“Cánh chim trong bão tố” - NXB Hội Nhà văn Việt Nam -
tự truyện của Nguyễn Thanh Song Cầm đến tay tôi vào một ngày mưa dầm xứ Huế
ngày tháng 10 chưa cười đã tối. Một cây bút mới xuất hiện. Tôi đọc liền một mạch
từ đầu cho đến cuối sách, từ lời giới thiệu cho đến phần vĩ thanh 476 trang.
Nhà văn Song Cầm
Ảnh: vanchuongviet.org
Lời giới thiệu cuốn sách như một bài bạt với nhan đề “Hành
trình tâm hồn của Nguyễn Thanh Song Cầm” của nhà văn PGS. TS Hồ Thế Hà dài 20
trang đã gần như tóm tắt nội dung, tư tưởng, triết lý xã hội của tác phẩm một
cách đầy đặn, giàu chất lý luận phê bình và tràn đầy tính nhân văn chân thiện
mỹ mà VHNT luôn hướng tới.
Vì vậy, xin phép cho tôi chỉ nêu lên những cảm nghĩ cá nhân - đúng hơn là những thu lượm được trên tư cách một người đọc bình thường mà thôi. 1. Chất tiểu thuyết của “Cánh chim trong bão tố”. Sự chân thực trong đời sống và chân thực trong nghệ thuật có một số phận kỳ lạ là chúng rất giống nhau và rất khác nhau. Một chi tiết về sự vươn lên, vượt lên trong nghèo đói gian truân ở ngoài đời của con người thật, nếu không có nghề nghiệp khéo léo cộng với tấm lòng vị tha nhân ái, sẽ dễ trở nên khô khốc, chán nhàm, nhiều khi sẽ giả tạo, buồn cười nữa. Không phải bất cứ sự thật nào ở ngoài đời đều ngang bằng sổ thẳng với sự thật trong nghệ thuật. Đó là cái khó của người viết khi trình bày nó ra trên trang giấy; cũng là nỗi chăm chút, lo toan của bất cứ nhà văn nào, trẻ hay già, mới viết hay đã lâu năm trong nghề. Cuộc sống, như một nhà văn quá cố đã nói - là ngổn ngang nơi trần thế. Muốn lột tả cái ngổn ngang đó bằng văn chương, bất kể thể loại nào, không có cách nào khác ngoài lựa chọn và sàng lọc. Tôi hết sức ngạc nhiên và vui mừng thấy chị Song Cầm trong tác phẩm văn xuôi đầu tay của mình đã đạt được điều này một cách thuyết phục, hồn nhiên, không hề cố ý chút nào. Xuyên suốt các hình tượng, nhân vật trong tự truyện, từ ba mẹ con đến người thân nội ngoại, rồi bà con hàng xóm láng giềng, rộng hơn là cả xóm làng quê hương, cả những bạn bè, cả người dưng xa gần cùng cảnh ngộ hoặc khác cảnh ngộ; mỗi người một chút, một khoảnh khắc, một thời gian; khi vội vã khi thầm lặng, đều cảm thông và sẻ chia sự cùng cực nghèo khổ khốn khó cả vật chất và tinh thần thể xác của mấy mẹ con, kể cả 8 tháng trời người con ở trong lao tù vì bị quy chụp là phản động vì một bài thơ 4 câu lục bát; ngồi tù mà không có án, bởi cái ấu trĩ suy diễn vô cùng tai hại, quan niệm bảo vệ chế độ mà hoá ra làm hại chế độ mà không biết của một số ít cán bộ công quyền hồi bấy giờ của ta. Bị kịch của chủ thể nhân vật trong tác phẩm không phải là bi kịch riêng rẽ, song cũng chẳng phải là bi kịch bao trùm xã hội. Song Cầm đã miêu tả rất công bằng, không vì cá nhân đau khổ mà vơ đũa cả nắm. Chị đã dằn vặt, ngẫm suy, nhiều khi không thể hiểu nổi, quan sát xét đoán mọi điều, mọi khía cạnh trong tâm thế chân thànhvà bao dung, cuối cùng kết luận: nỗi oan của mình chẳng qua là một tai nạn, mình đúng đắn thì chẳng sợ ai cả, người ta bôi đen lên mặt mình thì bàn tay họ cũng vấy bẩn, có khi vấy cả đời không bao giờ rửa sạch. Lẽ đời là vậy! Đến đây thì chúng ta thấy sự chân thực nghệ thuật nhờ sự chân thật đời sống mà như có hồn, quẫy cựa được, vút cao lên, long lanh chói sáng. Những chi tiết đó được Song Cầm kể ra cứ như không, đã xoáy vào lòng người đọc, đóng vón lại thành dấu ấn không ngờ, làm bất cứ ai cũng không thể không xúc động: “Trưởng phòng điều tra xét hỏi Nguyễn Ngọc Phê: - Sau này ra trại, cháu sẽ làm gì? Tôi nói: - Cháu sẽ thi vào Đại học. Chú lại nói: - Lý lịch cháu như vậy làm sao vào Đại học? Tôi khẳng khái: - Không đi được đường thẳng, cháu sẽ đi đường vòng”. Cái đường vòng này, tác giả không nói thêm, không giải thích, nhưng người đọc bỗng oà ra, vỡ ra, thở dài một cái yên tâm và hy vọng tràn trề. Yên tâm vì chắc chắn rằng cái đường vòng của chị là một cái đường thẳng tuy quanh co, gấp khúc, đầy sỏi đá chông gai nhưng rõ ràng, quang minh chính đại, người đi trên đó thẳng lưng, mắt nhìn đằng trước; chứ không phải con đường ẩn khuất, lấp liếm, gian dối hoặc cúi luồn. Tự truyện của Song Cầm - theo tôi - vì vậy, bật ra nhiều chất tiểu thuyết. Chính sự chân thực hồn nhiên chất phác này, sự chân thực tôi gọi là “chân thực kỳ khu” của nghệ thuật văn xuôi. Đây cũng là điều tôi đoan chắc tác giả không ngờ tới, bởi chị nghĩ rằng mình viết tự truyện cho chồng con, cho mẹ đẻ, cho ba mẹ chồng mà thôi... 2. Nội lực của phái yếu Trong một cuốn sổ tay cũ của tôi ghi chép cách đây đã hơn 20 năm, có một đoạn gần đây tôi lục xem lại. Rằng: “Con người để có một nghị lực mạnh mẽ, nhiều lúc phải tự ghép mình vào không tự giác, ấm ức hoặc dửng dưng”. Câu nói này của một danh nhân nào đó hay của chính tôi cảm nhận được và ghi ra sổ tôi cũng quên mất. Đọc “Cánh chim trong bão tố”, tôi bỗng đối chiếu bản thân, bạn bè mà tôi thân thuộc, với các hoàn cảnh và sự việc tương tự. Nội lực con người phụ thuộc vào tâm hồn và ý chí, hoàn toàn không bị chi phối bởi giới tính và thời gian. Thiếu gì đàn ông “yếu ớt” hơn đàn bà trong cuộc sống? Người mẹ “vĩ đại và tuyệt vời” như trời ban cho Song Cầm, chị đã tả; đã ảnh hưởng trực tiếp sâu xa đến tâm hồn và tính cách của chị: Nghèo nhưng quyết không bao giờ chịu hèn. Như một cặp song hành trên con đường cam go, đầy rẫy chịu đựng, thử thách và tôi nói là vinh quang, sao lại không chứ? Sự vinh quang đâu có ai được độc quyền? Hai người đàn bà một mẹ một con trong tác phẩm hoàn toàn xứng đáng như vậy. Cái vinh quang này thậm chí còn mang màu sắc anh hùng, tôi nghĩ là chẳng quá. Anh hùng trong dân dã, do những thường dân tôn vinh mới đáng quý, một sự đáng quý riêng, nhưng bình đẳng với mọi sự đáng quý khác. Nghị lực của hai mẹ con được tác giả biểu lộ một cách lặng lẽ, không ồn ào chi, thoạt đầu cứ ngỡ như là cam chịu, một sự cam chịu ấm ức hoặc dửng dưng. Song cái thoạt đầu đó, nhanh chóng bị đẩy lùi ngay trong ý nghĩa mọi người bởi sự thản nhiên, chủ động hoá giải dần của họ, hoá giải từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ trước mắt đến lâu dài. Người mẹ mới 19 tuổi đã một mình nuôi con trai đầu lòng để chồng thoát ly theo cách mạng và chồng mẹ đã một đi không trở lại. Để bảo vệ mình và bảo vệ con, mẹ phải tái giá. Thế là bao nhiêu sự phiền nhiễu, rắc rối cạm bẫy của lính tráng, chính quyền phía quốc gia kè kè bên cạnh “người chồng theo Việt cộng” kể cả những si mê theo đuổi của những chàng trai làng với cô “gái một con trông mòn con mắt” bị loại bỏ. Song Cầm chỉ kể ra như lướt qua, lặng lẽ không đào sâu gì nỗi lòng giông bão của mẹ trong tình thế đó. Song, đó là sự lặng thầm vang động của một nội lực phi thường, vô song. Còn người con, càng lớn lên, đụng chạm với đời càng ngấm sâu gien mẹ, càng thấm những nỗi ngang trái cuộc đời, chị cũng như mẹ, đã âm thầm lặng lẽ hoá giải những gieo neo, oan trái bên cạnh những thiếu thốn nghèo nàn gần như là liên tiếp; không bao giờ chịu khuất phục. Mối hoà giải đó muốn được thành công một cách cơ bản, Song Cầm ngoài chỗ dựa là mẹ, cứu cánh duy nhất, chị đã chọn lựa là sự học. Học đến nơi đến chốn. Học không ngừng. Học bất cứ trong hoàn cảnh, tình thế nào. Ở nhà trường và ở cuộc sống. Cứ thử thống kê một cách vật chất số tiền, gạo, áo quần, sách vở của năm năm đại học của Song Cầm trong tình trạng không có nhà, không có của cải, không có thế lực... nghĩa là tay trắng thì đủ biết tầm vóc của nghị lực mấy mẹ con ở mức nào... Nghị lực của phái mạnh làm chúng ta cảm phục và ngưỡng mộ. Nghị lực của phái yếu, hơn thế, làm chúng ta hàm ơn và... rơi nước mắt. 3. “Cái tôi” nhiều dạng vẻ Thể loại tự truyện như con dao hai lưỡi, theo suy nghĩ riêng của tôi, cả 2 lưỡi đó đều chĩa vào một mục tiêu: người viết nó. Bởi vì người đọc có thể lắc đầu, tặc lưỡi “chẳng qua là một sự tự khen mình “hoặc” để tô hồng cho mình, người ta phải tô xám hay trắng lên người khác”. Trong mặt bằng văn học Việt Nam xưa nay rất ít tác phẩm tự truyện, có lẽ cũng bởi lý do này là một. “Cánh chim trong bão tố” đã tránh được cả hai lưỡi dao trên. Vì sao vậy? Vì sao một nữ tác giả trong tác phẩm đầu tay đã vượt được cái cửa ải kỹ thuật cần thiết phải có kinh nghiệm dày dặn tích luỹ nhiều năm trong nghề nghiệp cầm bút? Câu trả lời đã khá rõ, khả dĩ có thể là bài học chung cho chúng ta. Những trang viết đậm đặc yêu thương, nhân ái bao dung của một người đàn bà không còn trẻ nhưng chưa phải đã già, vừa dịu dàng nhẹ nhõm vừa cứng cỏi kiên trung như chị Song Cầm. Không có một tâm hồn trong sáng, thiếu thốn sự vị tha, vơi cạn niềm tin vào cái Đẹp, không thể vượt qua và khoả lấp nổi cái cửa ải nói trên. Cái tôi trong “Cánh chim trong bão tố” là một cái tôi nhiều dạng vẻ, không vướng mắc chút nào sự tự hào không đúng mực hoặc tự tô vẽ thái quá; mặc dù sự tự hào đặt vào hoàn cảnh riêng có phần đặc biệt của chủ thể là đúng chỗ. Nếu khác đi, hoá ra khiêm tốn không phải cách, khiêm tốn giả vờ. “Cái tôi” Song Cầm lúc còn bé tí, mới 5,6 tuổi đầu dễ thương, ngây thơ đã đành, nhưng vẫn mang dáng dấp nhân văn của người lớn. Máy bay Mỹ ném bom, cày xới tan nát làng xóm của bé, hất bé từ ngoài đường vào vườn chuối. Mẹ bé nghe tiếng nổ lớn, hốt hoảng chạy đến, tưởng bé đã bị tan xác, không ngờ bé chỉ bị sức ép bay tung đi, đất cát phủ đầy người, “thoát chết trong gang tấc sinh tử diệu kỳ”. Sau đó, bé đang chơi ở bờ sông thấy một ông lính Mỹ đi qua. Ông lính đó cho bé một cục xà phòng, xong cởi tuột quần áo nhảy ùm xuống sông tắm vì trời quá nóng. Tuy sợ nhưng bé cầm cục xà phòng chạy về, ngọng nghịu kể líu lo với mẹ: “Con thấy ông Mỹ tắm ở lỗ dưới sông, ông cho con cục xà phòng đây nì, con... con... còn thấy con c... của ông ấy có râu luôn mạ nà!” Mẹ cười ha ha thoải mái...” Đó là thái độ xử lý, cái tôi lạ lùng của bé. Lại nữa, sau này những cảnh nuôi dạy con của Song Cầm đối với đứa con trai mắc bệnh tự kỷ mới thật kinh hoàng. Cu Sho (tên Việt là Phi) ba tuổi vẫn chưa biết nói. Lớn lên đi học, Phi hay đánh mẹ và các em, cắn xé cả cô giáo, xé quần áo của mình trên người, bỏ chim ra ngoài quần, đái bậy kể cả trước phòng hiệu trưởng; không vừa ý là đập đầu vào tường, xô cửa đạp nhà, đang đêm cũng dựng mẹ dậy lấy hai tay thọc vào mũi mẹ, banh mồm mẹ ra, cào mặt cào mũi mẹ đấm đá túi bụi, kéo cả tóc mẹ lôi trên nền nhà v.v... làm loạn cả phố phường... Nỗi kinh hoàng này kéo dài ngày này sang tháng khác, năm khác. “...Tôi càng cản Sho càng hung tợn như con thú dữ. Nhiều lúc tôi đành chịu đau đớn để cho con được giải toả tâm lý căng thẳng. Những lúc đó, tôi thương con vô bờ bến, bụng nghĩ phải sống, phải chịu đựng... Có lúc tôi quẫn trí, thôi thì chết quách cả hai mẹ con cho xong kiếp người... Cả nhà đã chạy tán loạn rồi... tôi ngồi niệm Phật, cầu lạy 4 phương 8 hướng trời phật thánh thần cứu giúp cho đứa con tội nghiệp của tôi thoát khỏi cảnh địa ngục này. Và tôi nhìn con, ôm con vào lòng, dịu nhẹ vỗ về, nói chuyện với con, để con yên ổn trong lòng mẹ...” - Ma ma ơi! Có thương Sho không? - Ma ma và pa pa thương con nhất trên đời. Sho phải ngoan để ma ma và pa pa vui nghe không? - Dạ. Những giọt nước mắt hạnh phúc xúc động chảy dài trên má tôi”. Hiện nay cu Sho đã tiến bộ rất nhiều mọi mặt, có ý thức tự rèn luyện để thoát khỏi bệnh. Cậu thiếu niên học sinh 14 tuổi cao lớn, đọc viết thông thạo cả ba thứ tiếng Nhật, Việt, Anh, là niềm hạnh phúc lớn lao của cái gia đình nhỏ bé hoà trộn hai nền văn hoá này, tuy phía trước vẫn còn nhiều gian nan mà cả chị và Sho cùng cả gia đình phải vượt qua. Cái tôi của Song Cầm trong trường hợp vừa nói là cái tôi mạnh mẽ, mạnh mẽ một cách mềm mại và đầy quyến rũ, trước hết là với người chồng Nhật Michimi thân yêu của chị thường xuyên ở xa chị. Thành công của “Cánh chim trong bão tố” là thành công xứng đáng cả hai phía: tác phẩm văn học và cuộc đời thật của tác giả. Song không phải vì vậy mà không có những khiếm khuyết, hạn chế. đối với những cây bút trẻ và mới, điều này rất bình thường. Con người không hoàn hảo thì tác phẩm sáng tạo cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Văn chương cuốn sách lời lẽ nhiều chỗ chưa thật chuẩn, nhiều đoạn dài dòng không cần thiết, vài ba mục cần xoáy sâu thêm, miêu tả kỹ hơn, ví như người chồng vì công tác quan trọng về ngoại giao mà mỗi năm chỉ gặp được vợ con vài lần... Những điều đó, thiết nghĩ tác giả khắc phục không khó lắm, vì Song Cầm có nhiều lợi thế, nhiều mặt, trong đó lòng yêu thích say mê văn chương đang được bồi bổ ngày càng phong phú, súc tích bởi bạn bè và môi trường giao tiếp. Bạn đọc cũng như tôi chờ đón những tác phẩm sắp tới của chị.
Huế, 11/2010
Hồng Như
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét