Biểu tượng Đá và Nước trong
Trong tâm thức nhân loại, nếu như nước được xem là mạch nguồn
khởi sinh và nuôi dưỡng sự sống, còn đá là một điểm tựa vững chắc thì trong nghệ
thuật nói chung và nghệ thuật làm vườn nói riêng, đá và nước trở
thành hai hình ảnh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đá và nước, với
tính chất đặc trưng của nó, đã tạo nên các góc khuất, những ấn tượng, đưa đến
hiệu ứng thẩm mỹ, chứa đựng triết lý, cái nhìn thấu thị về con người và vũ trụ.
Có lẽ vì vậy mà từ lâu, đá và nước đã có sự kết hợp, tạo
thành cặp biểu tượng sóng đôi xuất hiện trong thơ ca, trên tranh thủy mặc, và đặc
biệt, trong nghệ thuật vườn cảnh phương Đông.
Nghệ thuật hiểu theo nghĩa tổng quát là cách thức, kỹ xảo của
con người thể hiện qua một nghề, hay chính xác hơn, đó là tài năng, sự khéo léo
vượt qua giới hạn thông thường để đạt đến trình độ điêu luyện. Theo ý nghĩa đó,
làm vườn với việc cắt tỉa, bố trí, phối cảnh tạo nên bức tranh nhân tạo giống với
tự nhiên cũng là một nghệ thuật. Trong vườn cảnh, cây cỏ, hoa, nước và đá… đã
được sắp xếp, tôn vinh để trở thành những bài thơ, những bức tranh được viết
trên mặt đất, in trên nền trời.
Vườn, theo nghĩa thông thường là “một khu đất thường rào kín
và ở sát cạnh nhà ở, để trồng cây cỏ có ích” (1). Tuy nhiên, xét trên khía cạnh
văn hóa của người phương Đông, “vườn là một thế giới thu nhỏ nhưng cũng là tự
nhiên được khôi phục ở trạng thái nguyên sơ của nó, là sự gợi mời khôi phục bản
tính nguyên sơ của con người”(2). Từ quan niệm đó trong kiến trúc và sáng tạo
nghệ thuật phương Đông, vườn được xem “là một không gian kiến trúc dựa vào hình
thế thiên nhiên để tạo nên không gian trữ tình có sự kết hợp giữa các yếu tố tự
nhiên và kiến trúc, đặc biệt khai thác triệt để các yếu tố sông hồ, núi đồi,
cây xanh và hoa trái, khai thác triệt để các yếu tố về đá, nước và cây….
Khu vườn Jichang Yuan, Trung Quốc
Phát sinh từ Trung Quốc, nghệ thuật vườn cảnh, giống như thi
ca và hội họa đều khởi nguồn từ thiên nhiên. Tình yêu cây cỏ và hoa lá của người
Trung Hoa đã sản sinh ra một ngành nghệ thuật vườn cảnh có truyền thống hàng
ngàn năm. Lịch sử vườn cảnh đầu tiên của Trung Hoa được ghi lại trong sách Mạnh
Tử là vườn hoa của Văn Vương, một vườn hoa rộng bảy mươi dặm trồng nhiều kỳ hoa
dị thảo, trong đó xây lầu cao để nhà vua có thể lên uống rượu, ngắm cảnh và thưởng
hoa.
Trải qua các triều đại, nghệ thuật vườn cảnh dần dần được mở
rộng và hoàn thiện với những khu vườn hoàng gia rộng lớn chứa đựng tất cả “tinh
anh và tuyệt xảo của thời đại”. Đến triều Đường (607-908), thời kỳ hưng thịnh
nhất của lịch sử Trung Hoa về triết học, nghệ thuật thi ca và hội họa, sự du nhập
của Phật giáo Thiền tông kết hợp với tư tưởng Lão Trang đã khơi nguồn cảm hứng
cho các nghệ sĩ. Thiền vị trong nghệ thuật, đặc biệt trong thơ ca và các bức họa,
ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tạo lập vườn cảnh khiến cho thời đó “không một ngành
nghệ thuật vườn cảnh nào của thế giới đã chơi hoa và cây như họ thực hiện được ở
vườn cảnh Trung Quốc”(3). Qua sự tiếp xúc và trao đổi thường xuyên, cùng với những
giá trị văn minh vững chắc, ngành nghệ thuật này đã được truyền bá rộng rãi và
được chuyển hóa ở Nhật Bản cũng như Việt Nam.
Một điều lạ là các ngành nghệ thuật dường như được sinh ra
trên mảnh đất Trung Hoa nhưng phải đợi đến khi bắt gặp tâm hồn Nhật Bản thì mới
đạt đến đỉnh cao và không ngừng tỏa sáng. Là một trong số rất ít những quốc gia
trên thế giới mà nghệ thuật được thưởng thức và đánh giá cao, nghệ thuật Nhật Bản
nảy sinh từ chính tình cảm thẩm mỹ, đã hướng nghệ thuật vườn Nhật đến vẻ đẹp
tuyệt mỹ của đạo. Vườn Nhật sáng tạo theo mẫu vườn Trung Hoa nhưng được soi rọi
dưới ánh sáng mỹ học thiền đã đi sâu hơn vào tính tượng trưng để làm nên những
công trình nghệ thuật độc đáo. Cảm xúc về nét đẹp dung dị, thường nhật, ở đó
con người giao hòa với thiên nhiên vạn vật bắt gặp trong khu vườn Nhật vượt ra
khỏi biên giới đất nước mặt trời mọc, phiêu du qua nhiều miền đất lạ, đến khi bắt
gặp tình yêu thiên nhiên và đặc trưng tính cách của người Việt đã tái tạo và
giao hòa trong nghệ thuật vườn cảnh truyền thống, tạo nên nét riêng biệt, độc
đáo.
Sự có mặt song song giữa hai yếu tố đá và nước
Trong Sống đẹp, Lâm Ngữ Đường đưa ra một nhận xét thấu
đáo: “Nghệ thuật phương Đông tìm cảm hứng nơi hang đá, lòng suối…”. Có lẽ cùng
có chung một cội nguồn, một tâm thức văn hóa nên có một điểm chung dễ dàng nhận
thấy trong nghệ thuật vườn cảnh dù là Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam đó là sự
có mặt song song giữa hai yếu tố đá và nước. Theo thời
gian, đá và nước đã có một sự kết hợp hết sức ngẫu duyên và
tương hợp, tạo nên một nét riêng, thú vị và độc đáo trong văn hóa vườn cảnh
phương Đông.
Đá được xem là thành phần cốt tủy nhất trong những khu vườn
hiện đại. Chỉ là “một chất rắn tạo nên vỏ trái đất, thường thành từng mảng, từng
hòn” (4), nhưng trong suốt bề dày lịch sử phát triển của nhân loại, đá luôn được
con người tôn sùng và đam mê. Từ đó, đá tự nhiên đi vào đời sống, trở thành biểu
tượng của văn hóa nhân loại, được thể hiện trong truyền thống văn hóa của nhiều
dân tộc khác nhau.
Đá, từ buổi đầu lịch sử xa xưa nhất, đã gắn liền với đời sống
của con người. Từ khi con người xuất hiện, đá trở thành nơi trú ngụ an toàn. Con
người sống trong hang đá, bọng đá, và đến lúc chết đi vẫn nằm trong đá. Đá giữ
vai trò quyết định trong sự tồn tại và phát triển của con người. Người xưa đã
biết dùng đá để làm phương tiện, công cụ săn bắt, sản xuất. Ngọn lửa, ánh sáng
văn minh đầu tiên, được thắp lên từ đá. Và theo đó, đá có mặt trong hầu hết các
hoạt động sinh hoạt của con người. Đá được đẽo gọt làm đồ trang sức, được dùng
làm những loại nhạc cụ,… để tô điểm cho cuộc sống của con người thêm phần duyên
dáng và ý nhị.
Cùng với một thời kỳ lịch sử dài hàng vạn năm, thời kỳ đồ
đá, thì ấn tượng về đá trở nên sâu sắc trong đời sống con người. Con người
đã cảm nhận ở đá một sự tàng ẩn huyền bí. “Đá không phải là những khối vô hồn;
những tảng đá sống rơi từ trên trời xuống, sau khi rơi xuống, chúng vẫn là những
vật sống”(5). Khi thuyết vật linh xuất hiện, đá cũng trở nên có linh hồn và từ
đó, “giữa linh hồn con người và đá có mối quan hệ chặt chẽ”(6). Con người đã biết
thờ đá và từ đó, đá đi vào tín ngưỡng của loài người qua bao nhiêu thế kỷ. Người
phương Tây tin rằng có các loại đá vẫn giữ được hơi người, và với người phương
Đông, trong thần thoại cổ xưa đã xuất hiện bao nhiêu câu chuyện thần thoại về
đá. Người Trung Hoa thì cho rằng đá là kết đọng tinh hoa của trời đất, hấp thu
linh khí từ trời đất mà xuất hiện. Vẻ đẹp tự nhiên của đá khiến cho tổ tiên người
Nhật tin rằng đá không những có linh hồn mà còn là nơi ngự trị của thần linh và
vì thế, họ đã đội lên đá những vòng hoa linh thiêng. Và với người Việt, tục thờ
cây đa – hòn đá thiêng là một trong những tín ngưỡng xa xưa nhất bên cạnh những
câu chuyện về hòn đá thủy chung chờ chồng, đá hóa vôi cùng trầu làm đỏ bờ môi,
kết duyên tơ tóc…
Từ khía cạnh tâm linh, đá đi vào muôn mặt của đời sống con
người với muôn ngàn vạn trạng khác nhau và lẽ tất nhiên, đá đã đi vào nghệ thuật,
làm nên những hiện tượng đẹp, tạo nên những cảm xúc khó quên nơi người thưởng
thức.
Vườn cảnh tại Thượng Hải
Là nơi những vị tổ tiên xa xưa nhất khắc lên những bức thông
điệp của mình cho nên trong nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật làm vườn, tùy
theo tâm thức của mỗi dân tộc mà đá được thể hiện dưới những hình thức khác
nhau. Trong văn hóa Trung Quốc, nền văn hóa hoàn toàn chịu sự chi phối của Khổng
giáo và Đạo giáo, đá, được xem là một ẩn dụ về phẩm chất cũng như vị trí của
con người trong xã hội. “Nó u tĩnh, không hề lay chuyển được, có cái tinh thần
cương thường, bất khuất của các vị anh hùng, mà lại độc lập như các vị ẩn sĩ
thoát ly được trần tục”(7). Và vì thế trong vườn cảnh, đá được sắp xếp mang ý
nghĩa tượng trưng chứa đựng những nguyên lý chung của Đạo giáo và Nho giáo.
Theo Trương Trào, một thi sĩ sống vào giữa TK XVII của Trung Hoa thì “đá ở bên
gốc mai nên cổ kính, đá ở dưới gốc tùng nên thô, đá ở bên bụi trúc nên gầy, đá ở
trong bồn nên đẹp”(8). Người Nhật, dựa vào đặc trưng của đá tuy thô ráp nhưng lại
làm nổi bật những khoảng lặng của thiên nhiên, đã gửi vào đó những triết lý
mang đậm màu sắc thiền. Trải qua bao nhiêu thời đại, đá vẫn mãi là một đặc
trưng không thay đổi trong các khu vườn Nhật. “Cái căn bản của mọi cái căn bản
nơi mỗi hoa viên Nhật là các khối đá xù xì”(9), đá đóng một vai trò quan trọng,
là bộ khung, xương sống, nền tảng của khu vườn và đá phải được sắp đặt làm sao
để khi nhìn vào đó, người thưởng thức cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên,
nhìn thấy được nơi đá là bức họa của thời gian, và đá phải là một nơi tĩnh lặng
để người ta ẩn náu giữa đời thường. Bởi vậy, trong công việc của mình, những
nghệ nhân bao giờ cũng bài trí các khối đá to nhỏ trên một cái nền trơ trụi,
không cây cỏ, hoa lá, sao cho “các cụm đá sẽ gợi lên trong lòng người vãn cảnh
những mỏm núi, những dải sông và thậm chí là những đợt sóng đại dương xô vào ghềnh
đá ven biển” (10).
Ở Việt Nam, từ lâu, đá cũng có mặt trong nghệ thuật vườn cảnh
và được sắp đặt với những ý đồ nghệ thuật khác nhau. Nhưng dù được sắp xếp theo
cách nào đi nữa, đá vẫn mang trong mình một đặc điểm chung nhất, đó là biểu tượng
mang tính vĩnh cửu, và “là biểu tượng của sự sống ở trạng thái tĩnh”. Về mặt
này, đá luôn đi cùng với nước, kết hợp với nước trở thành một hình ảnh sóng đôi
mang nhiều ý nghĩa biểu tượng.
Trong vườn cảnh, nước là chất liệu để tạo nên ao, hồ, sông,
suối, thác hay giếng… Dù ở dạng này hay dạng khác, có thật hay là giả định, thì
nước vẫn là linh hồn của khu vườn bởi, nước được xem là vật chất khởi thủy của
thế giới. Theo Omraam Mikhael Aivanhov thì “toàn bộ lịch sử loài người được ghi
chép trên sông hồ và các đại dương trên thế giới” do đó mà “dấu vết của muôn
loài, mọi đối tượng và mọi sự kiện đều sống động trong nước”(12). Và ở phương
Đông, nước được xem là “dạng thức thực thể của thế giới, là nguồn gốc sự sống
và là yếu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi
nảy nở, của tính thanh khiết, tính hiền minh, tính khoan dung và đức hạnh”(13).
Có lẽ vì thế mà hàng ngàn năm qua đã tồn tại một nền văn hóa nước vô cùng đặc sắc
ở phương Đông. Người Ấn Độ, trải qua bao biến thiên của thời gian vẫn xem việc
ngụp lặn trong dòng nước sông Hằng để tắm sạch linh hồn của mình là mục đích
cao cả nhất của cuộc đời vì điều đó sẽ mang đến vĩnh phúc không chỉ trong cuộc
sống này mà cả ở kiếp sau. Ở Nhật Bản, từ ngàn xưa, khi đến những ngôi đền Thần
đạo, các tín đồ được yêu cầu dùng nước để rửa sạch tay và miệng của họ như một
nghi thức thanh tẩy. Và những dòng suối, những con thác cũng được tôn kính và
thờ phụng như một thực thể sống động, thiêng liêng bên cạnh các thế lực thiên
nhiên khác.
Trong văn hóa Nhật Bản, nước mang một ý nghĩa biểu tượng sâu
sắc. Điều này cũng dễ giải thích bởi vì đất nước này được tạo thành bởi những
hòn đảo biệt lập nằm giữa biển, vì vậy không gian sống xung quanh được bao bọc
bởi nước. Trong những khu vườn Nhật, thậm chí trong các khu vườn khô, nước cũng
đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nước lưu chuyển lững lờ trên sông rộng, cuộn
trào đầu thác ghềnh. Nước chảy nhanh hay chậm tùy theo địa hình. Nước trong hay
đục là do sắc trời. Nước có hình dạng như thế nào là phụ thuộc vào vật chứa… Nước
có thể trở thành mưa tuyết trong mùa đông, và có thể bốc hơi lên thành mây mưa.
Thật ra nước là dòng chảy, sóng, mây, mưa hay là tuyết? Về bản chất, nước vẫn là nước, là tất cả hình thái biểu hiện ấy. Vì vậy, nước là hiện thân của các hiện tượng đối nghịch trong thiên nhiên vốn dĩ là một hiện thực của cuộc sống. Cũng giống như sự sống và cái chết thật ra không có gì khác nhau mà đó chỉ là hai trạng thái tự nhiên trong sự tồn tại của con người.
Thật ra nước là dòng chảy, sóng, mây, mưa hay là tuyết? Về bản chất, nước vẫn là nước, là tất cả hình thái biểu hiện ấy. Vì vậy, nước là hiện thân của các hiện tượng đối nghịch trong thiên nhiên vốn dĩ là một hiện thực của cuộc sống. Cũng giống như sự sống và cái chết thật ra không có gì khác nhau mà đó chỉ là hai trạng thái tự nhiên trong sự tồn tại của con người.
Nước mang ý nghĩa thuần khiết bởi nó là tấm gương phản chiếu
những hình ảnh của cỏ, cây, hoa lá, trời mây một cách rõ ràng và chân thật nhất
như thể chúng đang tồn tại trong nước. Do đó, hình ảnh về một vùng nước đục và
tù đọng là điều tối kỵ nhất trong nghệ thuật vườn cảnh phương Đông. Khi chúng
ta yên lặng nhìn xuống mặt nước, chỉ cần một xáo động dù là nhỏ nhất trên bề mặt
sẽ biến những hình ảnh phản chiếu bên dưới trở nên méo mó và sai lệch. Về mặt
này, nước mang ý nghĩa biểu tượng cực kỳ quan trọng. Đó là hiện thân của tinh
thần. Khi tinh thần con người đạt đến độ tinh khiết, nghĩa là không còn bị vấy
bẩn bởi những tạp niệm thì đó là lúc mà những hình ảnh của thế giới tự nhiên
xung quanh con người được phản ánh một cách hoàn hảo nhất theo nghĩa đúng
là nó.
Sự kết hợp giữa đá và nước từ lâu đã ảnh hưởng sâu đậm đến
nghệ thuật và nhân sinh các dân tộc phương Đông. Trong Kinh Dịch, âm và dương được
xem như là hai nguyên lý, hai thế lực của vũ trụ, thực chất đó cũng là hai mặt,
hai tính chất, hai cực đối lập nhưng giao hòa và tác động lẫn nhau. Trên cơ sở
đó, sự có mặt của âm và dương được xem là căn nguyên và động
lực thúc đẩy sự sinh thành của thế giới muôn vật. Lý thuyết âm dương đã ảnh hưởng
sâu đậm vào tư tưởng cũng như mọi mặt của đời sống sau này. Trong sáng tạo nghệ
thuật cũng vậy, người nghệ sĩ luôn cố gắng đạt đến sự cân bằng âm dương khi thể
hiện những cặp yếu tố đối lập nhau trong tác phẩm. Nếu như trong hội họa, sự
cân bằng được tạo ra bởi hai màu đen – trắng, bởi hai gam nóng – lạnh thì hai yếu
tố trong tự nhiên là đá vànước trở thành biểu tượng về triết lý
âm dương trong nghệ thuật vườn cảnh. Đặc biệt, khi những người chịu ảnh hưởng của
tư tưởng Lão giáo cố gắng đi tìm một chốn Bồng Lai, nơi có những hòn đảo nổi
lên giữa biển nước thì việc đưa đá và nước vào vườn để tạo nên chốn Bồng Lai
ngay trong không gian sống đã trở nên phổ biến.
Sự có mặt giữa đá và nước trong những khu vườn Nhật lại được
kết nối bởi sự thực hành những tín ngưỡng vật linh thời xa xưa. Theo truyền
thuyết của người Nhật, những vị thần trong thiên nhiên có thể chia thành hai
nhóm: một đáp xuống từ nơi rất cao, và một đến từ biển cả. Người ta tin rằng những
vật thể trong thế giới tự nhiên như các hòn đảo, ao hồ, con suối, dòng thác,
cây cổ thụ, hay những mỏm đá có hình thù kỳ lạ mọc lên giữa biển là nơi cư ngụ
của các vị thần. Vì vậy, để có thể giao tiếp, để cầu nguyện thần linh ban cho
phước lành và thực hành các nghi lễ tôn giáo khác, họ phải tạo ra những không
gian linh thiêng từ đá và nước, nơi các vị thần đến. Theo thời gian, đá và nước
trong vườn Nhật vẫn tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù có lẽ chẳng còn ai tin rằng
nơi đó có thần linh ngự trị nữa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của những
quan điểm thẩm mỹ, con người lại gửi vào đá và nước nhiều ý tưởng mang đậm tính
triết lý.
Đá và nước được kết hợp với nhau trong khu vườn
tạo nên tính cân bằng âm dương. Nếu như đá với đặc tính cứng rắn, im lặng, ngàn
năm bền vững, bất di bất dịch tượng trưng cho yếu tố dương là biểu tượng của sự
trầm mặc, trường cửu thì nước với tính mềm dẻo và linh hoạt là hiện thân của yếu
tố âm mang tính chất động, luân chuyển ngày đêm và biến hóa với những trạng
thái khác nhau. Đá tạo nên một nguồn sống bất tận cho nước và nước lưu chảy
trong lòng đá. Đá tạo ấn tượng, tạo sự chuyển đổi, âm thanh cho nước. Nước làm
cho đá xanh lên, là dây tơ cho cung đàn đá ngân, là nơi cho đá lặng lẽ soi
mình. Giọt nước long lanh phản chiếu hình ảnh của đá. Hai yếu tố nhất thể tương
sinh, cùng chuyển hóa, cùng tôn nhau lên trong một mối tương giao huyền nhiệm.
Đá thể hiện sự rắn rỏi, kiên định; nước thì mềm dẻo và linh hoạt, vì vậy mối
quan hệ giữa đá và nước không đơn thuần là sự cân bằng âm dương mà còn thể hiện
mối quan hệ giữa cương và nhu hài hòa trong cuộc sống, trong lẽ xuất xử tìm cái
cân bằng của người Trung Hoa, cũng như trong đặc trưng văn hóa mang nhiều đối
nghịch của Nhật Bản: vừa nhẹ nhàng, mềm mại nét nữ tính; vừa cứng nhắc, tàn nhẫn
của tinh thần samurai; vừa lạnh lùng, sắc nét như thanh gươm, mà cũng không kém
phần đằm thắm, ý vị trong chén trà.
Với thuyết vạn vật hữu linh, đôi mắt của phương Đông nhìn thấy
ở mỗi sự vật nhỏ bé đều ấp ủ linh hồn. Vì vậy, trong nghệ thuật, đá và nước không
phải chỉ là những hình ảnh khách quan đẹp đẽ để quan sát, ngắm nhìn. Người
phương Đông mang đá và nước vào vườn không chỉ để kiến tạo nơi vườn sự sống mà
còn để gửi vào không gian ấy những triết lý thâm sâu của đời. Đá và nước luôn
được bố trí, sắp đặt cạnh nhau. Nếu như nước không ngừng trôi chảy, vận động
thì khối lặng im đá mang lại ấn tượng về sự bất động. Điểm này thể hiện quan niệm
đề cao cái tĩnh, là một tư tưởng cốt lõi của Đạo gia kết hợp với tư tưởng
Thiền tông Phật giáo đã có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến nghệ thuật phương
Đông. Trong tranh thủy mặc cũng như thơ ca, mục đích cao nhất của người nghệ sĩ
bao giờ cũng hướng đến cái tĩnh, và lấy động tả tĩnh được xem như là một thủ
pháp nghệ thuật căn bản. Vận động chính là bản chất của thế giới, của vũ trụ,
và bất kỳ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới cũng không thể tồn tại ngoài sự
vận động. Thế nhưng, với cái nhìn đầy tính triết lý của đạo, của thiền, tĩnh lại
mang trong mình sự vận động cao nhất bởi nó chứa đựng cái vĩnh hằng. Sự vận động
của tĩnh là sự vận động vĩnh cửu, vô thủy, vô chung. Và bản chất của
thiền, của đạo là quan tâm đến sự vĩnh hằng đằng sau các đổi thay chứ không phải
sự vận động ồn ào, náo nhiệt diễn ra trên bề mặt cuộc sống. Ở đá là sự nhịp
nhàng trong cái vô ngôn trầm tĩnh, lặng lẽ nhìn xuống dòng sông bằng cái nhìn
minh triết về thế giới như đã từng trải bao cảnh tang thương ở đời, là nơi để
các thiền sư diện bích mà ngộ đạo. Nước với những biến điệu của âm thanh, vừa
thật vừa hư mang đến những xáo động vốn là bản chất thật của sự sống đang diễn
ra từng ngày. Tất cả đó, như có cái gì bất động giữa không ngừng lay động, có
cái gì lặng lẽ vô ngôn giữa thanh âm vang động miên man. Trong khoảng tịch lặng
của đá vẫn có thể lắng nghe thấu suốt cả cõi vô thanh, trong miền xao động của
nước vẫn có cái nhìn thấu suốt cảnh hư không vô hình vô sắc. Cũng ở đó, con người
– trong hòa điệu với vũ trụ thiên nhiên – có thể sống được cái giây phút vĩnh cửu
của đời sống mong manh, cái giây phút vượt ra ngoài mọi toan tính, tất bật của
cuộc sống đời thường. Quan hệ ấy giữa đá và nước là mối
quan hệ cơ bản làm nền để ta hiểu được những khái niệm mang tính chất Thiền học:
trống rỗng và bất định, tròn đầy và dang dở, vĩnh cửu và tạm thời…
Sự có mặt của đá và nước trong vườn cảnh
giống như sự biểu hiện của các nét vẽ trên những bức họa hai màu đen trắng của
Trung Hoa. Những nét phác họa bằng mực xạ như nổi bật hẳn lên trên khoảng trắng
mênh mông, nhưng đôi lúc, chúng như chìm lấp trong khoảng không bao la ấy. Có
và không, không và có, dường như rất khó để xác định một ranh giới rạch ròi. Đó
chính là hiện thân của triết lý hư vô, một triết lý căn bản của Thiền Phật
giáo. Cùng sinh ra từ thiên nhiên, nước phản chiếu hình bóng của đá, đá tan đi
trong một tiếng động, không so bì, tranh chấp thiệt hơn. Cứ nhìn vào đá lặng
thinh, khiêm nhường cho rêu phủ, nước ngàn năm thong dong chảy qua đá, không vướng
bận, ưu tư, con người cũng sẽ trở nên bình thản trước thực tại “thân vinh như lộ
thảo đầu phô”, bình thản mà bước đi trong cõi vô thường. Đó là lúc con người đã
đạt ngộ.
Trạng thái đạt ngộ không chỉ là đích đến của tôn giáo mà còn
là mục tiêu hướng đến của nghệ thuật – nơi chứa đựng tất cả những xúc cảm của đời
sống con người. Bị khúc xạ dưới ánh sáng Thiền tông, nghệ thuật của người
phương Đông hướng đến sự đạt ngộ, đốn ngộ (epiphamy). Khác với vườn cảnh phương
Tây luôn nhấn mạnh vào hình tướng với khoảng không gian đa sắc, đa màu thì vườn
phương Đông lại chú trọng đến tinh thần, một yếu tố giúp con người hướng nội. Hầu
hết những khu vườn nguyên thủy của phương Đông được dựng lên trong khuôn viên của
chùa chiền, là nơi cho các nhà sư trầm tư mặc tưởng. Vì thế không có gì lạ khi
chúng ta vẫn quen gọi vườn cảnh phương Đông là những khu vườn thiền. Và những
khu vườn mang tính nghệ thuật và triết lý thường không được tạo lập bởi những
người làm vườn còn quá trẻ. Người làm vườn bao giờ cũng đòi hỏi một thời gian
dài trải nghiệm và bản thân công việc cũng đầy nghệ thuật. Đó là công việc của
sự im lặng, mang biểu tượng của nước và đá, không xô bồ, được tạo nên bởi bàn
tay của những thiền sư đạt đạo.
Theo đó, những yếu tố trong vườn thiền dường như được tinh giản và chọn lọc hết mức bởi “tinh thần của học thuyết thiền đã tạo nên sự đơn giản tột bậc của nghệ thuật, rút gọn các phương tiện phản ánh đến mức tối thiểu và co chặt hình thức đến mức tối đa”. Nhưng dù được giản lược đến mức nào thì đá và nước vẫn là hai yếu tố quan trọng nhất.
Thậm chí, trong khô
sơn thủy - vườn không nước, ta thấy yếu tố nước vẫn tồn tại. Vườn thiền sử dụng
quá ít chi tiết nhưng gợi lên ở người thưởng thức nhiều suy niệm về nhân sinh
và vũ trụ bởi người tạo lập đã gởi vào đó những triết lý thể hiện qua những
hình ảnh mang tính chất biểu tượng cao. Trong không gian chỉ có đá và nước. Những
tảng đá nằm chênh vênh như những ngọn núi giữa biển khơi và sóng từng đợt xô
vào bờ. Trong không gian ấy, con người cảm nhận được cái cao rộng của không
gian, cái vô cùng vô tận của thời gian. Và trong không gian ấy, con người như
hòa vào vũ trụ, thiên nhân hợp nhất, vạn vật nhất thể, một trong tất cả và tất
cả trong một. Nói như Chimyo Horioka và Siewart W. Holmes, tất cả sự sống bao
hàm trong một mối tương giao huyền nhiệm. Trong mối tương giao đó, con người nhận
ra đâu là bản thể của thế giới và đâu là bản thể của chính mình, nhìn ra bản chất
hòa hợp tiểu ngã - đại ngã, cũng như tìm lại bản ngã vốn dễ bị đánh mất trong
những toan tính thường ngày. Khi đó, con người đã đạt ngộ. Sự đạt ngộ ấy ví như
mặt trăng soi mình trong lòng nước, ví như đá gieo mình trong lòng nước, ánh mặt
trời soi chiếu giọt sương mai… Mặt trăng soi mình vào nước nhưng không làm thủng
nước, đá ngâm mình trong nước nhưng không làm hư nước. Nước thu nhận ánh trăng,
dung chứa đá nhưng không làm hư đá, hư trăng. Trăng làm cho nước lộng lẫy, đá
làm cho nước tinh khôi. Ngược lại, nước làm ánh trăng hiển thị cái đẹp, nước
làm cho đá xanh lên. Trong nghệ thuật vườn cảnh, giữa đá và nước đã có một cuộc
hội ngộ ngẫu duyên và huy hoàng như thế.
Theo đó, những yếu tố trong vườn thiền dường như được tinh giản và chọn lọc hết mức bởi “tinh thần của học thuyết thiền đã tạo nên sự đơn giản tột bậc của nghệ thuật, rút gọn các phương tiện phản ánh đến mức tối thiểu và co chặt hình thức đến mức tối đa”. Nhưng dù được giản lược đến mức nào thì đá và nước vẫn là hai yếu tố quan trọng nhất.
Lê Thu Nở
Nguồn: Tạp chí VHNT
số 350, tháng 8-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét