Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Những cánh chim non ở Tà Xùa

Những cánh chim non ở Tà Xùa
“Bố cháu không còn nữa, tôi không biết chữ nên tôi gửi các cháu đến trường để thầy cô giúp bố mẹ dạy dỗ cháu nên người”.
Ảnh: Thầy trò cùng chặt tre rào trường, đón năm học mới Lớp học giữa đại ngàn Trường Sơn
Lớp mầm non trên căn nhà dột nát, đi mượn
Những áng mây bồng bềnh trôi như dòng sông lững lờ vắt ngang lưng chừng trời ở xã Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) khiến tôi đắm chìm trong cảnh sắc của núi rừng Tây Bắc đầy huyền bí và thơ mộng. 
Tôi say sưa trong miên man để xem đi, xem lại những bức hình trên mạng Internet về những cảnh sắc nơi này.
Rồi, lần tìm từ khóa về địa danh bản Làng Sáng của xã Tà Xùa, tôi chợt lặng lòng khi xem một phóng sự được đài truyền hình VTV7 thực hiện. 
Trong phóng sự này đã phản ánh lại con đường đến trường của trẻ em bản Làng Sáng - một quãng đường gian nan, hiểm nguy kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. 
Vậy mà, trên môi các em nhỏ luôn hiện hữu nụ cười và ánh mắt luôn chứa chan hy vọng.
Con đường đến trường của trẻ em bản Làng Sáng. 
(Ảnh chụp màn hình: từ phóng sự của kênh VTV7).
Song, với những người làm nghề dạy học như chúng tôi thì câu chuyện của các em là một câu chuyện không hề cũ, câu chuyện rất đời bởi ở các em là một nghị lực sống phi thường đang chắp nối câu chuyện giữa hiện tại và tương lai. Mặc dù, phóng sự đã thực hiện cách nay cũng đã khá lâu và được đăng trên YouTube từ năm 2016. 
Vì thế mà con đường rừng 28 km đến trường với quãng thời gian 5h35 phút đi bộ qua những lối mòn ngoằn ngoèo, quanh co, khúc khuỷu như mê cung cùng biết bao hiểm họa rình rập nhưng tất cả không cản được những bước chân của các em. 
Bởi phía trước các em là chân trời hi vọng, là được đến trường để được gặp thầy cô và bè bạn trong hành trình đi tìm con chữ…
Người xem sẽ bị cuốn hút và ám ảnh thực sự trước các nhân vật trung tâm của phóng sự này là chị em bé Hằng. 
Nhà nghèo vắng bóng người cha, đông anh em mà mẹ của bé lại bị bệnh. Vì thế, các em rõ hơn ai hết là nếu mình đi học thì “mẹ sẽ vất vả nhiều hơn”. 
Những lo lắng hay cả những cảm xúc trong cái đêm chuẩn bị xa mẹ để đến trường vang vang tiếng khóc hờ của hai chị em khiến người xem cũng phải nao lòng trước gia cảnh của các em.
Lưng chừng núi, trẻ đến lớp trong co ro giá lạnh
Người mẹ chỉ là những lát cắt nhỏ trong phóng sự và xuất hiện bên bếp lửa chập chờn trong đêm vắng, lúc lên nương hay lúc chào con đến trường đều cho thấy một nét đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng.Người mẹ người Mông trong phóng sự chỉ được xuất hiện một vài thời điểm ở những phút đầu trong phóng sự là hình ảnh của người phụ nữ tảo tần, lam lũ và chất phác đậm chất miền núi.
Dù người mẹ ấy không biết chữ, đói nghèo, bệnh tật nhưng vẫn mong muốn và quyết tâm cho con đến trường bởi: 
“Bố cháu không còn nữa, tôi không biết chữ nên tôi gửi các cháu đến trường để thầy cô giúp bố mẹ dạy dỗ cháu nên người”.
Ước mong của người mẹ dù ở miền xuôi hay miền ngược, dù ở thời nào cũng vậy, có thể nén từng cơn đau bệnh tật, có thể chấp nhận ăn đói, mặc rét nhưng luôn khát khao cho con mình được đến trường để học tập nên người. 
Đây là những nét đẹp tạo nên những giá trị vững bền trong việc giáo dục con cái trong mỗi gia đình của người Việt.
Có lẽ, trong suy nghĩ non nớt của những nhân vật nhí của phóng sự này không có gì hơn là niềm vui được đến trường. Tâm hồn các em trong sáng và hồn nhiên quá. 
Song, trong suy nghĩ và hành động của các em đã thể hiện đầy trách nhiệm: “Nhưng mẹ bảo không học là không hết khổ được”. 
Vì thế, hình ảnh những đứa trẻ í ới gọi nhau để đến trường trở nên thân thương đến lạ.
Cái khó khăn, cái đói nghèo hay cả hình ảnh người mẹ của bé Hằng, bé Sua đang bị bệnh phải chăng là động lực để các em quyết tâm hơn.
Sống ở thời hiện đại, những người miền xuôi chúng ta đã xa lâu rồi cái chày, cái cối giã gạo, đã xa lâu rồi cái chuyện xay - giã - giần - sàng để làm ra những hạt gạo trắng.
Vậy mà…bé Hằng, bé Sua vẫn nhịp nhàng giã gạo, rồi giần - sàng từng mẻ gạo để chuẩn bị mang đến trường.
Hằng và Sua nhịp nhàng giã gạo, rồi giần - sàng từng mẻ gạo. 
(Ảnh chụp màn hình: từ phóng sự của kênh VTV7). 
Nhưng, qua đó cũng cho ta thấy được hình ảnh giản dị, tảo tần, chịu thương chịu khó của những người dân, của các em nhỏ vùng cao đẹp biết nhường nào.Hình ảnh hai chị em gái 13 và 11 tuổi cho ta nhớ về những ngày của 3-4 chục năm về trước…Và, cho đến hôm nay hình ảnh những cái nhún chân nhịp nhàng của các em theo từng nhịp chày gợi lại cho ta rất nhiều điều xưa cũ. 
Quãng đường dài mấy chục cây số (đi hết hơn 5 tiếng đồng hồ) với biết bao nhiêu khó khăn và thử thách.
Trên vai các em có thể là vài lon gạo, vài mớ rau cùng những quyển sách vở làm hành trang đến trường. Những nắm cơm trắng ăn cùng với măng, thậm chí là ăn cơm không nhưng các em vẫn ăn ngon lành bên vệ đường sau những phút giây nghỉ ngơi. 
Rồi, từng chiếc lá hay bịch ni lông hứng nước uống từ những khe núi ven đường mới cảm thấy nghị lực của các em thật phi thường. 
Và, cũng cảm thương cho các em còn nghèo túng và khó khăn quá. 
Phải chăng, chính sức sống tiềm tàng được nuôi dưỡng trong nét đẹp của văn hóa người Mông đã tiếp thêm cho các em một luồng sinh lực để giúp các em đi trên con đường gập ghềnh, chông chênh nhưng chứa chan hi vọng ở phía trước.
Bất chợt, tôi nhớ đến những vần thơ của Y Phương khi nói về “người đồng mình” trong bài thơ Nói với con: 
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/Sống trong thung, không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc…”. 
Chính những phẩm chất văn hóa truyền thống cao quý đó của người vùng cao đã khắc, đã in sâu vào suy nghĩ, vào nghị lực phấn đấu cho mọi thế hệ con người.
Họ luôn ý thức được trách nhiệm với gia đình, quê hương mà thể hiện ý chí, niềm tin của mình trước cộng đồng. Và, đó chính là những nét đẹp cho quê hương, xứ sở.
Những ngày này, khi mà năm học mới vừa bắt đầu, hàng triệu học sinh đang tung bước đến trường trong niềm vui của năm học mới. 
Phần lớn những học sinh ở miền xuôi được cha mẹ chăm sóc, đón đưa, lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ. 
Chùm ảnh: Học sinh miền núi học trong ánh sáng tù mù
Vậy nhưng, những trẻ em Làng Sáng nơi bản làng xa xôi, đến trường phải đi bộ hơn 5 tiếng đồng hồ, phải ở những những túp lều tạm… đã vượt qua nghịch cảnh của mình để tự chủ động đi tìm con chữ, đi tìm tương lai.Những con đường đến trường chỉ hết vài phút xe máy vậy mà vẫn có nhiều em chưa chú tâm, chủ động học hành, vẫn còn rất nhiều em ngại đến trường.
Là một giáo viên dạy Văn nên tôi đã đọc đã tiếp cận với nhiều nhân vật cả trong trang sách và ngoài đời thực.
Nhưng có lẽ, chưa bao giờ tôi xúc động nhiều như khi xem phóng sự đến trường của trẻ em bản Làng Sáng.
Khi xem phóng sự này lòng tôi cảm thấy rưng rưng, chùng xuống trước những khó khăn vất vả của các em học trò nhỏ ở đây. 
Nhưng, ẩn sâu trong khuôn mặt các em là ánh mắt sáng trong veo, vụ cười thánh thiện đến vô cùng. 
Hình ảnh những đứa trẻ vui cười, chạy nhảy đến trường cùng với những chú chim non được các em mang theo đã tạo cho ta nhiều liên tưởng. 
Phía trước các em có thể còn nhiều khó khăn, còn nhiều chông chênh lắm. Nhưng, ta tin ánh sáng của tri thức đã thực sự soi tỏa trước mắt các em. 
Bởi các em luôn khát khao đến trường, các em như những chú chim non vừa rời tổ ấm để bay ra trước bầu bầu trời cao rộng.
Tôi tin và cảm phục các em trên mỗi bước đến trường và nghĩ nhiều đến những đồng nghiệp của mình đang công tác ở nơi như Tà Xùa và bao nhiêu những vùng khó khăn khác nữa. 
Chính các thầy cô, chính các em học sinh ở những vùng khó khăn đang kế thừa và phát huy nét đẹp của người thầy và truyền thống hiếu học của người Việt từ xưa đến nay.
Khánh Văn
 Theo http://giaoduc.net.vn/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...