Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Sống dễ lắm

Sống dễ lắm 
Trường Sư phạm tỉnh miền núi mở lớp tập huấn cho giáo viên vùng cao vào cuối tháng 7. Có 11 người và họ đều là những giáo sinh trẻ lần đầu đi dạy học. Bạn đọc ở đô thị chắc hiểu ít về các trường học vùng cao cách đây ba, bốn mươi năm.Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng không ở đâu buồn tẻ hơn và ít vụ lợi hơn ở đấy, còn việc hình dung và dành tình cảm cho nó ra sao tuỳ bạn.
Cuối tháng 7, ở Tây Bắc mưa nhiều và những đợt lũ quét bất ngờ có thể gây nên những tai hoạ không thể lường trước được. Người ta cử ông giáo Chi mang những tài liệu sách vở đến giảng cho lớp tập huấn nhưng trên đường từ tỉnh lị về trường, khi qua suối, ông giáo Chi bị nước cuốn sạch đồ đạc. Mười một giáo sinh ra đón ngài thanh tra giáo dục, họ nửa khóc nửa cười khi thấy một ông già gày gò, mình trần thân trụi ướt như chuột lột đang ngồi rét run cầm cập.
Tất cả những nghi lễ và dự định cho lớp tập huấn giáo dục bỗng vứt đi hết vì lí do bất ngờ, những qui định ứng xử giữa ông giáo Chi và đám trẻ bỗng xoay ra hướng khác hẳn.
Ông giáo Chi được các cô con gái thân mật gọi là "bố" mặc dầu ông nửa đùa nửa thật nói rằng mình thích được coi là "bạn thân" hoặc "anh giai" hơn. Các cô con gái trổ tài may vá và ông giáo Chi lập tức có ngay hai bộ quần áo được "cải tạo" từ đám quần áo cũ của họ. Hai cậu con trai không tỏ ý thân thiện gì với "bố", dưới mắt họ ngài thanh tra giáo dục "xuống cấp", trở thành một tay dấm dớ chẳng ra gì. 
Tuy nhiên, đúng ngày đúng giờ, lớp tập huấn giáo dục vẫn được bắt đầu như thường lệ, y như qui định của Bộ giáo dục tận mãi Thủ đô. Ông giáo Chi vốn xuất thân là lính, ông coi nhiệm vụ trên hết và không có gì ngăn cản ông làm nhiệm vụ được giao. Không có giấy bút gì, ông giáo Chi đĩnh đạc đứng lên bục giảng có các cô con gái vây quanh, hai cậu con trai bất đắc dĩ phải ngồi cùng, không phải vì nể ông giáo mà vì nể các cô con gái.
- Dạy học là nghề sống dễ lắm! - Ông giáo Chi bắt đầu bài giảng của mình.
- Nếu lương ít, lại không có thực phẩm thì làm sao? Ở các vùng cao lấy đâu ra chợ? - Các cô giáo trẻ lần đầu sống xa nhà lo lắng hỏi ông.
- Phải trồng rau chứ! - ông giáo Chi trả lời. Nuôi lấy vài con gà... Ngày xưa, tớ (ông giáo Chi xưng "tớ" chứ không xưng "bố")... tớ nuôi cả lợn. Chiều ba mươi Tết thịt lợn, đánh tiết canh... thật không có gì vui như thế... vui như Tết!
- Tất cả là do tự nhiên điều chỉnh hết! - ông giáo Chi nói - Mình cứ sống thôi! Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống...Cũng cần phải biết một ít kĩ năng, như cách thiến gà... Phải biết một số cây thuốc cầm máu, biết phân biệt các thứ nấm độc...Tớ có kinh nghiệm không nên tin cái gì đẹp đẽ quá...
Ông giáo Chi đưa bọn trẻ vào rừng, ông chỉ cho họ cách tìm các cây rau ăn được, các cây thuốc, cách tìm phương hướng khi lạc rừng nhờ vào việc xác định rễ ở các gốc cây.
Buổi tối, họ ngồi tập hát, ông giáo Chi dạy họ bài hát về nghề dạy học:
          "Tôi không quên những giờ lên lớp đầu tiên
          Khi bước về ngôi trường xa
          Trang sách trắng tinh
          Với nét phấn đơn sơ vụng về
          đừng hỏi vì sao tôi yêu dấu... "
- Dạy học không có gì khó cả! Sống dễ lắm! - Ông giáo Chi lại nói - Mình cứ hình dung mình là đứa bé, đứa bé cần gì thì dạy thứ ấy... đừng dạy nó thứ không cần...
- Sống dễ lắm! - Ông giáo Chi lại nói - Giáo dục... nghĩa là tha bổng... Hễ có tội là tha... trẻ con không có tội gì... Sống nghĩa là sai lầm, là mắc tội... Mình phải yêu mạng sống
của chúng như yêu mạng sống của mình...
- Thế còn tình yêu? - Những cô gái trẻ náo nức hỏi.
- Tớ không biết... - ông giáo Chi lúng túng trả lời - Nhưng có sự hi sinh... nghĩa là cay đắng...Tình yêu là mang cho nhau lời nguyện cầu tốt đẹp, những cử chỉ thân tình âu yếm,
dục vọng, lòng ham sống... tóm lại là cảm giác...
- Nói dối! - Một trong hai cậu con trai sầm mặt lại, chửi thề rồi nói khẽ qua kẽ răng. Đấy là Dân, tay thanh niên sinh ra ở thành phố - Nó hơn thế nhiều...
- Cậu thì bao giờ cũng coi cậu đúng còn mọi người là dối trá hết! - Ông giáo Chi buồn bã nói
- Cậu không dạy học được.Cậu chỉ đi chiếm đoạt và áp chế người...Cậu giống "sếp" của tôi.
- Để xem - Anh chàng Dân trả lời - Nhưng dạy học đâu có phải là nghề tốt nhất trên đời phải không?
- Tớ không biết! - Ông giáo Chi thừa nhận - Có lẽ thế thật!
- Nhưng chúng ta đang nói chuyện về tình yêu cơ mà? - Các cô giáo trẻ vẫn không bằng lòng với cách giải thích của ông giáo Chi.
- Hỏi làm gì? Rồi trước sau ai cũng biết hết... - Cậu con trai tên là Hiếu bẽn lẽn chen vào. Khác với Dân, anh chàng Hiếu là một thanh niên nông thôn rụt rè.
- Đúng đấy! Trước sau gì ai cũng biết hết... Rồi sẽ được ăn đòn cả thôi! Đừng có vội! Đừng có sốt ruột! - Anh chàng Dân nói xong thì cười nửa miệng.
Các cô gái trẻ đòi ông giáo Chi kể về tình yêu. Ông giáo Chi từ chối mãi không được, cuối cùng ông đành nói:
- Có lẽ tớ đã yêu rất sớm... - Ông giáo Chi đỏ mặt thú nhận - Từ khi tớ còn là học trò...Mà người tớ yêu lại là cô giáo. Cô giáo đi vào lớp, tớ ngắm nghía như muốn nuốt chửng cô ta. Sau này tớ rất xấu hổ, rất ân hận...
Hai cậu con trai tỏ vẻ khinh bỉ đứng lên bỏ ra khỏi lớp. Ông giáo Chi ngồi im. Ông biết ông đã dại dột nói ra điều không nên nói. Ông là một nhà giáo dục thất bại. Các cô gái an ủi ông:
- Bố lại bịa, phải không? Sao bố lại đi bịa như thế để cho người ta coi thường bố? Chúng con biết bố có một tình yêu cao thượng, có phải không?
- Ừ ừ... - Ông giáo Chi trả lời - Cao thượng... riêng tư... nhưng tớ có lỗi... tớ ích kỉ... mà lại hèn...Cô ấy là người rất kiên nhẫn mà cuối cùng cũng phải chán tớ.
- Cũng tại bọn đàn bà hay đòi hỏi cơ! - Các cô gái than thở - Người ta vẫn nói đàn bà với tiểu nhân là một...
- Không phải thế đâu... - Ông giáo Chi cười đau đớn - Đấy là Khổng Tử. Ông ấy là tay say mê chính trị, hắn không có tình yêu, hắn yêu lễ hơn cả tình yêu... mà tình yêu là thứ vô lễ nhất. Tình yêu rốt ráo thậm chí còn là vô luân...
- Thế cũng phải dạy cho bọn trẻ con những điều như thế phải không? - Các cô gái lại hỏi.
- Phải dạy chứ! - Ông giáo Chi nói - Nhưng tốt nhất cứ để tự nhiên điều chỉnh là hơn... Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống.Có điều phải trung thành với công việc... Đừng có như hai thằng trời đánh kia! Tớ thề rằng chúng nó sẽ phản bội nghề dạy học. Cô nào yêu chúng rồi sẽ đau khổ... Chúng nó thì có dạy ai?. Bọn đàn ông, tớ biết rất rõ... Một phần cũng bởi tại giới nữ các cô kích động nữa cơ, chúng nó là bọn láo khoét, không có phúc đức gì đâu... "Phúc đức tại mẫu", đã hiểu chưa? Không hiểu thì rồi sẽ hiểu.
Trong lớp học có Mạ là cô gái mà ông giáo Chi yêu mến nhất. Cô gái nhà nghèo, bỏ quê lên vùng cao dạy học, lúc nào cũng nhường nhịn mọi người, lúc nào cũng tranh làm những việc nặng. Mạ ít tuổi nhất lớp nhưng cô lại có vẻ đàn chị nhất lớp. Sớm mồ côi, phải nuôi hai em nhỏ nên Mạ sớm tháo vát hơn người.
- Con ạ... Sao mày cứ đi làm tranh việc của người khác như thế ? - Ông giáo Chi hỏi cô.
- Con không biết... tại số con nó thế...
- Thôi cũng được... - Ông giáo Chi ngậm ngùi thở dài - Nhưng cũng phải thương lấy thân mình.Thương người là rồi rước hoạ vào thân...
Cứ như thế, từng ngày một, trong nửa tháng trời ông giáo Chi truyền cho đám giáo sinh trẻ những kinh nghiệm, những nguyên tắc sơ khai về giáo dục theo cách của ông. Ông đã từng sống một mình trong gian khó, phải đấu tranh với cái đói, sự hiểm nguy. Ông là giáo viên tiểu học, một viên chức thấp nhất trong ngành giáo dục, ông rất dễ bị tổn thương, rất dễ bị người khác sỉ nhục hoặc coi thường, ông nói ra những kinh nghiệm của ông để bảo vệ thân phận, bảo vệ miếng ăn cũng như nhân cách của ông. Đơn giản mà kiên quyết, không có chút gì khoa trương và khoan nhượng hết.
- Không nên tin ai! Sống dễ lắm! Trong gian khó mà tin người là chết! Tất cả mọi người có khả năng phản bội, kể cả phản bội những đức tính cao quí nhất, vì thế mới có cái chết chứ... Chỉ có một sự bất tử duy nhất là huyền thoại... trong huyền thoại thì tình yêu là thứ huyền thoại vĩ đại và cay đắng nhất...
Khi lớp học tan thì mọi người đã thân thiết với nhau lắm, thậm chí anh chàng Dân còn khoe rằng đã hôn được tất cả các cô gái ở trong lớp học. Họ ghi vào sổ tay của nhau những lời chúc tụng tốt đẹp, những bài thơ... Các cô con gái chép cho nhau cả những bài hát để khi về trường dạy lũ trẻ con... Rồi khóc lóc... Rồi chia tay... Rồi tiễn nhau ra bờ suối. những cánh chim bay đi. Vùng cao xa mờ trong mây núi. Các thày cô giáo trẻ tuổi bịn rịn lên đường, vừa háo hức, vừa sợ hãi, cả vui với buồn lẫn lộn. Ông giáo Chi lội suối trở lại tỉnh lị báo cáo với trên về việc mở lớp "tập huấn" của mình.
- Không có tài liệu! Không có sách vở! Không có chương trình! Mình trần thân trụi! Thế ông làm những trò gì cho những giáo sinh ở vùng cao ấy? - Người ta hỏi ông.
- Tôi nhen lửa... nghĩa là thổi vào lòng họ vài ngọn gió... Tôi bảo họ sống dễ lắm ! Chỉ có thế thôi!
Người ta cười phá lên:
- Ngọn gió! Thật là đồ ngu! Đồ dối trá! Sống dễ lắm! Ông đã làm hỏng toàn bộ phương pháp. Rồi ông sẽ biết thế nào là sống dễ lắm!
Ông giáo Chi bị cách chức, bị chuyển đi làm việc khác. Người ta bảo ông:
- Mắt xích giáo dục, ông già ạ, trong chuỗi mắt xích giáo dục thì ông đã làm cho mắt xích vùng cao mất toi, chẳng ra cái gì...
Ông giáo Chi ngậm ngùi xếp đồ đạc vào chiếc ba lô bạc màu ngày trước của ông. Người lính già cảm thấy lòng mình tan nát. Ông đành thôi việc về quê. Sống dễ lắm chẳng phải là một câu nói đùa cửa miệng cho vui sao? Vùng cao xa xôi trong ông chỉ còn mơ hồ là những đám mây trắng trong dãy núi xa xôi, tiếng cười vô tư lự của đám giáo sinh trẻ tuổi, hình ảnh cô bé Mạ năm nào, cái cô giáo cấp một chịu thương chịu khó có thân hình gầy gò bé nhỏ trông chẳng khác gì một đứa trẻ chăn trâu ở trong xóm núi...
Ba mươi năm sau, ông giáo Chi khi ấy đã thành một ông lão quá tuổi "thất thập cổ lai hy" chỉ loanh quanh nơi vườn nhà. Một hôm ông có khách, khách là hai mẹ con nhà kia từ nơi xa xôi đến chơi. Chưa bao giờ ông vui như thế : cô giáo Mạ ngày nào đưa con gái về thành phố đi thi đại học ghé lại thăm thày giáo cũ.
Ông giáo Chi cười không thành tiếng:
- Thế nào? Vẫn còn nhớ ta ư con? Sống dễ hay khó hả con?
Cô giáo Mạ vừa lôi trong túi xách ra những gói quà đặt lên mặt bàn vừa cười:
- Kể cũng thất điên bát đảo nhưng xét cho cùng thì sống dễ lắm! Bố có nhớ không? Lớp học ngày ấy có 11 người... chết mất một nửa rồi... Ông Dân bây giờ lên chức to lắm nhưng không còn làm trong ngành giáo dục. Ông Hiếu nghiện nặng, nghiện thuốc phiện, bị đuổi khỏi ngành vì đi sàm sỡ với cả học trò...
- Tớ biết ngay mà! - Ông giáo Chi than thở - Thằng Dân tham vọng quá, nghề dạy học là nghề quá bé nhỏ với nó. Những tên lưu manh bao giờ cũng phải khua khoắng ở nơi
đất rộng có người chen chúc. Thằng Hiếu thì tình cảm quá, không thắng được những bản năng...Chà! Lũ đàn ông! Thày bậy thày bạ! Phúc đức gì lũ chúng mày!
Ông giáo Chi khổ sở, bận rộn với những ý nghĩ trong đầu y như trước mặt ông đang có 11 đứa con giống như ở trên lớp học vùng cao ngày nào. Ông mỉm cười với người học trò mà ông yêu mến nhất, đứa con gái trung thành của ông :
- Hãy kể chuyện đi, con gái... Sống dễ là như thế nào?
- Cũng đói... Cũng rét... Cũng khổ đủ đường nhưng rồi cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống...
- Thế những đứa khác thế nào?
- Cũng thế...Bố còn nhớ con bé Thảo không?
- Cái con bé trắng trẻo, vẫn hay nói lắp chứ gì?
- Đúng rồi! Nó yêu ông Dân...Tình yêu đơn phương... Nó bỏ vào rừng, nó cứ đi mãi, nó sa vào tổ ong đất rồi chết. Chỗ ấy mặt đất rất sạch, lại rất phẳng phiu, bên trên không có một ngọn cỏ nào... Cái hố toàn ong là ong sâu hơn bốn mét...
- Khổ! đã bảo không được tin vào cái gì sạch sẽ cơ mà! - Ông giáo Chi rên rỉ, nước mắt ròng ròng - Cái con bé xinh thế! Thật tội nghiệp! Thế bây giờ mộ nó ở đâu?
- Vẫn ở trên ấy, bố ạ... Bố còn nhớ dãy núi Đầu Hổ không? Nó nằm ở đấy 30 năm rồi...
- Thế những đứa khác thế nào?
Cô giáo Mạ ngồi im một lát như muốn nhớ lại từng người bạn cũ ngày xưa, cô nói:
- Được cái không ai bỏ nghề dạy học... Nhưng hễ đứa nào dính đến yêu đương là chết... Khổ thế đấy! Đứa nào an phận thủ thường thì cũng vung vinh hơn người...
- Ta đã bảo mà! - Ông giáo Chi gật đầu - Cứ để cho tự nhiên điều chỉnh là hơn! Cứ mơ mộng hão huyền là chết... Đừng có lãng mạn viển vông gì cả... Thế còn con? Con gái
của con năm nay thi vào đại học? Thế bố nó đâu? Bố nó làm gì?
Cô giáo Mạ đưa mắt nhìn cô con gái.Cô con gái biết ý bẽn lẽn đi ra ngoài sân.
- Bố nó ngày xưa cũng là thanh tra giáo dục - Cô giáo Mạ thì thào - Anh ấy đi về trường con có mỗi một lần... cũng y như bố, buồn cười, mình trần thân trụi...
Ông giáo Chi cảm thấy nghẹt thở, nước mắt chảy ra ràn rụa. Ông cười không thành tiếng:
- Ừ... Vậy nó là thanh tra giáo dục...Thế nó nói gì?
- Không nói gì cả...
- Thằng ông mãnh! Thế là nó khôn...
- Được cái thật thà...Mà khoẻ lắm! Cứ như lực điền...
- Đúng rồi...Tất cả là ở cảm giác...
- Hồi ấy mùa thu...Hoa cúc nở vàng như mê như man trong thung lũng. Mật ong thì nhiều vô kể... Lũ học trò mang đến cho con bao nhiêu là hoa với mật ong...
- Ừ ừ... ta hiểu... Thế cũng xơi chứ?
- Vâng... Ăn tham không tưởng tượng được. Toàn mật ong rừng thuộc loại ác chiến...
- Có phải nó đặc sánh mà lại vàng như ánh nắng ở dưới mặt trời phải không?
- Vâng... vàng như hổ phách... Mà trong suốt.
Cô giáo Mạ ngồi lặng im một lát không nói năng gì. Mãi lúc sau ông giáo Chi mới húng hắng ho. Ông nói nho nhỏ:
- Ở vùng cao ấy, con ạ, không khí rất sạch, rất tốt cho trẻ con đấy!
Cô giáo Mạ như bừng chợt tỉnh, mỉm cười :
- Vâng... được cái không khí thì sạch lắm. Hồi đẻ con bé, con tự làm lấy hết... tự cắt rốn cho nó, tự may vá lấy...
- Thế lúc ấy không có ai à?
- Không có ai... May mà cũng không nhiễm trùng... Hôm ấy trời mưa rất to...
Ông giáo Chi đỡ lấy chén nước mà cô giáo Mạ vừa rót cho ông, ông nói :
- Con bé của con xinh lắm? Thế nó ngoan chứ? Có hiếu chứ?
- Vâng... Được cái cháu nó cũng ngoan, cũng biết thương mẹ. Con nghĩ thi được đại học thì thi, không được thì thôi...
- Ừ... phải nói với nó là sống dễ lắm... đừng làm nó sợ...
- Con hiểu... - Cô giáo Mạ tần ngần nhìn ông giáo Chi, tự dưng nước mắt ứa ra - Bố già rồi... Thế bố có còn nhớ gì về những nơi ở ngày xưa của bố hay không?
Ông giáo Chi gật đầu, ông nói rất khẽ cứ như là ông tự nói để cho mình nghe:
- Có... nhớ chứ! Toàn núi là núi nhỉ? Mà toàn núi xanh mây trắng...
Một lúc sau, hai mẹ con cô giáo Mạ từ biệt ông giáo Chi để trở về nhà, trở về trường học cũ của họ. Giống như ngày xưa: lại nước mắt, những lời ly biệt...
Ông giáo Chi tiễn người học trò rồi mà cứ thẫn thờ tần ngần đến suốt mấy tiếng đồng hồ. Hôm sau, hôm sau nữa ông cứ lơ lửng như người mất hồn. Nhiều lúc, ông giáo Chi bỗng thấy người mình tựa như nhẹ bỗng, nhẹ đến nỗi tưởng như có thể bay lên được kia! Chao ôi! Ước gì ông có thể bay lên trời được! Như những ngọn gió! Nếu bay lên được thì ông sẽ bay đến những dãy núi xanh xa xôi tít tắp kia, nơi ấy lẩn khuất trong mây trắng và sương mù, nơi ấy không khí rất sạch và khoáng đạt, nơi mà hoa cúc dại nở vàng rực rỡ như mê như man đầy trong những thung lũng hoang vắng không có một bóng người nào.
Phải! Điều cốt nhất là phải không có một bóng người nào! Như thế thì sống dễ lắm! Nhất định rồi ông sẽ về đấy mà! Ông sẽ về đấy... Ông nghĩ như thế? Cho ngày mai...Mai...                                                                                 Hà Nội, tháng 12.1999 
Nguyễn Huy Thiệp
Theo http://nguyenhuythiep.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...