Với người nghe nhạc bình thường, cảm
nhận một bài hát qua sở thích riêng tư, qua cảm tính của mình thì không nói làm
gì, mà ngay cả đến các nhạc sĩ có tên tuổi nhất, đuợc đào tạo chính quy nhất về
mặt âm nhạc, cũng khó thể dựa vào những kiến thức chuyên môn của mình để có thể
giải thích được cái hay cái đẹp nơi một bài hát.
Cảm nhận đuợc mặt đó là do nơi mấy chữ người ta thường nhắc đến
là "trình độ thẩm âm". Thế nhưng liệu đã mấy ai dám ngang nhiên nói với
một người nào đấy rằng: "Anh hay chị không phân biệt đuợc một bài hát hay
với một bài hát dở là bởi trình độ thẩm âm của anh hay chị vẫn còn hạn chế"?
Nghe bằng... trái tim
Xin tạm chọn ra một bài hát với cấu trúc những câu hát, tức
cũng là câu nhạc, đặc biệt giản dị, nhưng với giai điệu rất đẹp ở bài
"Tình nghệ sĩ" của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, ca khúc được nhiều thế hệ
ca sĩ chọn biểu diễn liên tục trên 60 năm qua! Câu hát đầu tiên: "Đây
khách ly hương mây Thu vàng ấm". Câu tiếp: "Nơi quán cô đơn mơ qua
trùng sóng". Câu tiếp nữa là "Mơ tới bên em em tô quầng mắt". Và
câu cuối của đoạn đầu là: "Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung"... Nếu
như phân tích đoạn vừa rồi của bài hát "Tình nghệ sĩ" của Đoàn Chuẩn
và Từ Linh thì có thể nêu ra những điểm đáng chú ý như sau: Thứ nhất, bài hát
này có 2 lời. Lời 1 của đoạn đầu là như vừa dẫn, tức là "Đây khách ly
hương mây Thu vàng ấm. Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng. Mơ tới bên em, em tô quầng
mắt. Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung". Lời hát thứ 2 cũng của đoạn đầu
đó tuy hơi hướng cũng kiểu như thế: "Tung phấn hương yêu qua muôn lời hát.
Bay tới bên em, tới em thầm nhắc.
Đấy ý thơ xưa đâu duyên tình cũ. Bóng anh phai dần ái ân tàn
theo". Câu hỏi đáng đuợc đặt ra là như sau: Giả sử như hai ông tác giả đó
chỉ đồng ý với nhau chọn 1 lời hát duy nhất để cho phổ biến thì chuyện gì sẽ xảy
ra? Phải chăng nếu như người ghe bài hát đó mà chỉ yêu thích nó vì giai điệu
không thôi, tức là chỉ chú ý đến phần nhạc, có lẽ cho dù hai ông Đoàn Chuẩn và
Từ Linh có chọn lời hát số mấy đi nữa để cho xuất bản thì người nghe thuộc diện
đó họ cũng sẽ không màng. Ngược lại, nếu như người nghe lại thuộc diện
"không có lỗ tai âm nhạc" như người ta vẫn quen nói, chỉ thích để ý đến
phần lời hát vì thấy nó hợp với tình cảm riêng tư hay tâm trạng của mình sao đấy,
thì việc bài hát có lời hát số 1 hay lời hát số 2 không thôi sẽ ảnh hưởng rất lớn
đối với việc người nghe đó cho là rằng bài hát là hay hoặc kém hay!
Điều thứ hai, một người có học về sáng tác, có học về hòa âm
sẽ tìm cách giải thích về cấu trúc âm nhạc của đoạn đầu bài hát như được đề cập
vừa rồi rằng những câu nhạc là những chuỗi hợp âm nối kết lại với nhau. Chẳng hạn
như câu nhạc (đàn câu 1) gồm những nốt nhạc then chốt như nốt La và nốt Re
trong âm giai Re Trưởng cho nên nó thuộc hợp âm Re gồm 3 nốt Re, Fa, La. Cũng
như vậy, câu nhạc thứ 2 gồm những nốt cơ bản như vừa rồi, nhưng vì nay có thêm
nốt Sol ở quãng nghỉ cho nên người chuyên môn họ giải thích rằng nó thuộc hợp
âm gọi là "La bậc 7".
Tài năng và... chuẩn định
Người bình thường nghe giai điệu bài hát mà cảm thấy dễ nhớ,
thấy nó lả lướt, gợi cảm về mặt âm thanh thì cho nó là "hay", chứ chả
cần biết xem cấu trúc của nó về mặt hợp âm, hòa âm nó ra làm sao cả. Và điều
đáng nhấn mạnh là ở chỗ này: Cho dù là một nhạc sĩ thứ thiệt, được đào tạo một
cách chính quy về nhạc, thì cũng không sử dụng đuợc những yếu tố kỹ thuật như vừa
nêu để giải thích cái hay của bài hát. Lý do giản dị là nếu qua cái ngả kỹ thuật
đó mà người viết ca khúc, người ta cũng viết được một giai điệu đáng ghi nhớ
như nơi bài "Tình nghệ sĩ" này thì còn nói mà làm gì.
Đàng này cho dù người ta có đuợc học hành đến nơi đến chốn
cách mấy về kỹ thuật sáng tác, về hòa âm, mà làm không ra đuợc một giai điệu
như thế thì rốt cuộc vẫn làm không ra! Chứ còn bằng không thì các giáo sư âm nhạc
ở các nhạc viện lừng danh bên Âu Châu ngày nay chẳng hạn đều là các Mozart, các
Chopin hết cả rồi! Cũng như khi ta đọc câu thơ Kiều: "Người lên ngựa kẻ
chia bào, rừng Phong, Thu đã nhuốm màu quan san", thì người ta chỉ có thể
cảm đuợc cái hay qua quá trình thấm nhuần chất thơ, chất văn do học vấn mang lại
chứ đâu có thể giải thích cái hay nơi câu thơ đó vì cụ Nguyễn Du đã sử dụng cấu
trúc câu thơ theo thể lục bát hay là cụ đã vận dụng đúng niêm luật "bằng
trắc", bởi thiếu gì người cũng am tường về thể sáu tám này, cũng am tường
về quy tắc "bằng trắc", nhưng đã mấy ai có đuợc những ý thơ cũng như
tứ thơ sắc xảo như thế?
Điều thứ ba, vấn đề tiết điệu và nhịp điệu. Cũng đoạn nhạc
đó, nếu đàn bình thường theo như tác giả của nó đã ghi chú trên ấn bản của bài
hát là "Slow". Còn nếu người đàn hay người hát muốn làm khác đi, gọi
là cho "có cái khác đi một chút" thì sẽ hát hoặc đàn theo phần phụ họa
theo "Arpegio"... Thế rồi đời sống xã hội cứ thế mỗi ngày thêm xô bồ,
người ta không thể nghe điệu nhạc chậm rải, trữ tình theo như kiểu ngày xưa nữa
thì người ta sử dụng, cũng giai điệu đó, nhưng theo các kiểu tiết điệu thật sôi
động.
Nói gì đi nữa thì văn hóa một nước trước sau gì cũng là một
quá trình tiếp cận, dẫn đến tập quán, dẫn đến truyền thống. Đã có một thời mà
các đài phát thanh đóng vai trò chủ chốt trong việc cho phổ biến những bài hát
có giá trị. Nay khi người sáng tác cũng như người ca hát không còn phải chịu một
sự ràng buộc hay sàng lọc nào ngoài những tiêu chuẩn về mặt kinh doanh, thị trường,
thì người nghe sẽ cứ thế lâm vào tư thế được cung ứng cái gì thì cứ quen dần với
cái đó. Nhưng trên bình diện tổ chức về mặt xã hội, phải chăng trách nhiệm hàng
đầu không nằm nơi giới sáng tác hay ca hát, mà là nằm về phía những ai có trách
nhiệm về mặt văn hóa chung cho cả một nước?.
Nguyễn Hương Thu
Nguồn: Songnhac.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét