Vài cảm nhận về
đời sống âm nhạc hiện nay
Từ xưa đến nay bất cứ một xã hội nào âm nhạc cũng khẳng định
vai trò vị trí của nó không thể thiếu được trong đời sống của cộng đồng, từ
trong lao động sản xuất, trong mọi sinh hoạt hàng ngày, từ những hình thức đơn
giản nhất đến các cấp độ quy mô hoành tráng...nó luôn hiện hữu và đồng hành với
đời sống tinh thần của con người và tất nhiên luôn phản ánh tâm tư nguyện vọng
của con người, đồng thời phản ánh tích cực bộ mặt các xã hội giai cấp khác
nhau, các giai tầng xã hội khác nhau, các tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, vì thế
âm nhạc cũng được gắn với các tên gọi khác nhau như: âm nhạc bác học, âm nhạc
giao hưởng thính phòng, âm nhạc chuyên nghiệp, âm nhạc nhiệp dư, âm nhạc giải
trí, âm nhạc dân gian, âm nhạc hiện đại, âm nhạc bình dân, âm nhạc dùng cho người
sống, âm nhạc cho người chết... nói tóm lại âm nhạc có thể đến với mọi đối tượng,
mục đích khác nhau.
Những năm gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên mọi
lĩnh vực đời sống xã hội, âm nhạc đã đóng góp vai trò không nhỏ trong việc nâng
cao đời sống tinh thần của nhân dân, làm cho cuộc sống không ngừng được cải thiện.
Bên cạnh tính tích cực vốn có của dòng âm nhạc chính thống, thì trong đời sống
hiện nay, một số hoạt động âm nhạc còn bộc lộ tính yếu kém, xa rời bản sắc, thuần
phong mỹ tục, làm cho cái đẹp trong âm nhạc, méo mó, biến dạng. Cũng có không
ít người cho rằng, đó là tính tất yếu trong những thời điểm lịch sử nhất định,
để âm nhạc nghệ thuật vượt lên, tìm tòi đi đến một chuẩn mực mới, hay do cơ chế
kinh tế thị trường tác động vào các hoạt động âm nhạc nghệ thuật, đã làm cho thị
hiếu công chúng bị lẫn lộn, chao đảo. Vậy phải làm gì để lành mạnh hóa nền âm
nhạc nước nhà? Câu hỏi này dành cho tất cả mọi người, mọi cấp ngành từ trung
ương đến địa phương, cho đối tượng được thưởng thức, cho đội ngũ văn nghệ sĩ những
người sáng tác, biểu diễn, cho các cơ quan thông tin, truyền thông, các nhà sản
xuất, xuất bản, các tổ chức, cá nhân biểu diễn nghệ thuật... có thể rất khó tìm
đúng căn nguyên của bệnh loạn âm nhạc để có phương thuốc đặc trị. Tuy nhiên ở những
góc độ khác nhau ta cũng dễ cảm nhận được vài điều.
Thứ nhất là những vấn đề quản lý của cả một hệ thống. Bắt đầu
bằng những văn bản, chế tài mang tính pháp lý còn thiếu chặt chẽ, một số văn bản
ban hành đôi khi còn chạy theo những sự việc đã xảy ra và đã có dư luận đang
quan tâm bàn tán, kiểu như "Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi
mới sinh ông", cho đến triển khai thực hiện thiếu tính nghiêm minh của
pháp luật, từ cơ quan quản lý cấp trên xuống cấp dưới, từ khâu tổ chức xắp xếp
đội ngũ cán bộ chuyên môn, hay một vài hạn chế trong ý thức một số người được
giao quyền thực thi công việc...
Thứ hai là tác động tích cực của nền kinh tế thị trường luôn
thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng cũng có thể chính
nền kinh tế thị trường nhiều lúc lại đẩy âm nhạc thành một thứ hàng hoá được
mua bán trao đổi như những hàng hoá khác và khi âm nhạc nghệ thuật trở thành
hàng hoá thì nó cũng được quảng cáo dưới mọi hình thức để thu lợi nhuận, mà lợi
nhuận kinh tế nó không đồng nghĩa với những cảm xúc thăng hoa của âm nhạc.
Thứ ba là các phương tiện thông tin đại chúng khi phát sóng
còn sơ sài trong công tác kiểm duyệt hoặc vì quá phụ thuộc vào từ phía các nhà
đầu tư, một số chương trình ca nhạc không được lành mạnh, xu hướng ngoại nhập
có phần lấn át tính truyền thống...hay như phóng viên báo chí, đặc biệt là những
nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp nhiều lúc mạnh dạn nói rõ chính kiến nhưng
cũng có lúc theo kiểu "thôi thì cho qua"...
Ngày xưa, các thế hệ đi trước, khi có một tác phẩm đến với
công chúng đã vắt kiệt sinh lực, trí lực, đã từng năm gai nếm mật ném mình vào
trong đời sống thực, lăn lộn giữa chiến trường vào sinh ra tử. Những tác phẩm
đó khi vang lên nó bồi bổ cho con người tâm hồn thanh cao trong sáng hơn, thêm
yêu cuộc sống tươi đẹp xung quanh mình hơn. Đó là những giá trị đích thực bởi
nó được đổi bằng công sức lao động nghệ thuật nghiêm túc, chắc hẳn mọi người nhận
thấy điều đó, đặc biệt giới nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn càng thấy rõ
điều đó. Hiện nay công nghệ điện tử phát triển mạnh mẽ, vì thế việc phù phép âm
thanh, sao chép, thật đơn giản, âm nhạc được sản xuất chế biến thành sản phẩm
nhanh chóng mặt và được tung ra thị trường ồ ạt, sản phẩm nào được quảng cáo rầm
rộ thì càng thu lợi nhuận cao. “Sao” nào được các ông bầu lăng xê càng có cơ hội
nổi tiếng và kiếm tiền dễ dàng, những người tâm huyết trăn trở với âm nhạc
chính thống vẫn loay hoay với cơm, gạo, áo, tiền. Những người thưởng thức, những
“Thượng đế” vẫn bị lừa gạt bởi quảng cáo một đường làm thì một nẻo.
Đó là những gì dễ cảm nhận về đời sống âm nhạc hiện nay nói
chung trên toàn quốc và thường là ở các thành phố lớn. Còn đối với các tỉnh lẻ
thị trường âm nhạc cũng không mấy bị xáo trộn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa,
các khu vực miền Trung và Tây Nguyên thì hơi thở, nhịp điệu đời sống âm nhạc vẫn
còn bám được bản sắc vùng miền.
Nhân dịp giao lưu lần này, tôi nghĩ trong cái chung cũng cần
có sự trao đổi về đời sống âm nhạc hiện nay ở các tỉnh, cũng chỉ để tham khảo
và có điều kiện thì giúp nhau tổ chức tốt hơn các hoạt động.
Hà Tĩnh từ xưa đã có một di sản văn hoá đa dạng giàu bản sắc,
bởi sự giao thoa văn hóa của Xứ Đàng Ngoài, Xứ Đàng Trong, có văn hoá Chăm pa,
văn hoá Trung Hoa... Trong cuộc sống lao động, sản xuất, trong giao lưu, sinh
hoạt hội hè, trong lễ bái Đình, Chùa, đám gỗ, đám cưới, lễ tết... tuỳ từng hoàn
cảnh mọi lúc, mọi nơi con người luôn tạo ra cho mình, cho cộng đồng một đời sống
tinh thần phong phú, môi trường đó, cuộc sống đó đã tạo ra sự cộng cảm để dần
hình thành các làn điệu dân ca, hò, vè, ví dặm.
Hà Tĩnh ngày nay cũng được quan tâm ưu tiên về định hướng
công nghiệp hoá và dịch vụ phát triển, nhưng vẫn là một tỉnh nhỏ, các hoạt động
trên lĩnh vực âm nhạc nghệ thuật không sôi động mang tính công nghiệp mà hình
như vẫn giữ được những nét mộc mạc của một vùng quê yên bình, không ít những nhạc
sĩ từng đi qua miền quê này hay cảm nhận về Hà Tĩnh qua tìm hiểu trên các
phương tiện thông tin đại chúng, mà trong những năm gần đây vẫn viết nên nhiều
ca khúc đi vào lòng người.
Năm 2011 Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã phối hợp với Hội nhạc sĩ Việt
Nam xuất bản tuyển tập "180 ca khúc Hà Tĩnh", nhân kỷ niệm 180 năm
thành lập tỉnh, điều đó cũng chứng tỏ nền âm nhạc lành mạnh vẫn được duy trì và
phát triển trên cơ sở bản sắc văn hoá địa phương, những tác phẩm ấy phản ánh
sinh động cuộc sống hiện tại và luôn mang trong nó những tâm tư tình cảm của
con người.
Hoạt động của Hội liên hiệp VHNT tỉnh cũng như Chi hội nhạc
sĩ luôn chủ trương khuyến kích trong trong sáng tác là vừa gìn giữ và phát triển
những giá trị truyền thống, đồng thời làm giàu đẹp thêm bản sắc riêng của mình
bằng hơi thở cuộc sống hiện nay trong xu hướng hội nhập phát triển.
Tuy nhiên cũng như các nơi khác, thế hệ 8x, 9x vẫn có biểu hiện
hướng ngoại do ảnh hưởng trào lưu chung của xã hội qua truyền hình, qua các mạng
thông tin truyền thông, qua Internet...
Đứng trước tình hình khó khăn chung tôi xin thay mặt cho hội
viên Chi hội nhạc sĩ Hà Tĩnh có vài ý kiến nhỏ như sau :
Do không thể giải quyết các vấn đề đang nổi cộm cùng một lúc,
mà ngay các địa phương nên dần từng bước làm lành mạnh hoá đời sống âm nhạc, bắt
đầu từ Hội VHNT, Hội âm nhạc, đến từng Chi hội nhạc sĩ... bằng cách phối hợp với
các ban, ngành như văn hóa, giáo dục, đoàn thanh niên, các hội nghề nghiệp... để
triển khai các hoạt động âm nhạc nghệ thuật phong phú đa dạng, giàu bản sắc quê
hương, có chủ đề phù hợp, gắn liền với nhu cầu đời sống thực tại của đông đảo cộng
đồng.
Với Hội nhạc sĩ Việt Nam cần có những kiến nghị tới các cấp
ngành ở Trung ương trong công tác quản lý và triển khai các hoạt động này, đồng
thời cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng, củng cố về tổ chức và hoạt
động của các Hội, Chi hội ở địa phương.
Ngoài ra cần mở rộng các diễn đàn, mở rộng ảnh hưởng uy tín của
Hội chuyên ngành, tác động mạnh mẽ hơn, bằng các hình thức như tổ chức hội thảo,
các chương trình biểu diễn nghệ thuật, chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động, khuyến
khích, động viên, định hướng tư tưởng trong sáng tác, trong thưởng thức nghệ
thuật. Luôn tích cực đổi mới hoạt động, Hội chuyên ngành làm cầu nối giữa âm nhạc
chuyên nghiệp tới đông đảo quần chúng, góp phần từng ngày làm phong phú thêm đời
sống tinh thần của nhân dân.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam xác định sự cần thiết về tổ chức hoạt động
của Hội, Chi hội địa phương, luôn theo dõi, nắm bắt tình hình qua báo cáo hàng
năm để có những ý kiến chỉ đạo kịp thời, định hướng cho các hoạt động có hiệu
quả nhất.
Tạp chí Âm nhạc và trang Website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã
duy trì và phát triển rất tốt trong thời gian qua, vì vậy cần mở rộng có thêm
nhiều tin, bài phong phú, đa dạng của vùng miền, tạo điều kiện trao đổi, chia sẻ,
khuyến khích hoạt động của các Hội, Chi hội.
Đối với giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam hàng năm, cũng như
phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tổ chức các cuộc thi khác, phần nào là
sự phản ánh kết quả một quá trình hoạt động, đồng thời làm chất men xúc tác,
khích lệ cho các nhạc sĩ có thêm cảm hứng trong lao động sáng tạo, vì vậy không
nên quá khắt khe, đừng lấy cái nhất của lần này so với nhất lần khác. Nghệ thuật
muôn hình muôn vẻ, nó không dừng lại mà luôn phát triển, bởi cảm xúc con người
từng thời điểm cũng khác nhau, nên những giá trị chỉ xác định tương đối, bởi thế
khi xét giải cần quan tâm nhiều hơn đến mục đích phục vụ công chúng, mục đích tổ
chức hoạt động nhằm thu hút số đông tham gia tạo hiệu ứng xã hội lành mạnh. Nếu
trong một cuộc thi không có giải cao (đã có những lần không có giải nhất),
như vậy thì sự cố gắng trong tổ chức hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng
như các Hội, Chi hội địa phương được coi là chưa thuyết phục.
Trên đây là một vài ý kiến đại diện của Chi hội Nhạc sĩ Việt
Nam tỉnh Hà Tĩnh.
Nhân dịp Liên hoan âm nhạc Khu vực Bắc miền Trung tại Huế,
kính chúc tất cả quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt, chúc cho các nhạc sĩ,
nghệ sĩ biểu diễn luôn dồi dào sức sáng tạo và hết sức mình chăm lo vun đắp cho
nền âm nhạc của quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Ngọc Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét