Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Mối tình Kiều - Kim trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Mối tình Kiều - Kim trong 
Truyện Kiều của Nguyễn Du
Truyện Kiều (nguyên tên khai sinh Đoạn trường tân thanh) là kiệt tác văn học của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm này là nàng Vương Thúy Kiều, một thiếu nữ tuyệt vời tài sắc, thông minh và hiếu nghĩa. Nhưng cuộc đời nàng lại “là một chuỗi dài những bi kịch kế tiếp nhau” (1), trong suốt mười lăm năm của cuộc “đoạn trường”. Đến với Truyện Kiều, bao thế hệ người đọc không chỉ cảm thương cho cuộc đời “dâu bể” của nàng, cũng là cuộc đời chung của biết bao “phận đàn bà…bạc mệnh” trong xã hội phong kiến bạo tàn xưa, mà còn đầy cảm phục, mến yêu tâm hồn và nhân cách cao đẹp của nàng. Trong bóng đêm tối tăm của xã hội Truyện Kiều, với bọn sai nha “đầu trâu mặt ngựa”, bọn buôn thịt bán người xảo trá, đê tiện, những tên quan “mặt sắt đen sì” bất nhân, và đồng tiền chà đạp lên tất cả, vẫn sáng lên một mối tình cao đẹp, đầy ý nghĩa lãng mạn, mối tình Kiều - Kim.
Tác phẩm Truyện Kiều có 3.254 câu thơ lục bát, theo Xuân Diệu, tác giả Nguyễn Du đã dành đến một phần tám tác phẩm này mà xây dựng nên mối tình Kiều - Kim, “cố đem tài mình mà tả tình yêu của hai người ấy” (2), để rồi mỗi khi gấp trang sách lại, bao buồn vui, bao xót xa, thương cảm cứ đầy vơi trong lòng người đọc... Trong kho tàng truyện Nôm của nước ta, cả truyện Nôm văn nhân hay truyện Nôm bình dân, chưa có một mối tình của đôi “tài tử - giai nhân” nào mà để lại nhiều rung cảm đậm sâu như thế!
1. Mối tình Kiều - Kim, trước hết là một mối tình đắm say! Ngày thanh minh trong tiết trời xuân đẹp, Kiều - Kim đã gặp nhau. Trái tim người thiếu nữ xinh đẹp, tài hoa, thông minh và trong trắng đã xao động trước dáng vẻ phong nhã, hào hoa của chàng thư sinh tài danh văn chương trác tuyệt. Và khi người khách đã lên ngựa, đôi mắt Kiều nhi “còn nghé theo” trong không gian “tơ liễu bóng chiều thướt tha”, báo hiệu tình yêu của họ đã “nảy mầm”. Thế rồi, đêm hôm đó, những con sóng của ái tình đã nổi lên, “ngổn ngang trăm mối bên lòng” nàng:
Người đâu gặp gỡ làm chi?
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Chàng Kim, cái “người đâu” mới “gặp gỡ làm chi” trong buổi chiều thanh minh ấy bỗng đã trở thành một “ý trung nhân”, để lại tình cảm bâng khuâng nơi tâm hồn và trong ước muốn tình “duyên” của Kiều. Còn chàng Kim khi “trở lại thư song” thì cũng “nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây”, để cho:
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
Nỗi niềm tương tư “mặt mơ tưởng mặt” ngập tràn cả trong giấc chiêm bao, trong mùi hương và chén trà nơi phòng văn của chàng Kim. Chàng trai ấy cũng thật đa tình. Chàng không thể kìm nén nổi lòng mình. “Nhớ cảnh nhớ người”, Kim Trọng trở lại nơi gặp gỡ “kỳ ngộ” hôm xưa, nhưng nào đâu có bóng hồng! Chỉ thấy: “Một vùng cỏ mọc xanh rì/ Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu”... Chàng quyết định tìm đến nhà Kiều, “xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang”, hy vọng được trông thấy nàng! Yêu nhau mà không được nhìn mặt nhau thì “một ngày tưởng dài như ba thu vậy”. Nhưng, thật trớ trêu, nhà nàng “thâm nghiêm kín cổng cao tường”:
Mấy lần cửa đóng then cài,
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu.
Trong tình yêu, trái tim trai gái muôn đời nay đều mách bảo họ biết phải làm gì khi yêu. Kim Trọng thật khôn ngoan “lấy điều du học hỏi thuê” căn nhà thương gia bỏ không để được gần bên nhà Kiều. Thế rồi, điều gì đến thì sẽ đến! Hai người đã gặp nhau trong cảnh ngộ Kiều để vương chiếc kim thoa trên cành cây. Cho dù lúc đầu Kiều có nói lời “khước từ” theo lối đưa đẩy với chàng Kim: “Dù khi lá thắm chỉ hồng / Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”, thì sự thật trái tim của nàng cũng đã đầy ắp tình yêu ngay từ ngày thanh minh mới gặp chàng. Và nàng đã nhận lời đính ước với chàng Kim mà không chờ đến ý kiến của mẹ cha như nàng đã nói:
Đã lòng quân tử đa mang
Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung!
Kim Trọng đúng là người yêu lý tưởng trong trái tim nàng. Tuổi trẻ là tuổi của mộng mơ. Thời xưa, mẫu người trai văn nhân “Thanh lạ thường… Lưng cao dài trán rộng/ Hỏi ai nhìn không thương?”(3) đã là một mẫu người để biết bao cô gái mơ tưởng. Thế nên, tình yêu của Kiều dành cho chàng Kim là thứ tình yêu cảm mến, sáng trong, tinh khiết.
2. Mối tình Kiều - Kim còn là một mối tình táo bạo và hồn nhiên, vượt lên trên khuôn khổ của lễ giáo phong kiến, như tình yêu mạnh mẽ, quyết liệt của chàng Rômêô và nàng Juliet trong vở bi kịch cùng tên của văn hào Anh Uyliam Sêcxpia vậy.
Sau ngày đính ước, chớp lấy “cơ hội” khi cả nhà đi vắng, Kiều đã sang nhà chàng Kim hai lần, buổi chiều và ban đêm để gặp chàng. Bàn chân nàng “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, thật mãnh liệt, chúng như có “ma lực” của ái tình lôi cuốn, chủ động và tự tin, nàng đã đi, đi theo tiếng gọi của con tim đắm say tình yêu! Không thể có bất kỳ sợi dây nào của lễ giáo phong kiến có thể trói buộc được bước chân của nàng! Nàng tự biết rằng “khoảng vắng đêm trường” là một không gian và thời gian rất “nhạy cảm”, nhưng không phải vì thế mà e dè không đến với nhau. Thế nên, ngay khi gặp chàng, Kiều đã nói với Kim Trọng:
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
Nàng lo sợ, biết đâu có một ngày nào đó, câu chuyện ái tình của hai người đêm nay chỉ như một giấc chiêm bao… Và trong đêm ấy, Kiều – Kim đã thề nguyền “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”, có “vầng trăng vằng vặc” trên trời cao chứng giám, có hương trầm ngào ngạt tỏa thơm và có tiếng đàn tuyệt vời của Kiều ngân rung, làm cho kỷ niệm của buổi thề nguyền càng thêm thiêng liêng và tha thiết! Nhà phê bình văn học Hoài Thanh cho rằng: “Gót chân nàng “thoăn thoắt” đi sang nhà Kim Trọng, cái hình ảnh nàng “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” bây giờ đây vẫn còn có thể làm cho một số người ngơ ngác, phân vân” (4)… và quả thật, nó đã “làm phiền” cho trật tự xã hội phong kiến ấy nhiều lắm!
Đúng như nàng đã cảm nhận, mối tình của Kiều - Kim mới chớm nụ, chưa kịp đơm hoa thì giông bão ập tới. Kiều phải bán mình để cứu cha và em. Đêm trao duyên cho Thúy Vân, bên “ngọn đèn khuya”, nàng xót xa thương chàng Kim mai ngày khi trở lại vườn Thúy nơi này thì tình xưa đã lìa tan:
Công trình kể biết mấy mươi,
Vì ta khăng khít cho người dở dang.
Để rồi, nàng nức nở, vật vã khóc than:
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
Mối tình đầu đẹp đẽ và đầy mộng mơ giữa Kiều và Kim sẽ còn đọng lại mãi mãi trong trái tim nàng, “mai sau dù có bao giờ”, không thể nhạt phai.
Năm tháng thời gian có thể trôi qua, nhưng mùi hương của mối tình đầu đẹp đẽ ấy vẫn cứ mãi thơm ngát trong tâm hồn Kiều, nó sẽ theo đi suốt cuộc đời nàng, trở thành tình yêu trường cửu, vĩnh hằng!
3. Thêm nữa, mối tình Kiều - Kim còn là một mối tình trong trắng, trinh nguyên. 
Trong suốt chiều dài tác phẩm, mối tình Kiều - Kim không hề vẩn đục bởi màu sắc nhục dục. Cái đêm Thúy Kiều táo bạo sang nhà Kim Trọng tự tình, trước gương mặt mỹ nhân và trong tiếng đàn huyền diệu, lại trong một hoàn cảnh nhạy cảm, con “sóng tình” trong lòng Kim Trọng trào dâng, “xem trong âu yếm có chiều lả lơi”. Mặc dù rất yêu chàng, nhưng Kiều đã không để cho tình yêu lấn át đạo lý, cương thường. Nàng đã khéo chối từ và không ngã vào tay chàng Kim:
Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Cô gái trẻ ấy đã giữ gìn sự trinh trắng của tâm hồn và thể xác, bởi nàng biết trân trọng sự thiêng liêng của tình yêu, của hạnh phúc mai sau:
Phải điều ăn sổi ở thì
Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày.
Nàng sang nhà Kim đêm ấy là để trao cho chàng tình yêu, còn chuyện trao thân chưa phải lúc. Nàng nói với chàng Kim, như để “vỗ về” chàng:
Vội chi liễu ép hoa nài,
Còn thân ắt cũng đền bồi có khi.
Nhưng rồi điều đó sẽ mãi mãi không bao giờ xảy ra trong cuộc đời của cả hai người, kể cả sau này Kiều - Kim có ngày đoàn viên sau mười lăm năm xa cách. Đã có một lần, biết phải thất thân với Mã Giám sinh, nhớ đến chàng Kim, Kiều cảm thấy ân hận và luyến tiếc:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung!
Sau này, khi gặp lại chàng Kim, nàng không muốn đem tấm thân đã vẩn nhiều cát bụi của trần thế mà dâng lên mối tình trong trắng ngày xưa:
Người yêu ta xấu với người,
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau!
Đêm “động phòng”, nàng khuyên Kim Trọng đừng nên “vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa”, “hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi”, để cho mối tình ấy mãi mãi trắng trong và thiêng liêng, bất vong bất diệt… Tam Hợp đạo cô đã nhận xét đúng về mối tình của nàng:
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.
4. Sau cùng, mối tình Kiều - Kim là một mối tình thủy chung vô hạn.
Ngay sau khi đính ước, thề nguyền, gặp cảnh tai biến, lúc chia tay để chàng Kim về quê chịu tang chú, Kiều đã nói với chàng Kim tấm lòng son sắt, thủy chung của mình:
Cùng nhau trót đã nặng lời,
Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ.
Và:
Đã nguyền hai chữ đồng tâm,
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.
Lời thề nguyền ấy là thiêng liêng và nó đã đi theo suốt cuộc đời nàng Kiều.
Khi ở lầu Ngưng Bích, tấn bi kịch bị lừa gạt, bị sỉ nhục đang còn đè nặng lên trái tim Kiều, nhưng nàng vẫn không nguôi nhớ về chàng Kim:
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Và những ngày đau đớn tủi nhục ở lầu xanh, nàng cũng không quên được hình bóng của chàng:
Tình sâu mong trả nghĩa dày,
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?
Ngay cả khi Kiều đã là vợ Thúc Sinh, trong tâm trạng cô đơn, ngóng chờ Thúc Sinh đang về nhà xin phép Hoạn Thư chấp thuận cho nàng được làm vợ lẽ, Kiều vẫn thầm nhớ đến lời thề nguyền chung thủy với chàng Kim năm xưa:
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắt son?
Trong suốt mười lăm năm lưu lạc, Kiều phải lấy Thúc Sinh, Bạc Hạnh và cả Từ Hải nữa, là những cuộc hôn nhân đầy tính toán mưu mô và cưỡng đoạt, thì cái sợi tơ tình yêu và lời thề thủy chung với chàng Kim xưa vẫn không đứt trong sâu thẳm tâm hồn nàng:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
Về phía chàng Kim, xã hội phong kiến xưa không đòi hỏi người đàn ông phải thủy chung với một người đàn bà, nhưng chàng cũng là một người tình chung thủy. Kim Trọng quyết ra đi tìm nàng, mặc dù biết chuyện này như là chuyện “đáy bể mò kim” vậy. Hiếm có một mối tình nào mà sau thời gian dài mười mấy năm trời xa cách, với bao đau đớn và tủi nhục mà tấm lòng thủy chung của đôi lứa Kiều - Kim vẫn bền vững như xưa.
Có thể nghĩ rằng, mai sau, văn học sẽ có thể sáng tạo ra những câu chuyện tình khác nữa, nhưng mối tình Kiều - Kim trong tác phẩm Truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du vẫn là một thiên tình sử đẹp nhất. Mối tình này chứa đựng ở đó chất thơ mộng, táo bạo mà sáng trong như gương như ngọc và muôn năm chung thủy. Nó không vẩn đục bởi sắc màu vật chất hay nhục thể. Nó vững bền qua thời gian và cuộc sống đầy bão tố đớn đau…
Đó là điều đã làm nên sức hút diệu kỳ, mà đã bao nhiêu năm tháng trôi qua, mối tình ấy vẫn như ánh sáng lung linh tạo nên vẻ đẹp nhân văn trong tác phẩm Truyện Kiều.
Chú thích:
Hoài Thanh, Tuyển tập, tập II, “Nguyễn Du, một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn”, VH, HN, tr 99.
Xuân Diệu, Ba thi hào dân tộc, “Bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều”, Nxb Thanh niên, 2001, tr. 285.
Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, trích Nguyễn Nhược Pháp, “Chùa Hương”, VH, HN, 1988, tr.282.
Hoài Thanh, Tuyển tập, tập II, “Nguyễn Du, một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn”, Sđd. tr 98.
Nguyễn Đức Thuận
Theo http://kieuhoc.com/




1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...