Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Thức với Miền hương của Nguyễn Đình Di

Thức với Miền hương của Nguyễn Đình Di 
“Miền hương thức”, tập thơ thứ sáu của nhà thơ Nguyễn Đình Di vừa ra mắt bạn đọc. Phần lớn những bài trong tập thơ này được tác giả viết trên giường bệnh, lúc ông phải chống chọi với những cơn đau của căn bệnh hiểm nghèo trong điều kiện khắc nghiệt của cuộc mưu sinh thường nhật. “Những câu thơ như dòng sông bí ẩn”, nhà thơ đã viết trong bài thơ “Ai biết”, đã làm nên mạch nguồn sáng tạo, thành máu nóng nuôi dưỡng cơ thể, tâm hồn ông. Mỗi bài trong tập thơ đã mở ra như vòng tay thân ái cùng những người thân yêu, bè bạn để làm dịu bớt nỗi đớn đau thân xác, đưa ông về miền mộng mị chiêm bao, đắm mê mà thức tỉnh.
Tôi cũng như bao người đọc đã nghẹn ngào, thắt ngực đọc liền mạch tác phẩm “Miền hương thức”, chứng kiến những cơn đau bệnh tật kéo nhà thơ trầy xước giữa sự sống và cái chết, làm tâm thần ông có lúc nhập nhòa giữa hư và thực, sáng và tối, mê man và thức tỉnh. Cái hệ lụy khủng khiếp ấy khó ai vượt qua được mà không thoáng gợn chút bi phẫn, buông xuôi. Từ những nguyên cớ ấy có thể thấy, nội lực sáng tạo, đặc biệt cảm xúc thi ca trong tập thơ “Miền hương thức” của Nguyễn Đình Di không còn mạnh mẽ, phát sáng như những tập thơ đã từng công bố trước đây*. Cũng không thấy bài thơ nào đặt ngang tầm với “Khấn gọi cây”, một tác phẩm thơ đã làm nên tên tuổi Nguyễn Đình Di trong làng thơ Việt đương đại, đặc biệt thơ Hải Phòng sau 1975. Dù phải tồn tại trong hoàn cảnh khắc nghiệt, bệnh tật hiểm nghèo như vậy, nhưng Nguyễn Đình Di luôn giữ được phong thái ung dung, tự tin và cốt cách thi sỹ, được thể hiện trong từng trang viết, trong cách sống, cách ứng xử với mọi người. Khi kết nối những câu thơ hay, ấn tượng của ông trong “Miền hương thức”, bạn đọc vẫn đủ hình dung một chân dung thi sỹ Nguyễn Đình Di đắm mê, ngơ ngẩn, hết mực chân thành.
Trong lời đề từ tập thơ “Miền hương thức”, ông viết: “Với tôi, thơ là ân huệ nhận được ở miền thương yêu thức tỉnh”. Tôi không thể đoán biết nhân đức tin tôn giáo của Nguyễn Đình Di, nhưng những câu thơ ám gợi, tràn ngập ánh sáng của lòng nhân từ, niềm khát khao hy vọng vào một tương lai hạnh phúc an lành trong tập thơ đã cho tôi thấy được triết lý sống, triết lý sáng tạo của ông.
“Xin một ngày biển động
Gọi cánh trăng mở buồm”
(Lời ngỏ)
“Ngăm ngăm mặn gió vô thường
Lênh thênh nắng mọc dọc đường lá bay”
(Lời tạ mùa đông)
Có thể nói, phủ ngập trong cõi thơ Nguyễn Đình Di từ tập thơ đầu tay (Giấc mơ cây. Nxb Hải Phòng, 2001) đến nay là tình thương yêu con người, thiên nhiên, vũ trụ... Tình yêu ấy giờ đã được lắng lại trong thơ ông thành phù sa tươi tốt cho cánh đồng người:
“Lặng yên…/ Lặng yên…/ Lặng yên…
Hình như ai gọi ở miền cỏ thơm”
(Gọi)
Lòng yêu thương con người, từ những người thân thương gần gũi trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tới những người dưng xa lạ vẫn luôn là ánh sáng lan tỏa, là tiếng vọng từ trái tim tới trái tim trong “vương quốc” thơ của ông:
“Liêu phiêu giăng sợi nắng vàng
Buộc bao nhiêu gió vắt sang vườn người”
(Chiều gọi)
“Sau những lan man này
Thương yêu còn thăm thẳm
Tin lắm chốn an lành
Ánh nhìn ăm ắp nắng”
(Lan man Facebook)
Ánh sáng ấy từ trái tim nhà thơ buông xuống như nắng sớm mùa đông ấm áp và yên bình “Câu thơ vừa nín gió/ Nắng đã hoe hoe vàng” (Màu xuân); Nó mở ra một khoảng không vừa cô liêu vừa xa lạ, mà ở đó chỉ có tiếng gọi con người với con người, chỉ có những bàn tay chân thành tìm đến nhau, nắm chặt mới có thể xua tan được lòng thù hận, đố kỵ, sự hoang lạnh:
“Ngậm ngùi ta gọi cỏ cây
Che che dắt ngọn gió gày đi hoang
Gọi mình ở cõi mang mang
Thõng tay cùng với trăng vàng uống nhau”
(Gọi)
“Cập bến cạn trọn ân tình ăm ắp
Mặc trái ngang đắng chát ở vườn đời
Quả cay cực bóc vỏ mình để ngọt
Hạt đau buồn buông thả xuống mây trôi”
(Phiêu)
Có thể thấy, “Miền hương” của Nguyễn Đình Di vẫn thức dậy khi chiều đã muộn. Như mỗi khi thủy triều đã lùi xa để lại bãi bờ trải dài thoai thoải, thi sỹ đã đặt từng bước chân mình lên đó, in rõ dấu vết, lún sâu xuống cát: “Mặt trời vùi vào ngực em tĩnh lặng” (Khoảng vắng). Đây là câu thơ tình hay và hiếm hoi trong tập thơ này. Nó đem đến cho bạn đọc sự nồng ấm, mặn mà, ngỡ như được nhấp chén trà thơm hương vị đất đai bên hiên một căn nhà vắng, hay trong góc một khu vườn yên tĩnh chốn thôn dã. Viết đến đây tôi bỗng nhớ câu thơ tình khác nữa của Nguyễn Đình Di đã in ở tập thơ trước:
“Tôi lạy hoa trặc trìu đừng thơm day dứt nữa
Anh sẽ nói được lời chưa kịp nói em nghe
Trong hương trặc trìu tóc bạc đã như mê”
(Hoa trặc trìu)
Hơn hai mươi năm trước đây, tôi thích bài thơ “Hoa trặc trìu” của Nguyễn Đình Di khi nhà thơ mới công bố, thích nhất cái âm hưởng của nó trong âm sắc tiếng Việt. Sau đó tôi đã cất công đi tìm loài hoa có tên lạ này. Ban đầu tôi cứ ngỡ loài hoa mà nhà thơ viết trong bài thơ là cây chặc chìu thường mọc ở miền Trung, có nhiều cành, lá hình bầu dục, mép có răng cưa, hoa màu trắng mọc thành chùm… Nhưng không phải thế! Đến tháng 12 năm 2016, trong bài “Tản mạn thơ” nhà thơ đã tâm sự: “có người quy kết tôi viết sai “chạc chìu” thành “trặc trìu”. Không phải đâu.
Tôi đã viết “trặc trìu” với cảm thức về một chuyện trình lỡ dở (trắc trở, trục trặc) với cảm xúc tiếc thương trìu mến sau khi ngẫm ngợi về âm và nghĩa, sự diệu kỳ của tiếng Việt”. Vậy là “con trai” Nguyễn Đình Di đã ngậm được “viên ngọc” quý tuyệt đẹp, báu vật ấy được hình thành và lớn dần lên bên trong thân thể loài nhuyễn thể. Đến mùa đông năm Tân Mão (2011) “hoa trặc trìu” của Nguyễn Đình Di lại tiếp tục nở:
"Em có biết hoa trặc trìu ở đâu không?
Cái loài hoa cơn mê tôi gọi được"
(Hoa trặc trìu vẫn nở)
Và, trong tập thơ “Miền hương thức” này, nhà thơ lại hai lần tặng “hoa trặc trìu” cho bạn đọc yêu mến thơ ông:
“Rượu đời xót rễ cỏ hoa
Trặc trìu thơ níu trăng và mây bay”
(Bạn đời)
“Trặc trìu hoa trái tim mình
Nở từ thắt buộc nghĩa tình người xa
Chạc chìu dây. Trặc trìu hoa
Cây sương gió nhập thơ nhòa khói nhang
Hương loài hoa xứ nhỡ nhàng
Mượn thơ ngâm khúc dịu dàng gọi nhau”
(Tên hoa)
“Miền hương thức” với cách viết dung dị, luôn trung thành với thi pháp truyền thống của thế hệ nhà thơ Nguyễn Đình Di, đã mang đến cho bạn yêu thơ lời tâm sự nhẹ nhàng, thấm sâu mà giản dị. Tập thơ cũng như lời tiên tri của nhà thơ ước đoán được cung mệnh mình. Trong bài thơ “Khúc tạ từ”, Nguyễn Đình Di thanh thản nhẹ nhõm cảm nhận về một đời sống khác khi ông phải rời xa cõi tạm, thấy được sự yêu tin nồng hậu của người thân, đồng nghiệp dành cho mình, thấy cả sức lan tỏa của những con chữ nóng ấm đầy thân phận đến được trái tim bạn đọc:
“Mai rồi chiếc lá lìa cành
Xác về tro bụi hồn xanh mây trời
Câu thơ hoang hoải thảnh thơi
Hoàn nguyên nhập trái tim người ngân nga”
“Miền hương” ấy đã mở ra cho chúng ta một thế giới tuyệt đẹp, với nắng vàng, mạn thuyền, bao nhiêu gió, rượu ngon, hoa giấy rụng, tiếng chim tu hú, tường rêu, dúm muối, nước mắt, viên thuốc, bờ cỏ lau, chân mây…, và với những bông “hoa trặc trìu” rất đáng yêu để làm nên một cõi thơ Nguyễn Đình Di mê đắm, nhân hậu, chân thành. Tôi cũng như bao bạn đọc đã được thức cùng “Miền hương” ấy, được chia sẻ và trải nghiệm cùng ông, biết được ông luôn kiên nhẫn vượt lên mọi thử thách, sự khắc nghiệt của số phận, chống đỡ mọi khăm ác của đời sống để sống thật đẹp, để sáng tạo và dâng hiến. Phải chăng Nguyễn Đình Di luôn tự biết mình, và bạn đọc cũng đã cảm nhận và chứng kiến, nhà thơ tựa một kẻ du ca đắm say, bàn chân tướp máu “hát trên con thuyền kẹt lái” (Ai biết) để đến được cõi thơ.
* Nhà thơ Nguyễn Đình Di đã xuất bản 5 tập thơ, gồm: “Giấc mơ cây” (Nxb. Hải Phòng, 2001), “Cỏ khát” (Nxb. Hải Phòng, 2006), “Trường ca Lộ trình” (Nxb. Hải Phòng, 2008), “Tín chấp” (Nxb. Hải Phòng, 2011), “Vườn gió mặn” (Nxb. Hải Phòng, 2015).
Hải Phòng, 11/10/2017
Mai Văn Phấn
Theo http://vanhaiphong.com/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...