"Âm nhạc đương đại" ở Việt Nam
Thời gian gần đây, nhiều phóng viên báo chí, một số nhạc sĩ
đã và đang dùng tràn lan cụm từ "âm nhạc đương đại" mà có lẽ họ
chưa hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ này. Trong một vài lần trả lời phỏng vấn và bài
viết của tôi, tôi đã cố gắng giải thích về cụm từ này theo cách hiểu của giới
chuyên môn âm nhạc.
Ở ta, "âm nhạc" thường được coi như đồng nghĩa với
"ca nhạc". Nhưng "âm nhạc" là một khái niệm rộng hơn
"ca nhạc" rất nhiều. Có nhiều loại âm nhạc, có thể gọi tắt là
"nhạc", thường được báo chí chia thành những "dòng" chính
như: nhạc giao hưởng thính phòng (còn gọi là nhạc không lời), nhạc truyền thống
(còn gọi là nhạc dân tộc), và nhạc trẻ (hay nhạc nhẹ).
Trong "dòng" giao hưởng thính phòng có nhiều loại: nhạc
giao hưởng - được soạn cho những dàn nhạc lớn với cả trăm nhạc công vẫn thường
thấy biểu diễn ở Nhà hát Lớn hoặc đôi khi trên truyền hình; nhạc thính phòng -
soạn cho những nhóm nhạc cỡ 10 nhạc công trở lại; và các bản độc tấu nhạc cụ
như piano, violon, guitare...Trong "dòng" nhạc truyền thống có: nhạc
truyền thống cải biên, là những dàn nhạc hoặc nhóm nhạc "dân tộc" thường
thấy biểu diễn tại các sân khấu ngoài trời, các tiết mục dân ca có nhạc đệm
trên Đài Phát thanh và Đài Truyền hình; và nhạc dân tộc cổ truyền như Ca trù,
hát Chầu văn, hát Chèo, nhạc Cung đình Huế...Cuối cùng là nhạc trẻ với những
"chương trình trực tiếp" (live shows) như Sao Mai điểm hẹn, MTV - Bài
hát tôi yêu, Con đường Âm nhạc... và đó chính là "ca nhạc", một phần
nhỏ bé trong thế giới âm nhạc rộng lớn đa dạng.
Quay trở lại chuyện "âm nhạc đương đại", nhiều người
nghĩ rằng "đương đại" nghĩa là những gì đương diễn ra trong
thời đại hiện nay, vậy âm nhạc đương đại là tất cả những loại nhạc
đang có và đang diễn ra hiện nay. Vì vậy, có người coi ca khúc nhạc trẻ, phần
nhạc đệm (hòa âm) cho ca khúc, hòa tấu kèn saxophone, DJ, hoặc nhạc nhảy trong
quán bar (dance music)... là nhạc đương đại! Thật ra thì không phải vậy.
Trong giới chuyên môn âm nhạc, cụm từ "âm nhạc đương đại"
được dùng để chỉ dòng nhạc bác học được phát triển lên từ âm nhạc cổ điển,
nguyên chữ tiếng Anh là classical - contemporary music (nhạc cổ diển
- đương đại), sau viết tắt thành contemporary music (nhạc đương đại).
Âm nhạc đương đại hiểu theo nghĩa này gồm các dòng nhạc soạn cho dàn nhạc giao
hưởng, cho hòa tấu hoặc độc tấu nhạc cụ, cho dàn hợp xướng. Sự phát triển từ âm
nhạc cổ điển có nguồn gốc châu Âu như sau: nhạc cổ điển thế kỷ XVII-XVIII, nhạc
lãng mạn thế kỷ XIX, nhạc cận đại đầu thế kỷ XX, nhạc hiện đại và hậu hiện đại
từ nửa sau thế kỷ XX, và hiện nay là nhạc đương đại. Vậy cụm từ "âm nhạc
đương đại" không bao gồm nhạc pop, rock, hip-hop, DJ, hòa tấu kèn
saxophone, nhạc đệm (thường gọi là "hòa âm") cho ca khúc... đang phổ
biến hiện nay.
Âm nhạc đương đại hiện nay đã được mở rộng thêm bao gồm âm nhạc
ngẫu hứng (improvisation music), nhạc thể nghiệm (experimental music), nhạc điện
tử - máy tính (electronic - computer music, còn gọi là digital music) và một
vài biến thể khác như việc sử dụng tiếng động (sounds) và tiếng ồn ngoài đường
phố (street noise)...
Cần phải nói rõ rằng, việc sử dụng kỹ thuật và phần mềm máy
tính để soạn hòa âm (làm phần đệm - music arrangement) cho ca khúc, việc ứng dụng
các kỹ thuật và hiệu quả âm thanh (sound effect) trong quá trình thu âm và xử
lý hậu kỳ, thường được làm trên hệ thống máy tính, cho ca khúc hoặc hòa tấu nhạc
trẻ (thực chất là chuyển soạn các bài ca khúc hoặc làn điệu dân ca cho
saxophone, piano, guitare... chơi trên phần đệm hòa âm đã được làm sẵn, hoặc
chơi với nhóm trẻ (electric guitare, bass, bộ trống jazz...) những việc đó
không gọi là làm "âm nhạc đương đại".
2. Việt Nam có âm nhạc đương đại không?
Đầu năm 2003, một nhóm nghệ sĩ ở Hà Nội đã thành lập nhóm Dân
ca miền không biết thể nghiệm một lối hát và đàn mới dựa trên nền truyền
thống, đó là lối hát thơ và lối đàn ngẫu hứng lòng bản vốn
là đặc trưng của người Việt. CD đầu tay của nhóm đã cho thấy sự kết hợp hợp lý
giữa lối đàn ca truyền thống với phong cách và tinh thần mới. Không hề sử dụng
một làn điệu hoặc nét dân ca có sẵn nào, mà tất cả là tạo mới, một giọng ca
theo kiểu "hát thơ" (hát lên những lời thơ), một bộ gõ Chèo, một đàn
phím điện tử (electronic keyboard), và một guitare điện, chơi theo lối ngẫu hứng
có "lòng bản" (có sơ đồ hoặc sự giao ước về cấu trúc của bài ca/đàn),
tuy vậy, âm hưởng rất mới, rất mạnh, và như chính những thành viên trong nhóm
đã nói về Dân ca miền không biếtt là sự tiếp nối của dân ca Việt
trong cuộc sống hiện tại, vừa truyền thống, vừa đương đại.
Vũ Nhật Tân trong một chương trình biểu diễn nhạc đương đại
Cuối tháng 11/2004, Nguyễn Xuân Sơn và Trần Kim Ngọc đã thực
hiện đêm hòa nhạc ngẫu hứng tại Goethe Institute số 56 Nguyễn Thái Học, Hà Nội,
một sự kết hợ giữa bộ gõ chèo, máy tính (laptop computer) và giọng hát. Trên
tinh thần trầm, chậm và chìm của phần nhạc người ta thấy nổi lên âm
thanh lanh lảnh của giọng hát (hát không lời, chỉ sử dụng giọng - voice) - một
đêm hòa nhạc rất khó nghe (theo nhận xét của nhiều khán giả) vì nó không có
giai điệu, không có hòa âm đẹp, không tìm thấy những nét nhạc dịu dàng du dương
như nhiều khán giả đã mong đợi, bởi vì những gì mà khán giả chờ đợi (theo cách
nghĩ cổ điển) đã hoàn toàn bị phá bỏ, thay thế và làm mới bằng một quan niệm
khác về âm nhạc: "Tại sao âm nhạc cứ phải có giai điệu đẹp, hòa âm ngọt
ngào, tiết tấu nhịp nhàng dễ nghe?". Nếu không có những điều đó, nếu quan
niệm đó được thay thế, nếu đẩy "âm nhạc" đến với những khái niệm rộng
hơn, đa dạng hơn, thử thách hơn... thì sao?
Đêm 10/4/2005, tôi và một người bạn họa sĩ đã thực hiện
chương trình âm thanh. sắp đặt và video mang tên Vạc và Xổm, tại Hội đồng
Anh số 40 Cát Linh, Hà Nội. Chương trình dài 90 phút trong đó phần âm nhạc/âm
thanh hết 40 phút và phần Hỏi/Đáp (Q&A) 30 phút dành cho khán giả và báo
chí. Tôi đã sử dụng máy tính xách tay và những phần mềm làm nhạc chuyên dụng kết
hợp hệ thống tăng âm và loa, tạo ra không gian âm nhạc/âm thanh rộng và mạnh.
Cuối chương trình, trong phần Q&A, một số khán giả đã chất vấn tôi:
"Anh đã làm cái mà theo chúng tôi vừa được nghe, thì đó không phải là âm
nhạc, mà là âm thanh, tiếng động, và âm thanh điện tử trộn lẫn vào nhau. Vậy
theo anh, nên gọi phần trình diễn của anh là gì?". Tôi đã trả lời rằng có
thể gọi phần trình diễn của tôi là âm nhạc, cũng có thể gọi là âm thanh, hoặc gắn
cả hai vào thành âm nhạc/âm thanh cũng được.
Quả thật, trong phần trình diễn, tôi đã sử dụng tổng số 6
kênh tiếng (6 channels), trong đó có 3 kênh âm nhạc, 2 kênh âm thanh điện tử, 1 kênh tiếng động mà tôi đã thu âm từ tiếng ồn ào đến tiếng rao hàng ngoài phố.
Trong phần trình diễn, tôi đã đẩy âm nhạc sang hướng âm thanh, đưa âm thanh lại
gần âm nhạc và trộn lẫn chúng với nhau.
Tôi tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà
Nội, nghề chính của tôi là soạn nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, cho hòa tấu và độc
tấu nạhc cụ - kể cả nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng lẫn nhạc cụ truyền thống Việt
Nam. Trong lĩnh vực soạn nhạc, tôi luôn cố gắng đưa ngôn ngữ mới, phong cách mới
vào cả nhạc cụ cổ điển (nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng) lẫn nhạc cụ cổ truyền
(nhạc cụ truyền thống). Khi soạn nhạc, tôi luôn muốn thoát khỏi và thoát thật
xa khỏi quan niệm rằng âm nhạc (nhạc không lời) phải có giai điệu đẹp, hòa âm
êm tai, tiết tấu nhịp nhàng! Tại sao cứ nghĩ rằng âm nhạc phải như vậy mới là
âm nhạc? Tại sao không mở rộng ra, không thay đổi cái quan niệm đã quá cũ ấy mà
trên thế giới người ta đã thay đổi rất nhiều, đã mở rộng rất nhiều...
Cùng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và làm nghề soạn nhạc như
tôi, có một cô gái trẻ, Trần Kim Ngọc, đã tu nghiệp ở Mỹ. Một vài tác phẩm của
Ngọc gần đây soạn cho nhóm nhạc cũng đã đẩy âm nhạc lại gần âm thanh hơn và kéo
âm thanh sát với âm nhạc hơn. Trong những lần "buôn chuyện" về âm nhạc,
chúng tôi đã không nhận thấy sự khác biệt nhiều giữa âm nhạc và âm thanh, hay
nói cách khác, có thể gọi một tác phẩm (của tôi hoặc của Ngọc) là âm nhạc hay
là âm thanh, đều được, tùy vào cảm nhận của người nghe. Bản thân chúng tôi cũng
không chú ý phân biệt điều đó. Khi soạn nhạc và sau khi soạn nhạc, những cái
khó mà chúng tôi gặp phải có nhiều thứ:
- Phần đông những người trong giới nhạc không hiểu, hoặc cố
tình không hiểu, không thông cảm.
- Phần lớn khán giả vốn đã không được làm quen, không được tiếp
xúc với âm nhạc cổ điển, thậm chí đến âm nhạc cổ truyền Việt Nam họ cũng ít (hoặc
không) biết và ít (hoặc không) yêu thích, thì nghe nhạc hiện đại/nhạc thử nghiệm,
họ đã quay lưng lại.
- Người trong giới nhạc không (chưa) ủng hộ vì không (chưa)
hiểu biết về âm nhạc hiện đại/thử nghiệm, người nghe không (chưa) thích vì
không (chưa) được tiếp xúc, vì vậy mà âm nhạc/âm thanh của chúng tôi hầu như
không thể bán ra thị trường. Đã vậy, hệ thống các nhà/các quỹ tài trợ cho nghệ
thuật nói chung và cho âm nhạc nói riêng, đặc biệt là cho âm nhạc hiện đại/thử
nghiệm ở nước ta, là hầu như không có.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn soạn nhạc, vẫn làm âm thanh, vẫn theo
đuổi con đường mình thích, giống như những kẻ "hâm hâm" vậy!
Nói về chuyện âm nhạc, còn một từ nữa tôi muốn bàn thêm ở
đây, là từ "nhạc sĩ". Khi gọi một người là "nhạc sĩ" thì
người đó làm thể loại âm nhạc nào? Thật ra thì "nhạc sĩ" là một từ rất
chung chung, bởi vì cũng có thể gọi một lão nghệ nhân hát dân ca hay một cô bé
đang tập viết bài hát trong chương trình văn nghệ quần chúng là "nhạc
sĩ"
Chúng ta có thể còn chưa quen với việc gọi một người tốt nghiệp
chuyên ngành soạn nhạc tại Đại học Âm nhạc (ở ta gọi là Nhạc viện) chuyên về soạn
nhạc giao hưởng - thính phòng, là "nhà soạn nhạc" (composer), một người
tốt nghiệp chuyên ngành nghiên cứu lý luận âm nhạc và hoạt động trong lĩnh vực
này là nhà nhạc học (musicologist) hoặc nhà phê bình âm nhạc (music
criticizer), một người cũng tốt nghiệp Đại học Âm nhạc (Nhạc viện) chuyên về biểu
diễn âm nhạc là "nhạc công, hay người chơi nhạc, hoặc người biểu diễn âm
nhạc" (player), một người viết ca khúc là "người viết bài hát"
(songwriter), một người làm hòa âm và chuyên soạn ca khúc là "người chuyển
soạn" (music arranger)... và còn nhiều danh từ chuyên sâu hơn nữa.
Cá nhân tôi hy vọng và mong muốn là sẽ có thêm nhiều diễn đàn
nữa, nhiều tranh luận nữa, về các vấn đề âm nhạc nói chung, về âm nhạc đương đại
(và về âm nhạc cổ truyền) nói riêng, thúc đẩy âm nhạc Việt ngày một mạnh hơn,
giàu có hơn, đa dạng hơn.
Vũ Nhật Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét