Nguyễn Du và Truyện Kiều
qua cái nhìn của Chế Lan Viên
Trong tất cả các nhà thơ hiện đại Việt Nam, so với cùng thời
như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, thì Chế Lan Viên là người đã dành nhiều
cảm hứng nghệ thuật cho thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều hơn cả. Một đời
làm thơ, ở vào những thời điểm sáng tác khác nhau, Chế Lan Viên đã viết hơn 40
bài về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Truyện Kiều-ấn bản kỷ niệm 250 năm- NXB Trẻ phát hành tháng 8-2015.
1- Nguyễn Du, Anh là ai?
Nguyễn Du, Anh là tấm lòng. Chế Lan Viên là người đầu
tiên gọi Nguyễn Du là Anh, một đại từ nhân xưng, viết hoa, trang trọng, thương
yêu và chia sẻ. Xưa nay, ta chỉ thấy người đời gọi Nguyễn Du là Cụ, là thi hào,
là Tiên Điền, là Thanh Hiên, thì với Chế Lan Viên, một tấm lòng đồng cảm, sâu lắng,
kính cẩn:
- Anh sinh vào thế kỷ nhiều tà huy mưa bụi
Quờ tay ra không người đồng điệu nằm bên
Nỗi đau Anh trùng với nỗi đau nhân loại
Mượn câu Kiều hóa thạch cuộc đời riêng...
Quờ tay ra không người đồng điệu nằm bên
Nỗi đau Anh trùng với nỗi đau nhân loại
Mượn câu Kiều hóa thạch cuộc đời riêng...
(Nghĩ thêm về Nguyễn)
- Trong trăm trứng Âu Cơ, Anh trứng lép
Mẹ xót thương đã ủ hết lòng
Chung một chất chia đều cho nhân loại
Anh nở ra thành một thi nhân.
Mẹ xót thương đã ủ hết lòng
Chung một chất chia đều cho nhân loại
Anh nở ra thành một thi nhân.
(Gửi Nguyễn Du)
Thế kỷ Nguyễn Du, nói nhà thơ Huy Cận, “Cha ông năm
tháng đè lưng nặng/ Những bạn đương thời của Nguyễn Du” (Các vị la hán
chùa Tây Phương), một “xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động và bế tắc
không tìm được lối ra”. Không biết bao nhiêu những biến thiên lịch sử
đã diễn trong suốt thế kỷ XVIII, XIX. Vì vậy, nỗi đau nhân thế và lòng tin bất
tận vào phẩm giá con người nơi Nguyễn Du luôn như vầng trăng vằng vặc, tỏa sáng
bao kiếp người, bao cảnh đời:
Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên
Cành xuân phải trao tay khi nước mất
Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên...
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên
Cành xuân phải trao tay khi nước mất
Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên...
(Đọc Kiều)
Nguyễn Du từng viết: Của tin gọi một chút này làm
ghi... Nguyễn Du đồng hành cùng dân tộc và đất nước. Chế Lan Viên khi viết
về quá khứ, có cái nhìn riêng, không giống các nhà thơ cùng thời. Nhà thơ vừa
thấy cả những phút bi tráng và những giờ sáng rỡ của dân tộc, thấy Nguyễn
Du viết Kiều đất nước hóa thành văn, nhưng cũng thấy Cả dân tộc đói nghèo
trong rơm rạ/ Văn chiều hồn từng thấm giọt mưa rơi,thấy:
Gió mùa thu xào xạc hoa lau
Anh qua nhà của Nguyễn chẳng dừng lâu
Nhớ đến Nguyễn ngước nhìn Hồng Lĩnh vậy
Bến phà Vinh bom “cắt” hai đầu...
Anh qua nhà của Nguyễn chẳng dừng lâu
Nhớ đến Nguyễn ngước nhìn Hồng Lĩnh vậy
Bến phà Vinh bom “cắt” hai đầu...
(Gửi Kiều năm em đánh Mỹ)
Ta bắt gặp nhiều hình tượng thơ Chế Lan Viên ẩn chứa những
phát hiện đột khởi, bất ngờ, lý thú. Chẳng có Ôn Như Hầu, Nguyễn Du, Yên Đỗ, Tú
Xương, Hoàng Hoa Thám đồng thời với chúng ta, nhưng thiếu các Anh là điều
không thể được - Chính từ nỗi đau xưa mà ta mở cuộc hành trình. Chế Lan
Viên nghĩ về dân tộc mình với những suy tưởng triết lý: “Dân tộc trầm luân
trong sóng Tiền Đường”.
Phải là một tâm sự lớn của một nhà tư tưởng lớn mới nghĩ ra
như Chế Lan Viên.
Nói về đất nước, nhà thơ viết nên những dòng thơ cảm động,
tinh tế, thắm đượm hơi thở dân tộc:
Ta đã yêu Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ, bát ngát câu Kiều, bờ
tre, mái rạ
Mái đình cong cong như bàn tay em gái giữa đêm chèo
Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xẩm xoan, cò lả
Cái đôn hậu nhân tình trong nét chạm chùa Keo...
Mái đình cong cong như bàn tay em gái giữa đêm chèo
Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xẩm xoan, cò lả
Cái đôn hậu nhân tình trong nét chạm chùa Keo...
(Thời sự hè 72 - Bình luận)
Nguyễn Du, Anh là Nguyễn của ngàn lau sắc trắng, nối liền hơi
bề dọc thời gian: quá khứ-hiện tại, dân tộc - thời đại.
Trong bài thơ Nghĩ thêm về Nguyễn, Chế Lan Viên đã viết: Ta
yêu những hịch, những Bình Ngô gọi lòng ra hỏa tuyến/ Nhưng không quên ngọn lau
trắng bên đường Kiều thổi tự xa xưa”.
Hình tượng “hoa lau trắng” như biểu tượng của một Nguyễn Du
trắng đêm với màu tóc bạc, thức cùng bao nỗi buồn nhân thế. Lau là loại thân mềm,
cành ra hoa trắng muốt, phất phơ giữa gió ngàn. Lau sống cuộc đời hữu hạn, chết
đi sau mùa đông hay mùa hạ, ngắn ngủi như kiếp người. Blaise
Pascal (1623-1662), nhà toán học, vật lý và triết gia Cơ Đốc người
Pháp, có nói, “người là cây sậy yếu đuối”.
Hình tượng này, với Chế Lan Viên, là sự hữu hạn của đời người,
là “thời gian nước xiết”:
Man mác hoa lau trắng
Đường về thăm Nguyễn Du
Ngàn lau từ Nguyễn thấy
Bạc xóa đến bây giờ
Đường về thăm Nguyễn Du
Ngàn lau từ Nguyễn thấy
Bạc xóa đến bây giờ
(Hoa lau trắng)
2- Mỗi trang Kiều rung một bóng trăng thanh
Truyện Kiều là tiếng lòng của Nguyễn Du, một Tiếng kêu đứt
ruột “đoạn trường tân thanh” về một cuộc đời, một thân phận ba chìm bảy nổi của
Kiều, song, cũng đồng thời, đó là nỗi thống khổ của bao phận người trong xã hội,
không chỉ: “Đau đớn thay phận đàn bà”. Tiếng kêu thương ấy là niềm
thương cảm lớn của một trái tim:
Ngọn đèn khêu tỏ
Tôi nghiêng xuống bên đèn và lần đọc: “Trăm năm...”
Sông Tiền Đường chăng? Cỏ Đạm Tiên chăng?
Hay cỏ áy bóng tà, tà huy lịch sử?
Tôi nghiêng xuống bên đèn và lần đọc: “Trăm năm...”
Sông Tiền Đường chăng? Cỏ Đạm Tiên chăng?
Hay cỏ áy bóng tà, tà huy lịch sử?
(Thơ bình phương - Đời lập phương)
Truyện Kiều, một kiệt tác văn chương của dân tộc, luôn
là lực hút trong sáng tạo thơ ca của Chế Lan Viên. Nhà thơ cảm nhận đó là vết
thương lòng ta phí máu (Các Anh xưa - Hái theo mùa) nhưng cũng thấy cả hồn
cha ông trong Truyện Kiều, Chinh phụ...
Ta nhớ Tố Như đọc chậm lại KIỀU
Đọc chậm từng vầng trăng, từng nỗi buồn ly biệt
Đọc chậm từng vầng trăng, từng nỗi buồn ly biệt
(Thơ bình phương - Đời lập phương)
Chế Lan Viên có nhiều bài, nêu trực tiếp tên tác phẩm,
như Đọc Kiều, Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ, Kỷ niệm Nguyễn Du, Đọc Kiều (2
và 3), Đọc Kiều một ngày kia, Kỷ niệm Nguyễn Du,...
Với nhiều góc độ, Chế Lan Viên nhận ra, Truyện Kiều, tác phẩm
văn chương đó bằng những triết luận:
- Lệ ta nhỏ trên Kiều ba trăm năm sau
Ích cho Nguyễn ba trăm năm trước
Ông vui thấy ta còn biết khóc
Giữa cuộc đời chưa hết bể dâu.
Ích cho Nguyễn ba trăm năm trước
Ông vui thấy ta còn biết khóc
Giữa cuộc đời chưa hết bể dâu.
(Lệ hồi âm)
- Nghĩ xem giữa bốn bể, muôn trùng, mây bay, nước xiết
Mà ngẫm lại cuộc đời
Quá đỗi phù du...
Mà ngẫm lại cuộc đời
Quá đỗi phù du...
(Kiều)
Chế Lan Viên là người nhận ra sức mạnh của truyền thống, sức
mạnh của nền văn hóa dân tộc, vì thế, có sự đồng điệu giữa xưa và nay:
(Đọc Kiều)
Chế Lan Viên là nhà thơ, với chân cảm và tiên lượng của mình,
nhận ra nhiều chân trời mới của Truyện Kiều, về sau này, lý thuyết tiếp nhận
văn học đã chứng minh:
Một ngày kia Truyện Kiều mới phóng ra hết lượng tử của mình
Những vỉa thơ nhân loại quên đi, và phát hiện ra những hồn thơ ẩn náu
Hồn ta ơi! Hôm nay ngươi thanh bình mà ngày mai giông bão
Trong câu Kiều xưa, ta tìm ra Nguyễn Du mà tìm cả chính mình.
Những vỉa thơ nhân loại quên đi, và phát hiện ra những hồn thơ ẩn náu
Hồn ta ơi! Hôm nay ngươi thanh bình mà ngày mai giông bão
Trong câu Kiều xưa, ta tìm ra Nguyễn Du mà tìm cả chính mình.
(Đọc Kiều, một ngày kia, Di cảo thơ, tập II)
Truyện Kiều được dịch ra nhiều thứ tiếng. Điều ấy, Nguyễn
Du không ngờ. Vầng trăng trong thơ ông đã “Qua các biên thùy ngôn ngữ/ Cỏ
non trong thơ ông/ Ra ngoài thế kỷ vẫn còn xanh/ (Kỷ niệm Nguyễn Du).
Bên đèn, Ta biết ơn Nguyễn Du từng lời, từng chữ
Hiểu mỗi giọt lệ thơ kia chảy tự trái tim nào?
Hiểu mỗi giọt lệ thơ kia chảy tự trái tim nào?
(Thơ bình phương - Đời lập phương)
Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, đọc lại những bài thơ Chế
Lan Viên viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, nói như nhà thơ, “Những kỷ niệm
Nguyễn Du chỉ thỏa lòng ta thôi” (Kỷ niệm Nguyễn Du), để “Cho nghìn năm sau vầng
trăng tiếng Việt mãi còn” (Nghĩ thêm về Nguyễn).
Một đời thơ, với những suy nghiệm sâu xa về Nguyễn Du và
Truyện Kiều, Chế Lan Viên đã gửi vào văn học một tiếng nói đầy suy tư, đậm chất
triết học, lay động lòng người về một thi hào, một kiệt tác của dân tộc.
HUỲNH VĂN HOA
Theo http://baodanang.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét