Franz Schubert chỉ sống một cuộc đời rất ngắn ngủi 31 năm
nhưng đã kịp để lại cho đời một khối lượng kiệt tác đồ sộ ở nhiều thể loại.
Và trung tâm của khối kiệt tác ấy, nổi bật nhất chính là bản Serenade, mà người
ta đã quen gọi liền với tên ông: Serenade Schubert…
Thái Thanh - giọng ca “vượt thời gian” sở hữu giọng light
lirico soprano (nữ cao trữ tình mảnh)
Nhắc tới Thái Thanh là nhắc tới một huyền thoại âm nhạc “tiếng
hát khóc, cười, nổi trôi theo mệnh nước”, người được mệnh danh là “tiếng hát vượt
thời gian”, “Đại danh ca”, “The ageless golden voice” (Giọng ca vàng không tuổi).
Thái Thanh là trung tâm ở đại gia đình nghệ sĩ lớn gồm
nhạc sĩ Phạm Duy, người lấy chị gái của Thái Thanh là ca sĩ Thái Hằng, nhạc sĩ
Phạm Đình Chương (anh trai) các con cháu nghệ sĩ như Ý Lan, Mai Hương (con
gái), Tuấn Ngọc, Thái Thảo, Thái Hiền, Duy Quang, Khánh Hà (các cháu)…
Giọng ca vàng “vượt thời gian” của Việt Nam
Trong opera và nhạc cổ điển, nữ cao trữ tình (lirico soprano)
được định nghĩa là một loại giọng nữ cao ấm áp, có độ sáng, giàu âm sắc, âm khu
trung đầy đặn, bay bổng, mềm mại, thường thể hiện vai những người phụ nữ hiền
lành, yếu mềm.
Có hai loại nữ cao trữ tình là full lirico soprano (nữ cao trữ
tình đầy đặn) và light lirico soprano (nữ cao trữ tình mảnh).
Đặc trưng của full lirico soprano là âm sắc đầy đặn, có độ
dày, khỏe, legato (hát liền note) phát triển với full voice (hát toàn giọng),
có khả năng điều chỉnh âm lượng vừa phải trên quãng cao, âm lượng chắc chắn ở
những quãng hát dài hơi.
Đặc trưng của light lirico soprano là âm sắc mảnh, sáng, có
khả năng chuyển giọng và pha giọng nhanh chóng, thực hiện kĩ thuật hoa mĩ dễ
dàng hơn.
Sở hữu chất giọng light lirico soprano tươi sáng, linh hoạt,
uyển chuyển, Thái Thanh đã thực hiện và đi đầu ở rất nhiều kĩ thuật khó trong
ca hát tân nhạc. Bà là người tiên phong và thành công xuất sắc trong việc kết hợp
giữa lối hát bel canto (lối hát giọng đẹp, hát mở của opera Ý) với lối hát
truyền thống của dân nhạc (tạm gọi là lối hát đóng).
Hơn nửa thế kỷ cầm ca, Thái Thanh đã để lại một di sản âm nhạc
đồ sộ.
Thái Thanh và con gái, ca sĩ nổi tiếng Ý Lan
Thái Thanh cũng là một trong những ca sĩ đầu tiên và hiếm hoi
góp phần công sức lớn lao vào công cuộc hình thành nền tân nhạc Việt Nam, được
những đại nhạc sĩ huyền thoại như Văn Cao, Phạm Duy, Phạm Đình Chương yêu mến,
xem là “con cưng” để “chọn mặt gửi vàng” thể hiện các tác phẩm nhạc thi bất hủ
của họ.
“Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định:
bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh
đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Đổ, tiếng
hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng
trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến
từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ.” - Thụy Khuê
“Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính
mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm “nhớ nhung cõi trời” -mà
Beaudelaire đã nói- dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn.
Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng
hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát
của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng
nghe… Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ
muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu” – Georges Etienne Gauthier
Khi Thái Thanh cất giọng hát Serenade Schubert, người nghe có
thể cảm nhận được những điều kỳ diệu mà Schubert muốn truyền tải.
Từ một câu chuyện tình rất đỗi trớ trêu của Franz Schubert…tới
bài Serenade bất hủ
Franz Schubert (1797-1728) là nhạc sĩ thiên tài thuộc dòng nhạc
lãng mạn
Bài Serenade bất hủ này là Franz Schubert sáng tác là để
tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu trộm nhớ. Ở châu Âu ngay từ thời
trung cổ các chàng trai thường có lối tỏ tình bằng cách mượn âm nhạc, ban đêm đến
đứng dưới cửa lầu “người đẹp” tự thể hiện bằng tiếng đàn và giọng hát của chính
mình. Những bài nhạc lãng mạn này gọi là “serenade”. Serenade thời Trung
cổ và Phục Hưng được biểu diễn không theo một hình thức đặc biệt nào, ngoại trừ
nó được một người hát tự đệm bằng nhạc cụ có thể mang theo được ( guitar,
mandolin… ).
Để làm cho nàng bất ngờ, Schubert nhờ một bạn thân là ca sĩ,
trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Tối đó, người ta bí mật khiêng cây đàn
piano vào trong vườn, tất cả đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn lãng mạn và độc
đáo. Thế nhưng, Schubert lại quên không đến. Trớ trêu thay, cô gái lại đem
lòng yêu chính chàng ca sĩ, chứ không dành trái tim cho Schubert.
Trớ trêu thay, cô gái lại đem lòng yêu chàng ca sĩ, chứ không
yêu Schubert
Lời bài hát vô cùng da diết như cõi lòng của người nhạc sĩ si
tình…
Đêm khuya vẳng tiếng anh hát thầm thì, dưới chòm cây tĩnh lặng.
Đến đây hỡi người! Gió đùa lá xào xạc dưới trăng; đừng sợ chi kẻ phản trắc rình
rập đâu đó. Em nghe chăng tiếng họa mi vang rền. Chúng gọi em đấy, chúng chuyển
lời của anh cho em, vì chúng hiểu nỗi khắc khoải con tim, nỗi đau tình si. Giọng
hót vang của chúng làm mỗi trái tim nồng nàn bớt thổn thức. Người yêu hỡi, em
hãy để cho tiếng chim ca trong tim… Anh đang run rẩy, bồi hồi chờ em nơi đây. Đến
đây chúc mừng anh!
Chim sơn ca chỉ hót ban ngày, chỉ họa mi mới hót ban đêm, sơn
ca hót vang lừng khi đang bay, họa mi hót vang cả cánh rừng
Lời bài hát tiếng Việt:
(nhạc sĩ Phạm Duy dịch)
Đợi chờ em, trong màn đêm quạnh vắng. Muôn tiếng thanh âm
cung đàn ngân…
Mượn làn gió, mang về bên lầu vắng… Nơi xa, réo rắt câu tình
ca
Hòa trong tiếng chim muông đang thầm thì… Chim còn ríu rít đê
mê
Như lời anh nói thầm thì
Và bên ấy… Vang trong đêm vọng về, bao lời đắm đuối say mê
Của người tha thiết tình si…
Vang trong đêm vọng về, bao lời đắm đuối say mê, của người
tha thiết tình si
Xào xạc tiếng gió lùa trên cành lá. Gió hát như tim anh rộn
vang
Thì xin làn gió nhắn gửi tâm sự đến nơi xa. Em hay chăng tình
ta?
Và khi vẳng nghe chim muông rộn ràng, nghe lời gió hát mênh
mang
Đấy lời anh tiếng than van.
Đừng e ấp, nói với nhau bao lời… Tim nồng chan chứa hân hoan
Yêu người mãi với thời gian
Lòng này muôn muôn kiếp sẽ yêu người… Thề nguyền mãi không rời….
Nhé… khi đã yêu ai rồi yêu suốt đời…
Nơi này anh vẫn mong chờ… Mong chờ em mãi, người ơi!
Bình luận của giới nghệ thuật về Serenade Schubert:
”Những lời nỉ non, thổn thức của ca từ quyện với một
giai điệu lãng mạn, quyến rũ, bản Dạ Khúc Schubert là một thông điệp tình yêu
chuyển tải bẳng âm nhạc tuyệt vời, một bài nhạc hoàn hảo cho kẻ tỏ tình
trong đêm.
Nhưng hơn thế, nhạc phẩm “Dạ Khúc” của Schubert là một bức
tranh toàn bích, sâu lắng… mang dáng dấp hơi thở không chỉ của thời đại ông mà
của muôn mọi thời đại. Nhạc sĩ thiên tài đã nói lên tiếng lòng mình
trong thời khắc đêm về, ngoài niềm khắc khoải thường tình về tình yêu đôi lứa,
còn như thân phận con người nhỏ nhoi đầy bất trắc trước mênh mông vũ trụ.
Số phận con người nhỏ nhoi bất trắc trong vũ trụ mênh mông
Bài nhạc có giai điệu rất đẹp, trữ tình, lai láng nhưng không
trầm mặc, buồn nhưng vẫn phảng phất đâu đó niềm hy vọng và hoài bão hướng thiện
(tác dụng bởi việc chuyển cung từ thứ sang trưởng ở đoạn kết). Schubert như nói
lên tiếng lòng của muôn người, muôn thế hệ…”
Trong lời dịch của ông, nhạc sĩ Phạm Duy đã cố gắng phác
thảo tất cả những cung bậc trải nghiệm hết sức tinh tế về cảm xúc mà giai điệu
bản Serenade khơi gợi nơi người thính giả. Lời dịch của ông giàu tính thẩm mỹ của
cảm nhận âm nhạc, một cảm nhận ông muốn hướng dẫn người thưởng ngoạn cũng cảm
nhận như ông.
Mời độc giả thưởng thức những nốt cao chót vót nhưng mượt mà
của ca sĩ Thái Thanh (tiếng Việt) và Nana Mouskouri (tiếng Đức):
Để có thể thưởng thức nhạc cổ điển một cách sống động mỹ
mãn nhất, chúng ta nếu không thể ngồi trực tiếp trong nhà hát lớn một cách
trang nghiêm chăm chú, thì với link nhạc hay đĩa CD như ở đây, độc giả hãy cố tạo
cho mình một không gian tĩnh lặng riêng, đeo tai nghe, nhắm khẽ mắt để có thể
thưởng thức tương đối trọn vẹn những kiệt tác này của nhân loại ….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét