Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Dọc đường đất nước: Từ Quy Nhơn nhìn ra biển rộng

Dọc đường đất nước: Từ Quy Nhơn 
nhìn ra biển rộng...
Thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có vẻ đẹp hiếm thấy níu lòng du khách, đấy là thành phố nằm sát bờ biển. Khi nắng càng đượm, biển lại càng xanh. Màu xanh bất tận ấy đâu chỉ dành riêng cảm xúc cho người nghệ sĩ, nó là màu xanh bất diệt nuôi trong lòng biển một nguồn hải sản vô tận. Nhìn ra biển rộng, những con thuyền đang lướt sóng khơi xa.
Thành phố Quy Nhơn uốn hình cánh cung 
theo bờ biển với độ dài hơn 5 km. Ảnh: Văn Lưu
Bức tranh tráng lệ
Trên con đường đến thành phố Quy Nhơn, bỗng những câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu như ngọn gió rong ruổi trong hồn tôi: Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong/ Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm. Chính nhờ những giọt nước mắm Vạn Gò Bồi ấy và tấm lòng bao dung, nhân hậu của người mẹ, tâm hồn thi sĩ đa tình, đa cảm, tài hoa đã được nuôi lớn.
Tôi thả bộ trên con đường mang tên ông và bao quát nhìn biển đẹp rỡ ràng, tận hưởng gió Quy Nhơn mát rượi trong cao điểm mùa hạ. Thành phố Quy Nhơn uốn hình cánh cung với độ dài hơn 5 km, biển cũng uốn bờ mi cong theo dải đất hướng Nam từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng. Chiều nay, tôi vẫn nghe biển hát, tiếng hát của biển hòa với tiếng hát của những rừng dừa sóng đôi tít tắp, thức dậy một Quy Nhơn trẻ trung và khoáng đạt. Dừa xanh, trời xanh và biển xanh. Bờ biển trải cát vàng thoai thoải, trong nắng vàng đã dịu, nô nức người tắm biển. Anh Nguyễn Quốc Cương - cán bộ giảng dạy Trường Đại học Quy Nhơn chở tôi dạo quanh thành phố. Hơn mười năm rồi, tôi quay trở lại, thành phố Quy Nhơn đã đổi thay nhiều quá. Đặt chân lên cầu Thị Nại, chiếc cầu dài tới 7 km, như phím đàn pi-a-nô lướt trên biển, nối thành phố Quy Nhơn với đảo Phương Mai mà thấy lòng vui sướng.
Thành phố Quy Nhơn càng về đêm càng hiện lên vẻ đẹp thần tiên. Dọc theo bờ biển, dòng người đi lại như mắc cửi, trên các ngã ba, ngã tư đường phố, đèn màu hiện lên nhấp nháy, ngỡ như trời đang đổ “mưa sao”. Dưới màn “mưa sao” dăng dăng là những âm thanh cuộc sống hiện đại đang trỗi dậy... Anh Cương chỉ cho tôi bao công trình nhà nước và dân mới xây, điểm nào quy hoạch để làm dịch vụ thương mại, điểm nào dành cho khu vui chơi văn hóa và du lịch. Tôi càng chiêm ngưỡng, càng thấy thú vị vì kiến trúc thành phố Quy Nhơn khá khoa học, rất tân tiến, hiện đại, nhưng không phá vỡ cảnh quan, những nét đẹp từ thời văn hóa Tây Sơn vẫn được tôn tạo, trùng tu, gìn giữ. Môi trường ở thành phố này cũng được cán bộ và nhân dân quan tâm, bảo vệ, do đó, càng tăng thêm vẻ đẹp trẻ trung, dịu dàng và hào phóng của biển.
Đứng trên tầng cao vời vợi của khách sạn Hải Âu, tôi đã nhìn rõ ngọn hải đăng từ đảo Cù Lao Xanh. Đảo Cù Lao Xanh cách thành phố Quy Nhơn gần 30 hải lý. Ngọn hải đăng là “đèn thần” của biển, chính nhờ cây “đèn thần” này, hàng trăm tàu thuyền ra khơi, vào lộng giữa mịt mùng đêm tối vẫn quay về bờ an toàn.
Rợp bóng dừa Tam Quan. Ảnh: Văn Lưu
Đến Ghềnh Ráng ngắm trăng
Đây là lần thứ 3 tôi trở lại Ghềnh Ráng. Vẫn là con đường mang tên An Dương Vương, vẫn bãi tắm Hoàng Hậu, thế nhưng, phong cảnh đã khác xưa nhiều lắm. Trên ngọn đồi cao hút tầm mắt nhìn ra biển kia, vẫn hòn Đá Chồng trầm mặc, giấu trong mình một nỗi chờ mong đằng đẵng, bi thương cùng nhân thế. Đó là mối tình thủy chung của người vợ “ngóng trông chồng” xa tít dặm khơi từ trong chuyện cổ dân gian. Không còn thấy lau hoang, cỏ dại, chỉ thấy những dãy giàn hoa đỏ rực đậu kín bờ vai người qua lại. Tiếng ve sầu mùa hạ như át đi tiếng sóng đang rì rào dưới chân núi.
Đường xuống Ghềnh Ráng hiện lên một bãi đá dài, hòn nọ xếp lên hòn kia, to tròn giống như quả trứng, người ta quen gọi là bãi “đá trứng”. Có những hòn đá màu trắng, màu nâu, lại có những hòn màu xanh lam do sự vắt nặn của thần đất, thần biển. Có hòn đá cầm được trong lòng bàn tay, nhưng có hòn 3 người ôm không xuể... Từ lâu, bãi “đá trứng” trở thành nơi vui chơi, chụp ảnh của khách thập phương.
Anh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Định giải nghĩa cho tôi tại sao lại có tên Ghềnh Ráng: Nơi đây đá chất ngổn ngang do sự phong hóa từ hàng triệu năm đã tạo thành hang, thành ghềnh, thành rạn. Do nhiều ghềnh và lắm rạn, nên mỗi khi tàu thuyền qua đây, các thủy thủ phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm cho tàu thuyền đi chậm lại. Với cách làm này, theo nghề đi biển gọi là ráng, lâu dần thành tên nên vùng này gọi là Ghềnh Ráng.
Chúng tôi cùng lên mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử, thả hồn mình chơi trăng cùng thi sĩ. Đồi cao ngả nghiêng bọc trăng ngủ/Bên mình lốm đốm ánh hào quang. Vầng trăng trong thơ Hàn thuở trước, giờ lại hiện hữu trên mộ Hàn, vầng trăng đắm đuối mà Hàn đã từng thốt lên: Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/Đợi gió đông về để lả lơi.
Có phải trái tim của Hàn Mặc Tử “hồi hộp với trăng”, để cho hàng ngàn trái tim yêu thơ thi sĩ hôm nay đến thăm ông tràn đầy thương cảm và ngưỡng mộ. Trên đỉnh dốc Mộng Cầm, trăng ngan ngát quanh mộ ông. Hình như tất cả đang nín thinh để nghe tiếng ông gọi Ai mua trăng tôi bán trăng cho, khiến tượng đức mẹ đồng trinh Ma-ri-a cũng mỉm cười.
Đoàn chuyên gia Nhật Bản kiểm tra chất lượng 
cá ngừ đại dương do ngư dân Bình Định 
đánh bắt, xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: Văn Lưu
Đi lên từ tiềm năng biển
2 giờ sáng, tôi theo chân Luật, người đồng hương Xứ Nghệ nhưng đã thành công dân thành phố Quy Nhơn hơn 3 thập kỷ xuống Cảng cá Quy Nhơn. Cảng này được khởi công xây dựng từ năm 2001 và chính thức đưa vào sử dụng năm 2003. Đây cũng là chợ đầu mối lớn nhất tỉnh Bình Định, là điểm tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ, sơ chế, bảo quản hải sản để cung ứng cho các thị trường trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Dưới chân cầu cảng, các thuyền đánh bắt cá của ngư dân đậu dày như nấm. Đèn thuyền, đèn cao áp, đèn nê-ông của các tổ hợp kinh doanh sáng rực suốt đêm.
Không khí nhộn nhịp, tất bật của khu chợ đêm này khá lạ lùng. Lạ lùng từ những bước chân khỏe khoắn, từ những tấm lưng trần vạm vỡ màu đồng hun đang ngồi uống rượu dưới thuyền. Những đội quân bốc vác thuê đều là thanh niên trẻ khỏe, khi khách tới, họ chạy như diễn viên xiếc, bê một lúc cả 2 khay cá lớn trên vai. Ngay chân cảng, hàng trăm chiếc xe máy và những người phụ nữ đã chờ sẵn. Mọi công đoạn trao đổi hàng hóa giữa chủ thuyền với khách diễn ra rất mau lẹ, trật tự. Cá tươi được phân ra nhiều loại đựng vào giỏ, rổ, rá xếp ngay lên những chiếc xe máy cà tàng “phượt” nhanh xuống các chợ. Một tổ hợp khác đang dùng thau chậu, vòi nước xả… để làm công tác vệ sinh sản phẩm trước khi đưa vào tủ đông.
Ông Nguyễn Hữu Lành (trú tại Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) tâm sự: “Nhà tôi ở xa thành phố Quy Nhơn hơn 40 km, thế nhưng, đã hơn hai chục năm nay, vợ chồng tôi thường phải dậy vào lúc 1h sáng để kịp đến chợ cá này mang hàng tươi sống về bán tại chợ quê. Cá ở Bình Định ngon lắm, cả làng tôi đều ăn cá ở đây”.
Dạo quanh Cảng cá thành phố Quy Nhơn, tôi lại càng hiểu thêm thế mạnh kinh tế biển của Bình Định. Hàng chục thập kỷ qua, ngư dân Bình Định đã đánh bắt được hàng vạn tấn cá mỗi năm, đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách địa phương. Bắt đầu từ năm 2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Bình Định đã có những bước đi vững chắc. Tính ra mỗi năm đạt từ 51-53 triệu USD.
Hiện nay, ở làng biển nào trên đất Bình Định cũng xuất hiện nhiều thuyền có công suất 250-400 CV. Một số ngư dân có thuyền công suất lớn từ 800-900 CV. Các làng biển ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, thành phố Quy Nhơn đã xây dựng được 245 tổ đoàn kết tàu thuyền với gần 1.000 người tham gia. Tại Khu kinh tế Nhơn Hội, một tổ hợp resort, khách sạn nghỉ dưỡng 90 vila bên bờ biển Nhơn Lý và sân golf 18 lỗ với diện tích 73 ha được đầu tư 3.500 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC Quy Nhơn đang trong giai đoạn hoàn thiện để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.
Bình Định - Quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung đang trỗi dậy sức sống mới bên bờ biển xanh.
Phan Thế Cải
Theo http://baohatinh.vn/



1 nhận xét:

  1. Bìa viết rất hay và bổ ích qua đây mình cũng xin chai sẻ mẹo nhỏ này giúp các bạn tiết kiệm thêm 1 khoản mỗi khi du lịch Quy Nhơn click vào đây để đặt phòng với giá tốt nhất nhé

    Trả lờiXóa

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...