Hồn hậu, tinh tế trong những vần thơ
Với không ít người thường xuyên được tiếp xúc và sau khi đọc
thơ của Tế Hanh đều không quá khó để nhận ra sự khác biệt đến mức tưởng chừng
như đối lập giữa sự hồn hậu, tinh tế trong những vần thơ và cái vẻ bề
ngoài ngu ngơ của ông. Hai thứ ấy dường như chẳng ăn nhập gì với
nhau, nhưng nó vẫn kết hợp được một cách nhuần nhị trong con người này. Với nhà
thơ Tế Hanh, câu châm ngôn: Nhìn mặt mà bắt hình dong, có vẻ như chẳng mấy
hiệu nghiệm.
Nhà thơ Tế Hanh tên đầy đủ là Trần Tế Hanh, sinh
ngày 20/6/1921 tại làng Đông Yên, phủ Bình Sơn, nay là xã Bình
Dương, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cha ông là Trần Tất Tố, làm nghề dạy học và làm
thuốc. Ông có bốn anh em, trong đó người em út là nhạc sĩ Trần Thế Bảo. Thuở nhỏ,
ông học ở trường làng, rồi trường huyện. Năm 15 tuổi, ông ra học tại trường Khải
Định (nay là trường Quốc học Huế).
Vốn sẵn ham thích thơ ca, lại được nhà thơ Huy Cận chỉ
đường, nên Tế Hanh bắt đầu tập tọng làm thơ từ khá sớm. Năm 1938, lúc 17
tuổi, Tế Hanh đã có bài thơ đầu tiên: Những ngày nghỉ học. Sau đó, ông tiếp
tục làm thơ, rồi tập hợp thành tập Nghẹn ngào. Nào ngờ năm 1939, tập
thơ này của ông đã được giải khuyến khích của Tự lực Văn đoàn.
Vào cuối thời kỳ phong trào Thơ Mới, năm 1941, Tế Hanh
và một số bài thơ của ông như Quê hương, Lời con đường quê, Vu
vơ, Ước ao... được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong Thi
nhân Việt Nam, xuất bản năm 1942.
Sau đấy ít lâu, tháng 8/1945, Tế Hanh tham gia Mặt trận Việt
Minh, công tác trong ngành văn hóa, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng. Sau Cách mạng
tháng Tám thành công, ông là Ủy viên giáo dục trong Ủy ban lâm thời thành
phố Đà Nẵng. Từ năm 1949-1954, Tế Hanh làm việc tại Chi hội Văn nghệ Liên
khu V. Sau Hiệp định Genève, 1954 ông tập kết ra Bắc, công tác ở Hội Văn
nghệ. Năm 1957, Tế Hanh là một trong số những người tham gia thành lập Hội
Nhà văn Việt Nam và trong Ban Biên tập tuần báo Văn (tiền thân của
báo Văn nghệ) của Hội. Nhiều năm sau đấy, ông còn là Ủy viên Ban chấp hành và
Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.
Vào những năm 80, mắt ông bị đau và mờ dần. Bệnh tật đã khiến
ông liệt giường lúc mê lúc tỉnh trong nhiều năm. Ông qua đời vào lúc 12 giờ
ngày 16 tháng 07 năm 2009, tại Hà Nội, sau một thời gian dài chống
chọi với căn bệnh xuất huyết não.
Trong cuộc đời cầm bút, nhà thơ Tế Hanh đã để lại một khối lượng
tác phẩm
thơ khá đồ sộ, chủ yếu là thơ. Tuy nhiên, ngoài thơ, Tế Hanh
còn là dịch giả thơ nổi
tiếng với nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới,
viết tiểu luận phê bình văn học, thơ thiếu nhi...
Ông đã từng giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ
thuật đợt I, năm 1996 cho các tập thơ: Lòng miền Nam, Gửi miền Bắc, Tiếng
sóng, Bài thơ tháng Bảy, Hai nửa yêu thương, Khúc ca mới, Đi suốt
bài ca, Theo nhịp tháng ngày, Con đường và dòng sông, Bài ca sự
sống; Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu V tặng.
Nhà thơ Tế Hanh luôn chiếm được cảm tình trong giới văn
chương cùng thời và hậu thế. Nhà văn Nhất Linh, Chủ tịch Câu lạc bộ Tự lực văn
đoàn đã có những nhận xét khá chuẩn xác về tài thơ của Tế Hanh ngay khi nhà thơ
còn rất trẻ: Tế Hanh có rất nhiều hứa hẹn trở nên một thi sĩ có tài, ông
có một linh hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc; và để diễn tả
tâm hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt tìm câu chữ (1). Có lẽ đây là một
nhận xét của một người vừa có tài nghệ thẩm thơ, vừa có quan hệ mật thiết với
nhà thơ Tế Hanh.
Còn trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình văn học Hoài
Thanh đánh giá cao Tế Hanh về độ tinh nhạy nắm bắt cảnh sinh hoạt thôn
quê: Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần
tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không
hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng
hát của hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một
thế giới rất gần gũi... (2)
Nhà nghiên cứu- phê bình văn học Vương Trí Nhàn chia cuộc
đời sáng tác của Tế Hanh ra làm hai thời kỳ và ông không ngại đặt Tế Hanh ngang
tầm với nhiều tên tuổi lớn trong làng thơ Việt: Trong thơ Việt Nam tiền
chiến, ông chưa bao giờ tạo được một sự hấp dẫn lạ lùng như Hàn Mạc Tử hoặc Nguyễn
Bính, cũng không có lúc nào làm chủ thi đàn như Thế Lữ hoặc Xuân Diệu.
Nhưng ông vẫn có chỗ của mình... Tập Nghẹn ngào từng được giải
thưởng Tự lực văn đoàn, là một minh chứng sinh động nhất cho điều ấy. Từ
sau 1945, ông vẫn làm thơ đều đều, những tập thơ mỏng mảnh, giọng thơ không có
gì bốc lên nồng nhiệt, nhưng được cái tình cảm hồn nhiên, và tập nào cũng có một
ít bài đáng nhớ, khiến cho ngay sau Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu người
ta nghĩ ngay đến Tế Hanh (3). Có thể nói đây là một nhận định, đánh giá
tương đối khách quan về Tế Hanh.
Có người còn cho rằng, trong số các nhà thơ Việt Nam hiện đại,
đặc biệt là những người từng bước ra từ phong trào Thơ Mới, Tế Hanh là một người
có dáng vẻ thi sĩ hơn cả với đôi mắt nồng nàn lạ (4). Chính cái sự nồng
nàn lạ ấy của ông, trong mắt mọi người luôn thấy ông ngơ ngác buồn, lúc
thì xa xăm, khi thì bâng quơ không rõ ngọn ngành. Cặp mắt ấy luôn thường trực
và ông mang theo trong suốt cuộc đời lúc làm thơ cũng như khi tiếp xúc với mọi
người. Và chúng trở thành một nét đặc trưng trong mọi hành vi ứng xử của ông với
thiên nhiên đất trời, với cuộc đời và với con người.
Theo các nhà tướng số học, người có vẻ ngoài ngu
ngơ như Tế Hanh rất dễ thành đạt trên đường quan lộ. Với dáng vẻ bề ngoài
như thế, người ta thấy ông không phải là người tham lam, ít mưu mô, thậm chí là
người dễ bảo, nên đặt vào chức vị nào mà chẳng được. Lại nữa một người có
tài thơ, nhưng cái tình của ông dường như đã bày hết lên mặt chữ, khiến ai để ý
có thể thấy được hết gan ruột của ông qua từng con chữ dùng dắng thế, còn hơi sức
đâu mà nghĩ ra chiêu trò nọ, mẹo mánh kia:
Gặp em câu cuối cùng chưa nói
buổi sớm qua rồi, sắp hết trưa...
Vừa thực lại vừa mộng
Vừa gần lại vừa xa
(Mùa thu Yanta)
Tôi đã từng được tiếp xúc, trò truyện với nhà thơ Tế Hanh vào
những tháng năm cuối đời, thấy ông là một người hiền lành, từ ánh mắt nhìn, giọng
nói, cử chỉ, thậm chí còn hơi rụt rè, nhút nhát. Ông nói rất chậm, vừa nói vừa
nghĩ điều gì đấy, đang nói bỗng dưng im lặng, khiến người nghe cảm thấy lời nói
của ông chẳng ăn nhập gì với ý nghĩ. Điều ấy không chỉ tạo nên một phong cách sống
của riêng nhà thơ, mà còn góp phần tạo nên một phong cách thi ca đậm chất Tế
Hanh. Ngay tập thơ đầu tay ông cũng đã đặt cho nó một cái tên rất khó nói
ra Nghẹn ngào. Có thể nói sự nghẹn ngào hay khó nói ra, tính chất lấp
lửng là một phẩm chất đặc trưng của con người Tế Hanh cũng như thơ ông. Từ tập
thơ đầu tiên cho đến những tập thơ sau này, ở đâu chúng ta cũng dễ dàng tìm ra
những câu thơ như thế:
Chiều chiều đến, tựa người bên cửa sổ
Đợi hồn nào trở lại vẩn vơ song
Hay nghe ngóng ý về trong tiếng gió,
Tôi dần dần khô héo với chờ mong
Đến bây giờ than ôi tôi vẫn nhớ,
(Nhớ)
Cảm giác nhớ mong của ông là có thật, thế nhưng nhớ mong cái
gì thì lại không rõ ràng, chỉ biết là: Đợi hồn nào trở lại vẩn vơ song và Vẫn
thấy gì thiếu thốn ở trong lòng.
Có một điều chắc chắn rằng, không phải ngẫu nhiên mà Hoài
Thanh và Hoài Chân chọn bốn bài thơ: Quê hương, Lời con đường quê, Ước
ao và Vu vơ của Tế Hanh để in trong tập sách thẩm bình thơ rất nổi
tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám là Thi nhân Việt Nam. Thực ra, đây chưa
hẳn là bốn bài thơ hay nhất của Tế Hanh, nhưng chúng lại đem đến cho người đọc
dễ dàng nhận ra phong cách thơ của ông. Chúng ta thử đặt bốn bài thơ cạnh nhau
và đọc đi, đọc lại vài lần, sẽ không hề khó nhận ra mẫu số chung của chúng. Dù
viết về hai mảng đề tài khác nhau: quê hương và tình yêu đôi lứa, nhưng cả bốn
bài đều vừa rất thực lại vừa rất mộng. Sự lẫn lộn giữa thực và mộng trong con
người nhà thơ cũng như trong phần lớn các bài thơ của Tế Hanh đã tạo nên một
phong cách riêng, không trộn lẫn với bất kỳ ai, đem đến cho người đọc một sức gợi
tiềm tàng.
Ở bài Quê hương ông viết:
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
Và ở bài Con đường quê:
Tôi, con đường quê nhỏ chạy lang thang
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng
Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng
Hương đồng quyến rũ hát lên vang ...
Tôi sống mê man tránh tẻ buồn
Miệt mài, hể hả, đắm say luôn
Tôi thâu tê tái trong da thịt
Hương đất, hương đồng chẳng ngớt tuôn...
Cùng viết về một đề tài quê hương, ở mỗi bài có những chi tiết,
hình ảnh thơ khác nhau, nhưng rất thực như: chiếc thuyền, cánh buồm vôi, màu nước
xanh, cá bạc, hay con đường quê chạy đến cuối thôn, những đứa trẻ chạy lang
thang, những tiếng hát trẻ thơ vang vọng khắp cả làng, hơi cỏ vướng. Bật nhú
lên trên cái nền rất thực ấy là những cảm giác rất mơ hồ, đầy mộng tưởng
như: chất muối thấm dần trong thớ vỏ, cái mùi nồng mặn quá, hương đất,
hương đồng chẳng ngớt tuôn.
Còn ở bài Ước ao Tế Hanh đã tự thú rất chân thành:
Anh là kẻ say mê, nhưng nhút nhát;
Không hiểu giùm, em lại nỡ cho anh
Là không yêu, là một kẻ vô tình.
Anh tức quá, đem lòng ao ước tệ:
Nếu em chết! Chắc là anh có thể
Tỏ mối tình lặng lẽ quá sâu thâm:
Anh đến nơi em nghỉ giấc ngàn năm
Ngồi điên dại sầu như cây liễu rủ
Anh không uống, anh không ăn, không ngủ,
Anh khóc than, than khóc đến bao giờ
Nước mắt anh lầy lội cả nấm mồ
Nhỏ từng giọt xuống thân em lạnh lẽo.
Rồi anh chết, anh chết sầu, chết héo;
Linh hồn anh thất thểu dỗi hồn em.
Và ở đâu kia, ở cõi đời đêm
Chắc em chẳng nghi ngờ tình anh nữa...
Chỉ vì tính nhút nhát mà người thơ phải thề non, hẹn biển cho
đến chết. Ấy là sự chết sầu, chết héo của chàng thi sĩ đa tình này bị
người yêu nghi ngờ tình anh thôi. Còn nếu em chất thật thì Anh đến nơi em
nghỉ giấc ngàn năm/ Ngồi điên dại sầu như cây liễu rủ. Ai dám bảo người
trông vẻ bề ngoài ngu ngơ như Tế Hanh lại không có một tình yêu mãnh liệt, đắm
đuối như bất cứ chàng trai nào khi bị người yêu hiểu nhầm hay ngờ vực mình
không yêu.
Sự ngơ ngác của nhà thơ không biết từ bao giờ đã trở thành
gánh nặng tâm can với con người và với cuộc đời, nhất là khi ông đoái nhìn cảnh
chia ly:
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi, đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa
Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vướng víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau ...
Kẻ về không nói bước vương vương
Thương nhớ lan xa mấy dặm đường
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương
Nhớ một ai đó hay một cái gì cụ thể cũng đã quí và khổ sở lắm
rồi. Đằng này nhà thơ lại ngẩn ngơ nhớ bốn phương. Đúng là nhớ kiểu này chỉ
có ở chàng thi sĩ đa tình Tế Hanh mà thôi.
Tác giả Cao Huy Thuần trong bài viết Nhớ Tế Hanh nhân
ngày giỗ đầu của nhà thơ, in trên TuanVietnam đã rất có lý khi ông cho rằng: Thực
và mộng cứ vậy mà gặp nhau, hỏi han nhau, sóng đôi với nhau, đôi lúc gây nhau.
Cũng như buồn và vui, im và nói, chúng ẩn rồi hiện như một nỗi lòng khắc khoải
không nguôi. Tuồng như khi anh thực là anh phải thực. Khi anh vui là
anh phải vui. Khi anh hùng hồn là anh phải hùng hồn. không phải
anh dối lòng đâu! Có ai thật với thơ như anh! Thật đến não lòng. Nhưng rồi cũng
tuồng như khi anh buồn thì anh rất sâu, khi anh im là anh rất thực. Buồn, anh
không cần biện minh. Vui , anh phải tuyên bố. Nói, anh phải tìm chữ. Im, ấy là
lúc anh sống với mình.
Có một cách thứ ba nữa mà, lạ quá, dù ở ngoài đời hay ở trong
thơ, Tế Hanh làm ai cũng chú ý, dường như đây mới là nét đặc biệt của riêng
anh, cá tính của anh: anh ít nói, nói nửa chừng, nói nhát gừng, chưa nói đã im,
miệng nói mà đầu để ở đâu đâu, như không phải đang nói với người đối diện
mà nói với cái suy nghĩ vừa hiện ra nửa chừng trong đầu (5).
Thơ Việt từ cổ chí kim dễ có đến cả trăm, nghìn người làm. Có
người suốt cả đời hì hục viết mà chỉ dừng lại ở cữ người biết làm thơ. Còn có
người mới chỉ đặt bút lần đầu tiên đã khiến người khác cảm nhận được ngay chất
thi sĩ chứa trong tâm hồn người ấy. Tế Hanh thuộc tuýp người thứ hai. Tuy nhiên
chất thi sĩ không phải lúc nào cũng là bà đỡ cho sự thành công đối với mọi tác
phẩm thi ca. Nó là yếu tố trời phú cho mỗi người, còn để có một sự nghiệp thi
ca được cộng đồng thừa nhận, chắc chắn sẽ còn cần đến nhiều yếu tố khác nữa.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời trong một bài viết
của Chế Lan Viên khá chính xác về cái tạng của Tế Hanh, về bầu khí nuôi dưỡng
thơ Tế Hanh: Dù anh viết khá hay về biển, biển trong bão dữ, nghĩ đến anh,
tôi vẫn nghĩ đến cái êm đềm của những dòng sông. Chim anh viết hay, không phải
hải âu mà là chim én. Anh có thể tả mùa hè rực rỡ nhưng hình như anh xúc động
nhất mùa thu... Nếu vào trong khu vườn, Xuân Diệu sẽ ngoạm vào các trái hồng lẫn
trái xanh, Huy Cận lắng nghe chất nhựa trên cành, người nào đó sẽ hì hục tìm
thơ trong bộ rễ âm thầm, còn với Hanh thì màu xanh của lá cũng đủ cho anh hạnh
phúc (6).
Tham khảo
(1). Nhất Linh viết khi công bố giải vào năm 1939.
(2). Thi nhân Việt Nam- Hoài Thanh và Hoài Chân. Nxb Văn
học, H, 2010.
(3). Cây bút, đời người- Vương Trí Nhàn- Tập chân dung
văn học. Nxb Hội Nhà Văn, H, 2007.
(4). Thi nhân Việt Nam- Hoài Thanh- Hoài Chân. Nxb Văn học,
H, 2010.
(5). Nhớ Tế Hanh. Cao Huy Thuần. TuanVietnam.net, số ra
ngày 27/1/2011
(6) Tế Hanh hay Thơ và Cách mạng - Tuyển tập Tế Hanh, NXB Văn
học, 1987.
eva airlines
phòng vé máy bay đi mỹ
korean airlines
mua vé máy bay đi mỹ
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Tri Thức Du Lịch