Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Gửi em niềm hạnh phúc

Gửi em niềm hạnh phúc! 
Em có biết, ngay từ khi tổ tiên chúng ta đặt những bước chân đầu tiên trên thế gian, họ đã luôn sống theo bản năng, biết tìm kiếm những giá trị mà thiên nhiên và tạo hóa ban tặng để đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống.
Đến nay, khi đời sống vật chất đã đầy đủ, con người lại hướng đến đời sống hưởng thụ. Cả những người bần cùng, nghèo khổ, cũng luôn suy nghĩ và mong muốn đến một ngày nào đó sẽ thoát nghèo, vì họ cho rằng khi giàu sang sẽ được an lạc, hạnh phúc. Nhưng thật ra, không phải những điều mình nghĩ và mong muốn sẽ luôn luôn tồn tại đâu em! Khổ đau sẽ không phân biệt giàu nghèo, kẻ cao sang hay người khốn khó, dù người đó già hay trẻ, xấu hay đẹp... Phía sau mỗi người đều ẩn chứa những khổ đau riêng. Luẩn quẩn là vậy, ta đã bao phen trôi lăn trong vòng xoáy sinh tử đầy khổ đau. Người ta thường cho rằng hạnh phúc có được là do sự chiếm hữu, hoặc chạy theo những của cải vật chất ở thế gian, hoặc lấy chồng, lấy vợ, sinh con; nhưng thực sự, họ chỉ đang mang thêm lên mình những gánh nặng đau khổ, không phải hạnh phúc chân thật.
Hiện tại, có lẽ trong chính bản thân em cũng đang có những suy nghĩ mơ hồ, hoang mang, vô định, không biết thế nào là hạnh phúc chân thật. Bởi từ xưa đến nay, con người chỉ đưa ra những khái niệm, định nghĩa mang tính trừu tượng về hạnh phúc. Nhưng thật sự, những quan niệm ấy không thể đưa con người đến bến bờ của hạnh phúc chân thật nếu thiếu sự thực hành, áp dụng vào trong thực tế đời sống. Riêng đối với con đường mà đức Phật đã đi và giáo pháp Ngài để lại, ngoài việc hướng chúng sinh đến sự tỉnh thức, hiểu biết, thấu triệt các pháp chơn đế, tục đế; còn giúp con người chuyển mê khai ngộ, đưa khổ rước vui và khép lại cánh cửa sinh tử luân hồi. Hạnh phúc đó là điều có thật, là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, là an lạc trong từng bước chân, từng hơi thở, từng nụ cười màu nhiệm đó em ơi!
Để có thể an lạc trên nẻo đường hành đạo, thảnh thơi trong kiếp sống mưu sinh, em cần trải nghiệm với trái tim tràn đầy năng lượng của sự tỉnh thức, tiếp xúc với sự sống, lắng nghe, thương yêu, chia sẻ,... Muốn có được hạnh phúc chân thật, vững chãi, không gì khác hơn chính em phải tự chuyển hóa bản thân mình, bằng cách tìm ra chiếc chìa khóa để mở toang cánh cửa phiền não đang trói buộc thân tâm. Và hôm nay, anh sẽ trao cho em chiếc chìa khóa ấy, xin gửi đến em niềm hạnh phúc!
1. Hạnh phúc là phút giây tỉnh thức.
Nếu em biết góp nhặt những hạnh phúc nhỏ trong cuộc sống hiện tại, em sẽ có một hạnh phúc lớn cho tương lai.
Anh sẽ kể em nghe câu chuyện: Hạnh phúc là gì?
Có một ngày, heo con chạy đến hỏi heo mẹ:
- Mẹ ơi! Hạnh phúc là gì hả mẹ?
Lúc ấy heo mẹ đã trả lời rằng:
- Hạnh phúc là đuôi của con đó, con yêu ạ.
Heo con mừng rỡ chạy ra sân và vui đùa với cái đuôi của nó, mặt nó ánh lên một niềm vui vì đã biết hạnh phúc của mình là gì.
Rồi một ngày, heo con buồn bã chạy lại bên mẹ và hỏi?
- Mẹ ơi, tại sao con chẳng bao giờ bắt được hạnh phúc của con hết vậy?
Heo mẹ mỉm cười và nói:
- Con chẳng cần phải bắt nó làm gì, chỉ cần con luôn mỉm cười và tiến lên phía trước thì hạnh phúc sẽ luôn đi theo con đó.
Em thấy đó! Hạnh phúc thật giản đơn. Nó là những điều nhỏ bé, dung dị vẫn luôn tồn tại bên em. Nó luôn nằm sẵn trong mỗi con người. Nếu không tìm thấy hạnh phúc trong chính bản thân mình, thì dù em có đi khắp thế gian cũng không thể bắt gặp được nó. Hãy mỉm cười và tiến lên phía trước, để hạnh phúc luôn đuổi theo em. Ngày em không còn rong ruổi kiếm tìm, chính là ngày em nhận ra rằng hạnh phúc đang đứng cạnh bên em từ muôn thuở.
Hạnh phúc có từ trong đời sống. Nếu có tỉnh thức, em sẽ tiếp xúc với sự sống của mình. Trước hết, em có thể đặt câu hỏi là sự sống của mình được xây dựng nên bằng những chất liệu gì? Nếu nhìn nhận thật sâu sắc, em sẽ thấy cuộc đời của em được hình thành từ những phút giây đã trôi về quá khứ, lướt nhanh qua trong hiện tại và sẽ còn tiếp diễn ở tương lai. Em còn nhớ: những bữa cơm ấm áp bên gia đình; những năm tháng ngồi trên chiếc ghế nhà trường; những phút giây giận hờn vu vơ, rồi bất chợt lãng quên để bật lên tiếng cười giòn tan khi xem một bộ phim hài; hay những lần nhõng nhẽo, chui vào gấu quần của mẹ trốn khi bị ba la rầy... Khi anh nói đến đây, những hình ảnh đó có phải đang hiện về trong tâm trí em không? Nó đang có sẵn trong em đó, và quá khứ chính là chất liệu để xây nên hiện tại và tương lai. Còn hiện tại nhiệm màu này, đó chính là những phút giây mà ta đang thực sống. Còn tương lai, em biết nó là gì không? Một phương trình vô số nghiệm tùy thuộc vào sự thay đổi hằng số mà mỗi người quyết định ngay trong cuộc đời này.
Em không cần đưa dòng hồi tưởng đi quá xa, nhưng vẫn nghe được quá khứ ùa về trong những âm ba huyền diệu, vang dội và ẩn hiện trong từng góc khuất tâm hồn. Cuộc đời em là vậy, sẽ luôn tồn tại những niềm vui mà mỗi lần chợt nhớ về, em sẽ khẽ nở một nụ cười trên môi. Đôi khi nó có cả những niềm đau làm quặn thắt tim em, nhưng em có biết không, niềm đau cũng chính là những trải nghiệm cần thiết mà mỗi người cần phải kinh qua trong cuộc đời đầy biến động. Niềm đau và vấp ngã dạy cho em rất nhiều bài học trong cuộc sống. Sự giác ngộ của đức Thế Tôn năm xưa cũng được bắt đầu từ những đau khổ của cuộc đời. Lần đầu tiên, Thái tử Tất-đạt-đa ngồi chiêm nghiệm lẽ đời dưới cội hồng táo là lúc Ngài thấy những con giun đang quằn mình run rẩy dưới lưỡi cày, con chim nhỏ đang hạ cánh xuống tìm mồi nhưng cũng nơm nớp lo âu người thợ săn trong lùm cỏ. Đó chẳng phải là những bài học đắt giá hay sao? Đây cũng chính là sự mở màn cho những chân lý mà Ngài khám phá sau này. Thái tử vượt bốn cửa thành để tìm đường giác ngộ cũng chính vì thấy nhân sinh đang đắm chìm trong thống khổ muôn đời đó là già, bệnh, chết. Phải chăng khổ đau chính là liều thuốc đắng chữa lành căn bệnh mê muội của thế nhân.
Trong cuộc lữ hành của đời người, ai mà chẳng từng trải qua bao khốn khó và vấp ngã phải em không? Nhưng chính những điều đó sẽ rèn luyện cho em ý chí và nghị lực để có thể hiên ngang đối diện với bao giông tố. Anh không bao giờ khuyên em bắt chước con lạc đà vùi đầu vào cát nóng của sa mạc để trốn tránh sự đuổi bắt của con người, mà em hãy làm con đại bàng nương vào cơn gió lớn để nâng cánh bay xa. Những lần vấp ngã sẽ giúp em trưởng thành và cẩn thận hơn trước những hố sâu đang dàn bày phía trước. Đừng trốn chạy mà tập đối diện nhé em, hãy nhìn thẳng vào vấn đề đang vướng mắc và đặt ra câu hỏi là ta nên làm gì. Đôi khi em chỉ cần dừng lại và ngắm nhìn thực tại khổ đau, thì nó cũng tự khắc chuyển thành hạnh phúc, vì hạnh phúc là biết chấp nhận và biết mỉm cười. Có một bí mật nhỏ này anh muốn nói với em. Khổ đau còn là cơ hội để con người nhận chân ra hạnh phúc. Khi em bệnh tật em mới biết khỏe mạnh là hạnh phúc, khi em xa người thân mới thấy quý tình cảm gia đình, khi giông bão ùa về em mới trân trọng những ngày nắng đẹp. Hãy nuôi dưỡng cả cảm xúc khổ đau và hạnh phúc, vì khổ đau là chất xúc tác hình thành chuỗi phản ứng giác ngộ và giải thoát giữa thế gian. Nếu em không hiện diện để tiếp xúc với cả hai, thì làm sao em có thể thật sự sống với muôn ngàn cung bậc cảm xúc của đời người. Mà thật ra, tất cả những cảm xúc vui hay buồn, khổ đau hay sung sướng cũng chỉ là tuồng ảo hóa sinh diệt. Chỉ có sự định tĩnh sáng suốt và nhận chân như thật bản chất của khổ đau và hạnh phúc thì em mới có thể an nhiên và tự tại giữa dòng đời biến thiên dời đổi.
* Hạnh phúc giản đơn:
Có bao giờ em tự hỏi, cuộc sống của em là gì? Thật ra nó được tạo nên từ những điều hết sức bình dị. Những đóa hoa, những hạt sỏi, những ngọn cỏ, những cơn mưa và có cả những con người... mà đôi khi em chỉ có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc một lần duy nhất trên cả quãng đường đời em đang đi. Có thể, chúng sẽ không để lại những dấu ấn sâu đậm trong em, nhưng chúng chính là cuộc đời của em, giúp em tiếp xúc với sự sống, với hạnh phúc đang có mặt. Ðiều ấy có nghĩa, em không cần phải lao công, tổn sức đi tìm kiếm hạnh phúc, điều em cầm làm chỉ là dừng lại và nhận diện. Một nhà thơ của La Mã quan niệm: “Nắm bắt ngày hôm nay” như một công thức để ông sống hạnh phúc. Thật ra, em không cần nắm bắt một cái gì hết, chỉ cần buông và tập dừng lại mọi nghĩ suy, tỉnh thức và nhận diện những gì đang có mặt. Thay vì "nắm bắt ngày hôm nay" em nên tập dừng lại, dừng lại với mỗi phút giây và sống tỉnh thức, chánh niệm, an trú trong hiện tại, đâu cần phải tìm kiếm những hạnh phúc xa xôi trong mộng tưởng. Tương lai luôn nằm sẵn trong hiện tại, quá khứ không hẳn đã mất đi, riêng mỗi phút giây tỉnh thức sẽ tô điểm cho đời em bằng những mảng màu xinh tươi, rực rỡ.
Hạnh phúc đang có mặt, em chỉ cần tập dừng lại mà tiếp xúc. Mặt trời lúc bình minh hay hoàng hôn đều đẹp; một chiếc lá khô buông mình theo làn gió hay chồi non đang e ấp trên cành, một ngọn cỏ bên đường hay đóa hoa tím thẹn thùng đang nở bên nhà hàng xóm, tất cả đều đang phơi bày cái đẹp; trăng rằm mười sáu cũng đẹp mà trăng khuyết sau ngày hai mươi cũng đẹp; một ngọn nến nhỏ lung linh hay ngọn đèn ne-on soi sáng cả một vùng trời, cả hai đều huyền diệu. Không có một cái gì trên đời này là tầm thường hết. Khi tâm an vui, em nhìn đời thấy gì cũng nên thơ, kỳ lạ, mới mẻ đến không ngờ; ngược lại, khi tâm nhiễm ô bởi vô minh, phiền não thì những gì em thấy chỉ là một màu hoen ố, u tối, cũ kỹ và tàn tạ. Có lẽ cụ Nguyễn Du đã thấu hiểu một cách sâu sắc về quy luật tri giác của con người, để rồi viết lên vầng thơ: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Em ơi! Sự đời sẽ tùy thuộc vào góc nhìn, nếu em thay đổi góc nhìn thì cuộc đời cũng sẽ đổi thay.
Trong một gia đình muốn có được an lạc, hạnh phúc thì mỗi cá nhân trong gia đình phải cố gắng cùng nhau xây dựng, vun đắp mới có được. Như khi muốn xây một căn nhà, điều kiện đầu tiên phải có đó là gạch, cát, đá, xi măng,... Những thứ này vẫn chưa thể thành căn nhà, nếu như chúng không kết hợp, gắn kết cùng nhau. Cũng vậy, nếu như em muốn xây dựng ngôi nhà hạnh phúc, thì mỗi người cũng như những viên gạch, hạt cát, cùng nhau hòa hợp mà tạo thành một gia đình hạnh phúc. Góp nhặt những hạnh phúc nhỏ sẽ tạo nên một hạnh phúc lớn.
"Đã bao giờ em cảm nhận niềm vui của người khác làm niềm vui của chính mình hay chưa? Nếu chưa, em hãy thử một lần đi. Cảm giác đó rất tuyệt vời! "...
2. Hạnh phúc là sự tự do.
Khi đức Phật còn tại thế, Ngài và chư Tăng chẳng có gì ngoài ba y và một bình bát. Thế mà quý Ngài rất mực hạnh phúc, bởi đã đạt được một điều vô cùng quý báu, đó là tự do.
Theo lời Phật dạy, điều kiện căn bản của hạnh phúc là tự do. Tự do đây không phải là tự do trong lĩnh vực chính trị mà là tự do khi không còn bị sân hận, kiêu căng, ghen ghét, tuyệt vọng, và si mê ràng buộc. Những tâm hành sân hận, kiêu căng, ghen ghét, tuyệt vọng, và si mê đó, đức Phật gọi là những chất độc. Khi tâm còn bị những chất độc đó chế ngự thì không thể nào có được hạnh phúc. Vì vậy, em phải chuyển hóa những chất độc ấy thành dược phẩm bổ dưỡng cho tâm hồn mới đem đến an vui, hạnh phúc.
Nếu ai hỏi em "Mục đích của cuộc đời là gì?" hay là "Mục đích của sự tu tập là để làm gì?". Khi ấy, em hãy trả lời như đức Dalai Lama: "Mục đích của sự sống là để đi tìm hạnh phúc". Một hạnh phúc chân thật, không bị vướng mắc và ràng buộc. Ấy vậy mà đã bao lần, em tâm sự với anh muốn đi tìm một chân trời hạnh phúc. Mà nơi đó, với “một túp liều tranh, hai trái tim vàng” và có cả những đứa trẻ đáng yêu. Để xây dựng được “túp liều tranh”, em phải lao tâm, khổ trí chạy theo những tham muốn của thế gian. Càng cố tìm kiếm, em lại càng dễ mắc sai lầm, chẳng khác nào tự siết mình lại bằng sợi dây luyến ái. Khi ấy, em sẽ không có một phút giây nào thảnh thơi để soi rọi lại chính tâm hồn mình. Khổ cho bản thân em và cho cả những người em thương. Vì vậy, em ơi! Nếu đã không thể vẽ thêm đôi cánh hạnh phúc cho người mình thương, thì thôi, đừng bao giờ em cố níu giữ hạnh phúc bằng cách bôi xóa những ký ức về nhau hay phải giam giữ tâm hồn mình trong ngục tù thù hận.
Đừng mãi nắm giữ hạnh phúc khi nó không thể ở cùng em, hãy xem hạnh phúc ấy như đám mây - mây của trời hãy để gió cuốn đi. Em không cần phải gom mây, buộc gió để tìm kiếm hạnh phúc.Em phải tiêu trừ dần những dục vọng. Dục vọng bớt xuống thì hạnh phúc sẽ tăng lên.Hãy giải phóng ràng buộc và em sẽ là người “tự do”.
3. Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về.
Một sinh viên trẻ đi dạo với giáo sư của mình. Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: “Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày”.
Vị giáo sư ngăn lại: “Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao”.
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: “Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?”. Người thanh niên trả lời: “Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: “Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”.
Đã bao giờ em cảm nhận niềm vui của người khác làm niềm vui của chính mình hay chưa? Nếu chưa, em hãy thử một lần đi. Cảm giác đó rất tuyệt vời! Có rất nhiều cách khác nhau để giúp em có được hạnh phúc như chàng sinh viên trong câu truyện. Ví như, em có thể giúp đỡ một cụ ông qua đường; gửi đến một ổ bánh mì hay chai nước cho một người cơ nhỡ đang cần sự giúp đỡ; hay chỉ đơn thuần giúp một chú cún con lạc đường đang ướt sũng ngoài đường, em hãy bế nó về nhà, sấy khô lông, cho nó ăn, chỉ thế thôi, em sẽ thấy nó vẫy đuôi cảm ơn, đôi mắt nó nhìn em đầy trìu mến. Hành động “cho đi” hiểu rộng ra nghĩa là em không chỉ cho về vật chất, mà còn có cả tình thương, bằng sự quan tâm, lo lắng. Nhân nào quả nấy, vì vậy em hãy cứ cho đi rồi em sẽ lại nhận về, đừng luyến tiếc hay chần chừ em nhé.
“Cho là còn chứ có mất đâu
Gieo nhân hái quả cũng thâu về mình”.
Trong cuộc sống, em đừng đòi hỏi tuyệt đối ở cách hành xử của những người khác đối với em. Em nên chấp nhận sự tương đối từ những người khác để sống thì những hạnh phúc trong đời sống của em sẽ có được ngay trong tầm tay và ngay trong đời sống này.Em hãy sống một cách lạc quan,nên cởi mở để nhìn cuộc đời, không nên quá hà khắc chấp thủ bất cứ điều gì. Nếu em cảm thấy bản thân quá nhỏ bé, tầm thường thì hãy tập nhìn lên, có biết bao người là tấm gương để phấn đấu vươn lên. Đôi khi em cũng hãy tập nhìn xuống, vì còn biết bao mảnh đời bất hạnh, để rồi mở rộng tâm thương yêu, che chở, giúp đỡ họ qua cơn khó khăn. Không nên mặc cảm với số phận, em hãy cảm thấy hạnh phúc với những gì mà mình đang có.Nếu tâm hồn em không rộng mở, chân thật thì em không thể nào nắm bắt được tình thương và hạnh phúc chân thật.
"Bằng tình thương, nhưng khi thiếu đi sự hiểu biết sẽ làm những người em yêu đau khổ. Vì vậy, sự hiểu biết là nền tảng của hạnh phúc."...
4. Hạnh phúc chân thật nhờ chuyển hóa khổ đau.
Theo quan điểm của thiền sư Nhất Hạnh, hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc.
Em đau khổ, một phần do không có những phương pháp cụ thể giúp chuyển hóa tham lam, sân hận, si mê. Nếu thực tập và chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau của tự thân thành công, em còn có thể giúp những người khác chuyển hóa đau khổ của chính họ. Đức Phật đã từng khẳng định rằng: "Ta chỉ dạy có mỗi một điều mà thôi, đó là khổ đau và con đường để chấm dứt khổ đau". Hay nói một cách khác là con đường đi đến hạnh phúc. Vì vậy khi chuyển hóa được khổ đau thì hạnh phúc sẽ hiện hữu. Nhưng nếu em cứ mãi ôm ấp những quá khứ đau buồn thì liệu hạnh phúc có thể đến gõ trái tim em không?
Có một cô gái tan vỡ trong chuyện tình cảm, dẫn đến mất hết niềm tin với mọi chàng trai và cả chính mình. Cô cứ mãi sống với những nỗi khổ, niềm đau mà không thể nào vượt qua được và cũng không thể nào đón nhận một hạnh phúc nào mới. Do quá bế tắc trong suy nghĩ, cô muốn tìm đến cái chết. Thật quá dại khờ phải không em? Ngược lại, nếu suy nghĩ tích cực, cô nên xem duyên nợ mình với người đó đã hết, như đã trả nợ xong cho người ấy. Thế rồi càng cố gắng tu tập để chuyển hóa, để vươn lên mặc cảm của chính mình, để mở lòng mình ra và tìm cho mình một hạnh phúc chân thật. Vì sao cứ mãi khép lòng mình lại trong băng giá, mà không biết nhóm lên ngọn lửa hồng để sưởi ấm con tim?
Em ơi! Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết rơi lệ khi tổn thương, biết đau khổ khi mất mát, biết cố gắng làm lại khi thất bại, biết khát khao và nuôi dưỡng những giấc mơ. Bởi vì chỉ có như vậy, em mới biết trân trọng những gì đã và đang đến trong cuộc đời mình. Khi em hạnh phúc, không nhất thiết mọi thứ quanh em phải đạt trạng thái tốt nhất, mà là khi em biết tận hưởng, biết chuyển hóa những gì xảy đến với mình trong cuộc sống một cách tốt nhất.
5. Hiểu biết là nền tảng của hạnh phúc.
Yêu thương mà thiếu sự hiểu biết chẳng những không đem đến cho người em yêu cảm giác hạnh phúc thật sự, mà ngược lại còn gây nên nhiều khổ đau cho họ và sự thất vọng đau khổ cho chính bản thân em.
Trong gia đình, những đứa trẻ khi còn bé thật dễ thương vì chúng luôn ngây ngô pha lẫn chút dại khờ - đã dại khờ sao tránh khỏi đòn roi. Tuy là chị em, nhưng lắm lúc cả hai cãi vã tranh dành nhau đồ chơi, dành nhau chiếc ghế chỉ vì được ngồi đối diện tivi để xem một bộ phim hoạt hình, và cả nhiều lần dành nhau để được ngủ chung với mẹ...Có lẽ em sẽ luôn dành phần thắng, vì em lớn hơn cơ mà! Nhưng khi đứa em òa khóc, em có thể nhường ngay phần thắng cho em không chút suy nghĩ. Em đã cảm nhận thứ tình cảm này lần nào chưa? Nó quả thật tuyệt vời! Và tình cảm ấy, sẽ thăng hoa hơn nếu em biết đặt trái tim hiểu biết vào sự yêu thương.
Vào mỗi buổi sáng, em hay lên gọi đứa em mình dậy ăn sáng, đi học. Nhưng vào một sáng nọ, thấy đã gần đến giờ đi học mà đứa em vẫn còn ngủ. Sợ bị trễ giờ, em gõ cửa gọi thì bị ngay đứa em của mình quát: “Chị biến đi! Để tôi yên”. Khi ấy em sẽ nổi nóng chứ? Chắc chắn sẽ có! Em sẽ chạy xuống ngay, và méc với mẹ: “Mẹ ơi! Em hỗn với con”. Mẹ giải thích: “Hôm qua em con bị sốt cả đêm nên không ngủ được, sáng nay mới hết sốt vừa ngủ thiếp đi một tí, con đừng giận em nha”. Nghe mẹ nói như vậy, bao cơn tức giận trong em như tan biết tất cả và em lại thương em mình nhiều hơn.
Bằng tình thương, nhưng khi thiếu đi sự hiểu biết sẽ làm những người em yêu đau khổ. Vì vậy, sự hiểu biết là nền tảng của hạnh phúc.
Tâm Lực
Theo  http://www.chuahoangphap.com.vn/  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...