Mời các bạn đọc bài phỏng vấn “Internet - Kẻ thù của ngôn ngữ
và tư duy”, được đăng trên Đẹp
Online vào ngày 24 tháng 1 năm 2014. Trong bài phỏng vấn này, rất nhiều vấn
đề liên quan đến tư duy thời Internet đã được đặt ra.
Internet là nơi các giá trị ảo được tạo ra bằng niềm vui
– Chúng ta nói về tít của bài báo này trước chị nhé. Bạn tôi
có hỏi là làm thế nào để thuyết phục được chị nói một câu cực đoan như thế.
– Cái tít này rất giật gân, gây sốc. Nhưng bây giờ nếu không
có tít giật gân thì người đọc lơ luôn. Ngày xưa, trước khi Internet ra đời, báo
chí không bị như thế. Đây chính là một ví dụ cho thấy Internet là kẻ thù của tư
duy, rõ nét nhất trong việc giật tít. Có thể trong cả bài phỏng vấn này các bạn
sẽ thấy tôi chẳng hề coi Internet là kẻ thù chút nào.
Không biết có bao nhiêu bài báo có cái tít chả liên quan gì đến
nội dung, những cái tít loằng ngoằng tỏ ra nguy hiểm? Dần dần điều này hình
thành nên thói quen lối tư duy vội vã, bị thu hút bởi vỏ bọc hơn là thực chất.
– Tức là người ta đang bị những thứ giật gân, gây sốc lôi đi?
– Số đông luôn luôn bị “lôi đi” theo một cách nào đó. Nếu ở
thời trước người ta bị “lôi đi” bởi những lời hứa hẹn lý tưởng, những giấc mơ về
cuộc sống thiên đường, đến thời đại Internet, việc tương tác liên tục khiến tư
duy con người bị phân mảnh, thông tin bị nhiễu loạn kinh khủng, một ngày không
biết có bao nhiêu tin tức, nên người ta cần một cái gì đấy đập thẳng vào mặt,
thật sốc, thật scandal.
Trong phim “The
Artist” (Người nghệ sĩ), nhân vật có nói một câu: “Muốn cho người khác
nghe thấy tiếng nói của bạn thì hãy hét thật to”, nếu không to mồm, không
gây sốc, không nói những thứ đao to búa lớn thì chẳng ai để ý đến tiếng nói của
bạn. Dù bạn có nói hay đến đâu chăng nữa, thông điệp của bạn cũng sẽ bị chìm
nghỉm giữa một bể thông tin.
Có hai cách để một thông tin được lan truyền mạnh mẽ trong thế
giới Internet, một là phải được lặp đi lặp lại nhiều lần, hai là phải thực sự
gây một ấn tượng mạnh. Hãy tưởng tượng một cái chợ mà ai cũng cố rao thật to, một
ban nhạc mà nhạc công lúc nào cũng sợ tiếng nhạc của mình bị bạn diễn lấn mất, đầu
óc chúng ta sẽ bị bùng nổ bởi sự ồn ào của nó, tới mức chúng ta chỉ biết thụ động
tiếp nhận thông tin mà không còn sự chủ động tư duy nữa.
– Hoặc là thông điệp chưa đủ hay đến mức mọi người phải lắng
nghe?
– Cái hay, dù gì đi nữa, cũng phải nằm trong một hệ thống,
nhưng sự ra đời của Internet đã phá vỡ cái tính hệ thống trong tư duy con người.
Lối viết theo kiểu tư duy liền mạch ngày xưa cần phải có trình tự, có A rồi mới
có B, có C. Có thể ý C hay nhất nhưng lại nằm ở giữa bài, để đi đến đó cần một
trình tự, cần một logic.
Internet chỉ quan tâm đến những gì hay ho nhất, đặc sắc nhất,
nổi loạn nhất. Internet đã đẩy những cái nổi loạn ấy lên trên, và thực ra nó cắt
bớt phần hệ thống đi. Nó chỉ tập trung vào mỗi cái giật gân, và gây ra hệ quả
là con người chộp giật nhiều hơn, ăn nhanh nhiều hơn. Bây giờ thực ra không phải
là thời đại Internet, mà là thời đại mọi thứ đều ăn liền.
Một người bạn làm admin cùng tôi tại Book Hunter Club, dân
công nghệ thông tin, có đưa ra nhận xét: “Chúng ta mới ở giai đoạn đầu săn
bắt, hái lượm thông tin trên Internet.” Tôi rất thích thú với ý kiến
này. Không chỉ Việt Nam mà ngay cả thế giới, tất cả đều đang ở trong buổi sơ
khai của nền văn minh mới, có cái tên gọi là Kỷ nguyên Thông tin. Bởi thế, sự
nhiễu loạn là không thể tránh khỏi, cái cảnh “hoa sen xuống dưới, bèo trèo lên
trên” là chuyện có thể hiểu được. Tuy nhiên, thời gian là thước đo giá trị chuẩn
mực nhất. Đời sống của bèo thì rõ ràng là ngắn hơn so với hoa sen.
– Hoặc có thể nhìn theo hướng: vì con người như thế, nên
Internet như thế, chứ không hẳn con người đã là nạn nhân?
– Con người có hai phần, phần Con và phần Người. Phần Con
luôn có xu hướng bầy đàn, cần tính tập thể, cần sự dẫn hướng, nếu không nô lệ
ông chủ thì cũng nô lệ con đầu đàn, cái phần Con đó luôn có nhu cầu bị lôi kéo.
Những người tạo ra hệ thống truyền thông nắm bắt được tâm lý ấy của con người
và luôn đưa ra những cái tiện dụng hơn, nhanh hơn, hấp dẫn hơn, nói ngắn gọn là
trình độ lừa mị cao.
Đây là truyền thống lâu đời từ nhiều thiên niên kỷ rồi, nhưng
giờ đây với Internet, quá trình này được đẩy nhanh hơn, mạnh hơn. Có một câu
nói của Aaron Swartz, anh chàng sinh năm 1986 (bằng tuổi tôi), một anh hùng chiến
đấu cho quyền tự do thông tin tại Hoa Kỳ, thể hiện rõ nhất điều tôi muốn
nói: “Thông tin là quyền lực, và giống như mọi dạng quyền lực khác, nhiều
người muốn giữ nó cho riêng minh”. Chừng nào con người còn thích lệ thuộc,
chừng ấy còn là nạn nhân của hệ thống truyền thông trên Internet.
– Nhưng nếu thỏa hiệp, chúng ta có thể khai thác các lợi ích
khác của nó?
– Không nhất thiết phải thỏa hiệp. Internet là công cụ, không
phải con người, không phải tổ chức. Internet là một không gian ảo và chúng ta
có quyền chiếm một chỗ ở đó rồi đi lang thang bất cứ nơi nào mình muốn. Chưa
bao giờ chúng ta có cơ hội để tiếp cận với kho kiến thức của nhân loại từ cổ
chí kim, từ đông sang tây một cách thoải mái như hiện nay. Chưa bao giờ ranh giới
quốc gia được xóa nhòa như hiện nay, các khoảng cách về không gian địa lý, niềm
tin lý tưởng… dần dần bị thu hẹp lại. Riêng ở trên không gian ảo này, một phần
nào đó của con người xích lại gần nhau hơn. Những tiếng nói của chúng ta đến được
với nhau, chúng ta có thể thể hiện những điều ngoài đời thật rất khó để thể hiện.
– Chị có nghĩ là lên Internet là một tất yếu?
– Thực ra Internet rất hay, tôi vẫn hy vọng Book Hunter tận dụng
được toàn bộ lợi thế của Internet để giúp cho con người bình thường có thể tạo
ra một hệ thống tự giáo dục cho mình.
Nhưng đồng thời, Internet là mảnh đất cho nhiều giá trị ảo
sinh sôi nảy nở, và nó dẫn dụ con người đi theo những giá trị ảo ấy. Hơn thế nữa,
ở trên Internet, đành rằng chúng ta có thể dễ dàng thể hiện tiếng nói với nhau,
nhưng có một vấn đề là chúng ta mất đi khả năng thấu hiểu tiếng nói.
Lắng nghe nhau để làm gì nếu không có sự đồng cảm, không có sự
trao đổi cảm xúc? Nó làm phần não phải của chúng ta (vốn dĩ đã kém rồi) nay lại
càng kém hơn. Internet ra đời vì nhu cầu con người luôn muốn được gần nhau hơn,
nhưng rõ ràng nó chưa tạo được điều đó. Rất buồn cười là để con người có thể gần
con người hơn lại phụ thuộc vào chính con người chứ không phải phụ thuộc và một
hệ thống mạng nào đó do chính con người tạo nên.
– Hoặc có một suy nghĩ khác: con người chỉ nhìn thấy những gì
họ muốn thấy. Nếu họ muốn nhìn thấy cái ảo, thì kể cả không nhờ Internet, họ vẫn
nhìn thấy thôi.
– Cái “giá trị ảo” mà chị định nói là gì?
– Là khi một tiêu chuẩn, một giá trị bị lặp lại nhiều lần, trở
thành mặc định chung cho đám đông, và con người bị cuốn theo cái tiêu chuẩn ấy.
Trong lời giới thiệu cho Book Hunter, chúng tôi có nói đến chuyện chống chủ
nghĩa tiêu dùng, hay còn gọi chủ nghĩa tiêu thụ. Các tập đoàn kinh tế phải kích
cầu, rồi tạo ra các hình ảnh ngôi sao thế này thế nọ, hàng hiệu thì phải thế
này thế kia… Uống cà phê ABC mới thành con người đích thực, các bác elite đưa
ra chuẩn mực dựa trên ý muốn của tập đoàn… Đấy là những giá ảo mà ta thường hay
gặp.
Ngày xưa, sách vở, báo chí còn ít, hơn nữa, người ta dùng quyền
lực để áp chế. Áp chế bằng quyền lực thì không bền. Còn ngày nay, Internet thu
hút con người, các giá trị ảo ấy được tạo ra bằng niềm vui, nên nó lại càng hấp
dẫn. Tuy nhiên, lỗi không phải ở Internet, mà ở người sử dụng Internet,
Internet chỉ nguy hiểm hơn vì lưu lượng truyền thông của nó mạnh hơn.
– Cũng vì lưu lượng mạnh hơn, nên nói chuyện những thói xấu của
cư dân mạng, tôi nghĩ trước giờ người ta vẫn có những thứ xấu xí như thế, nhưng
từ ngày có Internet mà chúng được bộc lộ ra nhiều hơn mà thôi.
– Đúng rồi. Internet là một cơ hội, là cơ hội cho người ta bộc
lộ tất cả những cái xấu đó ra.
“Tôi chuyển từ hái lượm sang gieo trồng thông tin tốt”
– Chuyên
gia Nguyễn Trần Bạt từng nói với tôi: những cái xấu của con người hiện
giờ chỉ là trạng thái, chứ không phải bản chất của họ. Con người vẫn đáng yêu nếu
họ đáng yêu, vẫn đáng thương nếu họ đáng thương.
– Chú Bạt là người rất khôn ngoan trong việc sử dụng ngôn từ.
Đây chỉ là hai cách nói của một vấn đề thôi. “Đáng yêu” hay “đáng thương” là
cách nói dành cho kẻ yếu, bé nhỏ. Không bao giờ người ta nói một người mạnh mẽ,
giỏi giang là “đáng yêu” hay “đáng thương” cả.
Đương nhiên, Internet vừa là ràng buộc, vừa là lối thoát,
nhưng vấn đề là có nhiều người nhìn thấy lối thoát không? Có một chuyện khá hài
hước là một lần mấy học giả ở thế kỷ mười một, mười hai đến thế kỷ này, họ rất
ngạc nhiên khi đứng trước những kho ebook đồ sộ, thế nhưng chẳng mấy ai xem. Đa
phần con người chỉ quan tâm đến chụp ảnh tự sướng và share câu like…
– Chị có bao giờ nghĩ về tương lai xa không?
– Con người sẽ bị nô lệ nhiều hơn. Đây là thời đại của những
kẻ chỉ tiêu dùng thông tin, mà luôn luôn là thông tin thứ cấp. Nó tạo ra một lớp vĩ nhân
Facebook rất nguy hiểm. Thêm vào đó, khi cần làm một cái gì đó sáng tạo,
cần hệ thống, lộ trình… thì người ta không làm được.
Tôi chả dám nghĩ đến tương lai xa, tương lai là thứ rất khó nắm
bắt, còn hiểu biết của tôi thì quá hạn hẹp. Tôi và những người bạn trong Book
Hunter của tôi chỉ cố gắng hết mình chuyển từ săn bắt hái lượm thông tin sang
gieo trồng những thông tin có giống thật tốt để tạo ra sản phẩm có thể tích trữ
lâu dài. Và điều đó thì cần rất rất nhiều kiên nhẫn.
– Vậy đây là câu chuyện của sự im lặng và kiên nhẫn?
– Internet không hề tốt với những người đang ở giai đoạn đầu
học tập, tìm tòi, vì nó làm người ta mất tập trung. Cuối cùng thì người ta chẳng
học cái gì đến đầu đến đũa cả.
Tôi có nói đến chuyện Internet là kẻ thù của ngôn ngữ. Người
ta không sử dụng ngôn ngữ hình tượng, lời lẽ bóng bẩy, ý tứ thâm sâu… trên
Internet, mà đây là thứ ngôn ngữ làm não phải phát triển phần tư duy hình ảnh,
cách giải mã vấn đề… Ví dụ, bạn có một biểu cảm khác thường nào đó thì những
người dùng Internet triền miên sẽ không nhận ra đâu, vì mọi thứ đều tiện lợi,
nhạt nhòa, ngôn ngữ ngày càng tắt và nghèo nàn đi. Đấy là lý do người ta nói
Internet làm con người vô cảm là vì thế.
Hơn nữa, tư duy của con người sẽ dần dần bị đơn giản hóa đi,
tư tưởng nông hơn. Sẽ thế nào nếu con người dần dần giống nhau một lối nói cộc
lốc, cụt ngủ, cùng một tư thế cắm mặt vào iPhone – iPad, và bạn đã thấy nguy cơ
cho sự hình thành bầy đàn kiểu mới chưa?
– Xét đến cùng thì sự thiếu kiên nhẫn dẫn đến nhiều thứ: bị dắt
mũi? Vĩ nhân ảo? Bị kích động…?
– Đúng. Con người vốn dĩ đã thiếu kiên nhẫn. Nhưng khi nhịp sống
chậm và lưu lượng thông tin chảy vào từ tốn, con người không bị thúc ép và có
thời gian để suy tư nhiều hơn. Giờ đây mọi thứ đều vận hành rất nhanh. Bạn sẽ
tư duy sâu vào lúc nào nếu suốt ngày online trên Facebook, đếm từng cái like,
trả lời từng cái comment và lang thang khắp các trang nhảm nhí?
– Nếu Internet là cái loa làm phóng lên mọi thứ, tại sao cái
tốt đẹp không được phóng lên?
– Thế mới khổ! (Cười). Tôi chỉ có thể nhắc lại rằng, chúng ta
vẫn đang trong thời “săn bắt hái lượm”, mà đi săn thì hên xui lắm! Có lẽ chúng
ta đang đi săn chưa đúng mùa đó thôi.
– Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!.
Linh Hanyi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét