Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Màu xanh trong thơ ca

Màu xanh trong thơ ca
Màu sắc là một nét tư duy nghệ thuật, góp phần làm nên phong cách nghệ thuật của một tác giả. Có khi, từ phương diện màu sắc, người đọc nhớ bài thơ, nhớ người sáng tác. Màu sắc, do vậy, thể hiện sự cảm nhận và chiêm nghiệm về thế giới khách quan của chủ thể sáng tạo.
“Màu sắc trong văn học chẳng những là phương tiện miêu tả thế giới, mà còn là phương tiện thể hiện cái nhìn nghệ thuật đối với cuộc đời, mang đậm màu sắc thời đại và cá tính” (Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ, NXB Giáo dục, 1997, trang, 419).
Màu sắc còn là phương diện bày tỏ quan niệm về triết học, tôn giáo, y học, văn học, hội họa, trang trí. Ở Trung Quốc, có hẳn lý‎ thuyết màu sắc về phong thủy, gắn liền với cách nhìn, cách sử dụng vật chất, vật liệu. Kiểu tư duy này, đôi lúc mang yếu tố tâm linh, huyền hoặc, pha lẫn giữa hữu hình và vô hình khi nhìn về đời sống con người và vũ trụ. (Xem Nghệ thuật sử dụng màu sắc trong cuộc sống, Đào Đăng Trạch Thiên biên dịch, NXB VHTT, 1999).
Trong các màu, màu xanh là một những màu chủ đạo của văn chương và nghệ thuật. Màu xanh cũng là màu truyền thống trong tâm thức của người phương Đông. Nó đại diện cho hòa bình, phát triển, hy vọng, thuận hòa, tươi mát. Cảm giác và nhận thức về màu xanh thường là biểu hiện của những tình cảm sâu lắng, nhẹ nhàng, sáng trong và tinh khiết.
Việt Nam là đất nước nhiệt đới, do đó, màu xanh chiếm ưu thế. Trong văn chương, đặc biệt thơ ca, ít có sự phân biệt một cách rạch ròi về các sắc độ của màu xanh, như màu xanh lá cây, màu xanh nước biển, màu xanh da trời, màu xanh ô-liu (olive green), màu xanh dương,…
Màu sắc hóa thành ngôn ngữ hay ngôn ngữ biến thành màu sắc. Khó phân biệt rạch ròi, cái nào quyết định cái nào, trong sáng tạo nghệ thuật. Nói như Đặng Phú Phong khi viết về ngôn ngữ thơ của Du Tử Lê, thì: Chữ biến màu, màu hóa chữ. Tức là, xác lập tính tương tác của hai thực thể này. Điều này rất đúng như khi Baudelaire viết:
Les parfums, les couleurs et les sons se repondent
(Những mùi hương, những màu sắc và những âm thanh tương ứng nhau)
Trong thơ ca cổ điển, tùy vào nội dung và cảm hứng nghệ thuật, các tác giả sử dụng màu xanh với nhiều cảm thức và mức độ khác nhau. Tuy màu sắc mang âm hưởng của truyền thống mỹ học phương Đông, nhưng trong thể hiện, các nhà văn, nhà thơ cổ điển vẫn có những sáng tạo riêng. Hãy xem:
Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập, phần Tự thán, bài số 29, có hai câu thơ xuất thần:
Tuổi cao tóc bạc cái râu bạc;
Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh.
Xuân Diệu trong Đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi đã có nhiều lời khen về các câu thơ này (Xem Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập I, NXB Văn học, HN 1981, trang 61, 62).
Hai câu thơ không chỉ hay về mặt niêm đối, mà còn độc dáo ở cách sử dụng từ ngữ, màu sắc, biểu thị được cốt cách cứng cỏi, tâm hồn cao thượng, dám ngẩng đầu giữa gươm giáo gian tà, đúng như Xuân Diệu viết:
“Con mắt xanh không thô lố nữa, mà sâu hoắm, thức suốt đêm cùng với ngọn đèn xanh ở giữa cái nhà nghèo, thức ngàn đêm vì ưu quốc ái dân và thức mãi mãi trong lịch sử để hỏi tội bọn nịnh thần gian ác, để chong một ngọn đèn cảnh giác đối với cái tà, cái ác, trong đời đời! “Sđd, trang 62).
Chinh phụ ngâm có 408 câu, trong đó, có 11 lần, người dịch sử dụng từ ngữ chỉ màu xanh với các sắc thái nghĩa khác nhau.
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
“Xanh kia” chỉ “ông trời”, chỉ “tạo hóa”. Các câu thơ khác nói về màu xanh với nhiều góc độ khác nhau. Có thể đó là:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai…
Màu xanh trong Chinh phụ ngâm thể hiện nhiều góc độ tâm trạng. Chinh phu ra trận, phải “Nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh/ Hoa dương tàn đã trải rêu xanh. Còn nàng vò võ nơi quê nhà, nếm đủ nỗi truân chuyên của một khách má hồng, “Vì chàng, lệ thiếp nhỏ đôi/ Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề”. Ngày tháng cứ dần trôi, nỗi buồn lo tăng lên, chinh phụ nhìn tuổi xuân đi qua: “Thoi đưa ngày tháng ruổi mau/ Người đời thấm thoắt qua màu xuân xanh. Màu xuân xanh là màu của tuổi trẻ, của khát vọng, của tình yêu và hạnh phúc. Sự hốt hoảng là tâm trạng có thật của người chinh phụ. Trạng thái tâm lí‎ đó này giống Vương Xương Linh viết trong Khuê oán:
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
Cái sắc xanh của hàng dương liễu, cái hối tiếc của người chinh phụ mà Vương Xương Linh đã tả khác nào tâm trạng của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm, có chồng ra lính! Nàng vẫn ước vọng “Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung…”. Làm sao giữ được “màu trẻ trung”, chẳng qua, nói như Lê Tuyên, đó là “Tâm thức lãng mạn kẻ lưu đày” (Xem Lê Tuyên, Chinh phụ ngâm và Tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày, NXB Đại học Huế, 1961).  
Cung oán ngâm khúc, khúc ca về một tâm trạng nuối tiếc quá khứ, lo lắng hiện tại và vô vọng về tương lai của Nguyễn Gia Thiều và đó cũng là những thảng thốt trong tâm trạng của người cung nữ. Ở tác phẩm này, Nguyễn Gia Thiều (1741-1789) chỉ có hai lần nói đến màu xanh:
– Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì (câu 104)
– Nào dạo lối vườn hoa năm ngoái
Đóa hồng đào hái buổi còn xanh (câu 246)
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nhiều lần sử dụng màu sắc để thể hiện tâm trạng nhân vật. Màu xanh với các sắc thái nghĩa khác nhau đã làm nên nét riêng của tác giả. Có khi, đó là ông trời, biểu thị lực lượng siêu nhiên: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Có khi, đó là tuổi trẻ: “Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân xanh“. Phần lớn những câu thơ khác chỉ màu xanh của thiên nhiên, của dất trời:  Cỏ non xanh tận chân trời/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh/ Chừng xuân tơ liễu còn xanh/ Sông Tần một dải xanh xanh/…
Màu trời “xanh ngắt” của Nguyễn Khuyến trong chùm thơ về mùa thu rất lạ lùng, lạ nhất xưa nay. Ba bài thơ, mỗi bài đều có một bầu trời “xanh ngắt”, chỉ có sắc độ khác nhau. Đó là:
–  Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng treo… (Thu điếu)
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe … (Thu ẩm)
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ, gió hắt hiu… (Thu vịnh)
Cái xanh ngắt của bầu trời cao rộng được nhìn từ cận cảnh đến viễn cảnh và ngược lại đã góp phần làm nên nét độc đáo của cảnh thu, trời thu và lòng người trước mùa thu. Đằng sau cái vô tận của đất trời là nỗi cô quạnh, uẩn khúc, tâm sự đau buồn trước hiện tình đất nước, một tấm lòng yêu nước thầm lặng và sâu kín với sự gắn bó thiên nhiên và làng cảnh quê hương, …
Trong bài Tiễn ông công lên trời (Ngày nay số 99, 1938), Tản Đà viết:
Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc
Chán cả giang hồ, chán cả ngông…
“Ngày xanh như ngựa”, một sáng tạo của Tản Đà, ý nói thời gian trôi nhanh quá, như vó câu qua cửa sổ, thoáng chốc, tuổi trẻ qua đi, đầu chưa xanh đã bạc. “Xanh” đối lập với “bạc”, hai màu sắc là hai khoảng cách của một đời người. Nhưng, Tản Đà nhất, chính là câu sau:”Chán cả giang hồ, chán cả ngông”. Tản Đà viết mấy câu thơ này trước ngày mất một năm (1939), như dự cảm về một cuộc vân du vô tận, bỏ lại trần gian, bỏ “cả giang hồ”, “cả ngông”, làm:
Cái hạc bay lên vút tận trời… (Tống biệt)
Trong thơ ca lãng mạn giai đoạn 1930-1945, có nhiều nhà thơ sử dụng thành công về màu sắc. Với Hàn Mặc Tử, trong Mùa xuân chín và Đây thôn Vỹ Dạ đều có màu xanh mang dáng vẻ trong sáng, hiền hòa, nhẹ nhàng. Một bức tranh thiên nhiên được tô đậm bởi những màu sắc, âm thanh, giai điệu vui tươi, trong trẻo, đầy sức sống:
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.
(Mùa xuân chín)
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền …
(Đây thôn Vỹ Dạ)
Nguyễn Bính trong bài thơ Xanh (1939), viết:
Xanh cây xanh cỏ xanh đồi
Xanh rừng xanh núi, da trời cũng xanh
Hai câu lục bát 14 từ, có đến 6 từ chỉ màu xanh. Màu xanh như bao trùm cả không gian. Cận cảnh là những cỏ, những đồi, xa hơn là những cảnh rừng, núi và ngút mắt đấy là nền trời xanh. Lối mô tả theo khuynh hướng hội họa này, ta cũng bắt gặp đôi lần trong thơ Nguyễn Bính.
Vân Đài có mấy câu thơ thật hay về màu xanh:
Ở đây mây núi xanh như nước
Mà giữa thuyền câu nở cánh đào
Vũ Hoàng Chương (1916-1976) có hai câu thơ đậm chất suy tư và triết luận:
Từ phen Trái Đất ra đi
Lệ chia phôi đã xanh rì trùng dương
(Nhịp trúc mùa thơ)
Trái đất và đại dương là hai thực thể vừa địa lý vừa tâm linh đối với con người. Từ trái đất nhìn ra đại dương, con người thấy cái lớn lao của biển cả, cái mênh mông của trùng khơi và cũng thấy cái nhỏ bé của con người. Từ biển cả, đại dương nhìn về chân mây mặt đất thấy cái vời vợi của xa cách, của “đáo bỉ ngạn”.
Ôi chao, giữa Trái đất và Trùng dương là giọt lệ chia phôi. Giọt lệ ấy làm “xanh rì” cả “trùng dương”, một trùng dương vốn đã xanh bất tận.
Ở Túy hậu cuồng ngâm, lại găp một Vũ Hoàng Chương cay đắng, u uất với nỗi buồn không nguôi. Ba mươi năm với “chông gai mênh mông”, “lều nát trơ trơ, ngõ mưa lầm lội”, “trăng lạnh, hồn mờ”, “mây cao đơn chiếc cánh chim bằng”, rồi tự hỏi:
Há vì cơm áo chẳng no lành
Há vì đời không mắt ai xanh
Tìm đâu để có đôi mắt xanh, chia sẻ tâm sự, tìm tiếng nói tri âm, tri kỷ? Vì thế, dưới mắt Tạ Tỵ, thơ Vũ Hoàng Chương là tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc:
Sao lòng ta đêm nay buồn không thể nguôi
Niềm u uất dâng cao hề tháng ngày trôi xuôi.
Với thơ hiện đại, màu xanh rất đa sắc. Theo thống kê của nhà thơ Lê Minh Quốc, trong tập thơ Tự hát (NXB Tác phẩm mới,  6-1984), Xuân Quỳnh sử dụng màu xanh với tần số xuất hiện hơn 40 lần qua 35 bài thơ. Trong khi đó, ở trường ca Đường tới thành phố (NXB Văn học - 1985) của Hữu Thỉnh trong hàng ngàn câu thơ thì tần số màu xanh xuất hiện chỉ 4 lần. Đậm dặc hơn  cả, đó là Thơ Việt Nam 1945 -1985 (NXB Văn học - 1985), gồm 124 nhà thơ được tuyển chọn với 215 bài thơ, ta thấy tần số màu sắc xuất hiện như sau: màu xanh tần số xuất hiện là 191 lần, ít nhất là mùa nâu 4 lần, màu vàng 63 lần, màu đỏ 67 lần, màu trắng 56 lần, màu tím 43 lần. (Xem Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số ra ngày 13-6-1986).
Trong những ngày đất nước phân ly, từ bờ bắc của con sông tuyến, nhìn về phương nam, trong bài thơ Nói chuyện với Hiền Lương, Tế Hanh có hai câu thơ thật hay:
Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị
Tận chân trời mây núi có chia đâu.
Màu xanh của bầu trời quê hương trở thành nỗi niềm tha thiết về một đất nước vẹn toàn, không cắt chia, trở thành khát vọng thống nhất bắc nam.
Vậy mà, gần 40 năm sau ngày đoàn viên của dân tộc, nhà thơ trẻ Ngô Liêm Khoan, với bài thơ dài, Những tấm ván trên cầu Hiền Lương, 67 câu, cũng màu xanh đôi bờ giới tuyến, nhưng:
Hơn ba mươi năm cỏ mấy bận ngút xanh
Chỉ ngại lòng người chưa bén rễ
Nghĩa là, vẫn còn những lằn ranh của ánh mắt phía bên này với chớp lửa phía bên kia, dầu cây cầu chỉ dài 178 m. Điệp khúc những tấm ván trên cầu Hiền Lương, cứ lặp đi lặp lại ở các khổ thơ, như xoáy vào trái tim người đọc về vết hằn lịch sử chưa nhòa, nhói đau. Cầu đã nối hai bờ vui nhưng lòng người còn “hẫng hụt”, mong manh”, như đi qua “vực thẳm”.
Cũng nghĩ từ dòng sông, Nguyễn Đình Thi viết Dòng sông trong xanh vào năm 1972 ở thời điểm: “Qua tháng qua năm/ Tôi đã đi/ Gập ghềnh nhiều đoạn đường/ Sương mù gió lửa/ Trải buồn vui ngọt đắng”, để hôm nay, trở về bên dòng sông năm xưa, soi bóng nước, chiều nay, tâm hồn như chùng xuống:
Lòng tôi vẫn là dòng sông nhỏ
In bóng mây trời
Dòng sông trong xanh…
Nguyễn Đình Thi có lúc thảng thốt, tự hỏi :”Về đâu mây buổi sớm/ Về đâu nắng buổi chiều/ Trên trang thư vội vã/ Dòng chữ viết về đâu”… Cho nên, Nguyễn Đình Thi-tiếng chim từ quy đầy thao thức ấy - vẫn cứ quay quắt tìm về khung trời cũ-một khoảng trời xanh kia.
Xuân Quỳnh, nhà thơ có những câu thơ hết sức lãng mạn về màu sắc. Đó là cách thể hiện riêng về cảm nhận màu, như: ”màu mơ phai”, “màu li biệt”, “màu yêu”,… Không gian thơ Xuân Quỳnh là không gian hướng ngoại, vì thế, ta dễ bắt gặp các sắc màu cụ thể. Chỉ có điều là, qua tâm hồn nhà thơ, màu sắc đó nhòa đi tính hiện thực, chỉ còn thấy cảm xúc và tâm hồn nghệ sĩ trước bao la đất trời. Có thể, đó là màu trời xanh sẵn có ở trên đầu (Chúng tôi), là trời mới xanh trước mỗi hiên nhà (Những lớp người cùng bài hát ra đi), cũng có thể là nỗi nhớ lên xanh cả cánh đồng (Hậu phương) hoặc đó là Cỏ bờ đê rất lạ/ Xanh như là chiêm bao (Con chả biết được đâu) hay như trời xanh với tấm lòng đang hát, có khi là: nên tháng ngày xanh mãi không thôi (Bãi cỏ bên kia thành phố), có khi bâng khuâng: Ơi trời xanh - xin trả cho vô tận/ Trời không xanh trong đáy mắt em xanh (Nếu ngày mai em không làm thơ nữa).
Thi Hoàng trong bài thơ Ở giữa cây với nền trời, có những câu thơ về màu xanh thuộc vào loại hay nhất trong thơ ca hiện đại. Nói đến Thi Hoàng, không ai không nhớ:
Dường như là chưa có buổi chiều nào
Xanh như buổi chiều nay, xanh ngút mắt…
Sắc diệp lục um tùm đang nói thế
Sắc trời xanh day dứt chẳng vô tình…
Trời thì xanh như rút ruột mà xanh
Cây thì biếc như vặn mình mà biếc…
Một kiểu so sánh tài hoa với các từ “rút ruột”, “vặn mình”, như không còn sự nỗ lực nào lớn hơn để chỉ cái “xanh” của trời và cái “biếc” của cây.
Nguyễn Duy có bài thơ Tre xanh nổi tiếng. Hình tượng “cây tre” và “màu xanh” của tre xuyên suốt bài thơ, làm nên sức sống mãnh liệt, bất diệt, đầy kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam:
Mai sau, mai sau, mai sau
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh
Với mỹ học phương Đông, tre trúc luôn là biểu tượng của sự cứng cỏi, cao qu‎í. Ý nghĩa đó, với Nguyễn Duy đã hòa quyện trong từng hình ảnh thơ.
Hoàng Hữu (1945-1981) trong Hai nửa vầng trăng với bao nỗi niềm bâng khuâng, xa vắng, ngậm ngùi. Bài thơ dát đầy trăng là trăng nhưng trăng đấy là trăng của một nửa, của mờ tỏ, của hao khuyết, mặn chát, khuất nửa ở trong nhau, của ai đó bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời. Ý niệm và hoài vọng về tình yêu và hạnh phúc vời vợi, không cùng, tan vào trong tiếng khóc: Em đã khóc…/ Em đã khóc..
Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa như đời anh, một nửa…
Lê Đạt, một phu chữ, không chịu tĩnh tại khi sáng tác. Chữ nghĩa, sáng tạo, với ông là “một nắng hai sương trên cánh đồng chữ”. Trong Tỏ tình, ông viết:
Liễu đầu cành
độc thoại đoạn trường xanh
Câu thơ làm ta nhớ đến Chinh phụ ngâm: Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng? Cái hay của câu thơ Lê Đạt là đối sánh cái màu xanh của cây liễu với màu xanh của nỗi đoạn trường. Đoạn trường mà cũng có màu! Một vật hữu hình được đưa ra so sánh với cái vô hình. Một thứ cảm nhận bằng thị giác (liễu đầu cành) so với một thứ chỉ cảm nhận bằng suy tư (độc thoại). Một cách nghĩ độc đáo. Thêm nữa, giữa hai biên độ của màu xanh là lời  “độc thoại”.
Phan Vũ có “màu xanh thời gian” trong Em ơi Hà Nội phố:
Ta còn em một màu xanh thời gian….
(Phan Vũ, Em ơi Hà Nội phố)
Văn chương Pháp thường nói thời gian màu xanh. Vì vậy, Đoàn Phú Tứ mới viết trong bài thơ Màu thời gian về sắc xanh của tiếng chim, màu xanh của gió thoảng và màu thời gian không xanh/hương thời gian thanh thanh. Đoàn Phú Tứ và Phan Vũ đều nhận ra sắc biếc của thời gian hay chính thời gian đã làm xanh hóa cảm xúc trước cái đẹp của tạo vật.
Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ tiên phong trong đổi mới ngôn ngữ thơ tại miền Nam trong những năm trước 1975, có Lệ đá xanh. Thi sĩ viết:
Em biết không
Lệ là những viên đá xanh
Ôi những người khóc lẻ loi một mình
Đau đớn lệ là những viên đá xanh…
Đặc điểm ngôn ngữ thơ Thanh Tâm Tuyền là tính chất đa thanh, đa nghĩa. Các từ kết hợp với nhau bằng những trường liên tưởng, tạo nên một thứ ngôn ngữ không dễ đập vỡ. Cấu trúc ngôn ngữ thơ Thanh Tâm Tuyền có khuynh hướng đi về phía hàm ngôn, huy động sự tưởng tượng trong cảm nhận.
“Lệ”, giọt nước mắt của nhân gian, là thực thể mong manh, dễ tan loãng nhưng dễ làm mềm yếu lòng người. Vậy mà, lệ” lại được nhà thơ đặt nằm cạnh một vật thể cứng rắn, thô ráp, đó là “đá”. Giữa hai thực thể này, nhà thơ đưa vào đó màu xanh, kết thành một “lệ đá xanh”. Những giọt lệ như những viên dá xanh, lăn qua trái tim, rơi giữa những vì sao, giữa ngọt ngào đôi môi em, đầy cỏ hoa tinh khiết. Lệ dá xanhđã tạo nên sắc thái biểu cảm mới, cách nói mới, vừa long lanh vừa mạnh mẽ.
Những câu thơ của Thanh Tâm Tuyền khiến chúng ta nhớ đến sự tích đá vọng phu. Chính những giọt lệ của nàng chinh phụ, đau đớn chảy theo thời gian, đã hóa thành đá, làm thổn thức bao trái tim, khóc lẻ loi, những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình.
Bài thơ này đã được Phạm Đình Chương, Cung Tiến và Phạm Quang Tuấn, phổ thành ca khúc.
Tố Hữu là nhà thơ hiện đại sử dụng phong phú về màu sắc, trong đó có màu xanh. Hãy xem tần suất màu xanh trong các tập thơ của Tố Hữu.
Từ âý: 22 lần sử dụng màu xanh, Việt Bắc: 23, Gió lộng: 24, Ra trận: 45, Máu và Hoa: 36, Một tiếng đờn: 37, Ta với ta: 23.
Màu xanh trong thơ Tố Hữu thường mang vẻ bình dị, gắn bó với đời thường, với ước mơ:
Lại là đất xanh tươi cuộc sống
Và xanh nhất màu xanh hy vọng (Xuân 69)
Trong tập thơ Một tiếng đờn, NXB Văn nghệ TPHCM, 1993, có 72 bài, viết từ sau 1975 đến 1992.  Tác giả nói rõ, màu tôi yêu là những màu xanh/ Của núi sông, trời biển trong lành/ Đằm thắm màu xanh nghìn năm đất nước. Do vậy, dù có qua bão táp, dù chiến tranh thiêu đốt, dù máu có rơi, nước mắt có tràn, thì:
Màu xanh lại càng tươi càng mát
Màu xanh bình yên, màu xanh bát ngát
Ôi! màu xanh thăm thẳm của hồn ta
Việt Nam! Việt Nam, màu xanh hát ca…
(Màu tôi yêu)
Vẫn trái tim hồng, yêu vô cùng cái tươi xanh của ruộng đồng, bờ bãi, của đất trời sông núi quê hương. Tố Hữu, một đời làm thơ chỉ mong là họa sĩ của những màu xanh.
Đà Nẵng,1/2015
HUỲNH VĂN HOA
Theo http://newsthoidai.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...