Vào thời kì phát triển bồng bột nhất của Thơ Mới
(khoảng mấy năm 1935- 1940) thơ Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí, Lệ Thanh, 1912- 1940) đã nổi lên như một hiện tượng lạ, làm sửng sốt dư luận. Ông khai sinh ra
một thứ thơ quái lạ: Thơ điên (Trường thơ loạn). Đồng thời ông bị mắc
một chứng bệnh quái ác: Bệnh phong (phong cùi) và đã chết trong nhà thương bệnh
phong Qui Hòa (Qui Nhơn).
Từ xa xưa, người ta đã biết rằng con người không phải
là một sinh vật thông thường mà là một linh vật. Theo chúng tôi, Hàn
Mặc Tử là một con người trần tục đích thực nhưng đồng thời cũng là một linh
vật thuộc đẳng cấp cao, một “trích tiên” trong làng thơ. Những điều đó là yếu tố
tiên quyết cho sự sáng láng đặc biệt của trí tuệ ông, và khiến thơ ông luôn
luôn có “thần bút”.
Từ khi mắc bệnh phong vào năm 1936, thể xác mỗi
ngày một tàn tạ, thế rồi đến năm 1940, mắc thêm chứng bệnh khác, nhà thơ tài
hoa đã lặng lẽ chấm dứt cuộc đời lúc mới 28 tuổi, làm nên một câu chuyện bi
thương bậc nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam kim cổ.
Phan Bội Châu có câu “Sinh vi nam tử yếu hi
kì” (sinh ra làm trai cần hiếm lạ). Hàn Mặc Tử là kẻ làm trai hết sức “hiếm
lạ” trên đời này: trong khoảng 4 - 5 năm cuối đời, mặc dù mang trọng bệnh,
nhưng trong con người nhà thơ lại tàng trữ một tài năng, một sức sáng tạo phi
thường. Ông viết hàng loạt bài thơ, trong đó có rất nhiều kiệt tác. Phải chăng
Hàn Mặc Tử là ngoại lệ của mẫu “con người toàn diện”?
Vậy những yếu tố nào đã làm nên hiện tượng Hàn Mặc
Tử?
1. Sự mẫn tuệ của Hàn Mặc Tử
Sau khi được hứng những luồng gió mới, được chiêm
ngưỡng những tác phẩm tuyệt diệu của các thi hào phương Tây (như Ronsard,
Lamartine, Hugo, đặc biệt là Baudelaire), đồng thời được chứng kiến cuộc khai mạc
và sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Thơ Mới, Hàn Mặc Tử đã lập tức nhận ra
rằng chính Thơ Mới sẽ thay thế thơ cũ để ngự trị vương quốc thơ Việt Nam. Nhà
thơ đã quyết định đoạn tuyệt không thương tiếc với thơ cổ điển (chủ yếu là thơ
Đường luật) mà chính ông đã từng có những tác phẩm xuất sắc. Nhờ quyết định vô
cùng sáng suốt đó mà vẻn vẹn trong vài năm cuối đời, ông đã dồn toàn bộ tinh lực
vào một mục tiêu duy nhất – sáng tạo Thơ Mới – và đã kịp hoàn thành một sự nghiệp
thi ca đặc sắc. Sự mẫn cảm và hành động bứt phá quyết liệt đó của ông khiến ông
bỏ xa vô số những nhà thơ khác (trong đó có Quách Tấn, một bạn thơ thân thiết của
ông), những người bị rớt lại phía sau Thơ Mới và không bao giờ còn theo kịp được
trào lưu thơ hiện đại nữa!
Bằng sự minh triết, Hàn Mặc Tử đã giải mã được mối
liên hệ kì bí giữa thi sĩ với vũ trụ (nghĩa là với Thượng Đế).
Ông đã hiểu rõ nguyên lí “vạn vật nhất thể”, hiểu rõ Trời với Người cũng là một.
Ông tin chắc rằng các thi sĩ tuyệt đối không ngẫu nhiên sinh ra đời, mà chính
là do chủ định của một đấng tối cao, là những phần tử nhỏ bé của cái toàn thể
(vũ trụ, càn khôn) và chịu sự chi phối hoàn toàn của đấng tối cao. Sự hoà đồng
với vũ trụ ấy thể hiện trong rất nhiều câu thơ lãng mạn cao độ của Hàn Mặc Tử,
cho thấy linh hồn ông giống hệt như một tinh cầu vận hành trong vũ trụ bao la:
Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất…
Bay từ Đao Li đến trời Đâu Suất
Và lùa theo không biết mấy là hương…
Lúc đằng vân gặp ánh sáng chặn đường
Chạm tiếng nhạc, va nhằm thơ thiên cổ…
Ta lôi đình, thấy trăng sao liền mổ:
Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao,
Trăng tan tành rơi xuống một cù lao…
(Phan Thiết! Phan Thiết!)
Ông ý thức được bản chất siêu việt của thi nhân: họ
là nơi chung đúc tinh anh của vũ trụ, vì vậy trong họ luôn có một thánh
nhân vô cùng minh triết. Đồng thời họ có một trái tim biết và sẵn
sàng rung động với bất kì một đối tượng nào, một tiểu tiết nào của thế giới đã
được sáng tạo bởi năng lực siêu phàm của Thượng Đế. Họ có một tính cách, một bản
lĩnh sống trọn vẹn cho Cái đẹp và Cái cao thượng. Họ mang sứ mệnh
cao cả của thi nhân: nhận thức, khám phá, miêu tả chính xác, ngợi ca và bảo vệ,
thậm chí “cứu rỗi” mọi cái đẹp của thế gian.
Hình ảnh một cô gái quê, trong con mắt của Hàn Mặc
Tử và dưới ngòi bút của ông, thật đúng là một “kiệt tác của vũ trụ” – nói một
cách khác, “kiệt tác của Thượng Đế”:
Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự
Tôi đều nhận thấy trên môi em
Làn môi mong mỏng tươi như máu
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm.
Từ lúc tóc em bỏ trái đào
Tới chừng cặp má đỏ au au
Tôi đều nhận thấy trong con mắt
Một vẻ ngây thơ và ước ao.
(Gái quê)
Còn đây là cảnh thiên nhiên vô cùng gợi cảm lúc cuối
thu:
Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ
Với buồn phơn phớt, vắng trơ vơ.
Cây gì mảnh khảnh run cầm cập
Điềm báo thu vàng gầy xác xơ?
(Cuối thu)
Trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, khi cái đẹp của
thế gian đứng trước nguy cơ tan rã “Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước
buồn thiu, hoa bắp lay” thì thi sĩ bỗng cảm thấy bồn chồn lo lắng:
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Câu hỏi thảng thốt “có về kịp?” đã bộc lộ khát
vọng cứu rỗi cái đẹp thế gian của Hàn Mặc Tử.
Những nhận thức sâu sắc về bản chất và thiên chức của
thi nhân đã được chính Hàn Mặc Tử diễn đạt rõ ràng: “Loài thi sĩ là những bông
hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết
tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền
phép của Người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê nhưng
rất thơm tho, rất tinh sạch. Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế
gian này – nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời –
Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết
bên mình”.
Suy nghĩ trên đây của Hàn Mặc Tử gặp gỡ suy nghĩ của
đại thi hào Anh Shakespeare: “Phải chăng định mệnh của những đấng vĩ nhân
vẫn là không được may mắn như những kẻ tầm thường?” (Othello).
2. Thơ điên: Một phát kiến táo bạo
Khi nhập cuộc với phong trào Thơ Mới, Hàn Mặc Tử đã
tham góp với Thơ Mới bằng một xu hướng thơ độc đáo: Thơ điên (Trường
thơ loạn).
Vậy thực chất Thơ điên là gì?
Xuân Diệu lúc đương thời, có lẽ không sao hiểu nổi
ý nghĩa của…Thơ điên, đã nặng lời chỉ trích Hàn Mặc Tử rằng: đã không thể
làm nổi một người bình thường thì cũng đừng nên giả cách điên! Thực ra Hàn Mặc
Tử chủ trương làm Thơ điên vì ông quan niệm rằng thơ không thể chỉ là
món ăn tinh thần thông thường. Trái lại, thơ nhất thiết phải là rượu mạnh của
cuộc đời, được sáng tạo bằng một sức mạnh “điên cuồng” về trí tuệ và tình cảm,
cảm xúc, khiến bất cứ ai đã uống phải là say… như điên! Nói cách khác, Hàn Mặc
Tử đặt yêu cầu rất cao cho thơ, và đó là một thái độ đúng đắn. Những cái “điên”
của Hàn Mặc Tử chính là những phút thăng hoa của tâm hồn, là những cuộc
giao thoa xảy ra giữa cõi người và cõi trời. Thật vậy, chỉ trong trạng thái
“điên” ấy, khi lí trí và tình cảm bị kích động tới nấc chót, toàn bộ bản ngã
con người mới bộc lộ ra hết, nhà thơ mới có thể “chộp” được nó. Vậy với Hàn Mặc
Tử, trạng thái điên hoàn toàn không phải là sự “mất trí” mà chính là
một phương tiện hết sức hữu hiệu để nhà thơ khám phá bản chất con người, thăm
dò cái giới hạn mà tinh thần con người có thể đạt tới, làm bộc phát tài năng,
làm đôi cánh thần kì đưa thơ vươn bay lên những đỉnh cao lãng mạn.
Chẳng hạn, đây là hành vi “điên” của một chàng trai
mà nhờ nó chàng ta đã khám phá được bí mật tâm hồn của một cô gái vừa mới lìa đời:
– Có tôi đây, hồn phách tôi đây!
Tôi nhập vào trong xác thịt này
Cốt để dò xem tình ý lạ
Trong lòng bí mật ả thơ ngây.
– Biết rồi! Biết rồi! Thôi biết cả:
Té ra nàng sắp sửa yêu ta!
Bao nhiêu mơ ước trong tim ấy
Như chực xuân về thổ lộ ra.
(Cô gái đồng trinh)
Chúng tôi cho rằng thơ rất cần hai đặc tính “hi,
kì” (hiếm, lạ) để trở thành hay. Thơ điên sở dĩ “hay” một phần lớn
cũng nhờ tính chất “hiếm, lạ” của nó:
Cả miệng ta trăng là trăng!
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan;
Ta nhả ra đây một nàng
Cho mây lặng lờ, cho nước ngất ngây,
Cho vì sao rụng xuống mái rừng say,
Gió thổi ào ào như lá đổ…
(Một miệng trăng)
Với cả một khối Thơ điên to lớn, Hàn Mặc
Tử đã thực sự chinh phục không biết bao nhiêu người đọc thơ ông, đã gây cho họ
bao sự “kinh hoàng”, bao “nỗi giận sững sờ”, bao niềm đau ứa máu!
Ma lực của Thơ điên mạnh mẽ đến nỗi cuốn
hút được cả những nhà thơ tài ba của thời đại Thơ Mới đến nhập cuộc: Bích Khê
và Chế Lan Viên. Một số nhà thơ đương đại cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của thơ
điên, viết những bài thơ “phá phách”, những câu thơ dữ dội kiểu Hàn Mặc Tử.
Thơ điên là một thành tựu đặc sắc vào bậc nhất
của thi ca Việt Nam hiện đại mà Hàn Mặc Tử là người có công đầu.
3. Vũ trụ và thế giới tâm linh trong thơ Hàn Mặc Tử
Trên thế giới, ngoài các tôn giáo ra, đã từng có những
nhà văn nhà thơ tiên khu khám phá và đề cập đến thế giới bên kia - thế
giới tâm linh. Đó là Homère và các nhà viết bi kịch (Hi Lạp cổ đại), Dante (nước
Ý thế kỉ XIV), Bồ Tùng Linh (Trung Hoa, đời Thanh), Lermontov (Nga, thế kỉ XIX)
v.v…Trong thi ca Việt Nam hiện đại, Hàn Mặc Tử là người đã dành một mảng thơ đặc
biệt trình bày sự tưởng tượng của ông về một thế giới ngoài trái đất và về thế
giới vô hình – thế giới tâm linh.
Bằng sức tưởng tượng mạnh mẽ của thi nhân, Hàn Mặc
Tử cơ hồ đã tiếp cận được những thế giới khác trong vũ trụ. Kì diệu hơn, ông dường
như hiểu được bản chất “nhất nguyên” của vũ trụ ấy (không có sự tách rời giữa vật
chất và tinh thần). Ông đã diễn đạt cảm nhận của linh hồn trước tự nhiên siêu
phàm:
Mới hay cõi siêu hình cao tột bực
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao,
Xa lắm rồi, xa lắm, hãi dường bao!
Ai tới đó chẳng mê man thần trí?
Toà châu báu kết bằng hương kì dị
Của tình yêu rung động hớp hào quang.
Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang
Sẽ quy tụ thâu về trong một mối…
Trời bát ngát không cần phô triết lí,
Thơ láng lai chấp choá những hàng châu.
Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm mầu
Những hạt lệ của trích tiên đày đoạ?
(Siêu thoát)
Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử huy động đưa vào thơ của mình
cái thế giới vũ trụ xa xăm và thế giới của các hồn ma hoàn
toàn không vì mục đích tôn giáo hay khoa học mà chỉ nhằm mục đích nghệ thuật: mở
rộng thêm giới hạn của các đối tượng phản ánh, làm phong phú thêm cái đẹp trong
thơ.
Nhà thơ thường biến thành một thiên thần, tự do du
hành trong vũ trụ bao la, bay lên tầng “thượng thanh khí”, hoà hợp với những
cõi cao siêu, đẹp kinh hoàng và vĩnh cửu:
Ta đi trong áng sương mờ
Tìm con trăng lạc ngoài bờ bên kia…
Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát
Để nhờ không khí đẩy lên trăng,
Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường trỗi,
Để hớp tinh anh của Nguyệt Cầu,
Và để thoát li ngoài thế giới,
Để cười, để trững, để yêu nhau…
Nhân vật Hồn nhiều lần xuất hiện và bao
giờ cũng gây hiệu qủa thẩm mĩ đặc biệt:
Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng,
Rung tầng không khí, bạt vi lô.
Ai đi lẳng lặng trên làn nước,
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng,
Không nói không rằng, nín cả hơi?
(Cô liêu)
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc
Cả thiên đường, trần gian và địa ngục.
(Hồn là ai?)
Những bài thơ Hàn Mặc Tử viết về các đề tài này
không nhà thơ nào khác ở Việt Nam sánh nổi.
4. Nội dung nhân văn vô cùng sâu sắc
Tầm vóc, phẩm chất tác giả quyết định tầm vóc, phẩm
chất tác phẩm: đó là nguyên lí bất dịch của văn chương. Người ta nói “cá nhân
là tiêu điểm của nhân loại”. Hàn Mặc Tử là một cá nhân điển hình của
nhân loại với những phẩm chất cực kì ưu việt. Bởi thế, cũng giống như trường hợp
thi hào Anh Byron, cá nhân Hàn Mặc Tử (với tầm trí tuệ, thiên tài thi ca, sức cảm
nhận của tâm hồn, tính lãng tử, tính cực đoan về tình cảm…) đã trở thành nhân
vật điển hình trong thơ ông (hầu hết là thơ trữ tình). Nhờ khai thác đến tận
cùng bản chất của nhân vật điển hình đó mà toàn bộ thi phẩm (và nhiều
văn phẩm) của Hàn Mặc Tử hàm chứa nội dung nhân văn hết sức sâu sắc và đậm đặc.
Thông thường, xét giá trị nhân văn của một tác phẩm
văn học, người ta hay căn cứ vào tiêu chuẩn đạo đức và ý nghĩa xã hội của nó.
Nhưng đối với thơ Hàn Mặc Tử, cần phải có những kiến giải thật tế nhị mới thẩm
định được. Những đề tài về “tổ quốc”, “nhân dân”, “sự vận động và đấu tranh xã
hội để giải phóng dân tộc, giải phóng con người”… hầu như vắng bóng, nhưng thơ
Hàn Mặc Tử lại đề cập và trình bày một cách sâu sắc, rung cảm về một đề tài có
tính chất vĩ mô của nhân loại: bản chất con người và những vấn nạn của
con người trong những hoàn cảnh cụ thể. Thơ Hàn Mặc Tử là khúc bi ca, là bản tường
trình đầy đủ, sâu sắc, khúc chiết vào bậc nhất về số phận của con người: Con
người, sinh linh cao quý nhất trong muôn loài và cũng đau khổ nhất trong muôn
loài. Hàn Mặc Tử là con người kiệt xuất và cũng là con người đau khổ nhất ở
cõi trần! Dường như đó chính là quy luật của càn khôn mà người xưa đúc kết
trong câu “Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ”. Hàn Mặc Tử hẳn đã hiểu
rõ điều đó và đã diễn đạt nó bằng mấy từ này: trích tiên đày đoạ. Từ trong
“vũng cô liêu” của nghịch cảnh, nhà thơ đã gửi đến cho đồng loại những bức
thông điệp bi thiết về số phận của mình thông qua những câu thơ tuyệt tác và
đau đớn nhất:
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì?
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si?
Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
(Những giọt lệ)
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.
(Duyên kì ngộ)
Quần chúng đã tiếp nhận những bức thông điệp đó của
nhà thơ tài hoa bất hạnh với niềm xúc động sâu sắc. Lòng thương cảm với số phận
của nhà thơ mãi mãi không nguôi ngoai trong lòng họ. Quanh năm tứ thời, suốt mấy
thập kỉ qua cho đến tận bây giờ, tại ngôi mộ của Hàn Mặc Tử ở Gành Ráng (Qui
Nhơn) không bao giờ thưa vắng người tới viếng thăm, đúng như câu thơ của
Pushkin:
Ta sẽ dựng cho ta đài kỉ niệm
Không bởi sức tay người! Đường tới viếng
Cỏ không trùm mất dấu bước thế nhân…
Cũng giống như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm
khúc, Truyện Kiều…, thơ Hàn Mặc Tử đã cảm động được lòng người, khơi gợi lên tình
thương đồng loại thấm thía, khiến họ biết cảm thông, chia sẻ với nhau về
những nỗi “đau khổ không của riêng ai”, những bất hạnh lớn lao trong nghịch cảnh,
những quằn quại trong thất vọng, trong tuyệt vọng và trước cái chết.
Một thứ thơ giàu nhân tính, giàu tình nhân ái như vậy
phải chăng là thứ thuốc nhiệm mầu có thể chữa khỏi căn bệnh “xơ cứng tâm hồn”
đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện đại?
Giá trị nhân văn to lớn và sâu sắc của thơ Hàn Mặc
Tử là ở chỗ đó và không ai có thể phủ nhận.
Tính nhân văn trong thơ Hàn Mặc tử còn được thể hiện
ở nhiều khía cạnh khác.
Mặc dù có khuynh hướng thích vươn tới tầng trời
“Thượng thanh khí” nhưng thực chất, Hàn Mặc Tử vẫn hoàn toàn là con người
của chủ nghĩa nhân bản và của cuộc sống trần gian. Với khối óc
vô cùng minh triết, ông hiểu rằng cõi trần gian đích thị là một “công trình
châu báu của Đức Chúa Trời”. (Trong khi đó không ít người không cảm nhận được
điều đó, đã tỏ thái độ khinh bạc, phủ nhận nó. Thậm chí một con người cự phách
như Tản Đà, trong khi khẳng định chân giá trị của bản thân thì với cuộc đời,
ông cũng mới chỉ thừa nhận rằng nó “không đáng chán” mà thôi!)
Ít ai hiểu thấu “vẻ tuyệt mĩ” của cõi đời và yêu nó
say đắm, nồng cháy như Hàn Mặc Tử. Nhất là khi bị số mệnh khốc hại đày vào “một
vũng cô liêu cũ vạn đời”, ông lại càng yêu cuộc đời ấy một cách điên cuồng. Hàn
Mặc Tử chính là nhân vật tiêu biểu của triết lí nhân bản mà L. Tolstoy đã phát
biểu: “Khó khăn hơn cả và hoan lạc hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi
đau khổ của mình”.
Ở bất kì chỗ nào chúng ta cũng có thể bắt gặp cái tình
yêu cuộc sốngấy hiện ra tươi rói và đắm đuối dưới ngòi bút của Hàn Mặc Tử với
hình ảnh kì diệu của con người quyện chặt với thiên nhiên diễm lệ mà chỉ có cặp
mắt thần của Hàn Mặc Tử mới nhận biết được một cách tường tận đến thế:
Mây mờ không phủ đồi cao nữa
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi…
Hỡi nắng dịu dàng đầy nũng nịu,
Sau rào khẽ liếm cặp môi tươi…
Môi tươi thiếu nữ vừa trang điểm,
Nắng mới âm thầm ước kết hôn.
Đưa má hồng hào cho nắng nhuộm,
Tình thay! Một vẻ ngọt và ngon…
(Nắng tươi)
Khi tình yêu cuộc sống bị đẩy tới chân tường của định
mệnh phũ phàng, Hàn Mặc Tử đã kêu lên những lời thống thiết:
Ta còn trìu mến biết bao người,
Vẻ đẹp xa hoa của một trời
Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng,
Ôi giờ hấp hối sắp chia phôi!
(Trút linh hồn)
Nhà triết học Freud cũng như nhà văn Pháp Émile
Zola cho rằng dục vọng yêu đương là nhân bản mạnh mẽ nhất của con người. Trong
thơ Hàn Mặc Tử, đề tài tình yêu, khát vọng yêu đương được khắc hoạ vô cùng nổi
bật và đặc sắc, không hề thua kém những tình yêu sôi nổi, tha thiết trong thơ
Xuân Diệu, thậm chí còn quằn quại hơn, “rướm máu” hơn. Bởi vì trong cuộc đời,
bi kịch tình yêu của Hàn Mặc Tử thật hơn, “đứt ruột” hơn là thứ tình yêu thường
phải nhờ đến trí tưởng tượng của Xuân Diệu. Hàn Mặc Tử hoàn toàn xứng đáng được
mang danh hiệu nhà thơ tình yêu của Việt Nam.
Những “nường con gái” trong thơ ông bao giờ cũng hiện
ra với một vẻ quyến rũ “chết người”:
Tôi cũng trông thấy người tôi yêu
Ngồi cạnh suối trong cởi yếm đào
Len lén đưa tay vốc nước rửa
Trong khi cành trúc động và xao…
(Tôi không muốn gặp)
Tình yêu phương Đông luôn hàm chứa đạo đức cao quý.
Điều đó đã khiến cho thơ Hàn Mặc Tử có những lúc không “điên” một chút nào mà
trở nên sâu thẳm và cảm động:
Một lời hứa, anh chỉ mong có thế
Để cho lòng tin tưởng ở ngày mai…
Anh chỉ thẹn không còn son trẻ nữa
Để cho tình âu yếm mặn nồng hơn,
Và chỉ sợ đời em còn măng sữa
Một ngày kia trĩu nặng nuốt căm hờn…
(Lòng anh)
Những bài thơ tình mãnh liệt, “bốc lửa” và… đáng
kinh hãi nhất của thi ca Việt Nam có lẽ chính là của Hàn Mặc Tử:
Nàng! Ôm nàng! Hai tay ta ghì chặt
Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay!
Ta là người uống muôn hận sầu cay,
Nàng là mật của muôn tuần trăng mật.
Ôi khoái chá thấm dần vô thể chất…
Tôi ôm nàng, muốn cắn chết nàng đi!
Anh thấy rõ rằng anh đang trơ trọi.
Em xa quá biết làm sao nhắn vói?
Anh đưa lòng cho tới huyệt lòng em!…
(Thắm thiết)
Em có nghĩ ra một chiều vàng úa,
Lá trên cành héo hắt, gió ngừng ru:
“Một khối tình nức nở giữa âm u,
Một hồn đau rã lần trong hương khói,
Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi,
Một lời run hoi hóp giữa không trung,
Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng
Hoá thành vũng máu đào trong ác lặn”.
(Trường tương tư)
Những bài thơ ấy là minh chứng hùng hồn cho bản chất
của sự sống, của tình yêu mãnh liệt nơi con người.
Nếu Nguyễn Bính chỉ bằng thơ “chân quê” đã làm nên
được một vinh quang rực rỡ thì Hàn Mặc Tử chỉ bằng việc khai thác bản chất
con người và lột tả số phận bi thương của con người cũng đủ tạo
nên một dấu ấn vô cùng đậm nét trong lịch sử văn chương của dân tộc ta.
5. Những đặc điểm về nghệ thuật
Thơ Hàn Mặc Tử là thứ thơ “huyết lệ” về nội dung,
và là thơ “kinh nhân” về nghệ thuật.
Ngôn ngữ thuần Việt được sử dụng một cách sáng tạo,
được nâng lên một trình độ rất cao nên rất “mới” nhưng cũng rất “Việt Nam”. Nói
cách khác, Hàn Mặc Tử bao giờ cũng dùng tiếng Việt một cách “đắt” và táo bạo nhất.
Vì thế những câu thơ của ông luôn sắc mạnh, gợi cảm, đem lại hiệu quả thẩm mĩ
khác thường, bỏ xa những câu thơ tầm tầm, vô thưởng vô phạt của nhiều nhà thơ
khác. Ví dụ:
- Làn môi mong mỏng tươi như máu
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm.
- Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
- Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
- Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
- Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc…
- Tôi chết giả và no nê chán vạn,
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng.
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng,
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng…
Không nghi ngờ gì nữa, sau Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn
Du, Hồ Xuân Hương… Hàn Mặc Tử là người có khả năng viết được những câu “thần
cú”, những câu thơ “kinh nhân” (làm kinh hãi người ta). Phải chăng ở trường hợp
Hàn Mặc Tử, vì nghệ thuật thơ đã đạt tới nấc chót, nghĩa là bắt đầu vượt ra
ngoài biên giới của phạm trù “cái thông thường” nên người ta phải dùng đến một
từ chỉ “cái khác thường” là từ “điên” để gọi nó?
Hàn Mặc Tử, như trên đã nói, quả là người có “cặp mắt
thần” khi quan sát mọi hình ảnh, mọi cảnh tượng và miêu tả chúng một cách tuyệt
luân:
- Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ;
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ;
Những lời năn nỉ của hư vô.
Không gian dày đặc toàn trăng cả:
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.
- Em tôi thì hổn hển
Áo xiêm lấm tấm vàng.
- Và ai gánh máu đi trên tuyết,
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang.
- Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta…
Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta!
- Cây gì mảnh khảnh run cầm cập
Điềm báo thu vàng gầy xác xơ?
Tất cả những cử động của con người hay của cảnh vật
trở nên sinh động lạ thường bởi những động từ Việt được dùng rất táo bạo nhưng
rất chính xác:
- Tôi toan hớp cả ráng trời
Tôi toan đớp cả miếng cười trong khe.
- Có ai nuốt ánh trăng vàng,
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga?
- Dưới đèo bóng mát lan bờ ruộng
Em cởi niềm ra, trải ý ra.
- Trên đọt tre già trăng lưỡi liềm
Hỡi trăng hãy chặt khóm thùy dương
Nghiêng mình trước gió chiều lơi lả
Và chặt luôn ta đứt nỗi niềm!
- Ta thường giơ tay níu ngàn mây,
Đi lại lang thang trên ngọn cây,
- Ta thích len vào trong đám lau
Núp chờ trăng xuống để quàng nhau…
- Ta hẵng đưa tay choàng trăng đã
Mơ trăng ta lượm tơ trăng rơi,
Trăng vướng lên cành, lên mái tóc, cô ơi…
- Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng,
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi.
- Thu héo nấc thành những tiếng khô
Một vì sao lạc mọc phương mô?
- Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng…
Hàn mặc Tử là bậc thầy về sử dụng ngoa ngữ tiếng
Việt để diễn tả những trạng thái tâm hồn, những tình huống kịch liệt:
- Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?
- Thơ ta vọt bắn thơm phưng phức
Vô số màu tươi chảy lững lờ…
- Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên…
Hồn ta rú trong đêm sâu ảo não.
- Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ.
- Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt…
Không mấy nhà thơ như Hàn Mặc Tử, đã cố ý vận dụng
triệt để các tính từ, động từ và trạng từ “láy” vốn là một thế rất mạnh của tiếng
Việt trong việc diễn tả (nhiều ngôn ngữ khác không có đặc tính này): sóng
soải, sột soạt, vắt vẻo, hổn hển, bẽn lẽn, hí hửng, hấp hối, tê mê, ràng rịt,
trộn trạo, xí xoá, mảnh khảnh, cầm cập…
Quả thật Hàn Mặc Tử, bằng tài năng lớn của mình, đã
chứng minh hùng hồn tiềm năng vô cùng to lớn của tiếng Việt được phát huy như
thế nào trong nền thi ca hiện đại!
Một nét nổi bật khác: mỗi bài thơ của Hàn Mặc Tử vừa
mang cấu trúc chặt chẽ vừa vận động hết sức trôi chảy và thường là rất mãnh liệt.
Thơ ông khi thì như một dòng suối, nhưng thường thì giống như một dòng thác, một
vệt sao băng, chứng tỏ một khí lực thơ hết sức dồi dào và nhất quán. Chính vì
thế, người đọc thơ Hàn Mặc Tử như bị một “ma lực” lôi cuốn vào một dòng rung cảm
sôi sục của tim và óc:
Lúc ấy sóng triều rên rỉ chưa bưa,
Cứ nhắm mắt, cứ yêu nhau như chết,
Cứ sảng sốt, tê mê và rũ liệt,
Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang
Vỡ toang ra từng mảnh, cả không gian
Cả thời gian từ tạo thiên lập địa
Đều trộn trạo, điều hoà và xí xoá
Thành hư không như tình ái đôi ta…
(Đôi ta)
Như chúng tôi đã nói, phong trào Thơ Mới giống như
một khu vườn “trăm hoa đua nở”, mỗi nhà thơ đều cố gắng tạo cho mình một phong
cách riêng, một giá trị đặc thù. Tuy nhiên, nếu trong loài hoa có “hoa chúa”
(hoa hậu) thì thiết tưởng trong thế giới thơ người ta cũng có thể tôn vinh những
nhà thơ có tài năng lỗi lạc, trác việt.
Theo quan điểm của chúng tôi, nếu xét sâu về “nghề
thơ” thì trong làng Thơ Mới chỉ có Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính là những nhà thơ
có “tài đặc biệt lạ”, có thể gọi là “thiên tài” cũng không ngoa. Đó là những
nhà thơ viết được những câu thơ “kì diệu như thần”.
Để phân biệt giữa “nhân tài” thơ và “thiên tài”
thơ, có thể dựa vào một thước đo khá giản dị. Với một nhân tài thơ,
các nhà thơ khác có thể học hỏi, bắt chước, thậm chí theo kịp được, bởi vì việc
làm ấy chưa vượt quá sức người. Chẳng hạn Thế Lữ, từng là ngôi sao dẫn đầu
của Thơ Mới, nhưng rất nhiều “đàn em” đã học hỏi, đuổi kịp và vượt được ông.
Nhưng với một thiên tài thơ thì không ai có thể hòng bắt chước nổi,
có thể hòng theo kịp được! Bởi đó là việc làm trên sức người bình thường.
Chẳng hạn ngay trong cùng một “Trường thơ loạn”, cho dù Bích Khê và Chế Lan
Viên đã ra sức học hỏi để bắt kịp Hàn Mặc Tử nhưng thơ của họ vẫn không thể “lấp
lánh thiên tài”, không thể “có ma quỷ ở trong”, không thể làm “kinh nhân” như
thơ Hàn Mặc Tử được. Chính Chế Lan Viên đã phải thay mặt các nhà thơ đương thời
thú nhận rằng: “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ tan biến
đi, và còn lại của cái thời kì này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”. Chúng
tôi cho rằng trong thế kỉ XX, không có sự nghiệp thơ nào có được tính nhân
bản sâu sắc và đạt được chất lượng nghệ thuật hiện đại tuyệt đỉnh
như sự nghiệp thi ca của Hàn Mặc Tử. Vì vậy, theo chúng tôi, nếu phải chọn hai
nhà thơ tài năng kiệt xuất nhất của làng thơ Việt Nam trong thế kỉ XX thì chính
là Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính.
Chúng tôi tin rằng nếu toàn bộ thơ của Hàn Mặc Tử
được dịch thuật và giới thiệu đầy đủ, kĩ càng ra thế giới thì nhất định ông
cũng sẽ có một vị trí đặc biệt trên thi đàn thế giới.
(Hiện nay, tuyển thi phẩm của Hàn Mặc Tử đã được dịch
giả Hoàng Hữu Đản dịch thành thơ tiếng Pháp, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc
trong một ngày gần đây).
Kiều Văn
Nguồn trích “Những gương mặt
tiêu biểu thi
ca Việt Nam”,
NXB Văn Học, 2006
vé máy bay eva
vé máy bay đi mỹ giá rẻ
hang khong korean air
vé máy bay từ tphcm đi mỹ
giá vé máy bay đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Tri Thức Du Lịch