Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Thơ và trăng rất hay

Thơ và trăng rất hay 
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ.
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt.
Như đón từ xa một ý thơ”
(Hàn Mặc Tử - Đà lạt trăng mờ).
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
(Kiều - Nguyễn Du)
Hôm nay có một nửa trăng thôi,
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột!
Gió làm nên tội buổi chia phôi!
(Một Nửa Trăng - Hàn Mặc Tử)
Cổ nhân kim nhân nhược lưu thủy
Cộng khan minh nguyệt ưng như thử
(Bả tửu vấn nguyệt_ Lý Bạch)
(Người xưa người nay rồi cũng như nước chảy
Cùng ngắm trăng sáng như vậy thôi)
Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng...
(Lang Thang - Hàn Mạc Tử)
Trăng hỡi yêu ai, ai biết không?
Ta biết rõ ràng ta yêu trăng
Thiên hạ nhìn trăng trăm điều nghĩ
Còn trăng, trăng muôn thuở dịu dàng.
Bất hướng Đông Sơn cửu
Tường vi kỷ độ hoa
Bạch vân hoàn tự thán
Minh nguyệt lạc thùy gia
(Lý Bạch – Ức Đông Sơn)
Non Đông xa cách bao xuân
Cây tường vi đã bao lần nở hoa
Mây xưa hẳn vẫn bay xa?
Trăng xưa biết rụng xuống nhà ai nao?
(Nhớ Đông Sơn - Ngô Tất Tố dịch)

“Ta đến nơi - Nàng ấy vắng đâu rồi!
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng...
(Phan Thiết! Phan Thiết! - Hàn Mạc Tử)
Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non.
Diều ai gọi gió véo von,
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng.
- Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?....
(Tiếng hát trong trăng 1934, trích tập thơ "Tiếng thông reo” - Bàng Bá Lân)
Chớ đạp hồn em! Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn.
Gió theo trăng từ biển thổi qua non;
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn...
(Lời kỹ nữ - Xuân Diệu)
Thu nguyệt nhưng viên da.
Giang thôn độc lão thân
Quyển liêm hoàn chiếu khách
Ỷ trượng cánh tùy nhân...
(Thập thất dạ đối nguyệt - Đỗ Phủ)
Vằng vặc trăng thu bóng nguyệt lồng
Thân già cô quạnh sống ven sông
Rèm buông, nguyệt vẫn theo người chiếu
Gậy chống, trăng còn dõi ngóng trông...
(Ngắm trăng đêm mười bảy - Hải Đà dịch thơ)
Trăng của trăm năm
Về đây lồ lộ
Người của hôm qua
Hư ảo phương nào...
(Khúc trăng xưa - Trịnh Bửu Hoài)
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
(Giang hồ - Lưu Trọng Lư)
Đêm nay chờ trăng mọc
Ngồi thẩn thơ trong vườn
Quanh hoa lá róc rách
Như đua bắt làn hương
Ta còn đang luyến mộng
Yêu bóng người vẩn vơ
Tay ngà ai phủ trán?
Hiu hắt ánh trăng mờ...
(Ngày xưa - Nguyễn Nhược Pháp)
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán lắm rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
(Tản Đà)
Có ai nuốt ánh trăng vàng
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga...
(Uống trăng - Hàn Mạc Tử)
Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,
Tỉnh thủy vô ba đào.
Bất bị nhân khiên xả,
Thử tâm trung bất dao.
Túng bị nhân khiên xả,
Nhất dao hoàn phục chi.
Trạm trạm nhất phiến tâm,
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.
(Đạo ý - Nguyễn Du)
Trăng trong lòng giếng cổ,
Nước giếng không ba đào.
Chẳng bị người khuấy động,
Lòng này không chút xao.
Dù bị người khuấy động,
Xao rồi trở yên lặng.
Vằng vặc một mảnh lòng,
Giếng trong trăng giọi bóng.
(Dịch thơ Quách Tấn)
Ta vung tay
Đập trăng
Không vỡ
Ta ném ly
Tan nát trái tim mình…
(Khúc trăng xưa - Trịnh Bửu Hoài)
1. Thù nước chưa xong đầu đã bạc
Mài gươm vầng nguyệt đã bao ngày
(Đặng Dung)
2. Người gom gió lộng phất cờ
Người qua sông Dịch ngồi chờ dưới trăng
Ta ngồi vẽ lại trăm năm
Ôm pho tượng cổ băn khoăn đợi chờ”
(Gởi người dưới trăng - Song Nhị)
3. Ta hỏi lòng ta, trăng hỏi trăng
Thời nay nối tiếp thuở xưa chăng?
“Quốc cừu vị báo nung hào khí
Dưới nguyệt gươm mài hồn lạnh băng”
(Đợi người dưới trăng - Hà Ly Mạc)
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
Dạ chàng ra ngoài cõi thiên san
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
Trỏ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo”
(Cung oán ngâm khúc)
Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi
Tôi với người yêu qua nhè nhẹ
Im lìm không dám nói năng chi....
Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ,
Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ.
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ.
(Trăng, Xuân Diệu)
Hỡi trăng hãy chặt khóm thùy dương...
(Tiếng vang - Hàn Mạc Tử)
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?...
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử)
Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt
Khép phòng đốt nến, nến rơi châu
(Chế Lan Viên)
Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý,
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân.
(Dạ hành - Nguyễn Du)
Biển rộng, trăng tà nghìn dặm thẳm,
Đường xưa gió lạnh một người qua.
(Đi đêm - Nguyễn Thạch Giang dịch thơ)
Bóng Hằng trong chén ngả nghiêng
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình...
(Uống trăng - Hàn Mạc Tử)
Đĩa ngọc ai treo ở đỉnh trời
Xanh màu lá mạ, sáng, xinh, tươi
Một vừng lơ lửng đầy duyên dáng
Vạn nẻo xôn xao chẳng lả lơi
Ánh bạc mơ hồ tràn cõi mộng
Tơ vàng vương vấn suốt canh chơi
Hỏi người còn nhớ đêm trăng hẹn
Bóng nguyệt kề vai, tóc biếc rơi”
(Trăng xanh _ Cao Mỵ Nhân)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
(Nguyệt dạ xá ức đệ - Đỗ Phủ)
Ðêm nay sương trắng đã rơi,
Quê xưa giờ vẫn sáng ngời bóng trăng....
(Ðêm Trăng Nhớ Em - Trần Trọng San dịch thơ)
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi tới trăng thề...
(Tình quê - Hàn Mạc Tử)
1. Người đi kẻ ở nghiêng sầu
Ai người bịn rịn lòng đau thẫn thờ
Người trông khuất mấy bóng mờ
Trăng buồn thương trẻ bơ vơ xuân tình.”
(Hoàng Duy với “Trăng vương đường liễu”, trích thi tập “Như Bóng Mây Bay")
2. Trăng nằm sóng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi...
(Bẽn lẽn - Hàn Mạc Tử)
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
(Bẽn lẽn - Hàn Mạc Tử)
“Ông lão nằm chơi ở giữa sân
Tàu cau lấp loáng ánh trăng ngân
Thằng cu đứng vịn bên thành chõng
Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân”
“Trong xóm giờ lâu quá nửa đêm
Tiếng chày giã gạo đã ngừng im
Trăng tà hạ xuống ngang đầu núi
Đom đóm bay qua dải nước đen”
(Ngày nay - Đoàn Văn Cừ)
(Ánh trăng - Nguyễn Duy)
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ.
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Tĩnh Dạ Tứ (Xúc cảm đêm trăng) - "Thi Tiên Lý Bạch (701- 762)
Hán Việt:
Sàng (1) tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Ðê đầu tư cố hương
Dịch nghĩa:
Nỗi lòng đêm trăng
Trước sân (1) ánh trăng vằng vặc
Như đất trời lộng toả hơi sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê hương
Dịch thơ:
Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩn đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
(Tương Như)
(1) Sàng: Theo Lương Bạch Tuyền, giám đốc viện bảo tàng Nam Kinh thì “sàng” chỉ vật chắn che trên mặt giếng nước trong sân nhà, chứ không phải là giường ngủ trong nhà.
Theo http://tritrivakyniem.over-blog.com/

1 nhận xét:

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...