tiêu biểu là vụ một trái bom nổ tại khách sạn Hanoi Hotel do Quang phục Hội của Phan Bội Châu tổ chức làm chết mấy sĩ quan Pháp. Và tờ Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh trong số đầu (15.5.1913) đã tỏ ra rất thương xót những người đã “hy sinh cho xứ An Nam này” và không tiếc lời nguyền rủa “những tên hủ Nho làm loạn dám chống lại nước đại Pháp.”
A.Sarraut viết tiếp:
Gần đây, một trong những cộng sự viên của tôi khi viếng thăm các tỉnh miền Bắc xứ An Nam đã nhận thấy rằng những tác phẩm ngoại quốc phổ biến ở đây đều không đả động gì đến nước Pháp hoặc có nhiều phán đoán không được tốt đẹp về nước Pháp. Các tác phẩm của Khang Hữu Vi tiếp tục được phổ biến và lưu hành trong xứ bất chấp cả sự cấm đoán của chính phủ về việc nhập cảng tất cả các loại sách Trung Hoa…”
Trên đây là ảnh hưởng gián tiếp của Đức ở Đông Dương qua trung gian các sách vở Trung Hoa trong những năm trước chiến tranh 1914 - 1918. Tuy nhiên, trong những năm chiến tranh, ta thấy sự can thiệp của Đức càng rõ rệt hơn. Đó là sự can thiệp trực tiếp của Đức ở Việt Nam.
b.Sự can thiệp trực tiếp của Đức ở Việt Nam dưới hình thức các loại ấn phẩm: Chính sách tuyên truyền của Đức ở Việt Nam, ngoài những sách báo Trung Hoa còn có một số ấn phẩm khác hoàn toàn có tính cách chống Pháp và thân Đức. Những ấn phẩm này đã lan tràn từ Bắc chí Nam. Mùa hè năm 1915, nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ đã khám phá ra được, trong một cửa hàng người Trung Hoa ở Chợ Lớn những bích chương của Đức.
Những bích chương này “đã được phát hành hàng triệu tờ nói về những nhà sáng lập ra đế quốc Pháp năm 1814 - 1815…., và hoàn toàn không đả động gì đến cái hay cái tốt của người Pháp và lịch sử oai hùng của nước này. Đó là một cách tuyên truyền khéo léo và thâm độc, muốn chống lại nó chỉ có một cách là phản tuyên truyền.”[3]
Dưới hình thức giúp đỡ tài chính và quân sự: Ngoài hình thức tuyên truyền bằng sách báo và những ấn phẩm khác người Đức còn can thiệp trực tiếp vào Đông Dương bằng viện trợ quân sự và tài chánh cho các nhà cách mạng Việt Nam đương thời để chống lại Pháp.
Viên lãnh sự Pháp ở Quảng Đông đã điện cho viên Toàn quyền Đông Pháp biết rằng có nhiều “nhóm phản loạn”, được các Lãnh sự Đức ở đây cung cấp khí giới, đóng binh tại các vùng biên giới Trung Việt, miền Lạng Sơn và Cao Bằng”[4].
Mặt khác, Đức đã hứa cung cấp tiền cho Phan Bội Châu để mua khí giới của một nhóm người Nhật và thỏa thuận bí mật tải các khí giới đạn dược này đến biên giới Hoa Việt[5]. Một người Trung Hoa tên là Wou Sao Lun, mật vụ của Đức, đã nhiều lần làm trung gian cho những cuộc gặp gỡ giữa nước Đức và Phan Bội Châu ở công viên Lao Man Tcho (Khu Shei Wou). Những cuộc gặp gỡ rất thường xuyên như vậy đã xảy ra[6]. Ngoài ra Cường Để, qua sự trung gian của một người bạn Trung Hoa, đã gặp gỡ nhiều lần viên Lãnh sự Đức ở Quảng Đông. Người ta còn nói đến một cuộc xuất ngoại của Cường Để sang Berlin. Nhưng tin này đã được sở mật vụ Pháp ở Hồng Kông cải chính.
Các sự kiện trên cho thấy ảnh hưởng quan trọng của sự tuyên truyền Đức ở Đông Dương và điều này đã làm mất ăn mất ngủ chính phủ Đông Dương lúc bấy giờ, đặc biệt là A.Sarraut. Tuy nhiên, trước những tấn công ồ ạt của Đức (dưới mọi hình thức văn hóa, quân sự, tài chính….) chính phủ Đông Dương hồi đó lại không chú trọng đến những sách vở và báo chí cần thiết cho một cuộc phản tuyên truyền. Báo chí xuất bản bằng tiếng Việt hay chữ Hán đều rất ít và rất đơn sơ, do đó, không thể đóng một vai trò hữu ích và đắc lực cho chính quyền Pháp trong việc phản công lại chính sách tuyên truyền của Đức. Ở Hà Nội, lúc bấy giờ chỉ có ba tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, Đăng cổ tùng báo, Đại Việt tạp chí. Ở Sài Gòn chỉ có vài tờ viết bằng tiếng Việt, nhưng hoàn toàn có tính cách địa phương.
Chính trong hoàn cảnh này mà chính phủ Đông Pháp có sáng kiến cho ra đời một số báo chí ngoài Bắc cũng như trong Nam hầu phản công một cách ráo riết và có hệ thống trước sự tuyên truyền của Đức và trước sự chống đối của các sĩ phu Việt Nam. Ảnh hưởng mạnh nhất trong sự tuyên truyền của Đức là bêu xấu người Pháp, nền văn minh Pháp trong các giới sĩ phu Việt Nam (qua sự trung gian của các sách vở Trung Hoa như đã nói ở trên). Do đó, chính phủ Đông Pháp lúc bấy giờ, hay đúng ra, A.Sarraut đã có hai biện pháp để chặn đứng phong trào “bêu xấu” nước Pháp trong giới sĩ phu Việt Nam:
- Tán tụng và cơ ngợi người Pháp
- Tách rời họ ra khỏi ảnh hưởng Trung Hoa và “Pháp hóa” những thành phần ưu tú của xã hội Việt Nam
Nói tóm lại, A.Sarraut muốn tạo ở nơi những nhà trí thức Việt Nam một thứ huyền thoại độc tôn về nền văn minh Pháp và gây nên một thứ mặc cảm tự ti trong nhóm người này hầu phục vụ cho một chính sách thống trị lâu dài của Pháp ở Việt Nam. Theo A.Sarraut, có nắm được bọn sĩ phu Việt Nam, có dẫn dụ được những thành phần ưu tú này của xã hội Việt Nam qua sự trung gian của những thành phần trí thức hợp tác.
Đối với A.Sarraut, để đạt được mục đích trên, không có gì hay hơn là một chính sách tuyên truyền bằng báo chí. Chính vì vậy mà dưới thời A.Sarraut có một số báo chí bằng tiếng Việt được ra đời. Theo tờ Đại Việt tạp chí (số 3 tháng 3.1918), A.Sarraut cho phát hành, ngoài hai tờ Đông Dương và Nam Phong ở Bắc, sáu tờ trong Nam: Nam Trung nhật báo, An Hà nhật báo, Đại Việt tạp chí, Nữ giới chung, Đèn nhà Nam, Quốc dân diễn đàn. Trong những tờ báo trên, hầu hết những tờ xuất bản trong Nam đều nhằm vào chính sách ngắn hạn của A.Sarraut: thông tin và tuyên truyền chống Đức. Còn hai tờ Đông Dương và Nam Phong ở Bắc thì nhằm vào chính sách dài hạn: ca tụng người Pháp cốt để Pháp hóa các nhà trí thức Việt Nam bấy giờ. Trong hai tờ này thì chỉ có tờ Nam Phong là nổi bật hơn cả vì nó đã được chính phủ trực tiếp điều khiển. Còn tờ Đông Dương thì không được cái hân hạnh sống lâu để đóng vai trò tán dương đại Pháp như tờ Nam Phong của Phạm Quỳnh vì chủ bút, ông Nguyễn Văn Vĩnh, tuy là một nhà báo có tài nhưng lại là một chính khách vụng về cho nên tạp chí của ông đành chết yểu.
Với ý định muốn chinh phục giới sĩ phu Việt Nam, “chính phủ Đông Pháp mới có sáng kiến thành lập một tạp chí bằng tiếng bản xứ cho người An Nam để giáo dục và tuyên truyền, tức là mục tiêu mà chúng ta phải theo”.
A.Sarraut viết tiếp: “Việc thành lập tạp chí này, mà ban biên tập đã được giao phó cho những nhà trí thức danh tiếng trong nước, đã được sửa soạn từ nhiều tháng trước, vì không những phải gom góp các vật liệu trước mà còn phải đợi nhà in tìm mua máy móc và làm những thứ chữ cần thiệt cho việc in tiếng quốc ngữ”[7].
Một khi vật liệu và máy móc xong xuôi, “văn phòng chính trị và an ninh được phép, do nghị định ngày 30.12.1916, xuất bản một tạp chí giáo dục và tuyên truyền hầu phổ biến trong giới trí thức An Nam”[8].
Tạp chí Nam Phong ra đời[9], A.Sarraut giao cho Louis Marty trọng trách điều khiển. Tất cả những bài vở trước khi in đều phải qua sự kiểm duyệt và chấp nhận của L.Marty.
Mục đích chính của tạp chí cũng đã được A.Sarraut nói rõ trong bản tường trình của ông gởi cho Tổng trưởng Thuộc địa Pháp ngày 15.9.1917:
“Mục đích của tạp chí này là cung cấp cho giai cấp sĩ phu và trí thức An Nam những bài chính xác ngõ hầu họ quan niệm được cái vai trò của nước Pháp trên thế giới về phương diện văn hóa, khoa học và kinh tế. Tạp chí mới này, lấy tên là Nam Phong, sẽ đăng những bài phân tích chính xác về những tác phẩm khoa học và văn chương hay nhất, tiểu sử những nhà bác học danh tiếng nhất của chúng ta, những sự mô tả đẹp đẽ về nước Pháp, những bài phiên dịch những truyện ngắn hay tiểu thuyết…. Ngay sau khi phát hành, tạp chí này đã hoàn toàn thành công trong giới độc giả trí thức mà nó muốn chinh phục và nhóm người này lần đầu tiên đã tìm thấy được một cái gì tương đương với những sách vở mà họ đã gởi mua từ bên Tàu trước đây…”
Mặt khác, riêng việc L.Marty chọn cái tên Nam Phong cho tờ báo (chắc chắn có sự tham dự ý kiến của Phạm Quỳnh) cũng cho ta thấy rõ dụng ý khi cho ra đời tạp chí này. Theo L.Marty [10], sáng lập viên chính thức của tờ báo này, thì cái tên Nam Phong được bắt nguồn từ một bài thơ cổ danh tiếng Trung Hoa được làm ra dưới thời vua Thuấn (2255 trước Thiên chúa). Sau đây là bản dịch bằng tiếng Pháp của L.Marty:
Les tièdes effluves du Vent du midi
Dissipent les chagrins de mon peuple
La saison deu Vent du midi
Accoit la richesse de mon peuple!
Theo L.Marty, cái “ngọn gió Nam” này đã được xoay chuyển sắp xếp theo những ảnh hưởng tốt nhất. Một trong những đề mục thích hợp nhất cho tạp chí này nằm trong sự đối kháng của nền văn minh Hy lạp chống lại nền văn minh của các nước Đức, chính hai chữ Nam Phong là một ám chỉ rất thích hợp cho mục đích của nó. Đằng khác, như đã nói, tạp chí này được đưa ra để nâng cao trình độ tinh thần và trí thức của dân An Nam, từ đó người ta có thể tìm thấy ngay trong cái tên của tạp chí ngụ ý của mục đích thứ hai: vì chữ “Nam” là chữ tắt của An Nam, nó có cái nghĩa bóng là “ngọn gió tái tạo xứ An Nam” [11].
Như vậy mục đích của tờ Nam Phong đã rõ. Nó là một dụng cụ cho bộ máy tuyên truyền của chính phủ Pháp; nó có mục đích là tôn trọng, ca ngợi người Pháp, chống lại sự bêu xấu của Đức qua các sách báo Trung Hoa ở Việt Nam. Chính vì vậy mà chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi đọc trên bìa tờ Nam Phong những câu như: la France devant le monde; son rôle dans la guerre des Nations… Và bìa sau của tờ báo với hình “rồng Nam phun lửa diệt Đức tặc”. Và chúng ta có thể đọc trong Nam Phong những bài viết về chiến tranh (1914-1918) với một giọng căm thù Đức rất hăng say của ký giả Tuyết Huy: “Vái Trời phù hộ mẹ nuôi ta, mau mau giết hết lũ yêu ma, mà vun lại mầm dân tộc” (Nam Phong, số 2).
2. Nguyên nhân sâu xa: Pháp hóa giới trí thức Việt Nam
Ngoài việc chống Đức, Nam Phong còn nhắm một chính sách dài hạn. Chính trong địa hạt này Nam Phong đã đóng một vai trò rất quan trọng, vai trò ca tụng và tán dương nền văn minh Pháp bị bêu xấu bởi sự tuyên truyền của Đức ở Việt Nam nhất là trong các giới trí thức mà từ xưa nay chỉ biết có nền văn minh Trung Hoa mặc dù có sự hiện diện của người Pháp là những kẻ chinh phục mới ở ngay trước mắt họ. Vì vậy, tạp chí Nam Phong có cái sứ mạng là giới thiệu nền văn minh Pháp trước nhân dân Việt Nam, nhất là với các sĩ phu Việt Nam bấy giờ; “Pháp hóa” những thành phần ưu tú này của xã hội Việt Nam ngõ hầu dễ bề thống trị lâu dài trên bán đảo Đông Dương. Chính L.Marty cũng xác nhận mục đích này của tờ Nam Phong: “Tạp chí, có cái tên Nam Phong, được xuất bản hai thứ tiếng, chữ An Nam và chữ Tàu. Nó nhắm mục đích phổ biến một cách sâu xa trong giới trí thức An Nam và cái tầm hoạt động của nó còn lan rộng trong giới kiều dân Trung Hoa ở Đông Dương và các tỉnh Trung Hoa gần biên giới Hoa Việt”[12].
Chính vì cái vai trò quan trọng của nó mà A.Sarraut mới giao phó cho L.Marty đảm nhiệm, và tờ báo được lãnh phụ cấp của chính phủ mỗi tháng là 400$, một số tiền rất lớn thời bấy giờ[13].
Đến khi viên chủ bút của nó là ông Phạm Quỳnh được bổ nhiệm ra làm quan ở Huế, tờ báo vắng chủ, không tiền phụ cấp nên đành đóng cửa. Đọc Nam Phong, số cuối cùng ra ngày 15.8.1934, ta thấy những dòng sau đây bằng tiếng Pháp: “Ông bạn Hán Thu (Nguyễn Tiến Lãng) đã cố gắng làm trẻ lại cơ quan của chúng tôi, nhưng vì sự khó khăn về ngân sách, chính phủ không còn giúp đỡ chúng tôi nữa… Một tạp chí văn học sống nhờ vào sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân. Đông Pháp không còn là Mạnh Thường Quân của chúng tôi nữa. Chúng tôi đành phải tự bay bằng đôi cánh riêng của chúng tôi vậy”.
Theo những sự kiện mà tôi đã trình bày ở trên, chúng ta biết tại sao, trong trường hợp nào tờ Nam Phong ra đời và thâm ý chính trị của người Pháp trong khi cho phát hành tờ tạp chí văn học này. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng văn học của tạp chí Nam Phong là một thứ văn học nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của Pháp, vì nguyên do ra đời của nó là một dụng ý chính trị, do đó mục tiêu cuối cùng của nó là một dụng ý chính trị. Chúng ta không thể nào phán xét văn học của tạp chí Nam Phong một cách riêng rẽ, một thứ văn học thuần túy và coi như không có liên quan gì đến chính trị. Một sự nhận xét như thế là sai lầm và chủ quan, và dĩ nhiên là chúng ta không khỏi rơi vào bẫy của chính sách tuyên truyền văn hóa của thực dân Pháp.
Kết luận bài này, để nói lên cái giá trị và địa vị của tờ Nam Phong trong lịch sử và văn học nước nhà, tôi xin trích ra đây một đoạn nói về Nam Phongđăng trong báo Phụ nữ tân văn (số 273, Paaques 1935), mà theo tôi không có gì xác đáng hơn trong sự đánh giá đúng mức cái vai trò của tạp chí Nam Phong và của ông Phạm Quỳnh mà một vài trí thức Việt Nam vẫn còn chiêm ngưỡng: “Cái tinh thần của một người ăn vận quốc phục và cư xử như một giáo sĩ của đạo Nho truyền nhiễm khắp Nam Phong thật là tẻ ngắt, thật là nông nổi, thật là hèn. Ông Phạm Quỳnh hay khen, mà chỉ khen người có tiền của thế lực, đại khái như khen ông Bạch Thái Bưởi. Chính cái tinh thần thấp hèn ấy là yếu tố cho một thứ văn học mà ta có thể gọi là văn học Nam Phong. Học trò ở các trường Tiểu học phải đọc những bài văn trích ở Nam Phong thiệt là một sự bất hạnh. Công chúng không bao giờ mến ông Phạm Quỳnh, nhưng Nam Phong có lý tài vững vàng để xuất bản thường xuyên và được quan quyền ủng hộ thì thế nào nó cũng có ảnh hưởng trong hàng trí thức. Ảnh hưởng ấy là một cái ảnh hưởng rất xâu xa, cái văn học hàng phục đã dẫn dụ một số người trí thức cúi đầu mà nhận hết thảy những sự bất bình ở trong xã hội…Nam Phong đã ảnh hưởng sâu xa đến một số người viết báo và văn sĩ, thứ nhất là những người sơ học chỉ nhờ đọc quốc văn mà biết văn học, triết học. Vì thiếu phổ biến học thức, vì không am hiểu Pháp văn, thành ra nhiều văn sĩ phải học trong Nam Phong các môn học thức phổ thông, và nhân đó mà bị cảm nhiễm cái tinh thần nô lệ của nó. Cho đến nỗi nhiều nhà chủ trương rằng nên đánh đổ ý kiến chính trị của ông Phạm Quỳnh mà yêu cái tài văn chương của ông! Đó là một sự lầm lạc to tát: Tất cả ý kiến văn học, triết học, xã hội, chính trị của ông Phạm Quỳnh làm thành một cái thống hệ, mà cái thống hệ đó chỉ là cái chủ nghĩa khuất phục của một người muốn nhờ cây bút đưa đến chỗ giàu sang….”.
Báo chí tập san bộ 3 năm 1972
Trường An sưu tầm và giới thiệu
[1] “Un joural!Un plume!Quel prodigieux levier de foce!”
[2] Trích trong bản tường trình của Piri, nhân viên trường Viễn đông Bác Cổ gởi cho Toàn quyền Pháp đề ngày 3.2.1911
[3] Bản báo cáo của Toàn quyền Đông Dương gởi cho Tổng trưởng Bộ Thuộc địa đề ngày 21.12.1916
[4] Công điện mật của Toàn quyền Đông Dương gửi cho Tổng trưởng Bộ Thuộc địa Pháp đề ngày 29.1.1916
[5] Công điện mật ngày 15.3.1915 của Lãnh sự Pháp ở Hồng Kông gửi Toàn quyền Đông Dương
[6] Đã trích dẫn
[7] A.Sarraut, đã trích dẫn…
[8] Báo cáo của L.Marty gởi A.Sarraut về tờ Nam Phong, 22.8.1917
[9] Trước tờ Nam Phong, A.Sarraut có giao cho hai ông Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trạc làm một tờ báo tên là Âu châu chiến sử, viết bằng chữ Hán và được gởi sang phổ biến bên Trung Hoa
[10] Bản báo cáo của L.Marty gởi A.Sarraut, Hà Nội ngày 22.8.1917.
[11] L.Marty, đã trích dẫn
[12] L.Marty, đã trích dẫn
[13] Đã trích dẫn.
HUỲNH VĂN TÒNG
Theo http://nhavantphcm.com.vn/



1 nhận xét:

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...