Mãi mãi là mùa xuân đầu tiên
TẠ TƯ VŨ (TPHCM)
Mùa xuân, mùa của tình yêu, mùa của đoàn tụ. Một mùa xuân mới,
với nhiều hy vọng mới. Trong không khí đất trời sang xuân, lòng tôi cứ mãi bồi
hồi về Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao. “Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về. Mùa
bình thường, mùa vui nay đã về”. Không bồi hồi sao được khi mùa xuân đầu tiên ấy
chính là một mùa xuân mà rất nhiều thế hệ trước tôi đã phải đánh đổi bằng xương
máu mới giành lại được.
Tôi đã có nhiều mùa xuân trong cuộc đời mình. Mỗi dịp xuân tới,
lòng tôi thầm mong những gì tốt đẹp hơn, sáng sủa hơn trong cuộc sống sẽ đến với
mình. Vào thời niên thiếu, mùa xuân của tôi là niềm mong mỏi một bộ đồ mới mẹ
may. Những bao lì xì từ người thân. Mùa xuân của tôi khi trưởng thành đó là những
phần thưởng lớn lao trong công việc sau một năm trời vất vả. Mùa xuân là dịp để
tôi đoàn tụ gia đình.
Dù không sống trong khói lửa đạn bom, nhưng tôi rất hiểu hòa
bình quý giá như thế nào. Mùa xuân ấy của Văn Cao chỉ đơn giản “với khói bay
trên sông. Gà đang gáy trưa bên sông. Một trưa vắng cho bao tâm hồn”. Nhưng đó
là tất cả những gì rất quý giá, mà các bậc cha chú của tôi và rất nhiều người
khác đã thầm ước. Khi bom đạn vẫn còn giăng đầy trên khắp đất nước, dù hoa mai,
hoa đào có nở rợp trời, mùa xuân đó vẫn vương đầy những khổ đau. Chiến tranh chẳng
bao giờ có mùa xuân.
Có thể là tôi hiểu những hình ảnh mộc mạc trong bài hát,
nhưng chắc là một 8x như tôi sẽ không “cảm” được cái cảm giác “xuân vui đầu
tiên” ấy nó hạnh phúc như thế nào.
Bài hát thật hay, thật nhẹ nhàng. Mỗi khi nhẩm theo bài hát,
lòng tôi lại có những rung động thật lạ lùng, cứ như là lòng biết ơn, sự chia sẻ.
Mùa xuân đầu tiên ấy đã mở ra nhiều mùa xuân khác tốt đẹp hơn cho mọi người,
cho cả dân tộc. Xuân mới đã về và chắc chắn rằng mọi người sẽ nhớ mãi về một
mùa xuân đầu tiên.
Thèm quá tiếng ru hời của mẹ!
Một chiều chủ nhật, tôi thả bước chân thanh thản ra phía ngoại
thành. Trời ngoại ô xanh mượt mà, êm ả. Những nàng mây thanh mảnh, trôi mình
theo gió, nhẹ như dải lụa thiên thanh uốn ngang trời. Hoa móng rồng vườn nhà ai
đang đơm nụ. Hương bưởi thoảng đưa...
Sau rặng trúc xinh, mấy cô thôn nữ chọc nhau cười khúc khích.
Giàn mướp đã lên xanh, lốm đốm mấy đọt hoa vàng. Khói lam chiều lan tỏa cuối
thôn. Bỗng từ nếp nhà bên kia rặng trầu non, tiếng hát của người mẹ, hát ru con
ngủ: "A á ru hời hời ơ ru. Mẹ thương con có hay chăng...? Thương từ khi
thai nghén trong lòng... A á ru hời ơ hời ru...". Đúng là bài hát Mẹ ru
con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mà tôi đã từng được nghe các ca sĩ nổi tiếng như
NSND Thu Hiền, NSƯT Thanh Hoa... hát làm say lòng người. Vậy mà hôm nay nghe tiếng
hát ru bỗng thấy mình cũng bâng khuâng xao động, lời hát trong veo, êm ả, ngọt
ngào, cứ ngân nga da diết. Tôi bồi hồi liên tưởng tới lời mẹ ru lúc ấu thơ:
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo...
Tiếng ru xưa của mẹ tôi thấy đau thắt một nỗi nghèo, kiếp đời
nô lệ, tiếng ru đong nước mắt: "Củ khoai cõng hạt cơm, vai gầy quảy gánh
đàn con sang đò...". Rồi còn những đêm đông giật thót mình khi nghe tiếng
mõ dồn, tiếng súng Tây đùng đoàng khiếp đảm... mẹ vội ghì con vào lòng vỗ nhè
nhẹ như tay bà tiên mầu nhiệm, làm cho con yên giấc. Mẹ thấp thỏm nghe ngoài
hiên gió rít từng cơn... Tiếng ru của người mẹ nào cũng chan chứa niềm yêu
thương con khôn tả, dồn những tinh túy của lẽ sống, khát vọng cả đời mình gửi
vào lời ru con, không hề kể công nuôi nấng, kể cả khi cuộc đời nổi chìm như
cánh cò, cánh vạc...
Tiếng ru con của người mẹ bây giờ khác tiếng ru xưa rất nhiều.
Lời ru nghe có hương xuân với nhiều cảnh vật xinh xinh, có con đò đủng đỉnh
khua chèo xuôi sông nước, có con trâu đủng đỉnh kéo cày... y như thần thoại
trong giấc mơ êm đềm của con trẻ. Như thế, trời thanh bình, đất nước độc lập,
có hạnh phúc nào sung sướng cho bằng khi người mẹ được ngắm thiên thần bé bỏng
của mình, chúm chím mấp máy đôi môi, ấm áp trong chiếc nôi xinh, êm đềm trong
tiếng ru hời, giữa khung trời ngoại ô đượm hương bưởi, hương nhài mênh mang...
"A á ru hời ơ hời ru. Miệng con chúm chím xinh xinh... tương lai con đẹp lắm...
mẹ hát muôn lần, a ru hời ơ hời ru..."...
Tiếng ru là sự tuyệt hảo kỳ diệu của tạo hóa, là hương mật chắt
lọc của đời dành cho tuổi thơ, là nguồn tương sinh giao cảm của vũ trụ, tụ lại
trong tâm của người mẹ, truyền sinh lực để con trẻ lớn khôn mà không sợ sóng
gió cuộc đời xô ngã.
Bài hát với chất liệu dân ca, mộc mạc và tinh tế, song chuyển
tải được cả hơi thở của thời đại mà chúng ta đang sống, cứ ngân mãi trong tôi;
phải chăng bài hát đã hay, lại sống được với thời gian, có cả nét tài hoa của
người nhạc sĩ?
Chiều đã giăng tím hoàng hôn. Sóng lúa ngoại thành mênh mang,
đuổi theo chim trời dang cánh về chốn ngủ. Chân trời dần buông mành gọi thắp những
vì sao xanh. Tôi thèm quá tiếng ru hời của mẹ: "A á ru hời ơ hời
ru...".
Lời hứa của ngày xưa!
“Và rồi ta hứa sẽ quay trở lại. Vào một ngày mai như hai người
bạn. Một ngày đã quên tất cả lại nhớ về nhau. Cùng năm tháng còn ấu thơ...”.
Bài hát Cô gái đến từ hôm qua với giai điệu nhẹ nhàng của tác
giả Trần Lê Quỳnh khiến tôi bỏ sau lưng bao lo toan thường nhật để thả hồn mình
về thời thơ ấu.
Trong ký ức của tôi còn nhớ rõ lắm hình ảnh thằng “tôi” ốm yếu
vì uống thuốc nhiều hơn... cơm bữa. Ngày ấy tôi yếu lắm nhưng trưa hè nào tôi
cũng trốn ngủ đi bắt chuồn chuồn, ve sầu, tắm sông và cả tắm mưa cùng lũ bạn. Tụi
tôi lạch bạch chạy theo những chiếc thuyền đua bằng lá trôi theo những rạch nước
mưa. Thuyền của ai trôi nhanh hơn thì thắng cuộc. Trò chơi chỉ có vậy nhưng chẳng
bao giờ tụi tôi thấy chán. tụi tôi thích dầm mưa lắm, cha mẹ có đánh đòn mấy
cũng không chừa.
Giờ đây, ngồi một mình nhìn mưa giăng giăng ngoài cửa tôi lại
nhớ về bạn - cô bạn nhỏ có hai bím tóc của ngày xưa. Về cả lời hứa, bạn đã nói
với tôi khi bạn theo gia đình chuyển nhà: “Hĩn sẽ về chơi đồ hàng và thả “thuyền
mơ ước” với Dế vào sinh nhật của Dế. Hĩn hứa!”. Bạn đưa ngón tay út ra, chúng
tôi đã ngoắc tay như để chắc chắn rằng: “Hĩn sẽ trở về và tôi cũng sẽ chờ ngày ấy”.
Và tôi đã chờ đến tận bây giờ. Mười mấy năm rồi Hĩn nhỉ? Vào
ngày sinh nhật của mình, tôi luôn mong ngóng, đợi chờ. Tôi vẫn chờ bạn về để
cùng đi bắt dế nơi bờ đê ngập tràn nắng gió. Cùng bạn long nhong dầm mưa và thả
“thuyền mơ ước” bằng lá khoai trên đó có ghi điều ước chung của hai đứa.
Ngày ấy, cha mẹ tôi ly dị. Bạn biết tôi buồn nên thường rủ
tôi ra sông thả thuyền mơ ước và cùng lim dim mắt cầu nguyện. Cầu nguyện một
ngày không xa, cha mẹ tôi về lại với nhau. “Hĩn ơi! Ước mơ ngày nào của chúng
ta thành sự thật rồi đó!”.
Có lẽ, ở một nơi xa nào đó nếu biết được điều này chắc bạn sẽ
vui lắm!
“Dường như là vẫn thế em không trở lại.
Mãi mãi là như thế anh không trẻ lại…
Và cũng đã đủ lớn để mong bé lại như ngày hôm qua”.
Giờ đây, chẳng còn bé nhưng không hiểu sao tôi vẫn tin vào lời
hứa của ngày nào, vẫn đợi một ngày kia bạn trở về. Dẫu biết điều đó chẳng thể.
Như tôi, như bạn chẳng thể bé lại như ngày xưa!
Ước nguyện mùa Xuân
Từ mẫn cảm của trái tim người nghệ sĩ
và niềm tin son sắt của người chiến sĩ, năm 1980, tác giả Thanh Hải đã viết nên
bài thơ Mùa Xuân nho nhỏ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh của chính mình khi còn là một cô
bé ngước đôi mắt tròn xoe nghe cô giáo bình giảng bài thơ...
Và từ mối đồng cảm sâu sắc với nhà thơ, nhạc sĩ Trần Hoàn đã
cho ra đời ca khúc bất hủ – Một mùa Xuân nho nhỏ - để mỗi độ Xuân về, trong tiết
trời se lạnh của mùa Xuân, những giai điệu thân thương của ca khúc được cố NSND
Lê Dung (ảnh) trình bày lại ngập tràn không gian...
“Mọc giữa dòng sông xanh một bông hoa tím biếc.
Ôi con chim chiền chiện, hót chi mà vang trời.
Từng giọt long lanh rơi tôi đưa tay hứng về!
Mùa Xuân người cầm súng, lộc giắt đầy trên lưng.
Mùa Xuân người ra đồng, lộc trải dài nương lúa.
Đất nước bốn nghìn năm vất vả và gian lao.
Đất nước như vì sao, vững vàng phía trước...”.
Cả một khung cảnh mùa Xuân tràn trề khuôn nhạc. Một bông hoa
tím mong manh mọc giữa dòng Hương Giang, một tiếng hót bay bổng của con chim
chiền chiện nhỏ bé, một giọt mưa Xuân long lanh nhẹ rơi, một nhành lá ngụy
trang trên lưng người chiến sĩ, một con đường lên nương xanh tươi lộc biếc - những
cảnh vật bình dị được tưới đẫm thứ ánh sáng lung linh, huyền diệu, thanh khiết
và trong trẻo của đất trời mùa Xuân không chỉ khiến người nghe cảm nhận thật rõ
nét thiên nhiên tươi đẹp của quê hương mà còn thể hiện sức sống bền bỉ, mãnh liệt
và tư thế vững vàng thăng tiến của cả dân tộc. Những nốt nhạc trữ tình dìu dặt
giản dị như lời tâm tình của một tâm hồn thiết tha yêu đời, yêu người, yêu quê
hương đất nước đã thực sự tỏa sáng, toát lên sức mạnh làm lay động lòng người.
Và có một điều đặc biệt mà tôi muốn nhắc đến khi nghe ca khúc này - đó là nhân
sinh quan được đề cập trong ca khúc. Sống có ích, sống đẹp đồng nghĩa với sự cống
hiến cho đời. Cuốn theo dòng chảy của âm thanh, ngôn từ trong ca khúc có sự
chuyển biến rỏ nét. Tự lúc nào đại từ “tôi” đã được chuyển thành “ta”:
Ta làm con chim hót. Ta làm một nhành hoa.
Một nốt trầm xao xuyến. Tan biến trong hòa ca.
... Một mùa Xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời”.
Mùa Xuân tươi đẹp chỉ về sau khi đã trải qua những ngày hè nắng
lửa thiêu đốt, những ngày thu đầy trắc trở bão dông, những ngày đông ầm ào gió
lạnh. Và ước nguyện làm một con chim, một nhành hoa, một nốt nhạc trầm... khiêm
nhường để góp thành mùa Xuân trong vòng quay của tạo hóa “lặng lẽ dâng cho đời”
chính là nhân sinh quan cao đẹp và thánh thiện trong mỗi người. “Một năm bắt đầu
từ mùa Xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ” - hẳn bạn và tôi đều có những niềm
hy vọng mỗi khi mùa Xuân đến, dù chưa dám chắc những niềm hy vọng này có thực
hiện được hay không. Nhưng chúng ta hãy tự xác định cho mình một lối sống đẹp,
hãy lắng nghe Một mùa Xuân nho nhỏ để cảm nhận và chia sẻ!
Em và tôi
“Anh đã làm gì để đem lại nụ cười cho chính mình?”. Em đã
nhìn sâu vào mắt tôi và thốt lên câu ấy. Tôi cũng nhìn xoáy vào mắt em rồi lạnh
lùng bỏ đi. Chân rảo bước mà lòng tôi đang trốn chạy. Từ thẳm sâu lòng mình,
trái tim tôi se thắt khi nghĩ đến em. Nhưng em là ai mà tự cho phép mình xộc thẳng
vào tâm hồn tôi như thế?
Tự nhủ, giữa chúng tôi chẳng có sự đồng điệu nào hết. Bởi “em
– sao mai đầu non, còn tôi – sao hôm mỗi tối”, bởi “em – xôn xao niềm vui, còn
tôi – mênh mang nỗi nhớ”, và... bởi em có một tuổi thơ êm đềm và luôn nhớ về ký
ức với gương mặt bừng sáng trẻ thơ; còn tôi, chưa từng như thế để luôn phủ lên
mình vẻ ngoài lạnh lùng, xa cách.
Tôi không có bạn thân, chính xác hơn là tôi không muốn gần
gũi ai, ngay cả những người thân của mình; tôi cảm nhận sự yên bình trong công
việc và giấu mình trong đám đông ồn ã nhưng chẳng hiểu sao tôi lại dễ dàng mở
lòng ra với em chỉ sau vài lần gặp riêng tư. Phải chăng tôi lờ mờ nhận ra “em
và tôi, một niềm vui mới đến, một nỗi buồn xa xôi” để rồi em đã cùng tôi tìm về
ký ức luôn được tôi vùi sâu trong “mênh mang nỗi nhớ” của những ngày bố vắng
nhà triền miên, mẹ ngược xuôi buôn bán và anh chị em tự chăm nom nhau? Gia đình
chỉ đoàn tụ đúng ngày cùng tháng tận của một năm để... gây hấn và bố có lý do để
tìm đến chốn bình yên khác. Chưa lên mười, tôi đã biết thế nào là đi bắt ghen
cùng mẹ và các anh chị... Trước khi gặp em, tôi đã không thể nhìn những đứa bé
quấn quýt bên cha mẹ, những bữa cơm mọi người ngồi quanh bàn và tôi phát khùng
ngay khi ai đó “lên lớp” về bổn phận con cái không được hờn giận đấng sinh
thành...
Em nhẫn nại cùng tôi chắp vá những hoài niệm ngày cũ, cùng
tôi quay về chốn xưa, xới tung những nỗi buồn của tôi và tưới tắm tâm hồn tôi bằng
sự hồn nhiên, trong sáng của mình. Sự khổ sở của em không thể thốt lên lời an ủi
nào (lời thú nhận sau này của em) lại khiến “ta gần nhau thêm” bởi chỉ cần nhìn
vào mắt em ngân ngấn “dòng suối trong veo”, tôi đã cảm nhận “tim em về ngủ
trong tim tôi” ấm áp lạ kỳ, chính sự im lặng lúc ấy lại cho tôi cảm giác bình
yên vô tận. Một ngày tôi nhận ra, tôi – “một cành khô không chồi” ngày nào - giờ
đã nẩy lộc. Ngày xưa của tôi đâu chỉ có nỗi buồn, còn có vô khối trò vui với lũ
trẻ quanh xóm, rất nhiều bài học từ cuộc sống thiếu tình cha nhưng rạt rào
nghĩa mẹ và lớn dần trong sự dìu dắt, yêu thương của các anh chị.
Vì nỗi ám ảnh ngày cuối năm buồn bã, suốt một thời gian dài,
tôi đã tự tước đoạt nụ cười của chính mình và cả những người thân yêu trong những
chuyến công tác xa xuyên năm tháng. “Một nửa cuộc đời” tôi là em đã khơi dậy
trong tôi nỗi thèm khát được đón năm mới cùng gia đình, và tôi mong sao em cũng
sẽ bên tôi trong thời khắc thiêng liêng ấy để tôi được nói nhỏ em nghe “cách xa
đâu là lãng quên, để nhớ thương nhuộm hồng trái tim”.
(Bài hát Em và tôi của nhạc sĩ Thanh Tùng, ca sĩ Thanh Lam
trình bày).
Ngọt ngào tình mẹ
Về Nha Trang, thăm lại căn nhà xưa, nơi tôi đã có những ngày
thơ ấm êm, hạnh phúc cùng với má, tôi nghe lòng bùi ngùi, dạt dào cảm xúc và mắt
lại cay sè, khi ngắm nhìn từng bậc tam cấp, khu vườn xưa, khung cửa sổ, vòm cây
xanh trước hiên nhà, đến mái ngói rêu phong...
Mọi vật như thể đều có linh hồn riêng, thật gần gũi thân thiết
với tôi, và đâu đó, thấp thoáng bóng dáng má tôi. Ngẫu nhiên, nhà hàng xóm bật
lên bài hát Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân. Từng câu, từng chữ thấm vào hồn tôi, và
trong tôi, vỡ òa một tình cảm thương yêu tha hiết. Tôi nhớ má tôi quá!
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.
Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu...
Bài hát với ca từ giản dị, chân chất và thuần khiết, giai điệu
ngọt ngào, sâu lắng và truyền cảm đã làm tôi bồi hồi, thổn thức. Trái tim tôi
như cùng ngân nga những âm thanh mượt mà, da diết của tình mẹ:
Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ...
Tôi bước ra khu vườn xưa. Cây ngọc lan vẫn ra hoa thơm ngát.
Ngày xưa, hai má con vẫn hay ngồi đây, má thắt cho tôi hai bím tóc, và tôi hái
một đóa ngọc lan cài lên búi tóc má. Hai má con làm dáng cho nhau!
Ba tôi mất sớm. Má ở vậy tảo tần nuôi tôi ăn học. Đêm đêm, má
luôn dạy tôi học và truyền cho tôi niềm say mê học tập. Má luôn dạy tôi phải sống
chân thật, thua không nãn chí, thắng không kiêu ngạo và sống phải có tình.
Những khi tôi đau ốm, má lo âu thức suốt đêm để đút cho tôi từng
muỗng sữa, xoa đầu cho tôi dễ ngủ. Bàn tay má êm ái tuyệt vời làm sao!
Nhiều đêm, chiêm bao thấy má, tỉnh dây, tôi lại khóc rấm rứt
như trẻ thơ. Không bao giờ tôi còn có cơ hội được săn sóc, phụng dưỡng má như
tôi đã ước mơ!
Xin cảm ơn nhạc sĩ Y Vân đã cho tôi những cảm xúc tuyệt vời.
Dù má tôi đã đi xa lâu rồi, nhưng trong tôi vẫn đầy ắp những kỷ niệm về má, vẫn
sáng ngời hình ảnh của má, và ngọt ngào tình mẹ thiêng liêng cao quý, bao la
hơn biển trời.
Tuyệt khúc của nhớ thương
Có lẽ ca khúc Quê nhà là tiếng lòng của Trần Tiến qua bao năm
xa cách. Nhưng cũng là cõi lòng của hết thảy những ai đi xa. Ai đi xa mà không
mang theo hình bóng sợi khói chiều, dòng sông quê, lũy tre bờ đê, trò chơi con
trẻ.
Lần đầu tiên nghe ca khúc Quê nhà, tôi đã đắm vào tâm trạng
bài hát. Thực sự có không nhiều những bài hát mà mới nghe lần đầu ta đã xúc động
như thế. Quê nhà cho tôi những rung cảm thật sâu lắng tràn về nhiều những hoài
niệm, ký ức xưa...
Giai điệu Quê nhà da diết nhớ nhung, gợi nhiều lắm những nỗi
niềm sâu thẳm. Ai chẳng có một quê nhà trong nỗi nhớ, một tuổi thơ nơi quê
hương xứ sở. Mỗi khi giai điệu Quê nhà ngân lên, trong tôi như chạm tới niềm dấu
yêu thăm thẳm. Những hình ảnh trong bài hát vẫn biết là giàu sức gợi hình nhưng
sao cứ nhòe đi. Những hình ảnh vốn thấm đậm, in sâu trong tâm cảm, bấy lâu xa vắng
vì những âu lo thường nhật nay bỗng hiện về rưng rưng...
Quê nhà tôi ơi! Ta gọi về một miền đất với tất cả tấm lòng. Một
vùng đất đã nuôi ta khôn lớn và chắp cánh cho những ước mơ ta... Quê nhà đã diễn
tả được phần nào nỗi lòng ơn nghĩa sinh thành. Quê nhà là mẹ cha hay mẹ cha
chính là quê nhà? Quê nhà Trần Tiến là xứ Đoài mây trắng đã cho ông một tâm hồn
nghệ sĩ. Quê nhà là lời tạ tình hay chỉ là nỗi nhớ thương cố hương?
Trần Tiến lãng tử nhưng Quê nhà thì đã là máu thịt, đã chạm tới
tận sâu cõi lòng mà không cần phải phiêu du mới tạo được cái hồn thăng vút, cái
tình đắm say cho nhạc phẩm. Đường làng uốn khúc, bức tường đá ong, bậc thềm đã
cũ mà mẹ cha ngồi đó, tựa vào bóng thời gian mong mỏi ta thành người. Quê nhà
tôi ơi! Nỗi khắc khoải đã bật thành lời ca điệu nhạc, rung vọng trong trái tim.
Những nốt nhạc dẫn ta về mạch chảy cội nguồn. Nốt nhạc cuối đã dứt mà Quê nhà
còn ngân đọng mãi dư âm...
Sức sống diệu kỳ của tình yêu
“Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về. Mắt đượm
tình quê, đôi mắt đượm tình quê...” (Câu hò bên bờ Hiền Lương nhạc: Hoàng Hiệp,
lời: Hoàng Hiệp, Đằng Giao). Khi lời ca vang lên, trước mắt tôi hình ảnh chiếc
cầu Hiền Lương bé nhỏ, hiền lành nối đôi bờ sông cũng hiện dần lên. Tưởng chừng
tôi nghe được tiếng gió, tiếng sóng vỗ nhẹ chân cầu, nhìn thấy nước sông Bến Hải
trong xanh và hai bờ tre soi mình trong nước biếc.
Từ nhỏ, tôi đã yêu từng câu chữ và giai điệu sâu lắng, thiết
tha của bài hát. Khi thức, tôi ngâm nga một mình, khi ngủ, lời hát cứ lặp lại
mãi trong tâm trí tôi. Có lẽ vì lời ca giản dị, đầy hình ảnh quen thân, dễ đi
vào lòng người. Có thể vì tôi yêu giọng hò miền Trung và hình bóng con thuyền,
bến nước. Cũng có thể vì đây là cây cầu Hiền Lương bắc qua dòng Bến Hải quê
tôi. Cầu chỉ dài 198 mét thôi mà hai màu sơn, mà cách ly hai miền Nam - Bắc dằng
dặc 20 năm. Hai mươi năm, cầu Hiền Lương không được làm chức năng vốn có của những
chiếc cầu là nối bờ vai, là biểu hiện của tình thân ái, đoàn kết và thông
thương. Nó được dùng để phân định ranh giới hai miền. Khoảng cách địa lý đã
chia, nhưng lòng người thì làm sao chia được! Ngày ấy, cứ nghe hát là tôi nghĩ
đến cảnh người vợ chờ chồng, cầm nón đứng ở bờ Nam dõi mắt về phương Bắc và người
chồng đứng nhìn về dãy Trường Sơn mờ xa, quặn lòng nhớ trời Nam. Nỗi đau chia
ly không phải một hai ngày mà quay quắt 20 năm ấy bật lên trong từng câu hát:
“Hay là em bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi. Gửi niềm tin theo gió qua
mấy câu thiết tha hò ơ...”. Câu hát như dao cứa, như muối xát, nghe mà lòng
rưng rưng.
Tôi lớn lên, biết yêu, biết nhớ và bắt đầu cảm nhận thêm những
cung bậc khác từ bài hát thân quen. “Thuyền ơi có nhớ bến chăng, bến thì một dạ
khăng khăng đợi thuyền...”. Câu hát là lời thì thầm, lời ước nguyện và nhắc nhở,
dặn dò những đôi lứa yêu nhau. “Dù cho bến cách sông ngăn. Dễ gì chặn được
duyên anh với nàng. Xé mây cho sáng trăng vàng. Khai sông nối bến, cho nàng về
anh”. Đây là một lời hứa, lời cam kết khéo léo, sâu sắc và mãnh liệt. Hình ảnh
thuyền, buồm, ánh trăng, mây trôi, đàn chim và những câu hò gửi vào bài hát tạo
nên sự truyền cảm tha thiết. “Nơi miền quê xa vắng em có nghe thấu chăng lòng
anh?” là câu hỏi và là câu trả lời, để cho câu cuối vang lên như một quyết tâm
không gì lay chuyển được: “Tình này ta xây đắp, nên thủy chung không bao giờ
phai”.
Tôi đã hiểu vì sao tôi thích nghe Câu hò bên bờ Hiền Lương.
Vì yêu làn điệu dân ca ẩn trong từng câu hát, giọng hò và ý tứ sâu sắc của lời
ca, hay vì thương những đôi lứa một thời chia cắt, thương đất nước một thuở
phân ly. Vì yêu con người và tin rằng tình yêu cho ta sức mạnh vượt qua thử
thách, chia ly. Gian khổ, chia ly, khoảng cách địa lý, tháng năm... sẽ chỉ làm
cho tình yêu nồng nàn, sâu đậm hơn. Sự thật này đã trở thành chân lý, không chỉ
trong thời chiến, mà vẫn giữ nguyên giá trị ngày hôm nay, khi con người luôn phải
đấu tranh với hoàn cảnh và chính mình để giữ trọn tình yêu. Đó chính là bí mật
làm nên sức sống kỳ diệu của Câu hò bên bờ Hiền Lương, một trong những bài hát
sống mãi với thời gian, “đi cùng năm tháng” của thời đại chúng ta.
Ở phương Nam, nghe hát, tôi tưởng được trở về dòng Bến Hải
trong một đêm trăng, được đứng trên chiếc cầu bé nhỏ, nghe câu hò vọng lại
“Thuyền ơi có nhớ bến chăng?...”.
Sự bé nhỏ vĩ đại
Trong một ngày bình thường nọ, tôi đã rưng rưng khi nghe ca
khúc Khi mẹ khóc của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh. Bài hát thực sự là những lời tâm sự
chân thành, cảm động, được thể hiện bằng giai điệu, ca từ rất mực giản dị nhưng
có sức lay động lạ kỳ.
Thời gian làm cho con người lớn lên, thay đổi nhiều đi “bao
buồn vui trôi xa như tình yêu đầu. Niềm tin cũ chẳng còn với con...”. Cuộc sống
nghiệt ngã cứ cuốn ta đi với biết bao lo toan thường nhật. Đôi lúc bình tâm
nhìn lại, không mấy người lại không nhận ra sự ngắn ngủi của kiếp người phù du,
“thấy cuộc sống thênh thang như một nơi tạm”. Tác giả ý thức rõ ràng về sự vô
thủy vô chung của dòng thời gian, nhưng giai điệu lại chậm, nhẹ, lắng đọng, chứng
tỏ người viết đã từng trải qua bao thăng trầm nên nhìn nhận cuộc đời có phần
bình thản. Cuộc đời cũng hệt như cơn gió thoảng, tất cả những buồn vui rồi cũng
qua đi nhẹ nhàng: “Chuyện xưa có khi bùi ngùi, rồi lại tan đi thế thôi...”. Ta
thấy một ý niệm triết học phảng phất nơi đây, gần gũi với thuyết “vô thường” của
nhà Phật.
Phần đầu bài hát, ta chưa thấy hình bóng người mẹ đâu cả, chỉ
là những suy tư của nhạc sĩ về cuộc đời, tình yêu. Tất cả đều buồn da diết, và
tất cả những nỗi buồn ấy hệt như cái nền để bà mẹ hiện lên nhân từ và bao dung
với bờ vai nhỏ nhắn nhưng vững chãi cho con gục đầu vào và khóc: “Những khi mẹ
khóc, người đàn ông bỗng thấy mình bé lại...”. Người con dẫu có trưởng thành đến
đâu cũng trở thành bé nhỏ trước nỗi lo toan và lòng nhân ái của mẹ. Khi gần mẹ,
người con bỗng thấy “nhiều ước mơ thanh cao cũng sống lại, thấy niềm kiêu hãnh
làm người lại bừng lên giữa đêm dài u tối”. Thật kiệm lời, nhưng có lẽ tác giả
đã nói được rất nhiều. Nếu ý thức được niềm kiêu hãnh làm người một cách thường
trực, ta sẽ sống có ý nghĩa hơn rất nhiều, và cũng chỉ có mẹ mới làm được điều
đó một cách trọn vẹn!
Khi câu cuối của bài hát “Gắng sống xứng đáng với tình yêu của
mẹ” khép lại, ta thấy như có một dòng điện chạy trong người, thôi thúc ta sống
đẹp hơn. Toàn bài hát không hề có một ca từ, một nốt nhạc lên gân, tất cả cứ nhẹ
nhàng xâm chiếm hồn người bằng sức mạnh của sự chân thành. Bài hát đã truyền tải
thành công một ý tưởng tuyệt vời: Bé nhỏ trước người mẹ là sự bé nhỏ vĩ đại nhất!
Có một dòng sông đã qua đời
“Mười năm khi phố khi vùng đồi. Nhìn nhau ôi cũng như mọi người.
Có một dòng sông đã qua đời…”. Có thật tình yêu sẽ cứu chuộc thân phận trên cây
thập giá đời khi những cuộc tình vẫn mãi không là trăm năm, khi những dòng sông
trôi đi không trở lại? Tiếng hát buồn da diết đưa nỗi niềm vọng lại từ tiềm thức
xa xôi.
Một cái gì thoáng qua, mong manh mà sao nhói tận tim. “Mười
năm” – khoảng thời gian đủ dài để đưa nhớ vào quên. Nhưng liệu quên được sao
khi cuộc tình kia đã là một phần máu thịt, một ký ức xa xăm nhưng vĩnh viễn vẫn
cứ là ký ức không phai?
Khoảng thời gian “mười năm” vừa hư mà lại vừa thực. Hư vì nó
trôi qua nhanh quá, như một ảo giác của phận người, còn đó rồi mất đó. Thực vì
nó chất chứa bao đau thương, tỉnh – mê, nhớ – quên của một cõi lòng đa cảm. Thời
gian đã làm lòng người đổi khác: “Mười năm sau áo bay đường chiều. Bàn chân
trong phố xa lạ nhiều. Có người lòng như nắng qua đèo”. Vậy mà sao “Có lần bàn
chân qua phố thấy người, sóng lao xao bờ tôi”. Có lẽ đây chính là điểm mà tôi
trân trọng ở ông – người nhạc sĩ tài hoa. Trong đời ông, hẳn đã có nhiều mối
tình đến rồi đi. Ông không níu giữ một ai cho riêng mình nhưng cũng không bao
giờ lãng quên một ai. Tình yêu lúc nào cũng thật đầy trong trái tim ông. Dẫu “từng
người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, ông vẫn hát mãi những khúc ca bất
tận về tình yêu. Nhờ ông, tôi biết dù cho dòng sông xưa có chảy qua đời thì những
mạch ngầm yêu thương vẫn còn đâu đây...
Nỗi nhớ mùa đông (*)
Sáng nay thức dậy, gió lạnh tràn qua khung cửa, những tia nắng
đầu ngày vàng óng mong manh, chợt thấy lòng mình se sắt. “Dường như ai đi ngang
cửa, gió mùa đông bắc se lòng”. Thảng thốt nhìn ra mái hiên: không có ai cả,
không có gì cả, chỉ có những chiếc lá phát tài xanh mướt khẽ đung đưa. Bỗng tự
cười mình ngơ ngẩn: Làm gì còn những ngày xưa nữa, Sài Gòn không có mùa đông.
Những ngày xưa yêu dấu của tuổi sinh viên lãng mạn và mộng mơ
đã qua gần 20 năm rồi. Những mùa đông Hà Nội với mua phùn, gió bấc cũng đã xa lắm
rồi. Sao lòng vẫn luôn khắc khoải: “Làm sao về được mùa đông, mùa thu cây cầu
đã gẫy. Làm sao về được mùa đông?”. Thật không khó để về, chỉ sau hai giờ bay
là từ buổi trưa rực rỡ nắng Sài Gòn sẽ tới buổi chiều đông rét mướt Hà Nội.
Cũng gió bấc, cũng mưa phùn nhưng sao vẫn cứ thiếu vắng chông chênh? Phải chăng
thiếu hơi ấm từ bàn tay người thiếu nữ mảnh mai tin cậy trao mình bên Hồ Tây
chiều đông năm ấy? Hay thiếu mùi ngô nếp nướng hai đứa cùng chia nhau bên chân
cầu thang ký túc xá? Hay thiếu mùi tóc em vấn vương trong chiếc khăn len quàng
vội khi tôi đi ngang cửa phòng em? Gần hai mươi năm, thời gian biến tôi từ một
chàng trai trẻ tràn đầy nhiệt huyết, hăm hở đi tìm lý tưởng sống thành một “kẻ
làm thuê” có giá cho các công ty nước ngoài, suốt ngày quay cuồng trong sự cạnh
tranh không chỉ với các đối thủ mà với cả đồng nghiệp và chính bản thân mình.
Thời gian biến em từ một thiếu nữ dịu dàng lãng mạn thành một thiếu phụ an phận
bên người chồng có địa vị xã hội với hai đứa con ngoan. Ta không thể có nhau
như mong ước những ngày đông xa xưa ấy, nhưng hình như mỗi chúng ta đều thấy
hài lòng và hạnh phúc với những gì mình đang có chăng? Hạnh phúc luôn mong manh
nên chúng ta đều đang cố níu giữ, đều chôn chặt kỷ niệm xưa trong lòng, không
ai muốn làm ảnh hưởng tới cuộc sống êm đềm hiện tại. Nhưng mùa đông thì không
thế, cứ tới mùa thì gió bấc lại thổi, những chiếc lá vàng lại rụng, tiếng chuông
chùa vẫn cứ ngân nga trong mưa phùn lất phất và dòng sông kỷ niệm vẫn không ngừng
trôi. Biết làm sao được, con người chẳng thể nào cưỡng lại những quy luật của tự
nhiên và tình cảm không thể thoát khỏi những quy luật của con tim.
Thế thì chúng ta phải tự tìm lối thoát: “Thôi đành ru lòng
mình vậy, vờ như mùa đông đã về”. Một chút ảo tưởng, một chút vờ vĩnh như thế đủ
để mình nhớ rằng mình vẫn đang sống vui vẻ, vẫn có những gì cần có của cuộc sống
vật chất phù phiếm và vẫn có một góc nhỏ kỷ niệm cho cuộc sống tinh thần. Vậy
là đủ chứ đừng tham lam quá, kẻo mùa đông qua mất khi mùa xuân chưa kịp tới.
(*) Nhạc sĩ Phú Quang, phổ thơ Thảo Phương
Cho hạnh phúc mãi lung linh...
Một sáng cuối năm. Ai đó bật radio nghe chương trình quà tặng
âm nhạc. Món quà-bài hát vang lên trong hẻm nhỏ. Những giai điệu ngọt ngào của
tình yêu thương rơi vào tim tôi, len lỏi vào những ngóc ngách của tâm hồn.
Ba là cây nến vàng
Mẹ là cây nến xanh
Con là cây nến hồng
Ba ngọn nến lung linh...
Tôi đã thắp nến xanh cho ngày sinh nhật mẹ, nến hồng cho ngày
đón tuổi tôi, nhưng chưa một lần được thắp nến vàng. Bàn tay níu áo mẹ đến trường,
bàn tay ôm vai thầy đi học, bàn tay vẽ mơ ước và thực hiện ước mơ nhưng lại
không thể níu nổi ngọn nến vàng. Lần đầu tiên nghe bài hát Ba ngọn nến lung
linh của Phương Thảo, Ngọc Lễ, tôi đã khóc.
“Gia đình gia đình...”. Tiếng gọi yêu thương nằm sâu trong
tâm khảm. “Gia đình gia đình...”. Như một vòng tròn hạnh phúc của ba, mẹ và
con. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, là chuyến tàu “đưa ta đi
qua những ngày thơ ấu”. Gia đình cần lắm cái ánh sáng “lung linh lung linh” của
“tình mẹ tình cha”, để mãi mãi “lung linh lung linh hai tiếng gia đình”.
Bài hát của lần lắng nghe đầu tiên cứ day dứt trong tôi, xốn
xang một niềm đau để rồi cuối cùng đã làm “lung linh lung linh” một nụ cười
trên môi đứa con gái đã cố vùi chôn ước mơ xưa vào quá vãng. Bây giờ, mỗi lần
nhìn thấy những gia đình hạnh phúc bên nhau, tôi lại khe khẽ hát: “Ba là cây nến
vàng-Mẹ là cây nến xanh-Con là cây nến hồng...”. Tôi hát cho hạnh phúc của người,
để biết rằng tình yêu thương vẫn đong đầy trong từng mái nhà, từng góc phố. Và
hát cho chính mình, cho hạnh phúc ảo vọng từ những giấc mơ tìm thấy nến vàng.
Mong rằng những gia đình hạnh phúc đều lắng nghe được bài hát
này. Và mong những bố mẹ đứng bên bờ chia tay, xin một lần cùng nhau hát lên những
giai điệu yêu thương ấy. Để những ngọn nến hồng bé bỏng sẽ không phải khắc khoải
đi tìm một ngọn nến nào chỉ còn về trong những giấc mơ xa.
Nỗi nhớ mùa đông - hoài niệm buồn và đẹp
Ai trong đời mà không có một bài hát yêu thích? Riêng tôi, có
một bài hát mà mỗi lần nghe là mỗi lần tôi lại thấy lòng mình như trải rộng ra
để bao cảm xúc ùa vào, nôn nao, xao xuyến... Đó là cảm giác của tôi khi nghe ca
khúc Nỗi nhớ mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Thảo Phương.
Bởi ấn tượng quá đẹp của lần đầu tiên tôi được thưởng thức
bài hát, không phải từ một ca sĩ nổi tiếng, một ngôi sao ca nhạc nào. Bài hát
này lần đầu tiên tôi được nghe là từ cô giáo của mình.
Khi còn học đại học, có một lần, trong giờ kịch nói, chúng
tôi được xem một vở độc diễn mà cô giáo- đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc biểu diễn.
Đó là một vở kịch rất xúc động, nói lên tâm trạng, những hoài niệm của một diễn
viên kịch đã “về vườn”. Những vai mà người nữ diễn viên ấy đã từng đóng lần lượt
được tái hiện trên sân khấu nhỏ của lớp. Kết thúc vở độc diễn, người thiếu phụ
xuân sắc một thời ấy để lại trong lòng người xem sự ám ảnh khôn nguôi về nỗi cô
đơn đến tuyệt vọng. Đó là khi tiếng hát của người diễn viên cất lên: “Dường như
ai đi ngang cửa/ Gió mùa Đông Bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay
cũng bỏ ta đi...”. Thời gian như ngưng đọng lại trong lời hát, con người nhỏ bé
và bất lực làm sao... Dường như ta còn lại một mình trơ trọi giữa đời, khi mà tất
cả đều “bỏ ta đi”... Cái điệp khúc “bỏ ta đi” được lặp lại nhiều lần, âm điệu lắng
xuống nghe như một tiếng thở dài nuối tiếc, xao xác như tiếng lá khô khẽ rụng một
buổi chiều tàn... “Nằm nghe xôn xao tiếng đời/ Mà ngỡ ai đó nói cười/ Bỗng nhớ
cánh buồm xưa ấy/ Chiều nay cũng bỏ ta đi...”. Còn gì cô đơn bằng khi nằm lắng
yên trong một căn phòng vắng, lặng nghe tiếng đời rộn rã ngoài kia. Và trong nỗi
cô đơn da diết ấy, người ta bỗng nhiên khát khao quay về với quá khứ, khát khao
được sống lại lần nữa những ngày tháng tuyệt đẹp trong đời: “Làm sao về được
mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/ Để nghe chuông
chùa xa vắng”. Dĩ vãng ấy rất đỗi bình yên, chỉ là hình ảnh thanh bình của một
dòng sông và bờ cát, của tiếng chuông chùa hư ảo xa xăm, thế mà đi hoài, đi
hoài, hết cả đường đời người ta cũng không tìm về lại được. Quá khứ và tương
lai đã đứt đoạn, đã cách nhau một quãng đường dài rong ruổi và mỏi mệt, “Mùa
xuân cây cầu đã gãy...”, còn mong gì về lại ngày xưa.
Tôi còn nhớ rõ sự xúc động của mình khi nghe đến đoạn này của
bài hát, khi mà diễn xuất tuyệt vời của người diễn viên đi từ nỗi khắc khoải,
da diết khát khao ngập đầy trong nét mặt, ánh mắt bỗng thoắt trở thành niềm cô
đơn xa vắng, sự chấp nhận ngậm ngùi, hòa với giai điệu bài hát cũng chuyển biến
gần như đột ngột, tiếng hát lắng xuống cùng với tiếng lòng: “Thôi đành ru lòng
mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về...”. Đau đớn làm sao, cái sự tự ru mình. Hiện tại
cô quạnh khiến người ta chỉ còn biết ru mình trong những hồi ức đẹp đẽ của một
thời quá vãng để mà có thể tiếp tục những năm tháng còn lại của cuộc đời... Kỳ
lạ thay, tiếng hát của người diễn viên khiến tôi có cảm giác như đang nghe tiếng
hót của sơn ca, loài chim hót hay và buồn đến nhói buốt lòng người, và tiếng
hót hay nhất là tiếng hót cuối cùng dâng lên cuộc sống trước khi tự hiến
sinh... Một bài hát buồn nhưng đẹp, khiến người ta yêu hơn những ngày tháng sống
trên đời...
Quán cóc - Đầy ắp kỷ niệm
Bình Huế (TPHCM)
Lâu nay, tôi chưa bao giờ tìm nghe hoặc chú tâm nghe nhạc Võ Thiện Thanh. Thế hệ chúng tôi, những người yêu thích chất nhạc semi classic tình cảm của Phú Quang, ca từ đẹp và nồng nàn của Dương Thụ, Trần Tiến, chất lãng mạn, ảo mờ như một bài thơ của nhạc Trịnh...
Lâu nay, tôi chưa bao giờ tìm nghe hoặc chú tâm nghe nhạc Võ Thiện Thanh. Thế hệ chúng tôi, những người yêu thích chất nhạc semi classic tình cảm của Phú Quang, ca từ đẹp và nồng nàn của Dương Thụ, Trần Tiến, chất lãng mạn, ảo mờ như một bài thơ của nhạc Trịnh...
Chúng tôi nghĩ rằng những bài hát của các nhạc sĩ trẻ bây giờ
chỉ chú trọng đến tiết tấu, còn lời ca thì hời hợt, vô nghĩa.
Khi nghe bài Quán cóc, tôi thật sự bất ngờ với mở đầu là tiếng
ghi ta thùng mộc mạc da diết vang lên, và “Quán cóc nằm im dưới hàng me/Tiếng
ve kêu trưa hè, tờ vé số ngủ mê/Quán cóc, một anh chàng xích lô/Ngồi mơ giấc mơ
vui/Lưng ướt đẫm mồ hôi... Quán cóc đời mưa gió tả tơi/Đứng hiên ngang giữa trời...”.
Một bức tranh nhỏ về Sài Gòn hiện lên thật rõ ràng. Nghe xót xa nhưng vẫn cảm
thấy vẻ chân mộc của những con người Nam Bộ. Ai không từng một lần ngồi quán
cóc ngắm người qua lại và chờ những giọt cà phê lặng lẽ rơi. Nơi mở đầu ngày mới
và cũng là nơi dừng chân của những người lao động. Cái quán với vài cái ghế nhỏ
và mấy cái bàn cũ kỹ, người bán hàng có khi để ly chén trong cái giá bằng nhựa...
vậy thôi mà một phần không thể thiếu được của Sài Gòn. Tác giả chắc chắn đã đồng
cảm sâu sắc với cuộc sống mưu sinh của thành phố này và chắc hẳn thời sinh viên
anh đã từng là khách quen của một quán cóc nào đó.
Quả nhiên tôi đã dự đoán đúng mạch của bài hát: “Quán cóc,
nói yêu em năm nào/Khát khô ly trà đá...”. Thời sinh viên vụng dại mà nồng nhiệt,
cái túi thì nhỏ mà tình cảm thì vô bờ.
Bài hát trải ra như một câu chuyện với những lời tự sự: “Quán
cóc, ngồi mơ màng nhớ em/Mà em có hay đâu/Ta cứ mãi mong chờ/Đứng che mưa chờ nắng/Mỗi
khi ta u sầu... Quán cóc, nói yêu em năm nào/Khát khô ly trà đá/Lời rung rung,
này quán cóc cứ ung dung mà sống/Đời theo dòng cứ trôi/Biết bao nhiêu phận người/Nào
biết trước cuộc chơi...”.
Quán cóc - nơi nói lời yêu em và cũng là nơi ngồi nhớ em, chỗ
trở về ngồi nghỉ trong cuộc mưu sinh vất vả. Quán cóc vẫn như thế qua bao nhiêu
thăng trầm của những phận người, của thời gian. Người đến rồi đi, con người có
thể thay đổi nhưng cái nơi chốn với bao nhiêu kỷ niệm ấy không hề đổi thay. Một
nơi chốn bình dị, tầm thường lại trở thành thân quen, yêu quý như ngôi nhà mình
vì những gì ta đã gắn bó với nó: “Quán cóc ngồi quen lòng nhớ nhung/Một hôm bước
chân xa/Ta cứ ngỡ xa nhà”.
Hình bóng quê nhà mãi trong tôi
ROSA TRAN (Moscow-Nga)
Trong mỗi chúng ta chắc ai cũng đã từng một lần xa quê và cảm
nhận được nỗi nhớ quê da diết thế nào. Với tôi, xa quê hương đến nửa vòng trái
đất cho nên trong lòng không còn là nỗi nhớ tha thiết mà nó là nỗi đau, nỗi buồn
miên man không thể tả xiết.
Mở đầu bài hát, nhạc sĩ Thanh Sơn như “mời gọi” những ai xa
quê về lại chốn cũ với bao kỷ niệm đẹp: “Về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hát
vang rộn ràng. Qua nhịp cầu tre, qua mấy con đê thắm đượm tình quê. Bao năm qua
cách trở đường xa xuôi ngược bôn ba. Ôi kỷ niệm yêu, mái tranh nghèo tỏa khói
lam chiều...”. Với tôi, tuổi thơ là quãng đời nghèo khó nhưng thật vui vì được
sống nơi “chôn nhau cắt rốn”; tuy mái tranh nghèo nhưng thật ấm cúng, tình cảm
bên người thân và gia đình. Dù nghèo khó nhưng bà con quê tôi sống vui vẻ,
nghĩa tình với “nụ cười, câu ca mát rượi chứa chan lòng người...”. Những đêm
trăng trẻ con tụi tôi thường tụ tập vui đùa, chơi trò trốn tìm. Có hôm chạy vội
qua những chiếc cầu tre lắc lẻo rơi tõm xuống sông uống nước đen ngòm về nhà bị
ba đánh đòn. “Quê hương ơi, ấm mãi đời tôi uống ngọt đôi môi. Thương quá là
thương, tuổi thơ nào ngọt đắng vui buồn”. Khi nghe hai câu: “Hò ơi, gió đưa gió
đẩy, về rẫy ăn còng. Về sông ăn cá, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”, tôi nhớ đến
những lần đi mò cua bị cua kẹp chảy máu tay nhưng đem về nấu món bún riêu cua hết
chê. Tôi và mẹ lại chế biến thêm món cua rang muối cùng nước mắm ớt; con cua vừa
cay vừa mặn nhưng ăn cơm nguội thật hấp dẫn...
Và hôm nay, tình cờ lướt net, tôi rất vui vì ca khúc Hình
bóng quê nhà đang được bạn đọc Báo Người Lao Động đề cử cho ca sĩ Hương Lan giải
Ca sĩ nhạc âm hưởng dân ca - Mai Vàng 2006. Xin cảm ơn Báo Người Lao Động đã tổ
chức cuộc thi Cảm nhận ca khúc hay để tôi có thể gửi gắm chút tâm tình về xóm
nghèo quê hương.
Nghe hai câu cuối bài hát, cứ ngỡ tác giả Thanh Sơn viết tặng
riêng cho những người tha hương chúng tôi. Và khi ca sĩ Hương Lan trình bày ca
khúc này, người nghe như cảm nhận được nỗi lòng của chị và của những người Việt
Nam xa xứ: “Nghe quê hương tiếng gọi mời thương những ngày tha phương. Trong
cõi đời ta, giữ bên lòng hình bóng quê nhà...”.
Chúc mừng năm mới
Hãy cạn nốt ly này. Đêm vui pháo hoa của buổi tiệc rượu cuối
năm đã tàn. Tâm trạng của một đôi trai gái, một tâm trạng hơi bi quan và buồn
chán, chơi vơi, nhạt nhòa, của thì hiện tại không giống với ngày đã qua và
tương lai thì khó nhìn thấy “The morning seems so grey, so unlike yesterday”.
Một ngày mới, một cuộc đời mới lại đến, ta hãy dũng cảm đón nhận “How the brave new world arrives”, và vươn lên trong đống tro bụi của cuộc đời . Con người ta vốn ngu ngốc “Oh yes man is a fool”, mấy ai hiểu rõ được mình đang lầm đường lạc lối...Tôi rất thích bài hát này của ABBA. Đó là một cảm giác hụt hẫng và trống vắng mình luôn cảm nhận được sau mỗi cuộc vui; tâm trạng của “It’s the end of the party” - cuộc vui nào rồi cũng tàn... Muốn trao cho nhau vài lời “Now’s the time for us to say”... Thế rồi nhìn quanh quất, muốn níu kéo những gương mặt bằng hữu, nhưng thôi, chẳng thể tìm lại gì bởi vì ngày vui cũng đã qua...
Một ngày mới, một cuộc đời mới lại đến, ta hãy dũng cảm đón nhận “How the brave new world arrives”, và vươn lên trong đống tro bụi của cuộc đời . Con người ta vốn ngu ngốc “Oh yes man is a fool”, mấy ai hiểu rõ được mình đang lầm đường lạc lối...Tôi rất thích bài hát này của ABBA. Đó là một cảm giác hụt hẫng và trống vắng mình luôn cảm nhận được sau mỗi cuộc vui; tâm trạng của “It’s the end of the party” - cuộc vui nào rồi cũng tàn... Muốn trao cho nhau vài lời “Now’s the time for us to say”... Thế rồi nhìn quanh quất, muốn níu kéo những gương mặt bằng hữu, nhưng thôi, chẳng thể tìm lại gì bởi vì ngày vui cũng đã qua...
Hình như không còn nữa những giấc mơ của tuổi thơ “The dream
we had before all are dead”, chỉ còn đó trên sàn nhà những bông hoa giấy vô hồn
“nothing more than confetti”. Phải chăng nó cũng là tâm trạng hụt hẫng và chơi
vơi khi cảm nhận được một ngày qua là một cái gì đó mất đi không níu lại được?
Thời gian nhiều khi vô tình đến độ vô tâm , mới ngày nào đó mà giờ đã...
Hai thập niên vừa qua đi. Có ai đoán được mình thấy gì, điều
gì đang chờ đợi ta ở thập niên kế tiếp “In another ten years time, who can say
what we’ll find”?
Thôi thì bây giờ chúng ta hãy chúc nhau đi; cầu mong sao cho
chúng ta luôn sống trong mộng đầy, giữa ấm êm tình đời, tình người lạ quen, xa
gần “have a vision, now and then of a world where every neighbor is friend”;
chúc cho mọi người có được niềm hy vọng và ý chí phấn đấu để mà tồn tại “our
hope our will to try”, vì nếu không thì chúng ta sẽ nằm xuống và chết “lay down
and die”, cả bạn và tôi...
Vâng, một năm mới lại đến, hãy hát lên lời chúc mừng: Happy
new year, Happy new year... Hình như tiếng nhạc vẫn còn văng vẳng đâu đây. Hình
ảnh một đôi trai gái đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, bỏ lại ngày hôm qua,
phía trước mặt là một ngày mai sáng tươi... "You and I"... Bạn và
tôi.
Cám ơn ABBA đã để lại cho đời một tác phẩm sống mãi với thời
gian...
Nghe bâng khuâng mùa đông...
Sài Gòn không có mùa đông, không có cái lạnh hao gầy của những
đợt gió mùa Đông Bắc. Nhưng Sài Gòn có mưa. Những cơn mưa chợt đến rồi vội vã
đi như những người khách.
Không hẹn mà tôi lại gặp em ở nơi này, giữa một ngày Sài Gòn
đang tránh bão. Vẫn giọng nói Hà Nội ngọt mềm và ánh mắt buồn ngày xưa. Có khác
là bây giờ trông em chững chạc hơn, bình thản hơn...
Cuộc đời có những sự tình cờ đến khó tin, như giữa lúc tôi và
em còn chưa hết ngỡ ngàng khi gặp nhau, không biết từ đâu giai điệu bài hát Cửa
sổ mùa đông của Dương Thụ vang lên, trong tiếng mưa:
“Mùa đông này gió bắc, mùa đông này khói thuốc, trắng những ô
cửa sổ mùa đông mưa...”
Câu hát làm tôi nhớ Hà Nội quay quắt. Đã lâu rồi, tôi không
tìm về nơi ấy. Chẳng biết căn phòng ngày xưa tôi trọ học với ô cửa sổ trông ra
đường Nguyễn Du có còn không? Nếu còn thì chắc chắn trên bậc cửa ấy cũng sẽ còn
dấu tích của những bài thơ ngày xưa tôi viết tặng em.
Hà Nội có bốn mùa nhưng tôi lại chỉ thích mùa đông. Không
gian ẩm ướt của Hà Nội vào đông dễ làm nao lòng những người nhạy cảm. Và riêng
tôi, say Hà Nội còn vì một lẽ khác: đó là tên em!
“Tìm em là gió bấc. Tìm em là khói thuốc, những ô cửa sổ mùa
đông mưa. Làm sao không là thơ? Làm sao không là mơ? Để rồi nay xa rời mà
thôi...”
Còn nhớ lần cuối cùng khi nghe lại bài hát này ở quán G.P, em
đã hỏi tôi có nghĩ rằng một ngày nào đó em cũng sẽ “là gió bấc, là khói thuốc”
bay khỏi đời tôi không? Câu hỏi vô tình mà thành định mệnh. Em xa tôi vào một
ngày giữa tháng ba. Khi cây hoa gạo bên kia sông đang nở đầy hoa đỏ. Không thể
trách em vì tôi biết phía sau cuộc sống của em vẫn là gia đình với trăm ngàn nỗi
lo cơm áo. Nếu có trách là trách tôi đã không đủ bản lĩnh và niềm tin để giữ em
lại...
Rời Hà Nội, tôi vào Sài Gòn, những tưởng với nhịp sống náo
nhiệt của nơi này sẽ giúp tôi dần quên được em, nhưng không, mưa Sài Gòn vẫn
làm tôi ám ảnh hoài một mùa đông Hà Nội:
“Nghe bâng khuâng mùa đông, mùa đông ô cửa sổ xa vắng. Nao
nao trong mùa đông, mùa đông những kỷ niệm thoáng buồn”
Vẫn biết em bây giờ đã là “câu hát buồn” của tôi và lần gặp
này cũng chỉ là một sự tình cờ, “tan cơn mưa và em thật xa không làm sao giữ lại”.
Dù vậy, tận đáy lòng, tôi vẫn mong sẽ còn những lần tình cờ như thế trong cuộc
đời. Không phải để níu kéo lại những gì đã mất mà chỉ để được nhìn thấy em bình
yên. Và cũng để tôi được tìm lại cảm xúc một thời của mình...
Bài thánh ca buồn và nỗi niềm mùa đông
Nguyễn Huy Hoàng (TP Biên Hòa – Đồng Nai)
“Bài thánh ca đó còn nhớ không em, Noel năm nào chúng mình có
nhau”. Đã bao năm rồi, cứ mỗi dịp Giáng sinh tình cờ nghe được ca khúc Bài
thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyên Vũ, lòng tôi lại day dứt...
Câu chuyện tình chắc là em không nhớ, cả giọng hát một thời
em ca tụng... Chỉ có tôi là không quên, dẫu những kỷ niệm xưa dù không muốn cứ
mờ dần cùng với sự lão hóa trí nhớ. Chỉ còn mang máng là đẹp và em rất đẹp. Phố
thị Pleiku giờ cũng đã là thành phố rồi. Quán Trà Cung đình ngày xưa có còn mùi
quế thoang thoảng như em khẳng định, dẫu cái mũi tôi không ngửi thấy gì vẫn cho
là thơm?
Không ngờ bài hát ứng nghiệm đời tôi lạ lùng đến thế! Mùa
đông hết, vẻ lung linh của cái lạnh hết và cuộc tình tôi cũng hết. “Rồi mùa giá
buốt cũng qua mau lời nguyện cầu ai nhớ dài lâu. Rồi một chiều áo trắng thay
màu. Em qua cầu xác pháo bay sau. Lời nguyện mình Chúa có nghe không? Sao bây
giờ mình hoài xa vắng. Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian, bấy nhiêu lần anh
nhớ người yêu”. Chỉ có điều ngày nàng lên xe hoa không có xác pháo và tà áo trắng
được thay bằng chiếc soirée bằng satin sang trọng với sợi dây ngọc trai cùng
tông trắng ngà trên cổ (điều mà cả đời một gã lang thang như tôi không mua nổi).
Ngày ấy tôi ngỡ mình đã hóa điên, không phải vì nàng đi lấy chồng mà là vì giấc
mơ của tôi đẹp và thánh thiện đến thế, sao Chúa nỡ để nó vụt đi nhanh hơn cả
sao băng!
“Rồi những đêm thánh đường đón Noel, lang thang qua miền giáo
đường dấu yêu. Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối. Nhớ quá đi thôi giọng hát
ai buồn, đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi”.
Nhớ quá đi thôi mùi quế năm nào! Nhớ quá đi thôi, cái lạnh sắt
se năm nào bên hiên nhà thờ Pleiku! Kể nữa là tôi sẽ khóc! Và cũng bởi nếu kể
ra hết (ký ức tôi đã lẫn lộn giữa thực và mơ), tôi còn lại gì để sống và chút ảo
ảnh của giấc mơ vẫn còn đẹp trong tôi sẽ là hư không. Lúc ấy nàng ở đâu? Nàng
làm gì? Mà dầu nàng có làm gì đi nữa, lúc ấy nàng đâu còn quan trọng nữa. Quan
trọng là tôi bay theo ảo ảnh giấc mơ. Như tấm gương vỡ tan tành, vẫn còn những
hạt sáng lấp lánh khi có ánh nắng chiếu vào. Tôi nguyện cầu cho tất cả những ai
sẽ và đang yêu: “Xin cho đôi mình suốt đời có nhau!”.
Đường đến vinh quang
(Học viên Khu E - Hiện đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh
Đức Hạnh, xã Đức Hạnh, Phước Long - Bình Phước)
“Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên
đời, dù ta biết gian nan đang chờ đón”. Lời bài hát Đường đến ngày vinh quang của
nhạc sĩ Trần Lập bỗng cất lên trong chương trình phát thanh chiều nay.
Tôi giật mình, bao cảm xúc buồn vui chợt ùa về, cảm giác như
khi ta gặp lại người bạn cũ, nhớ lại một thời đã qua, chưa xa, nhưng chẳng thể
quay trở lại. Đó là thời sinh viên với bao hoài bão, nhiều khó khăn, thiếu thốn
nhưng cũng không ít niềm vui, bài hát này với chúng tôi lúc đó như người bạn
thân, luôn có mặt trong các buổi sinh hoạt dã ngoại, lúc vui, khi buồn... ca từ
mạnh mẽ trên nền nhạc sôi nổi như nhắc nhở, động viên chúng tôi vượt qua thử
thách, khó khăn. Nhưng do không có lý tưởng sống rõ ràng, lại quá nhiều đam mê
vật chất, háo thắng, ba năm đèn sách đành bỏ dở, tôi đã vướng vào vòng luẩn quẩn
của ma túy, cuộc đời như không lối thoát.
Được tập trung vào Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh, được học tập,
được sống và lao động, rèn luyện trong môi trường tập thể và nhất là sự dìu dắt,
quan tâm chỉ bảo của thầy cô, tôi dần phục hồi cơ thể lẫn tinh thần. Nay bỗng
được nghe lại bài hát này tôi thật sự bừng tỉnh... “Đoạn đường nào trải lối
chân hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai, đường vinh quang đi qua
muôn vàn sóng gió...”. Trên đường đời sẽ có những lúc thăng trầm, sẽ có khi vấp
ngã, hãy đứng dậy mà tiếp tục vượt khó khăn, thử thách như để tô điểm cho đích
đến rực rỡ hơn. Với tôi, con đường phía trước đã được các thầy chỉ dẫn, hành
trang tri thức và sức khỏe đã được các thầy cô đặt lên vai, nhưng để đến đích
tôi phải đi trên đôi chân của chính mình. Dẫu khó khăn, dẫu gian khổ nhưng tôi
sẽ không đắn đo sợ hãi lùi bước nữa, vì sau lưng là bao ánh mắt trìu mến dõi
theo, vì xung quanh là những đôi tay sẵn sàng nâng tôi đứng dậy, vì trước mắt
là đích đến vinh quang... “Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi và chúng tôi là người
chiến thắng, đường đến những ngày vinh quang không còn xa”.
Vâng, ngày đó sẽ không còn xa, dù khó khăn vẫn còn, tôi và
các bạn sẽ là người chiến thắng. Chiến thắng bệnh tật, chiến thắng bản thân,
chiến thắng những cám dỗ của ma túy. Vinh quang thuộc về những ai dám đứng lên
quyết tâm làm lại cuộc đời. Và vinh quang cũng dành cho những ai đã dìu dắt,
giúp đỡ những con người lầm lỗi, dành cho những ai sống vì lợi ích của cộng đồng.
Xin cảm ơn nhạc sĩ Trần Lập, và xin cảm ơn chương trình phát thanh Xây dựng cuộc
sống mới của Phòng Giáo dục - Hòa nhập cộng đồng đã cho tôi cơ hội nghe lại bài
hát này, và cảm ơn quý thầy cô của trung tâm đã cho tôi nhiều điều hay lẽ phải
để tôi có thể cảm nhận hết ý nghĩa của Đường đến ngày vinh quang... Dù không thể
quay ngược thời gian trở lại, nhưng tôi có thể bắt đầu cuộc đời mới tốt hơn.
Tiểu đoàn 307 - thôi thúc diệu kỳ
Tiểu đoàn 307 thành lập năm 1948, vốn là Tiểu đoàn Liên quân
lưu động khu 8 Nam Bộ và bài Tiểu đoàn 307 (nhạc Nguyễn Hữu Trí, lời thơ Nguyễn
Bính) là bài hát chính thức của tiểu đoàn ra đời sau hơn một năm thành lập. Cố
nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương là người hát thành công nhất bài hát này.
Hơn nửa thế kỷ qua, Tiểu đoàn 307 làm rung động muôn triệu
con tim bao lớp người. Trong những buổi hành quân giữa rừng sâu núi cao, hay
khi duyệt binh ở quảng trường lớn, giai điệu bài ca cất lên là gây niềm phấn chấn,
tự hào cho mọi người. Những buổi liên hoan đốt lửa trại của chiến sĩ, hay những
cuộc vui trong đám tiệc, thế nào cũng có Tiểu đoàn 307 vang lên. Các chiến công
chói lọi của Tiểu đoàn 307 như trận: Mộc Hóa (Tân An), La Bang (Trà Vinh) và những
trận chống càn ở Đồng Tháp Mười là nguồn cảm hứng để nhạc và thơ cất cánh. Sức
mạnh của đoàn quân như "Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy". Và họ
nguyện quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: "Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy,
cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sĩ tiếc gì máu rơi". Nhà văn
Trần Kim Trắc, người con của Tiểu đoàn 307, kể lại rằng: Tiểu đoàn có hai người
lính kèn là anh Ty và anh Dễ khi xung phong quyết liệt thì các anh chỉ thổi 6 nốt
nhạc: fá fá - đô là đô fá (lẻ bảy, tiểu đoàn lẻ bảy) là tạo được khí thế như
trào dâng nước cuốn. Bài hát được viết ở gam fa trưởng, nhịp 2/4 với sắc thái tự
hào vui sướng, âm hưởng hành khúc thật hùng tráng. Điệp khúc "lẻ bảy, tiểu
đoàn lẻ bảy" được nhắc lại 5 lần như bước chân thần tốc của các chiến sĩ,
tiến tới cao trào và kết thúc ở 4 nốt nhạc: mi rề mi fá (tiểu đoàn lẻ bảy).
Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân VN đã chọn 13 bài hát
truyền thống của quân đội ta, trong đó có bài Tiểu đoàn 307. Trong năm
1999-2000, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức bình chọn các ca khúc truyền thống
được nhiều người yêu thích nhất, thì có 30/720 bài vào chung kết, trong đó có
bài Tiểu đoàn 307. Tôi chưa về Vĩnh Lộc, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu – nơi an nghỉ của
nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, và cũng chưa về làng Thiện Vịnh, Vụ Bản, Nam Định – quê
của nhà thơ Nguyễn Bính, xin có vài dòng cảm nghĩ về sự thôi thúc kỳ diệu của
bài Tiểu đoàn 307 để làm một nén tâm nhang, dâng lên hương hồn nhà thơ và nhạc
sĩ – tác giả của bài hát xanh mãi với thời gian. Cầu mong cho linh hồn các chiến
sĩ Tiểu đoàn 307 – những người con đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của
dân tộc luôn được mát lành trong lòng đất mẹ yêu quý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét