Đôi nét về nền văn hóa,
Cảm nhận về
Tết Bunpimay Lào tại KTX Trường Bia - Trung tâm Phục vụ sinh viên - Đại học Huế. 11-10-2017
Trong ký ức của mình, bà nội thường kể Tôi nghe về đất nước
Lào xinh đẹp, về những bài hát dân ca Lào, loài hoa Champa, điệu
múa Lăm Vông. Do trước đây Bà nội tôi có thời gian dài sống ở Lào trước
khi về định cư ở Việt Nam khi chiến tranh kết thúc. Từ những câu chuyện về đất
nước bạn qua lời kể của bà, Tôi có cảm mến đất nước này từ lúc nào không hay.
Sau này khi lớn lên, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về đất nước
và con người Lào.Tôi chỉ biết Lào, Miên và Việt Nam là 3 nước của Liên
bang Đông dương thuộc Pháptừ năm 1893,Lào có đường biên giới khá dài với Việt
Nam về phía đông (2069 km)dọc theo dãy Trường sơn và được nghe nói về gió Lào
nóng khô kinh khủng khi thổi qua miền Trung Việt Nam, Sau này có điều kiện tra
cứu thông tin tôi mới được tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, con người đất nước Lào:
Việt Nam và Lào là hai quốc gia trên bán đảo Đông Dương, hai
nước láng giềng anh em, cùng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có quan hệ hữu nghị,
truyền thống lâu đời. Với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, nhân dân hai nước
Việt Nam - Lào đã kề vai, sát cánh, cùng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược,
để lại những kinh nghiệm quý báu về một mối quan hệ hữu nghị, đặc biệt trong sự
nghiệp giải phóng và phát triển của mỗi quốc gia.
Nước Lào, trước đây còn gọi là Vương quốc Lạn Xạng, “Lạn” tiếng
Lào là triệu, “Xạng” là voi. Lạn Xạng có nghĩa là Triệu Voi. Được mệnh danh là
Miền đất Triệu Voi- Lào nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại và hùng
mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa, người dân Lào đã hấp thụ những phong tục
và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc
của riêng mình hết sức độc đáo. Nền văn hóa Lào là nền văn hóa Phật giáo. Đạo
Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào, ảnh hưởng này được phản ánh trong
ngôn ngữ và nghệ thuật, tạo nên một dân tộc Lào rất riêng.
Với dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn
nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân số cao nhất thế giới, 90% dân số
theo đạo Phật. Đạo Phật được truyền vào xứ Lào trong triều vua Dvaravati vào thế
kỷ thứ 7, và từ thế kỷ 14 Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào đã thấm
nhuần trong mình những lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những
vị sư sãi trong chùa. Chùa gắn liền với trường học, gắn cả với đời, sư sãi
ăn uống bình thường như dân dã. Phật tử Lào thường tích đức bằng nhiều hoạt động
gọi là Thiện nghiệp.
Vào những dịp lễ hội, Lào hấp dẫn khách du lịch và các Phật tử
đến tham quan, tìm hiểu Phật giáo không kém gì xứ sở chùa vàng – đất nước láng
giềng Thái Lan. Chùa chiền, đền tháp là nơi gắn bó cả đời với người Lào,
cũng là chất keo cộng đồng gắn kết các bộ tộc Lào lại với nhau- chất keo văn
hoá Phật giáo. Chùa chiền với những mái ngói uốn cong nhiều dáng vẻ còn là biểu
hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ của người
Lào. Lễ hội gắn với chùa chiền, chùa chiền gắn liền với làng bản, là nơi để mọi
người gặp gỡ, vui chơi và múa hát, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Lào trường
tồn, lung linh và quyến rũ.
Lào là đất nước bốn mùa lễ hội. Lễ hội ở Lào hay được
gọi là Bun. Nghĩa đúng của Bun là phước. Làm bun nghĩa là làm phước
để được phước. Cũng như các bước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội
tại đất nước Lào cũng chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Lào
là xứ sở của lẽ hội, tháng nào trong năm cũng có. Mỗi năm có 4 lần
tết: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán (như ở một số nước Á Đông), Tết
Lào (Bun Pi May vào tháng 4) và Tết H’mong (thangs12). Ngoài ra còn các
lễ hội: Bun Pha Vet (Phật hóa than) vào tháng 1; Bun Visakha Puya (Phật
đản) vào tháng 4; Bun Bang Phay (Pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao
Phan Sa (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ người đã
mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10.
Cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước
Lào cũng chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần nghi thức do
chính con người đặt ra để giao cảm với thần linh và phần hội chủ yếu là vui
chơi, giải trí. Lào có tết cổ truyền Bunpimay (có nghĩa là mừng năm mới), hay
còn gọi là Tết Té nước diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Vì đạo
Phật ở Lào có từ lâu đời, phát triển mạnh trở thành quốc đạo, các nhà chiêm
tinh học tính ngày tháng theo phật lịch, nên năm mới hàng năm bắt đầu vào tháng
tư dương lịch. Người Lào gọi tết là vui tết chứ không gọi là ăn tết, tất cả các
cuộc vui được chuẩn bị theo truyền thống tôn giáo, phù hợp với phong tục tập
quán của người Lào.
Trong dịp lễ hội, vui chơi là chủ yếu, tuy nhiên họ cũng chuẩn
bị đồ ăn, thức uống thịnh soạn hơn ngày thường, đặc biệt là không thể thiếu rượu.
Ngày tết từ sáng sớm dân làng diện những bộ đồ đẹp nhất, với màu sắc sặc sỡ, tập
trung tại sân chùa để dự lễ tắm Phật. Xong lễ tắm Phật, mọi nhà làm lễ buộc cổ
chỉ tay cho những người thân trong nhà, tục lễ này gọi là pục khén hay còn gọi
là xù khoắn, lễ gọi hồn vía. Nhân dịp đầu năm con cháu chúc ông bà, cha mẹ, bạn
bè, người thân gặp may mắn hạnh phúc.
Cũng vì lẽ đó, lễ mừng năm mới còn gọi lễ té nước (gọi là bun
hốt nậm), trong những ngày lễ, thanh niên nam, nữ thường té nước cho nhau vừa
chúc mừng nhưng cũng vừa để tỏ tình. Bun hốt nậm còn có ý nghĩa về chuyện chuyển
năm và cũng là chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa; sau những tháng ngày hanh
khô, những cơn mưa rào ập đến mang nước mát tưới cho núi rừng, cỏ cây, ruộng đồng,
màu xanh tươi mát của chồi non vụt nhú lên báo hiệu một mùa làm ruộng, rẫy mới.
Người dân té nước để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho
mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Vào những ngày lễ hội, mọi người
thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, ăn uống, vui chơi, múa hát cầu mong
quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no… Với người
Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự
mới mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm nps, hạnh phúc cho cuộc sống, là
dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc.
Trong ý nghĩ chúng ta, người Lào anh em rất gần gũi và hầu
như không gặp trở ngại gì lớn trong văn hóa và giao tiếp. Tiếp xúc nhiều, thực
tế đó càng rõ hơn, người Lào và những thứ thuộc về họ rất tuyệt. Dường
như trong những nét văn hóa Lào ta cũng cảm nhận được nét tương đồng với đất nước
chúng ta.
Chăm pa (hoa đại) là một loài hoa biểu tượng của đất nước và
con người Lào. Mang đậm một bản sắc riêng biệt, hương sắc ngào ngạt của hoa
chăm pa phản ánh rõ tính cách, tâm hồn của dân tộc Lào, với những con người có
một vẻ đẹp giản dị, chan hoà và chất phác, thật thà. Đối với người dân Lào,
chăm pa đại diện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống.
Loài hoa này thường được sử dụng để trang trí các nghi
lễ hoặc làm thành vòng hoa chào đón khách. Hoa chăm pa được trồng phổ biến trên
toàn lãnh thổ Lào, đặc biệt là gần khu vực các tu viện. Người dân Lào thường
trồng hoa chăm pa để tô điểm cho vẻ đẹp thanh bình êm ả của đất nước
và sống động hơn trong không khí hội hè. Đến với đất nước Lào là
đến thăm đất nước hoa chăm pa, buộc vào cổ tay vòng chỉ cầu mong phúc
lành, say sưa không muốn dứt trong những điệu múa lăm vông dưới bóng
cây chăm pa.
Văn hoá Lào như một dòng chảy ngọt ngào đời này qua đời
khác, hun đúc nên tâm hồn, cốt cách và văn hoá của người Lào. Qua thời gian, được
kết tinh ở những phong tục văn hoá đẹp đẽ như Tết Té nước để giải trừ mọi lo âu
phiền muộn; buộc chỉ cổ tay chúc phúc người thân, chúc phúc khách quý, bạn
bè... đó là mỹ tục độc đáo và hiếm có. Và hoà cùng với tiếng chiêng, tiếng
khèn, điệu lăm vông mềm mại uyển chuyển làm say đắm lòng người, như mời gọi,
như níu giữ bước chân du khách đã đặt chân đến đất nước Lào là không muốn rời
xa.
Đất nước Lào có nhiều công trình lịch sử văn hoá, có thiên
nhiên tươi đẹp, có nhiều cảnh quan kỳ thú như Thạt Luổng (Viêng Chăn), cố đô
Luông Phra-băng (di sản văn hoá thế giới), chùa Vạtxixun, núi Phú Xỉ, Cánh Đồng
Chum huyền bí (Xiêng Khoảng), thác Khôn, thác Quang Xi, Hang Thẳm tình...
Con người Lào xưa nay được biết đến với sự hiếu khách, giản dị
và gần gũi. Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều sinh viên Lào đang học tập tại Việt
Nam, họ quả là những công người hết sức tốt bụng và vui vẻ, tất cả làm nên hình
tượng tốt đẹp về con người Lào nói chung. Hình tượng con người xứ Triệu voi.
Đất nước, con người và nền văn hoá Lào là đang mang trong
mình nguồn sức mạnh vô biên, ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, đó chính là tiềm
năng và là nguồn nội lực to lớn. Tiềm năng và nguồn lực to lớn đó đang được Đảng,
Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào trân trọng, giữ gìn, bồi đắp và phát huy
trong thời đại mới, thời đại hội nhập và phát triển.
Nói chung văn hóa, đất nước con người Lào rất phong phú và đa
dạng, phải đi để cảm nhận thực tế bạn mới hiểu rõ hơn về đất nước Lào, rất tiếc
tôi chưa có cơ hội để được đặt chân lên đất bạn.Những gì tôi biết về đất nước
Lào, điều ấn tượng nhất đối với Tôi là tết Bunpimay, tôi mong muốn một lần được
tham gia lễ hội này vì nó có sức cuốn hút rất mãnh liệt, và nó như là một nét
văn hóa đặc trưng nhất của nước bạn, ở đó tôi có thể cảm nhận được tất cả văn
hóa, con người Lào một cách rõ nét và chân thực nhất.
Giữa tháng 4, khi gió mùa tây-nam thổi, mưa mùa sắp rơi, bắt
đầu năm mới ở nhiều nước trong khu vực Ðông – Nam Á, Tết cổ truyền Bun Pi
May của Lào (lễ hội năm mới) hay Lễ hội Hốt Nậm (Té nước), cầu mong nước về,
cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc.Mỗi quốc gia trên thế giới đón năm mới
theo phong tục và truyền thống riêng. Ðể chào đón năm mới, mỗi nước lại có những
lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Năm mới
của nhân dân các bộ tộc Lào bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 15/4 dương lịch. Theo
truyền thống cách đây hàng nghìn năm, mỗi khi Tết đến xuân về, người
Lào lại tổ chức lễ hội té nước. Trong lễ hội này, người dân Lào và cả
khách du lịch nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều cùng hưởng
niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội thực thụ.
Người Lào sống hiền lành và thiên về điều thiện. Trong ngày Tết,
vui nhất là ở các chùa chiền. Người ta cho nước thơm (nước ngâm từ các loài hoa
thơm) vào lọ, vào bình, vào xô, chậu… để tắm cho Phật, cho các nhà sư. Cầu mong
trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh
bình, thịnh vượng.
Tục té nước ngày Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào còn có nét
đặc trưng là trong những ngày này không kể dù lạ hay quen, dù có hay không có địa
vị trong xã hội cũng đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau và được thể hiện
sự quý trọng bằng những “gầu” nước dội lên khắp người khi đến thăm.
Người được té nước nhiều, áo quần ướt đẫm, càng sung sướng vì
tin rằng mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời cũng như sự minh chứng
là mình được nhiều người yêu mến. Ngày đầu năm, ngoài tục vẩy nước, té nước còn
diễn ra nhiều trò vui, khỏe gắn với sông nước, trong đó nhộn nhịp nhất là các
cuộc đua thuyền. Tỉnh nào hầu như cũng mở hội đua thuyền.
Mỗi vùng đều có các loại thuyền đua đẹp khác nhau, trang trí
rực rỡ và độc đáo. Nhiều nhất là thuyền rồng, có thuyền độc mộc khoét từ một thân
cổ thụ quý từ trên rừng già, có thuyền sơn son thếp vàng và khảm xà cừ những
hoa văn lạ mắt. Những phường bạn chèo, mặc đồng phục đủ mầu, mái chèo loang
loáng… Thuyền lướt sóng trước hết là liên hoan gặp mặt hằng năm tay bắt mặt mừng
của đại biểu rừng đại ngàn với dòng chảy lớn của con sông Mẹ để dân làng bày tỏ
sự tri ân với các vị Thần nước, với tổ tiên đã phù hộ cho được yên ổn làm ăn
phong đăng, hòa cốc.
Những người không ra xem hội đua thuyền, lại có thú đón Tết bằng
trò vui khác cũng từ sông nước. Họ rủ nhau ra bờ sông, xúc những xe cát đầy chở
về đắp thành những núi cát nhỏ quanh các gốc cây cổ thụ nơi sân chùa. Ðỉnh núi
cát, có cờ đuôi nheo, cờ phướn bằng những dải lụa mầu sắc. Có người chăng trên
đỉnh và sườn núi cát những chỉ ngũ sắc. Trẻ em chạy vòng quanh các núi cát, người
lớn ngắm nhìn và trò chuyện vui vẻ bên những công trình nghệ thuật và cầu nguyện
sang năm mới có nhiều điều phúc như hạt cát trên núi sẽ đến với mọi người. Nhiều
gia đình trong những ngày này lại ra sông thả cá, kiểu như lễ hội phóng sinh ở
cố đô Huế của ta. Ngày hội thả cá trên sông cũng tấp nập không kém các trò vui
khác. Dân Lào coi việc phóng sinh cá trong ngày Tết, để ước vọng quê hương mình
trù phú, trên cánh đồng lúa thơm, dưới sông nước đầy cá béo.
Nhưng có một lễ hội được đông đảo người Lào tham gia trong
ngày Tết là rước nữ chúa xuân. Tập tục này có từ thời xa xưa. Nữ chúa xuân, là
nàng Xẳng Khản, một trong bảy người con gái của Thần bốn mặt – vị thần có công
đem những điều tốt lành cho dân Lào. Theo đó, mỗi năm trước lễ hội, người ta
thi hoa hậu để tuyển bảy cô gái đẹp người, đẹp nết, làm ăn chăm chỉ và giỏi
giang trong cuộc sống. Ðến giờ hoàng đạo, đoàn rước nữ chúa xuân thật tưng bừng.
Một cô gái đóng chúa xuân một tay gươm, một tay cầm vòng lửa cùng sáu người em gái
xiêm y rực rỡ ngồi trên xe mui trần trang hoàng lộng lẫy.
Trong đoàn diễu hành, người ta mang mặt nạ Pu Nhơ và Nha Nhơ,
theo truyền thuyết là người đàn ông và đàn bà đầu tiên sinh ra dân tộc Lào.
Ði theo đoàn rước là một dòng người nối tiếp nhau vừa đi, vừa múa hát trong tiếng
trống vang lừng. Người bên đường tươi cười té nước mát cho đoàn hội, chúc nhau
những lời đẹp nhất của năm mới. Vui từ trong nhà ra ngoài ngõ, vui làm cho đêm
lăm vông như ngắn lại, nhưng dù vui đến mấy người Lào vẫn giữ được bản chất hiền
hòa, lối ứng xử mềm mại và luôn coi trọng giá trị nhân bản. Chính vì vậy mà ở tất
cả các cuộc vui chơi không hề xảy ra chuyện to tiếng, cãi vã hoặc ẩu đả nhau
làm ảnh hưởng sự bình yên vốn có của bản làng.
Và cái ngày Tôi mong ước cũng đến, cuối cùng tôi cũng được dịp
tham dự tết Punpimay lần đầu tiên trong đời, Sau nhiều năm bôn ba làm việc ở miền
nam, tôi được trở về huế làm công tác quản lý tại KTX trường Bia thuộc Trung
tâm Phục vụ sinh viên – Đại học Huế. Tôi có cơ hội được làm việc với các bạn
lưu học sinh Lào để có thể tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, đất nước và con người
Lào.
Chính phủ Việt Namluôn tạo điều kiện tốt nhất đối với các đối
tượng là lưu học sinh Lào được chính phủ Lào cử sang học tập tại các trường
trung học, đại học của Việt Nam diện Hiệp định, ký kết giữa chính phủ Việt Nam
và chính phủ Lào về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo văn hóa khoa học kỹ
thuật, được tạo điều kiện để học tập tại Việt Nam, chính phủ Việt nam cấp toàn
bộ chi phí về sinh hoạt ăn ở như chi phí sinh hoạt tiền ăn tiêu vặt, trang phục
cá nhân, chi phí đi lại hàng ngày và chi tài liệu phục vụ học tập … theo Thông
tư 120/2012/TT – BTC.
Hàng năm có rất nhiều sinh viên Lào theo học tại các trường đại
học cao đẳng khắp đất nước Việt Nam, riêng Đại học Huế mỗi năm đón hàng trăm
lưu học sinh Lào theo học tại các trường Đại học trực thuộc Đại Học Huế, một phần
trong số họ được tạo điều kiện ăn ở tại KTX Trường Bia. Khi tiếp nhận thông tin
lưu học sinh Lào sang Việt nam để học tập và được đăng ký ở KTX Trường Bia, để
thể hiện sự quan tâm, Trung tâm đều cử đoàn cán bộ ra tận Hà Nội đón tiếp về
KTX.
Các bạn Lào được Trung tâm bố trí ở khu nhà nội trú dành
riêng cho Sinh viên Lào, khu nhà này rất khang trang, sạch sẽ,các phòng ở được
khép kín, trang bị cả máy điều hòa, tivi, bình nóng lạnh. Mỗi phòng bố trí từ
hai đến ba lưu học sinh ở. Trung tâm luôn tạo điều kiện tốt nhất để các bạn hòa
nhập nhanh chóng với cuộc sống mới để các bạn Lào yên tâm học tập.
Vì lẽ đó, hàng năm các bạn lưu học sinh Làoở tại KTX thường
xin phép Trung tâm tổ chức Tết Lào tại KTX Trường Bia như một lời cảm ơn của
các bạn lào để cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Trung tâm.Thực sự đây là dịp may
để tôi có thể tận mắt được thấy tết Bunpimay ngay tại nơi mình làm việc.Quả thật,tôi
đã trải qua những cung bậc cảm xúc ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tết Lào
thật sinh động ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Xa quê, không được đón Tết Bunpimay, Tết cổ truyền của nhân
dân các bộ tộc Lào trên đất mẹ, thế nhưng các bạn sinh viên Lào đang theo ở
nội trú tại KTX Trường Bia vẫn có một cái Tết ấm cúng như ở chính quê hương
mình.
Thấm thoắt đã 3 năm, Bạn Duangchanhdeng Vonekham, sinh viên
năm 3 khoa Ngữ văn Trường đại học Khoa học Huế đón Tết xa nhà. Còn nhớ năm đầu
tiên đón Tết, như bao lưu học sinh trên đất Việt, Duangchanhdeng Vonekham không
được vui lắm. Nhưng năm nay thì khác, ba năm đón Tết Bunpimay trên đất Huế,
Duangchanhdeng Vonekham đã dần quen với không khí nơi đây. Cái cảm giác lạc
lõng ấy không còn khi bên cạnh luôn có thầy cô và bạn bè và đặc biệt là các anh
chị quản lý KTX Trường Bia luôn quan tâm giúp đỡ tận tình mọi khó khăn trong cuộc
sống. Với các bạn lưu học sinh Lào, họ như chính những người thân của mình. Và
vì thế, những cái Tết xa nhà ngày càng ấm cúng, thân tình.
Để chuẩn bị đón Tết Bunpimay, từ nhiều ngày trước, các sinh
viên Lào đã lên kế hoạch, phân công từng nhóm tập những tiết mục văn nghệ, chuẩn
bị các món ăn truyền thống…Riêng những sợi chỉ dùng để buộc vào tay cầu may mắn,
bình an trong ngày Tết được các lưu học sinh mang từ Lào sang. Trong những bộ
trang phục truyền thống rực rỡ, các bạn sinh viên Lào thực hiện những nghi lễ
truyền thống để đón năm mới như buộc chỉ cổ tay, té nước, múa Lăm Vông.
Lăm vông là một điệu nhảy dân gian, gần gũi với đời sống văn
hóa các bộ tộc Lào. “Phi Lăm vông bất thành lễ hội”, không có lễ hội, đám tiệc
nào mà kết thúc lại không có điệu nhảy sôi động này. Lăm vông, khèn cứ tưởng chỉ
là dân gian thôi, đến khi đường hoàng đi vào âm nhạc bác học lại cho những hiệu
ứng bất ngờ. Đó là trường hợp ca khúc “Bài ca Lào - Việt” được nhạc sĩ đàn anh
Nguyễn Văn Thương viết cho bộ phim Hai người mẹ. Thế rồi, với chất liệu đằm thắm
của dân ca Lào và ca từ đẹp, ca khúc này đã sớm vượt ra phạm vi của bộ phim để
trở thành một bài hát được cả người Việt lẫn người Lào yêu mến, được chọn trong
nhiều chương trình giao lưu quan trọng giữa hai nước: “Lăm vông nữa đi nào
cô gái, nhịp chân bước theo tiếng khèn Lào/ Kìa hát lên, hát lên câu ân
tình...”.
Trở lại với buổi giao lưu, để đáp lại những sự quan tâm của
Lãnh đạo Trung tâm PVSV và sự dìu dắt của các anh chị quản lý BQL KTX Trường
Bia. Nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân
Lào, Duangchanhdeng Vonekham và các bạn lưu học sinh Lào đang ở nội
trú tại KTX Trường Bia đã tổ chức buổi giao lưu đón tết Punpimay giữa sinh viên
Lào và Cán bộ Trung tâm với các hoạt động đầy ý nghĩa tại hội trường nhà sinh
hoạt Đa năng thuộc Trung tâm PVSV.
Buổi đón Tết đã diễn ra trong không khí vui vẻ, đoàn kết, thắm
tình hữu nghị và đúng phong tục cổ truyền của ngày Tết Bunpimay với sự hiện diện
của Ban Giám đốc, các trưởng phòng ban chức năng, Đại diện các KTX Đống đa và
Tây lộc và Ban Quản lý KTX Trường Bia cùng tất cả các bạn học sinh Lào đang ở nội
trú tại KTX Trường Bia.
Nhân dịp này Trung tâm cũng đã có lẵng hoa tươi thắm và một
món quà nhỏ gửi đến các em. Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm thay mặt
Trung tâm phát biểu cám ơn các em đã mời Ban giám đốc và cán bộ trung tâm tham
dự Tết cổ truyền ý nghĩa này, chúc các em đón Tết cổ truyền của đất nước mình
thật vui vẻ, an toàn, tiết kiệm và thắm tình đoàn kết. Đồng thời, Trung tâm cam
kết sẽ quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn chốn ở để các em yên tâm
hoàn thành khóa học thật tốt để trở về phục vụ quê hương, đất nước. Ông Hải
cũng đã mượn bốn câu thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh để chúc chotình hữu nghị, hợp
tác truyền thống đặc biệt Việt Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt - Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Thay mặt lưu học sinh Lào, bạnDuangchanhdeng
Vonekham xúc động gửi lời cảm ơn đến Ban Giám đốc, các thầy cô và cán bộ
quản lý KTX Trường Bia đã quan tâm giúp đỡ các bạn sinh viên Lào trong thời
gian qua đồng thời hứa sẽ luôn chấp hành tốt nội quy của Trung tâm đã đề ra và
tích cực hơn nữa trong việc tham gia các hoạt động phong trào thuộc Trung tâm
và KTX tổ chức.
Hoa Chăm-pa “vẫn còn vấn vương lòng Tôi”, Lăm vông “thân uốn
cong nhịp nhàng”, khèn “lên man điệu”... mọi người quyện vào nhau trong lời ca
tiếng hát của điệu Lăm vông, tất cả đã thành nỗi nhớ cho những người góp mặt
hôm nay và nỗi mong cho những ai chưa từng được tham gia cái tết ý nghĩa này.
Cái tết Lào đầu tiên của tôi đã trôi qua như vậy đó.
Nếu bạn hỏi Tôi rằng, Tôi có muốn trở lại thời gian để cảm nhận
thêm một lần được tham dự tết Punpimay không? Câu trả lời chắc chắn là –
có. Quay lại để khám phá sâu hơn những tinh hoa văn hóa Lào, quay lại để thấy
được sự hòa quyện giữa tâm hồn hai dân tộc qua những ánh mắt nhìn nhau mà không
ngôn từ nào diễn tả được. Quay lại đến biết rằng tôi đã có một trải nghiệm
thú vị đến nhường nào. Quay lại để tìm về ký ức tuổi thơ tôi, về bà nội tôi. Và
đó chính là dịp mà tôi đã được cảm nhận được về văn hóa, đất nước con người Lào
một cách chân thực nhất.
Tôi mong được một ngày được đặt chân đến đất nước này. Còn bạn
thì sao? Bạn có muốn đến đất nước Lào cùng tôi không?.
Nào hãy xách balô lên và đi….
Pha That Luang ngôi chùa
sắc vàng của Lào (nguồn:
Internet)
Các nhà sư đi khất thực (nguồn internet).
Hoa Chămpa (nguồi internet)
Điệu múa Lăm vông
truyền thống Lào (nguồn internet).
Các bạn sinh viên Lào thực hiện nghi lễ
cột chỉ tay cho cán bộ
Trung tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét