Cảm thức về Xuân của thiền sư
Một điểm đặc trưng khác trong cái nhìn của các Thiền sư khi
mùa Xuân đến là từ sự nở tàn của hoa cỏ, sự sinh diệt của mùa Xuân, sự biến đổi
nơi thân thể của mình; các ngài nhận ra một chân lý phổ biến, tồn tại một cách
khách quan trong cuộc đời. Chân lý ấy là: Vạn vật và con người trên thế gian
này đều chịu sự chi phối của nguyên lý vô thường...
Thiền sư cũng là một con người, một thi nhân; vậy thì không
có lý do gì khiến họ không thưởng thức cái đẹp mà tạo hóa ban cho:
“Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi”.
(Xuân hiểu - Trần Nhân Tông)
Ngủ dậy ngỏ song mây,
Xuân về vẫn chưa hay.
Song song đôi bướm trắng,
Phất phới quện hoa bay.
(Ngô Tất Tố dịch) (1)
Mới đọc bài thơ, ta có cảm tưởng mùa Xuân ở đây dường như âm
thầm trở về, vì không có một dấu hiệu nào báo trước. Và cũng không rõ là do
xuân đến một cách âm thầm nên người ta không nhận ra hay vì đắm say trong giấc
ngủ mà không biết xuân đã về, mãi đến lúc nhìn thấy “Song song đôi bướm trắng,
phất phới quện hoa bay” mới khiến cho người ta biết chắc Xuân đã thực sự trở về.
Rõ ràng là mùa Xuân đã đến rồi, chứ không phải đợi đôi bướm
xuất hiện hay hoa nở xuân mới đến. Câu “Ngủ dậy ngỏ song mây, xuân về vẫn chưa
hay” chỉ là một cách nói, để tạo ra một sự yên lặng của cảnh vật chung quanh, từ
đó làm nổi bật lên sự nhộn nhịp của vạn vật khi xuân sang, cụ thể ở đây là đôi
bướm trắng bay tìm hoa. Mùa Xuân ở đây được miêu tả tuy rất giản đơn, chỉ thể
hiện qua đôi bướm tìm hoa nhưng cũng đủ làm rõ được sự nhộn nhịp, vui tươi của
lòng người và cảnh vật.
“Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi”.
(Xuân cảnh - Trần Nhân Tông)
Chim nhởn nha kêu liễu trổ đầy,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.
(Huệ Chi dịch) (2)
Khởi đầu của bài thơ trước có phần trầm lặng bao nhiêu thì khởi
đầu bài thơ này nhộn nhịp, vui tươi bấy nhiêu; bởi lẽ cảnh vật ở đây có vẻ sôi
động hơn nhiều. Tuy rằng mùa Xuân được miêu tả có chim hót líu lo, có hoa thơm
cỏ lạ nhưng giọng điệu chủ đạo của bài vẫn chứa đựng cái tinh thần trầm lắng và
nhàn nhã chứ không huyên náo, ồn ào. Đọc hai câu thơ đầu, ta dễ dàng nhận thấy
ngay sức sống mới đang tuôn chảy trong vạn vật, mọi thứ đều chuyển mình khi
xuân đến. Cảnh vật ở hai câu này đều trong trạng thái động, nhưng cái động này
là để làm nổi bật cái trầm lắng và thanh nhàn ở câu sau:
“Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây”
Nếu như ở bài thơ trước dùng cái tĩnh lặng của mọi sự vật
chung quanh để diễn đạt sôi động của mùa Xuân, thì ở bài này dùng cái động của
mùa Xuân để tả cái thanh nhàn và u huyền của lòng người. Tinh thần siêu nhiên
thoát tục thể hiện rõ ở việc khách đến chơi không quan tâm đến chuyện trần tục
mà chỉ cùng nhau ngắm cảnh đẹp của mùa Xuân. Chính lúc không để tâm vào những
chuyện thị phi, đắc thất, thịnh suy… của cuộc đời mới có được trạng thái thanh
nhàn và siêu thoát. Và từ đó mới có thể ngắm nhìn tường tận vẻ đẹp của vạn vật
quanh ta.
Trong cái nhìn của Trần Nhân Tông, mùa Xuân thật tươi đẹp
nhưng không huyên náo, ồn ào mà rất nhàn tịch, thanh đạm. Nó đồng điệu với tâm
hồn an lặng và siêu thoát của tác giả.
Khi tìm hiểu cảm nhận của các Thiền sư về mùa Xuân, điều dễ
dàng nhận thấy là các ngài cũng không chối từ hay lẩn tránh vẻ đẹp mà tạo hóa
ban tặng, thậm chí còn rất trân trọng món quà quý giá này. Mùa Xuân đến, các
Thiền sư cũng vui xuân, cũng ngắm hoa thơm cỏ lạ, cũng thưởng thức tiếng ca hát
của chim muông như bao nhiêu người khác; nhưng chỗ đặc biệt của các Thiền sư là
khi xuân ra đi lòng các ngài vẫn an nhiên và tự tại. Lý do nào đã tạo nên điều
đó? Tuy thật sự quý trọng cái đẹp nhưng các Thiền sư không đắm nhiễm hay tham
luyến cái đẹp, bởi các ngài nhận thức rằng mùa Xuân là một hiện tượng tự nhiên
nằm trong dòng sinh diệt. Xuân đến thì đón chào, xuân đi thì tiễn biệt, chẳng
có chi phải bận lòng:
“Nhất niên xuân tận nhất niên xuân,
Dã thảo sơn hoa kỷ độ tân.
Thiên hiểu bất nhân chung cổ động,
Nguyệt minh phi vị dạ hành nhân”.
(Bổn Tịnh Thiền sư) (3)
Một năm xuân trọn một năm xuân,
Cỏ dại non hoa mấy độ tươi.
Trời sáng chẳng do chuông trống động,
Trăng trong đâu bởi khách đi đêm.
(Thích Thanh Từ dịch) (4)
Hai câu đầu nói về xuân, hai câu sau nói về tính khách quan của
vạn vật. Không đọc kỷ bài thơ, sẽ thấy chúng chẳng có quan hệ gì với nhau.
Tất cả các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ tồn tại một cách
khách quan, chúng vận hành theo quy luật tự nhiên. Chẳng hạn chuông trống canh
không điểm thì trời vẫn sáng, không có người đi đường vào ban đêm thì trăng vẫn
cứ tròn và soi chiếu. Thời tiết đến, nhân duyên hội đủ thì vạn vật xuất hiện và
tồn tại; khi thời tiết, nhân duyên phân tán thì vạn vật không còn hiện hữu nữa.
Đó là tính khách quan của vạn vật.
Mùa xuân cũng vậy; nó đến đi theo quy luật tự nhiên, theo sự
tuần hoàn của vũ trụ, tồn tại không dài hay ngắn hạn. Nếu chúng ta đem ý chí chủ
quan của mình áp đặt vào sự vật, hiện tượng buộc chúng tồn tại và hoạt động
theo mình thì không những chúng ta không gặt hái được kết quả như mong đợi mà
còn chuốc lấy muộn phiền. Vì thể nghiệm được điều đó nên Thiền sư Bổn Tịnh
không bận lòng đến cái sinh diệt, đến đi của mùa Xuân. Ngài sống hài hòa và hướng
thuận theo quy luật vận hành của vũ trụ, cho nên ngài có được sự tự tại và niềm
an lạc trước dòng sanh diệt của cuộc đời. Quan niệm này là chỗ gặp gỡ giữa Thiền
sư Bổn Tịnh và Giác Hải:
“Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.
Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì”.
(Giác Hải Thiền sư) (5)
Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ.
Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo,
Thấy hoa mặc bướm để lòng chi.
Hễ mùa Xuân đến thì hoa thơm rộ nở, ong bướm cũng theo đó mà
tụ hội về. Việc này xưa nay chưa từng thay đổi. Đứng trước vẻ đẹp của mùa Xuân,
Thiền sư Giác Hải chẳng ngần ngại thưởng thức, rồi cầm bút miêu tả. Nhưng không
dừng lại ở đó, ngài còn nhìn thấy rõ bản chất của các hiện tượng trên là hư huyễn,
chúng không trường tồn, không vĩnh hằng; tất cả hoa, bướm có đẹp đến mức nào
thì cũng tàn phai theo thời gian. Chính vì lẽ đó mà Thiền sư chẳng vương vấn về
sự tàn nở của hoa, sự ra đi hay trở lại của mùa Xuân. Khi đối cảnh, tâm của Thiền
sư rất bình lặng; nó tợ như tấm gương, sự vật hiện tượng nào đến trước gương
thì gương phản chiếu hình ảnh của sự vật hiện tượng đó, nhưng khi sự vật hiện
tượng đó ra đi thì gương không lưu hình ảnh của chúng lại và gương vẫn sáng soi
bất động:
“Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo,
Thấy hoa mặc bướm để lòng chi”.
Biết thưởng thức cái đẹp là khó, nhưng thưởng thức cái đẹp mà
lòng không say đắm và chiếm hữu nó thì càng khó hơn. Chỉ có những người nào
nhìn đời, nhìn người bằng tuệ giác-vô ngã mới có được trạng thái như vậy. Bằng
ngược lại, khi tiếp xúc với cái đẹp, lòng không những không được tự tại mà còn
khởi lên tham sân, phiền não. Chắc chắn rằng vì nhìn cuộc sống bằng tuệ giác-vô
ngã nên dù xuân thời gian đã ra đi mà lòng của các Thiền sư vẫn còn mãi một niềm
vui vô tận:
“Xuân nhật xuân sơn lý,
Xuân sự tận giai xuân.
Xuân quang chiếu xuân thủy,
Xuân khí kết xuân vân.
Xuân khách tình xuân động,
Xuân thi xuân cánh tân.
Duy hữu thức xuân nhân,
Vạn kiếp nguyên nhất xuân”.
(Phật Nhãn Thiền sư) (7)
Ngày xuân, xuân trong núi,
Việc xuân thảy đều xuân.
Hồ xuân ánh xuân chiếu,
Khí xuân kết mây xuân.
Khách xuân lòng xuân động,
Thi xuân, xuân càng tươi.
Chỉ có người biết xuân,
Muôn kiếp một mùa Xuân.
Bài thơ này rất đặc biệt, tất cả các câu đều có hai từ
“xuân”, trừ hai câu cuối chỉ có một từ “xuân”. Chính vì chỗ mỗi câu đều được bố
trí từ “xuân” như vậy nên tạo cho ta cảm giác mùa Xuân đang trùm khắp vạn vật,
dường như không nơi nào xuân không hiện hữu. Và từ “xuân” ở đây đã mở rộng biên
độ nghĩa của nó, xuân còn là cái đẹp trong tự nhiên và cuộc sống.
Cái khéo của tác giả là chỉ dùng một vài hình ảnh cụ thể
nhưng rất khái quát để diễn đạt tính khách quan và phổ biến của cái đẹp, của
mùa Xuân. Nhìn lên trên thì ta bắt gặp “xuân vân”, “xuân sơn”; nhìn xuống dưới
thì ta thấy “xuân thủy”; ngoài ra còn có “xuân quang”, “xuân khí” đang bao trùm
và soi sáng mọi nơi. Cả không gian: Xa, gần, cao, thấp, rộng, hẹp… đều chìm ngập
trong xuân. Nhưng không chỉ có thế, ở đây còn có sự giao hòa giữa cảnh vật và
con người. Nếu như ở bốn câu đầu mùa Xuân len lỏi vào vạn vật thì ở các câu sau
mùa Xuân thấm vào tận lòng người:
“Xuân khách tình xuân động,
Xuân thi xuân cánh tân”.
Hai câu này bộc lộ rõ thần thái rạo rực và hạnh phúc trong
lòng người trước cảnh tươi đẹp của mùa Xuân. Cái tươi đẹp của mùa Xuân hòa cùng
nét thanh tú của con người làm cho đất trời thêm rực rở, và giữa chúng có sự
tác động qua lại lẫn nhau. Xuân làm cho lòng người trẻ hơn, đẹp hơn; ngược lại
hoạt động của con người làm cho xuân thêm ý nghĩa.
Đến hai câu cuối:
“Duy hữu thức xuân nhân,
Vạn kiếp nguyên nhất xuân”.
Chữ “xuân” ở câu trên là chân lý, còn ở câu dưới nó có nghĩa
là niềm vui, niềm hạnh phúc. Thực vậy, muốn có niềm vui muôn thuở thì phải hiểu
rõ chân lý trong cuộc sống. Tức phải thấy được xuân thời gian thì hữu hạn, xuân
có đến thì có ra đi, hoa có nở thì có tàn; mọi thứ đều nằm trong dòng sinh diệt,
vô thường. Sống thuận theo dòng chảy của tự nhiên, xuân đến thì nghinh đón,
xuân đi thì tiễn biệt. Có như thế lòng mới đạt được niềm an lạc vĩnh hằng, mới
hưởng được “mùa Xuân muôn thuở”.
Như vậy, các Thiền sư dùng tuệ giác để nhìn đời, nhìn cuộc sống.
Trong mắt của mình, mọi sự vật hiện tượng trong thế giới đều đổi thay, đều hư
huyễn; cho nên sự sinh diệt của mùa Xuân chẳng làm các ngài bận lòng. Thái độ sống
của các Thiền sư là “Tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên”. Mùa Xuân
của đất trời không phải không đẹp nhưng cái đẹp đó chỉ là cái đẹp hữu hạn, cái
đẹp thực sự, mùa Xuân thực sự chính là chân lý cuộc sống.
Một điểm đặc trưng khác trong cái nhìn của các Thiền sư khi
mùa Xuân đến là từ sự nở tàn của hoa cỏ, sự sinh diệt của mùa Xuân, sự biến đổi
nơi thân thể của mình; các ngài nhận ra một chân lý phổ biến, tồn tại một cách
khách quan trong cuộc đời. Chân lý ấy là: Vạn vật và con người trên thế gian
này đều chịu sự chi phối của nguyên lý vô thường. Từ nhận thức này, các Thiền
sư không để tâm duyên theo vẻ đẹp và niềm vui giả tạo, hư huyễn của xuân thời
gian mà an trụ vào cái đẹp tuyệt đối và niềm hỷ lạc nhiệm mầu của tâm xuân, của
bản giác xuân ở lòng mình.
(1) Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt Nam
quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr. 337.
(2) Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt
Nam quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr. 341.
(3) Thiền sư Bổn Tịnh (?-761): Môn đệ Lục tổ, đời thứ
I.
(4) Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền,
Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr. 74.
(5) Thiền sư Giác Hải (?-?): Đời thứ 10 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi.
(6) Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích,
1993, Thiền uyển tập anh, NXB Văn Học Hà Nội, tr. 142.
(7) Thiền sư Phật Nhãn (?-1119): Hiệu Thanh Viễn, thuộc
phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế đời thứ 11, đời thứ 15 sau Lục tổ.
(8) Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền,
Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr. 200.
Đông Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét