Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Mặt trời mùa xuân

Mặt trời mùa xuân
Xuân đến, Hạ qua, Thu sang, Đông tàn, cứ thế thời gian trôi đi một cách vô tình và con người cũng vô tình buông trôi đời mình theo dòng sông nghiệp định. Hôm nay mùa xuân lại về, khí xuân mát, gió xuân nhẹ lướt như thì thầm nhắc nhở ta những ân tình chưa thỏa, những nét tâm linh “về nguồn” truyền thống của dân tộc. Mùa xuân về, mùa mà những cánh mai đào nở rực dưới nắng vàng, mùa mà sum hợp quây quần dưới năng lượng tình thương để nhớ về ngày xưa, chút hoài niệm thời thơ bé và mùa cùng chúc nhau những lời chúc tốt lành..
Nói đến mùa xuân thì không ai không cảm thấy lâng lâng với không khí náo nức ngày Tết cổ truyền, cũng là dịp vun bồi, giữ gìn nét tâm linh và thăng hoa hơn trong cuộc sống hiện đại này. Chúng ta có thể khẳng định rằng: giữ được nét tinh thần truyền thống đã là khó, duy trì và phát huy lại càng khó hơn. Hiện nay chúng ta đang sống trong thế giới hướng ngoại, bị cuốn hút theo cuộc sống vật chất hưởng thụ ngày càng cao, cám dỗ ngày càng nhiều… nên đau khổ về tinh thần ngày càng sâu sắc.
Đêm giao thừa ai cũng lên chùa lễ Phật đầu năm, hái lộc.. để gởi mong ước với bao dự định và đón nhận những điều tốt đẹp nhất của năm mới. Nhưng không phải ai cũng chung niềm cảm xúc, có người cố nén dòng nước mắt khi nhìn mọi người đang ấm áp trong vòng tay gia đình, đang nói cười quấn quýt bên cha mẹ. Không khóc nhưng tại sao cứ tuôn trào trong thầm lặng, nhìn lại mình sao quá lạc lõng cô độc, cả không gian đều tẻ nhạt; không biết ở quê nhà có ai nhớ đến kẻ tha hương này không?? Rồi rưng rưng nước mắt. Người ta nói mùa xuân là mùa ấm áp yêu thương nhưng tại sao đối với nhiều người lại quá lạnh lẽo cô liêu như mùa đông băng giá? Năm cũ qua đi chào năm mới với bao mơ ước, hy vọng về một cuộc sống mới đầy an khang thịnh vượng. Ai cũng cố tìm cái được gọi là hạnh phúc riêng mình, nhưng mấy ai biết được hạnh phúc chân thật là gì??? Ở đâu??? Hay lại sai lầm tìm lấy đau khổ cho chính mình.
Hạnh phúc trong ba giới vốn như hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ, đang long lanh trong giây phút này rồi biến mất trong chốc lát, hạnh phúc ấy vô thực thể và phù du. Chỉ có Giải Thoát mới là dạng thể của hạnh phúc, là sự bình lặng nơi thân tâm, yên tĩnh nơi tâm thức, không bị lấy động bởi tranh đua nhiễu nhương của cuộc sống; là mùa xuân vĩnh hằng, mùa xuân trong ánh đạo huy hoàng, mùa xuân của người giác ngộ.
Và một trong những nơi phát huy tinh thần nguồn cội; nuôi dưỡng ban nguyện an lạc hạnh phúc vĩnh cửu ấy là chùa Hoằng Pháp, ngôi già lam bất diệt trong lòng người con Phật.
Một sức sống vui tươi kỳ diệu bởi cảnh sắc vui tươi của “Mùa Xuân” trong khuôn viên chùa Hoằng Pháp, muôn hoa đua nở, vẻ đẹp tao nhã từ thiên nhiên, phong tục tập quán… tất cả như lời chúc phúc tốt lành nhất quý Thầy gởi đến nhà nhà.
“Tính đức từ bi chơn lý hiện
Xả lòng hỷ xả pháp tâm an”
Ngay cổng Tam quan là bảng “Mừng Xuân Di Lặc”, hai bên là “Từ Bi” và “Hỷ Xả”. Phải chăng đó là lời thầy nhắc nhở mọi người thời thời nhớ tu tập, hằng thực hành theo Tứ Vô Lượng Tâm để hàn gắn những vết thương lòng hằn sâu do sân hận, ưu sầu, bất an, cô đơn và cố chấp mang lại; để nhận lấy an ổn yên vui, lành mạnh thân tâm; để có hạnh phúc và mang hạnh phúc lại cho mình, cho người, cho nhân loài. Bước vào sân là tượng Phật Di Lặc thật to, ngài là hiện thân của từ bi trí tuệ, biểu hiện cho sự hoan hỷ, phong phú, mãn nguyện của nụ cười khoan khoái; sắc diện béo tròn thân đầy bụng phệ lúc nào cũng sẵn lòng dang tay đón nhận mọi người. Từ bi là tình thương không mù quáng, trí tuệ là sự hiểu biết không cực đoạn, hoan hỷ là niềm vui không dung tục. Đức Phật Di Lặc là tấm ảnh nói lên niềm hy vọng thường an lạc, là biểu tượng cho một tương lai thịnh vượng , tươi sáng; một sự tái khẳng định nếp nghĩ, nếp sống hòa bình, trí tuệ.
Chư Phật dạy mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, Phật tri kiến, có bản tâm thanh tịnh, vạn đức vạn năng nhưng vì mê chấp nên còn lặn hụp trong ba cõi sáu đường, trầm luân sinh tử; cho nên dưới cây Bồ Đề khu nhà Tổ là ao sen cùng Bạch Hạc, Khổng Tước. Hoa sen không những được dân tộc Việt Nam ca ngợi với đức tính cao đẹp mà còn tượng trưng cho trí tuệ tuyệt đối, tôn quý tối thượng trong đạo Phật. Là loài hoa tinh khiết dâng cúng nơi điện thờ nhưng lại mọc từ bùn; từ bùn lầy nhơ nhớp, hoa vụt lên khỏi bùn tanh, nhú lên mặt nước và tỏa hương thơm ngát. Giai đoạn vụt lên, tỏa hương của hoa được ví như tinh thần tích cực tu học và kết quả viên thành của Phật giáo. Con đường đi đến tỉnh thức tu tập, phát triển tâm thức, đức hạnh, viên mãn.. phải được thực hiện tại cuộc đời ô trược này. Chỉ ngay khi đi trên mặt đất chúng ta mới có thể nhận biết và thấu hiểu được mọi sự nhiệm mầu, vì thế kinh Phật dạy “Phật bất ly thế gian”, “Phiền não tức Bồ Đề”. Bạch Hạc, Khổng Tước..
là chim ở Cực lạc trong kinh Di Đà nhắc đến, những chim ngày đêm liên tục hót lên những pháp vi diệu khiến người nghe phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Lấy hành nghiệp trong tâm hành giả làm nội nhân, lấy nội lực của Phật A Di Đà làm ngoại duyên, nội ngoại tương ưng, mong mọi người đều tu tập và thực hành theo phương pháp giải thoát của Đấng Từ Phụ; với bản nguyện hy vọng chúng sanh nhận thức được mình, nhận thức rõ hoàn cảnh sống, nhận chân lý nhân duyên, thời thời niệm Phật, nhất định sẽ không bị nhiễu loạn phiền não do chính mình và hoàn cảnh sống mang lại, bời vì “chuyển mê thành ngộ”, “lìa khổ được vui”, đưa mình đến cảnh giới giải thoát và tự tại.
Song song tận lực đề xướng Phật pháp, quý Thầy còn chủ trương ra sức khôi phục tập tục tết dân tộc. Tết Việt Nam không thể thiếu mai vàng trung thành, đào hồng may mắn; thiếu cây nêu, tràng pháo đỏ, tiếng nổ giòn giã vang rền khiến lòng người hoan mừng chào đón thời khắc thiêng liêng chuyển đổi của đất trời, giao mùa qua năm mới. Hình ảnh ông Đồ trong chiếc áo the, khăn xếp và guốc mộc cũng là một thực chứng hiển nhiên cho mùa xuân cổ truyền. Đã bao xuân “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên, một nét đẹp truyền thống Việt đã bị lãng quên theo chiều xoay chuyển mang tính quy luật của cuộc sống; tập tục văn hóa cho chữ ngày xuân cũng phai nhạt theo tính lịch sử. Trước khi văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX), ngày tết không thể thiếu một câu đối treo trong nhà, không thể thiếu màu đỏ của giấy, màu đen của mực. Chữ Hiếu, chữ Nhẫn, chữ Phúc, chữ Tâm... không chỉ chứng tỏ khát vọng cho tương lai, giá trị tinh thần, mà còn là tam cương ngũ thường của Nho giáo. “Hiếu” () trên là bộ Lão, dưới là bộ Tử, nghĩa là con cháu phải luôn thờ kính hiếu thảo với ông bà cha mẹ. “Nhẫn” () trên là bộ Đao, dưới là bộ Tâm, dao (trái ngang, phiền muộn..) mà cắt vào tim mà chịu được thì làm việc gì cũng nên. “Phúc” () bên trái là bộ Kỳ trông như cây cổ thụ sum xuê che chở, hàm ý là sự phụng thờ; bên phải là ba chữ ghép lại: chữ Nhất, chữ Khẩu, chữ Điền mang ý nghĩa điều sung sướng nhất, may mắn nhất và tốt lành nhất. Khôi phục và lưu tâm đến những tập tục văn hóa tốt đẹp, cái được gọi là lỗi thời, ruỗng, mục, bị thời gian phủ lấp; nhưng những giá trị này luôn được lưu giữ, được đặt đúng chỗ và khơi dậy trong tiềm thức chúng ta qua hình ảnh ung dung, thư thái “Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản/ Tay mài nghiêng hí hoáy viết thơ xuân..”
Xã hội ta là xã hội nông nghiệp, sống êm đềm bên lũy tre làng, gần gũi với thiên nhiên và người nông dân lao động hiền lành chất phát. Với nền văn hóa lúa nước, lấy hạt gạo làm lương thực chính; qua bàn tay khéo léo từ hạt gạo trắng mà làm thành nhiều loại bánh thơm ngon. Ai đọc sự tích “Bánh chưng bánh dày” đều biết rằng bánh chưng (bánh tét) là loại bánh đặc trưng cho ngày tết, còn biểu thị cho sự khai hoang mở cõi của biết bao thế hệ ông cha, nhớ về cội nguồn, tấm lòng tôn kính của con người đối với Phật trời, lòng hiếu thảo của con cháu với tổ tiên, công lao khó nhọc của nghề nông…
Ai đã từng trải qua thì không thể quên được kỷ niệm thuở ấu thơ vào những chiều 30 trong cái se lạnh của tàn đông, quây quần bên bếp lửa hồng, rạng ngời thêm nét vui tươi trên những gương mặt thân thương, chuyện trò ấm áp, vừa chụm lửa để chờ đợi nồi bánh chín, để được ăn những cái bánh “xiêu vẹo”, vậy thôi mà đâu dễ gì quên.
Một mùa xuân nữa lại về, một sức sống mới dâng trào, vạn vật khoác lên mình chiếc áo xanh mơn mởn, căng tràn nhựa sống. Tết ở chùa Hoằng Pháp không phàm là lễ hội, là về nhà về quê, mà chính là về với cội nguồn trong trẻo, của san sẻ yêu thương, về với bản nguyên của mỗi con người. Chỉ khi hiểu biết về quê hương, nguồn cội mới giúp chúng ta hiểu rõ về những điều riêng của bản thân và trưởng thành vững vàng trong thời đại hội nhập như hiện nay. Dù văn chương chữ nghĩa khác nhau, chung quy đức của mọi dân tộc, mọi chủ nghĩa, mọi thời đại đều trùng với tinh thần “vô ngã vị tha” của đạo Phật.
Hương xuân làm con người lạc quan yêu đời, cũng là thời gian mọi người tu tâm dưỡng tính chuyển mình đứng lên, vượt thoát quá khứ nhiều phiền não, nhìn về tương lai đầy hứa hẹn. Với nhân sinh quan tích cực, lạc quan và sáng tạo nhà Phật, quý Thầy đã phát dương tính đức trong sáng đầy đủ vốn có; cộng hưởng mọi người biết suy nhân biết quả, lánh xấu hướng tốt, tịnh hóa bản thân mình, phát huy khả năng chói lọi của mình; để sống có lợi cho người, cho đời, xây dựng xã hội về với chân thiện mĩ, biến thế giới Ta bà thành thế giới Cực lạc an vui.
“Hư không rộng rãi lớn biết bao
Lý đạo lại càng quá thẩm xa
Trăng, gió, nước hồ thường tự tại
Chào xuân đua nở trăm nghìn hoa”
Xuân Tân Mão 2011   
Chơn Hiền Bảo
Theo  http://www.chuahoangphap.com.vn/  


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...