Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Hôm nay có phải là thu

Hôm nay có phải là thu
Hôm nay có phải là thu...Có vẻ như đây là một câu hỏi, khá là bâng quơ, không biết hỏi mình hay hỏi ai. Và khi vừa cất tiếng lên là thấy ngay bầu trời chập chùng của mùa thu và nghe vang lên trong đầu những câu thơ của Đinh Hùng ngày nào. Đồng thời cũng nhớ lại những ca khúc đã làm nên tâm cảm của mình một thời tuổi trẻ. Vậy hôm nay nhân buổi nhàn hứng, gặp lúc hè vãn thu về, Nguyễn tôi xin được cùng bạn đọc bàn phiếm đôi dòng về những hương sắc không bao giờ nhạt phai trong tim người.
Hôm nay có phải là thu… Câu thơ của Đinh Hùng quả thật đơn giản như một lời nói, ấy vậy mà gợi lên trong lòng biết bao cảm xúc. Vâng. Hôm nay có phải là thu/ Mây năm xưa đã phiêu du trở về... Mình đọc và thuộc bài thơ từ thuở còn Tung học ở Huế, nghĩa là lúc mộng chưa phai tàn. Bài thơ mùa thu thật đẹp ấy đã ở lại trong đầu qua suốt năm chục năm, bất chấp những đợt sóng bể dâu, không thèm biết đến những hệ lụy nhân sinh và áo cơm hành hạ.
Hôm nay, bầu trời nhiều mây xám, và hình như có mưa thưa, tiếng sấm chuyển bụng ì ầm đâu ở cuối chân trời. Trí óc lại trở về với những câu thơ mùa thu của Đinh Hùng bèn ngồi chép ra giấy gởi qua làn sóng hư không về nơi phương trời viễn mộng để ai đó đồng cảm đồng tình thì đưa tay đón nhận. Em đi hoài cảm một mình/ Hai lòng riêng để mối tình cô đơn/ Hôm nay tưởng mắt em buồn/ Đã trông thấp thoáng ngọn cồn bóng sương/ Lạnh lùng trăng gió tha hương/ Em về bên ấy ai thương em cùng... Vâng. Cảm ơn thi sĩ Đinh Hùng. Cảm ơn mùa thu.
Nói về những bài thơ mùa thu thì nhiều lắm. Hàng ngàn bài, khởi đi từ Thu Hứng của Đỗ Phủ rồi đến Cảm Thu Tiễn Thu của Tản Đà. Ngoài ra, kẻ nào đã có cắp sách đi học lại không thuộc lòng Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư (thật ra, bài này chẳng để lại dấu tích gì bao nhiêu trong đầu óc kẻ này). Rồi nào là Chanson d’Automne Thu Ca của Paul Verlaine, Automne Malade Mùa Thu Ốm của Guillaume Apollinaire… Âm nhạc cũng vậy, ít ra cũng có tới hàng trăm bài nhạc viết về mùa thu. Phải nói hầu hết đều hay. Ai không yêu Giọt Mưa Thu, Buồn Tàn Thu, Thu Quyến Rũ, Em Ra Đi Mùa Thu, Mùa Thu Chết, Les Feuilles Mortes The Falling Leaves của Joseph Kosma?...Thế nhưng, riêng đối với kẻ này đặc biệt có hai bài thân thiết nhất và dấu yêu nhất mỗi khi lòng bâng khuâng tự hỏi “hôm nay có phải là thu”. Đó là Thu Vàng của Cung Tiến và Nhìn Những Mùa Thu Đi của Trịnh Công Sơn. Em sẽ hỏi, hơi cao giọng và ray rứt: Tại sao? Tại sao? Thì đây là câu trả lời: Chẳng tại trăng tại sao gì cả. Hay chỉ tại vì hai bài vừa nói có dính chút xíu tới những năm tháng màu xanh của kẻ này. Thu Vàng với năm đầu tiên làm sinh viên trường Luật -có cả Hồ Đăng Tín và Cung Tiến chung lớp, chung bàn. A, những chiều xưa, gõ bước đi dưới hàng cây sao đường Duy Tân, lòng chưa yêu ai và chưa vướng bận những tính toán dung tục của cuộc đời. Nhạc của Cung Tiến đã tạo nên không gian trong sáng ấy. Có nhớ bâng khuâng, có chút chán chường nhưng chưa hề biết tới u sầu, tuyệt vọng. Chiều hôm qua lang thang trên đường/ Hoàng hôn xuống chiều thắm muôn hương/ Chiều hôm nay trời nhiều mây vương/ Có mùa thu vàng... Vâng. Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi... Cung Tiến viết “Thu Vàng” là để tặng Hà Nội thời thơ ấu của ông. Với kẻ này, Thu Vàng cũng là một loại les premières fleurs... những bông hoa đầu tiên trong cuộc đời.
Và Nhìn Những Mùa Thu Đi. Theo tài liệu của Đặng Tiến và Hoàng Nguyên Nhuận (tức Hoàng Văn Giàu, khét tiếng đấu tranh thời thập niên 60, ở Huế) thì Trịnh Công Sơn sáng tác bài này vào năm 1967. Hoàng Nguyên Nhuận còn chú thích thêm một câu xanh rờn: “Năm 1967, giữa lúc chúng tôi còn lận đận vì chiến dịch Nước Lũ, thì Trịnh Công Sơn vẫn còn mơ màng nhìn những mùa thu đi”. Thế đấy. Nhưng thôi mặc xác chiến dịch Nước Lũ con quỷ sứ gì đó của anh chàng Hoàng Nguyên Nhuận, chúng ta nhìn bài ca dưới một ánh sáng khác. Nhìn những mùa thu đi/ Anh nghe sầu lên trong nắng... Năm 1967, triết học hiện sinh và phong trào hippie cùng lối sống bụi đã quét qua đời sống thanh niên ở các đô thị miền Nam. Thế nhưng, ca từ trong “Nhìn Những Mùa Thu Đi” vẫn chứa đầy tình và mộng. Cùng với sầu lên trong nắng, còn có tháng ngày chết trong thu tàn, có lãng quên và mộng nhạt phai... Có điều cần ghi nhận là ở đây, nỗi sầu chưa đậm nét, chưa tới độ chin muồi đau đớn của “đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời/ như một lời chia tay”... Không gian trong bài ca có nắng trên hàng cây công viên, có gió heo may se lạnh và đặc biệt, có màu tím loang trên hè phố, mang nỗi buồn lãng du bụi bặm của thời đại. Từ màu vàng của mùa thu Hà Nội bầu trời Cung Tiến, chuyển qua màu tím buổi chiều xác xơ buồn của Huế, ta thấy dường như tâm hồn vừa bước qua một ngưỡng nào đó, trước khi đi dần vào thế giới của cơn ác mộng chiến tranh, mang khuôn mặt dữ dằn, khốc liệt.
Dẫu thế nào đi nữa, với Nguyễn tôi, thì Hôm Nay Có Phải Là Thu, và Thu Vàng, cùng với Nhìn Những Mùa Thu Đi, là cả một thời đầy xúc cảm trong sáng và mơ mộng không bao giờ mất dấu tích.
Nguyễn Xuân Thiệp
Theo http://www.bienkhoi.com/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...