Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Chiếc lá

Chiếc lá 
Bây giờ đang vào cuối thu, trời hanh hao nắng, màu nắng đã bớt vàng hơn. Thoảng trong nắng có hương thơm của lúa chín, của đồng nội. Nắng đấy, gió đấy, xốn xang những nỗi niềm. Theo làn gió nhẹ, từng chiếc lá vàng cuối thu mỏng manh rơi trên mái nhà, trên con phố nhỏ bình yên. Tôi đi trong thu rơi, lắng nghe dòng thời gian trôi đi trong mênh mông, lòng miên man nghĩ về những chiếc lá rơi. Từ lúc lá còn là những dòng nhựa âm thầm trong mạch sống của cây, đến khi cựa mình, tách vỏ, bật dậy nhú lên chồi non rồi chuyển từ chồi non sang lá biếc đón nắng trời, uống từng hạt mưa rơi; lớn lên trưởng thành lá chống chọi với giông tố, bão táp, tỏa bóng mát cho đời, làm nên những mùa quả ngọt, xây thành hạnh phúc lứa đôi.
Qua các mùa bão gió, cây và lá càng thêm cứng cáp, dẻo dai, kiên nhẫn đi cùng tháng năm. Qua những mùa gió đổi, mùa cây thay lá, cảm nhận thời gian trong không gian xao xác của gió cuối thu: "Chỉ còn đêm nay mai lá kia rơi". Câu hát khắc khoải xót xa cứa vào lòng ta như chiều nay ngắm nhìn những chiếc lá đang chơi vơi trên những cành cây khẳng khiu, bồi hồi nghĩ về thân phận chiếc lá, trải lòng mình trong sắc nắng cuối thu xốn xang nghe tiếng lá rơi, "nghe rõ cả tiếng tim mình thổn thức".

Bỗng nhớ đến cụ già Béc-man trong truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" của nhà văn Mỹ O'Henry... "Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả một đêm tưởng chừng như không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá Trường Xuân bám trên bức tường gạch.
Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây... Ồ em thân yêu, đó chính là kiệt tác của cụ Béc-man - Cụ vẽ nó ở đấy vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng". Rung cảm đến lạ lùng từ thân phận chiếc lá mỏng manh kia trong trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng, chiếc lá vẫn bám trên cây, bám vào sự sống; ước gì ta được như chiếc lá Trường Xuân kia, phải đâu như chiều nay em hát: "Chỉ còn một chiếc lá cuối thu mỏng manh...", lòng rưng rưng thương về những chiếc lá. Nhớ độ cuối thu năm ấy tôi về thăm nhà. Ngôi nhà cũ ba gian qua bao mùa mưa nắng, lá rơi ngập đầy trên mái nhà, dưới sân vườn, im ắng, u tịch đứng đó. Bồi hồi trước hiên nhà, nghe rõ tiếng gió thu xao xác, những kỷ niệm xưa cứ hiện về lúc tỏ, lúc mờ. Lòng rưng rưng nhớ mẹ cha, nhớ các anh chị. Những ngày thơ bé chúng tôi quây quần trong ngôi nhà này.
Giờ mỗi người đi mỗi ngả vì cuộc sống mưu sinh, chỉ còn lại ngôi nhà tranh thao thức ngập đầy lá rụng. Đâu rồi dáng cha đi liêu xiêu ôm ngực ho mỗi chiều gió lạnh cuối thu, khi những chiếc lá vàng rơi, vết thương tái phát thời cha đi bộ đội chống Pháp. Dáng mẹ lúc nào cũng cần mẫn vun xới vườn nhà, cắt cây tỉa cành và gom từng chiếc lá rụng góc vườn. 

Thoáng thấy tôi về, mẹ ngừng tay vun xới, mừng rỡ đón, nhưng nước mắt cứ trào ra, nghẹn ngào mẹ ôm tôi vào lòng, mùi mồ hôi lẫn mùi quết trầu thơm hăng hắc, đến giờ tôi vẫn nôn nao nhớ. Giờ cha mẹ đã đi xa. Một năm anh chị em chỉ gặp nhau đôi ba lần vào những ngày giỗ cha, giỗ mẹ, lễ Tết rồi lại tất bật đi xa với bao nỗi nhớ, chỉ còn lại ngôi nhà tranh tre vẫn đứng đó ấp iu trong những mùa cây thay lá. Ngày mẹ mất cũng vào dịp cuối thu, đầu đông này. Những chiếc lá nghẹn ngào theo mẹ đi xa. Nhìn những chiếc lá rơi mà lòng xót xa nhớ mẹ cha, rồi rưng rưng nghĩ về thân phận chiếc lá, như đời một con người...
VŨ HOÀNG LUYẾN
Theo http://baohaiduong.vn/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...