Ổ chim ngoài khung cửa sổ
Cái nắng hanh vàng và độ ẩm trong không khí bên ngoài oi bức lại càng oi
bức thêm, làm tôi nhớ làng xóm mình năm xưa. Thuở nhỏ, sống quanh quẩn
tại phần đất mình sanh ra nên luôn nghĩ là đâu đâu cũng giống như quê nhà. Sau
này có đi đó đây suốt thời kỳ chinh chiến, tôi có thấy tận mắt sự khác biệt từ
vùng đất này đến nơi khác trên phần đất thân yêu, và rồi thấy sự khác biệt giữa
quê mình và thế giới bên ngoài. Bao nhiêu thay đổi từ khí hậu, phong tục,
tập quán đến cách sinh hoạt... và nhiều nhiều nữa mà trước đây
tôi chỉ biết qua trong sách vỡ. Tôi muốn nói chỉ riêng thời tiết
thôi cũng đủ làm đảo lộn cuộc sống. Như vào mùa đông ở đây thì nhà nhà
như cái bếp than hồng nhỏ xíu đặt trong tủ đông đá khổng lồ thiên nhiên, bằng
ngược lại như ở quê tôi vào mùa hè, nhà nhà may lắm được như cái máy lạnh nhỏ
xíu trong cái hỏa lò hừng hực của tạo hóa. Bởi vậy Houston nơi
tôi đang sống, mùa hè năm nay làm tôi nhớ đến quê tôi là vậy.
Những mùa Hè qua mau, thấm thoát tuổi già lúc nào không hay!
Và, Mùa Hè năm ấy tôi lăn lóc ngày đêm hết bệnh
viện này đến nhà thương khác vì cơn bệnh hoành hành nhà tôi làm đầu óc tôi như
bị rối bù, đóng băng. Tâm hồn tôi như bị thắt buộc bởi những dây nhợ,
những bình thuốc nhỏ giọt buồn thảm vào cơ thể bệnh nhân. Nhà tôi được
đưa vào đây khoảng một tuần và tôi thường lang thang bên ngoài để làm
quen với khung cảnh quanh mình. Đứng ngồi không yên. Ngồi
ở ghế đá dưới bóng râm chưa nóng đít thì vội vã lên phòng vì không biết chuyện
gì xảy ra cho nhà tôi khi mình vắng. Cái lo của tôi nhiều khi vô lý
lắm. Nhưng thực ra trên đời này bao nhiêu điều vô lý nhan nhản ràng buộc
vào cuộc sống con người. Nhờ cái vô lý của tôi, mà ban giám đốc đã
cho mang vào phòng bệnh của nhà tôi thêm một cái giường nữa cho tôi. Và kể
từ đó, phòng bệnh của nhà tôi ở lầu 2 coi như có hai bệnh nhân: Một bệnh
nhân thứ thiệt và một nữa là tôi, mà từ bác sĩ đến y tá đều nhìn tôi ngày ngày
ái ngại. Mọi người nhắc tôi ăn uống. Thậm chí một bà bác
sĩ đặt thêm phần ăn cho tôi hàng ngày, bà còn dặn dò y tá báo cho bà
tình trạng ăn uống của tôi. Sở dĩ tôi biết điều này vì một hôm cô y tá trực
đêm cứ nài ép ăn làm tôi bực mình và cô thật thà giải thích.
Còn nhà tôi thì thiêm thiếp luôn. Có khi ngủ cả tuần
lễ. Có lúc thức mấy ngày liền không nhắm mắt. Tình trạng nhà
tôi như chỉ mành treo chuông, và đó là lý do được đưa từ bệnh viện điều trị đến
đây để cầm chừng qua ngày tháng. Tình trạng vô vọng. Nhóm
bác sĩ vô vọng, những người thân quyến đều nhận thấy, nhưng tôi lúc nào cũng hy
vọng phép mầu sẽ giúp nhà tôi qua cơn ngặt nghèo. Chính vì vậy nhóm
bác sĩ ngày ngày vừa lo cho nhà tôi bớt đau đớn và lại phải giải thích đủ điều
với tôi.
Khi bệnh trạng đến hồi tuyệt vọng thì con người bắt đầu nghĩ
đến những niềm tin khác, và tôi bắt đầu tin đủ thứ. Tôi đâm ra mê
tín, điều từ xưa nay tôi không hề tin. Tôi nằm mộng đêm đêm, mà giờ này
tôi không nhớ hết, nhưng khi thức giấc tôi cố giải đoán theo điều tôi
nghĩ tốt trong đầu. Tôi hay mơ màng nghĩ đến khi nhà tôi lành bệnh việc
gì mình sẽ làm vì bên ngoài kia cuộc đời sao đẹp quá. Xe cộ,
quán xá, hoa cỏ xanh tươi, cây cảnh lao xao đùa trong
gió. Và vườn hoa sau nhà tôi, căn nhà tôi, phòng ốc, vật dụng trong
nhà đang chờ sự trở về của nhà tôi như gọi mời chờ đón.
Và trưa nay bên ngoài khung cửa sổ nắng sao long lanh quá. Từng giọt nắng lao xao như nhảy múa trên lá như những ngón tay thiên
thần trên phím tấu khúc nhạc tình của Beethven. Muốn đánh thức nhà
tôi để chia sẻ cảm nghĩ này, nhưng nhìn nhà tôi thiêm thiếp. Hơi thở đều
đều, thân hình xanh xao, gầy gò, hốc hác làm lòng tôi chùng xuống như con diều
đêm đêm lướt nhẹ trên trời đang cho những tấu khúc êm đềm bỗng dưng bị gió cuốn
hút trong đêm. Em không còn vóc dáng trước đây. Nhưng tiềm ẩn
trong thân hình tiều tụy kia là nét đẹp của sự hy sinh mà em đã cả đời
tận tụy. Tôi thẩn thờ đứng đên cửa sổ, nhìn mây trôi nhẹ trên không, vài
con chim trong sân tung tăng đùa nắng đang tìm những mẫu bánh vụn vặt
hay những lá cỏ non. Bên ngoài hàng rào bệnh viện, cuộc sống tấp nập rộn
ràng. Tôi ước mong nhà tôi chóng lành bệnh để vợ chồng con cái nhập vào
xã hội con người, nướng một miếng thịt ướp sả thơm phức ở sau nhà, hay kéo nhau
ra công viên bày biện mấy món ăn picnic... Tôi ganh với cả loài chim ngoài
kia sao thảnh thơi bay lượn. Tôi ganh với cả đám cỏ trong sân sao
quá xanh tươi. Tôi nghĩ ngợi lung tung khi bắt gặp bất cứ ngoại
cảnh để so sánh với hoàn cảnh của mình.
Tôi vẫn nghĩ là nhà tôi hên lắm mới được căn phòng này, vừa
chín-nút, vừa có tàng cây to ngoài cửa sổ, biết đâu là điềm may báo nhà tôi sẽ
lành bệnh. Tôi quan sát và so sánh với các phòng khác trong bệnh viện và
tôi nghĩ là phòng nhà tôi đẹp nhất!
- Kìa! Có ổ chim trong tàng lá ngoài kia đó em có
thấy không? Kia kìa!
Tôi chỉ tay về tổ chim, thảng thốt gọi giật nhà
tôi.
Nhưng, nhà tôi dửng dưng, mắt vẫn nhìn vào chỗ trống không xa
vắng.
Sau cành lá sum sê là tổ chim. Tôi cố định hướng để
khỏi mất dấu. Và ngày này qua ngày khác, tôi đứng bên trong cửa sổ để
quan sát ổ chim thay vì đi dạo trong sân bệnh viện. Và ngày nào cũng
vậy, thỉnh thoảng con chim trống đến thay cho chim mẹ trông chừng. Nhưng
con trống, có lẽ chỉ hụ hợ như tôi thôi, nên mỗi khi con chim mẹ trở lại lúc
nào cũng dùng mỏ tém gọn lại ổ. Có hôm tôi đem khoe với bà con đến thăm về
tổ chim và tôi nói đây chắc là điềm may. Ai cũng gục gặt tỏ vẽ đồng tình
hay chỉ vì không muốn làm tan vỡ niềm hy vọng mong manh của tôi. Tôi theo dõi tổ chim này được đâu hơn mười ngày thì thấy các chim non
đã nở. Cặp chim trống mái bận rộn đi đi về về tìm mồi cho chim con để
ngày một lớn.
Có hôm nhà tôi mở mắt, tôi cũng chỉ tổ chim và nói với em niềm
ước vọng của mình. Nhà tôi không lộ mảy may xúc động. Cặp mắt
vẫn lạc thần, xa vắng. Em thật sự không thuộc về tôi nữa rồi.
Không còn nhận thức được sự việc chung quanh. Không còn biết
đau đớn dù con bệnh quái ác hoành hành. Em nằm đó nhưng đã cắt đứt tơ
mành mong manh với gia đình, xã hội...và con ngườirồi chăng? Mới
mấy ngày trước đây tôi còn đọc em nghe những dòng nhật ký tôi ghi lại chặn đường
thống khổ em đang đi và... thật nhẹ cho biết em đã cảm nhận. Kiếp sống
con người là vậy đó ư! Tôi đến bên giường cầm tay em, im lặng
nhìn em đến nghẹn thở. Bàn tay đó bao năm chia ngọt xẻ bùi, mà
nay sao vô cảm. Con người đó bao năm hy sinh để rồi nay sẳn sàng ra đi không
kịp nhận chút công đền
đáp.
Rồi,
sau đó tôi không còn dịp quan sát tổ chim ngoài khung cửa sổ
nữa, vì một hôm nhà tôi được đưa ra khỏi căn phòng này trong trường hợp
khẩn cấp và... không bao giờ trở lại căn phòng bệnh viện này và cũng không
trở về căn nhà thân yêu!!!!
Vậy mà đã ba năm trôi qua, tôi vẫn thường nghĩ về tổ
chim và bầy chim non bên ngoài khung cửa sổ. Tôi còn so
sánh gia đình mình với gia đình nhà chim. Tôi chỉ mong có cuộc sống bình
dị ấy thôi mà không được! Hay là tôi đã có một thời mà nay đã vuột mất! Có lẽ! Vì các con tôi đã trưởng thành. Ngày 30-4 năm nào, cả
nhà bồng bế nhau lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rún mà không biết bao giờ trở lại. Các con tôi như đàn chim ngoài tổ kia, khi đủ lông đủ cánh bay đi bốn
phương trời. Cuộc sống đôi chim có khác gì với cuộc sống con người. Sanh
ra, lớn lên, kết hợp từ hai thực thể xa lạ để rồi cùng nhau lo gầy dựng gia
đình cho xã hội loài người được trường tồn. Đến khi các con cái lớn khôn,
như bầy chim đủ lông đủ cánh bay đi biền biệt, để khi tuổi đời chồng chất thì
chỉ còn lại hai vợ chồng đầu bạc trắng, sức khỏe hao mòn. Cuộc sống là một chu trình
khép kín mà điểm khởi hành cũng là đích điểm. Con người là sinh vật thông
minh có thừa, nhưng không làm gì hơn là cúi đầu chấp nhận số phận an bài.
Ngoài trời nắng hanh vàng, như mùa Hạ năm nào. Cái lành lạnh mơn man thật mong manh cho những ngày đầu Hạ. Những
kỷ niệm dâng lên khi nhìn những tàng cây đong đưa trong gió. Xuyên
qua từng khe lá lóng lanh trong nắng, đây đó những ổ chim thấp thoáng. Một
hôm tôi ghé nhà thăm vợ chồng đứa con út. Đang ở sau bếp, thì đứa con bảo:
- Ba coi nhà con có ổ chim đây nè.
Vừa nói vừa chỉ tay trên đầu khung cửa nhà đi ra vườn
sau. Ổ chim ngay bên ngoài trên đầu khung kiếng. Con chim mẹ nhìn chúng
tôi cặp mắt tròn xoe, tò mò, thân thiện. Con tôi tiếp:
- Ba nhớ hồi trước, ngoài cửa sổ phòng bệnh của mẹ có ổ
chim mà ba đã chỉ con con. Chim này cũng cùng loại, đó ba.
Tôi lặng lẽ gật đầu. Bao nhiêu kỷ niệm hiện về.
Không biết giờ này các con chim non xưa kia ra sao? Ba năm rồi còn
gì.Chỉ một thoán g con người trở thành tro bụi, thì ba năm trời biết bao
nhiêu thay đổi. Cũng như đàn chim của tôi đây, giờ đây mỗi đứa một
nơi. Thế hệ mới tấn lên thay thế thế hệ cũ lần hồi bị đào thải. Đám
cỏ non sẽ xanh hơn, cánh rừng bên sườn ngọn núi lửa vừa ngưng rậm rạp hơn thay
cho lớp cây già trước kia bị dung nham tàn phá. Một chu trình mới được kết
tạo. Rồi một ngày nào sẽ đến thân tôi. Thân phận con người
mà. Tôi nhớ bài thơ mình làm cách nay khá lâu sao thấm thía cho hoàn cảnh
này, tôi lẩm nhẩm:
"Tương lai! Ôi, danh từ mĩa mai xa lạ
Khó hiểu như trí nhớ nhụt cùn
Mờ nhạt như ánh mắt hom hem
Xa vời như đôi chân mõi mòn lê bước
Hừ! Tuổi già
Như bóng chiều, gãy đổ bóng hình vẹo xiêu, kéo lê trên đất
Và tháng ngày vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay thôi .
. .
Còn hiện tại, cớ sao thẩn thờ
Như cán cân đời xiêu lệch
Ngã dần khi mỗi khắc trôi qua
Tôi đã làm gì, đã nghĩ gì!
Làm sao nhớ hết
Gồm một mớ tiếc thương, lưu luyến, hận thù
Cố nhớ chỉ làm hẩng sâu, chới với đày đọa thân thôi
Tôi đang làm gì, hay im lặng ngồi chờ cam chịu
Tôi sẽ còn lại gì, hay nhắm mắt đợi chờ
Giấc ngủ triền miên . . ." (Trích Sẽ Còn Lại Gì)
Đứa con Út nhìn tôi dò xét, ra chiều ái ngại.
- Con lấy nước ba uống nghe!
- Không! Cho chai bia! Ba khát nước!.
Phạm Văn Hòa
Theo http://xaydunghouston.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét