Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Bài thơ sám hối của một ông vua

Bài thơ sám hối của một ông vua
“Dạ vũ” (Mưa đêm) là một trong những thi phẩm xuất sắc, được nhắc đến nhiều nhất trong cõi thơ Trần Minh Tông - hoàng đế, thi sĩ thời Trần.
Bài thơ như sau:
Phiên âm:
Thu khí hòa đăng thất thự minh
Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh
Tự tri tam thập niên tiền thác
Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.
Dịch nghĩa:
Hơi thu hòa vào ngọn đèn làm mờ đi ánh sáng ban mai,
Giọt mưa trên tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn.
Tự biết sai lầm của mình ba mươi năm trước,
Đành ôm nỗi sầu ngồi nghe mưa rơi.
[1]
Dễ thấy, thi phẩm của Trần Minh Tông viết về một đề tài rất quen thuộc trong thơ phương Đông nói chung và thơ Việt nói riêng: Nỗi buồn đêm mưa. Chỉ riêng trong thơ Việt, cả trung đại lẫn hiện đại, đề tài ấy đã gợi cảm xúc cho nhiều thi nhân, tạo nên những vần thơ tuyệt bút. Với Nguyễn Trãi là “Tiêu hao kinh khách chẩm!/ Điểm trích sổ tàn canh” (Tiếng não nùng làm kinh động gối khách/ Giọt thánh thót suốt mấy canh tàn) [2], “Thu phong lạc diệp ki tình tứ/ Dạ vũ thanh đăng khách mộng hồn” (Lá rụng trong gió thu gợi tình tứ/ Đêm mưa ánh đèn leo lét khiến khách thả hồn vào mộng) [3]. Với Huy Cận là “Đêm mưa làm nhớ không gian /Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la... /Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn” [4]. Với Nguyễn Bính là “Mưa mãi mưa hoài mưa bứt rứt/ Đêm dài đằng đẵng đêm bao la...” [5]
Nhìn chung, dù người đối cảnh đang ở trong một cảnh ngộ, trạng huống như thế nào thì tiếng mưa đêm cũng thường gợi niềm cô tịch. Giữa cái vắng vẻ, tịch lặng của đêm; từng giọt mưa thánh thót rơi như điểm vào không gian và điểm cả vào lòng người những giọt buồn trĩu nặng. Trong “Dạ Vũ” của Trần Minh Tông, trên cả nỗi buồn, nỗi cô đơn, tiếng mưa đêm còn xoáy vào lòng người bao nhiêu dằn vặt, ăn năn vì những lỗi lầm của 30 năm trước.
Câu thơ đầu tiên “Thu khí hòa đăng thất thự minh” (Hơi thu hòa vào ngọn đèn làm mờ đi ánh sáng ban mai) gợi khung cảnh của một buổi bình minh khi những tia nắng đầu tiên của một ngày mới chiếu vào phòng. Thế nhưng con người dường như không trông thấy rõ ánh ban mai vì khí thu hòa vào ánh sáng của ngọn đèn làm mờ đi. Vì cớ gì mà suốt đêm đến lúc canh tàn ngọn đèn vẫn chưa tắt? Nhân vật trữ tình ngủ quên chăng? Không phải. Câu thơ thứ hai giúp ta lí giải điều này “Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh” (Giọt mưa trên tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn). Người nằm đó, lắng nghe từng giọt mưa qua tàu chuối tí tách rơi trong đêm tận đến lúc tàn canh. Thì ra, ngọn đèn chưa tắt là vì con người trằn trọc suốt đêm thâu không thể nào chợp mắt.
Nhân vật trữ tình không ngủ được phải chăng có gì đó liên quan đến những hạt mưa đêm theo cái lẽ “Cảnh buồn người thiết tha lòng” [6]? Thực ra, những giọt mưa hiu hắt kia sẽ chẳng thể nào chi phối được giấc ngủ của con người nếu con người ấy đạt được trạng thái “đối cảnh vô tâm”, tức là luyện được một cái tâm an nhiên, bình thản trước mọi biến dịch từ ngoại cảnh. Vậy thì hẳn người đang thao thức kia phải đang mang nặng một nỗi niềm u uất. Nhà thơ giãi bày nỗi niềm ấy trong hai câu thơ cuối: “Tự tri tam thập niên tiền thác/ Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh” (Tự biết sai lầm của mình ba mươi năm trước/ Đành ôm nỗi sầu ngồi nghe mưa rơi). Giây phút lắng nghe tiếng mưa đêm cũng là giây phút nhân vật trữ tình đối diện với lương tâm, tự vấn, tự xét chính mình để những lỗi lầm từ 30 năm trước cứ thế hiện về vò xé tâm can.
30 năm trước, ông vua trẻ vì thiếu sáng suốt, nghe lời đơm đặt mà nghi kị rồi giết oan bố vợ của mình. 30 năm, thời gian cứ vô tình trôi theo quy luật muôn đời của nó. Con người năm xưa đến khi phản tỉnh, nhận ra sai lầm của mình, ăn năn, day dứt thì đã muộn. Dẫu có là một ông vua trên ngôi cao chín bệ cũng không thể làm đảo ngược thời gian để sửa chữa lỗi lầm. Nỗi bất lực trước sự chảy trôi của thời gian ấy khiến con người rơi vào trạng thái dằn vặt, đau khổ “Đành ôm nỗi sầu ngồi nghe mưa rơi”. Những câu thơ vang lên đầy chua chát như một lời tự thú chân thành trước tòa án lương tâm. Con người như tự vây hãm mình trong bao nhiêu mặc cảm tội lỗi, bao nhiêu cay đắng, xót xa.
Trong hành trình của mỗi một đời người, sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt, đấng quân vương của một nước với bao nhiêu việc phải điều hành thì càng dễ mắc sai lầm. Trong lịch sử, không ít những ông vua phạm phải lỗi lầm, thậm chí là lỗi lầm nghiêm trọng. Nhưng những ông vua biết tự phản tỉnh để sám hối trước lỗi lầm của mình hình như rất hiếm. Thiên tử dù biết mình sai cũng vì giữ thể diện mà thường không nhận sai. Trường hợp Trần Minh Tông thì khác, ông đã vượt lên trên thói thường để sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những việc mình làm; nghiêm khắc tự phán xét để chỉ ra sai lầm của mình mà dằn vặt ăn năn.
Điều đó thể hiện một nhân cách trong sáng, cao đẹp; một tầm cao văn hóa chan chứa tinh thần nhân văn. Ngẫm ra, một đấng quân vương dũng cảm thừa nhận và biết ăn năn trước tội lỗi của mình thì quả là điều may mắn lớn cho quốc gia, dân tộc. Vì lẽ đó mà những lời thơ sám hối của Trần Minh Tông trong “Dạ vũ” xứng đáng được xem là bài học quý giá cho những người cầm quyền trị nước muôn đời sau.
* Chú thích
[1] Dẫn theo Đoàn Thị Thu Vân (2007). Con người nhân văn trong thơ ca Việt Nam sơ kì trung đại, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[2] Thính Vũ – Nguyễn Trãi
[3] Thu dạ khách cảm (I) – Nguyễn Trãi
[4] Buồn đêm mưa – Huy Cận
[5] Đêm mưa đất khách – Nguyễn Bính
[6] Thơ Chinh phụ ngâm.
Hồ Tấn Nguyên Minh
 Theo https://www.baomoi.com/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...